Các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận quyền được trợ giúp

Một phần của tài liệu Vai trò trợ giúp pháp lý đối với việc thúc đẩy tiếp cận và bảo đảm quyền của nhóm người yếu thế trong xã hội (Trang 86)

pháp lý của nhóm người yếu thế

Nhóm người yếu thế là đối tượng hưởng lợi chính của hoạt động trợ giúp pháp lý, vì vậy, một trong những điều kiện tiên quyết giúp hoạt động này đạt được hiệu quả là người yếu thế phải tiếp cận được quyền được trợ giúp pháp lý của mình. Để nâng cao khả năng tiếp cận quyền được trợ giúp pháp lý của nhóm người yếu thế có các biện pháp hỗ trợ dưới đây:

3.2.1.1. Quy định mở rộng đối tượng thuộc nhóm người yếu thế được trợ giúp pháp lý

Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 quy định có 6 đối tượng được trợ giúp pháp lý gồm: người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn quốc tế và thực tiễn thực thi pháp luật cho thấy, ngoài các đối tượng trên còn có những nhóm yếu thế khác trong xã hội cũng cần được trợ giúp pháp lý như người không quốc tịch, LGBT, người lao động di trú… đặc biệt là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự - đối tượng chính yếu của trợ giúp pháp lý từ khi ra đời và trong luật nhân quyền quốc tế. Điều này cho thấy, quy định trên tương đối hẹp, chưa phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế cũng như nhu cầu trợ giúp pháp lý và nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng với tất cả các nhóm yếu thế trong xã hội của trợ giúp pháp lý.

Ngoài ra, khi xem xét từng đối tượng trong luật cũng cho thấy những hạn chế trên. Cụ thể là, mặc dù, quy định trẻ em là một trong những nhóm yếu thế được trợ giúp pháp lý, song luật giới hạn chỉ cung cấp quyền này cho một số trẻ em như trẻ em khuyết tật, trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em là người dân tộc thiểu số… thay vì tất cả trẻ em đều được hưởng thụ quyền được trợ giúp pháp lý. Trong lịch sử phát triển nhân loại nói chung, quyền con người và trợ giúp pháp lý nói riêng, với đặc thù non nớt, chưa phát triển hoàn thiện về thể chất, tinh thần mọi trẻ em đều cần có sự quan

81

tâm đặc biệt mà không có bất cứ sự phân biệt nào. Điều này không chỉ giúp các em bảo vệ được quyền pháp lý của mình mà còn tạo niềm tin của trẻ vào pháp luật, giáo dục trẻ em tuân thủ pháp luật, trở thành những người công dân gương mẫu.

Việc mở rộng quy định có thể được thực theo lộ trình để phù hợp với quy mô của hệ thống trợ giúp pháp lý quốc gia. Trước mắt, cần rà soát các đối tượng bị bỏ sót, đánh giá mức độ cần thiết và nhu cầu trợ giúp pháp lý của họ. Việc này có thể thực hiện thông qua các cuộc đối thoại với đại diện các nhóm yếu thế cũng như với các cơ quan, tổ chức xã hội hoạt động liên quan đến bảo vệ quyền con người của các nhóm yếu thế này. Tuy nhiên, với những đối tượng đặc biệt như người bị tước tự do, bị can, bị cáo trong vụ án hình sự, trẻ em, nạn nhân của bạo lực gia đình, lao động di cư cần được xem xét ưu tiên công nhận quyền được trợ giúp pháp lý bởi tính cấp thiết và nghiêm trọng của vụ việc đối với an ninh cá nhân và sự phát triển của xã hội.

3.2.1.2. Triển khai có trọng tâm, đúng mục đích các chương trình tuyên truyền, phổ biến quyền được trợ giúp pháp lý trong cộng đồng, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo

Việc tuyên truyền, phổ biến quyền được trợ giúp pháp lý có thể kết hợp thực hiện trong các buổi phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như thông qua các phương tiện truyền thông quốc gia, địa phương, báo chí, hoặc tại buổi giao lưu, trao đổi pháp luật của các Câu lạc bộ. Việc truyền thông nhằm giúp người yếu thế tiếp cận với trợ giúp pháp lý bởi chỉ khi họ biết và nhận thức đúng đắn về tính chất, mục đích của quyền được trợ giúp pháp lý thì mới có thể tiến tới sử dụng quyền này. Đặc biệt, các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo là những nơi có trình độ dân trí thấp hơn, điều kiện kinh tế, xã hội và cơ sở hạ tầng còn hạn chế thì truyền thông lại càng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, để tránh lãng phí về nguồn nhân lực và vật chất mà vẫn đạt được hiệu quả truyền thông cao nhất, việc thông tin, tuyên truyền phải được thực hiện thống nhất dưới sự giám sát và điều phối của Cục trợ giúp pháp lý, cung cấp thêm đường dây nóng giải đáp các thắc mắc liên quan đến trợ giúp pháp lý như điều kiện, thủ tục để được trợ giúp pháp lý, thời gian và các phương thức trợ giúp pháp lý.... Điều này góp phần giúp người

82

dân tiết kiệm thời gian khi tìm đến các cơ sở trợ giúp pháp lý và tin tưởng vào các dịch vụ pháp lý mà trợ giúp pháp lý cung cấp.

3.2.1.3. Rà soát, đánh giá, khắc phục, loại bỏ các rào cản cản trở sự tiếp cận và thực hiện quyền của nhóm người yếu thế

Ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, khoảng cách địa lý, thủ tục… có thể trở thành những rào cản khiến cho người yếu thế không thể tiếp cận với quyền của mình. Do đó, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc vận hành hệ thống trợ giúp pháp lý phải nghiêm túc rà soát, đánh giá các rào cản khiến người yếu thế không thể hoặc bị gặp khó khăn trong việc thụ hưởng quyền được trợ giúp pháp lý từ đó đề ra giải pháp khắc phục, loại bỏ những rào cản đó. Hoạt động này có thể được thực hiện bằng việc trực tiếp tìm hiểu với các thành viên của nhóm yếu thế hoặc thông qua gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với cơ quan, tổ chức đại diện cho quyền lợi của các nhóm này cùng nhau đưa ra các phương án giải quyết.

Thực tế cho thấy mỗi nhóm yếu thế có những đặc thù riêng, do đó, họ gặp những khó khăn khác nhau trong việc tiếp cận với hệ thống trợ giúp pháp lý. Vì vậy, những người có trách nhiệm trong việc duy trì và phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý không chỉ cần có kinh nghiệm nghề nghiệp mà còn phải có kỹ năng quan sát, làm việc với nhóm người yếu thế để phát hiện và hỗ trợ họ vượt qua các rào cản đó. Chẳng hạn, nếu xung đột về ngôn ngữ xảy ra thì cần phải có phiên dịch viên hoặc cách làm việc với người khuyết tật ở các dạng khuyết tật khác nhau là khác nhau… Vì vậy, không những cần tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và những buổi trao đổi, chia sẻ từ phía nhóm người yếu thế về tâm lý, nguyện vọng và những khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình tiếp cận, thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý.

3.2.1.4. Sử dụng công nghệ thông tin để kết nối với các nhóm yếu thế có nhu cầu được trợ giúp pháp lý và phục vụ thực hiện trợ giúp pháp lý hiệu quả hơn

Trong xã hội hiện đại, công nghệ thông tin ngày càng trở nên quan trọng với vai trò kết nối các thành viên trong cộng đồng xã hội. Hòa nhập vào xu thế đó, hệ thống trợ giúp pháp lý cần được cải thiện và đầu tư phát triển về công nghệ nhằm

83

giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ pháp lý miễn phí, tiết kiệm thời gian và vật chất cũng như giúp quá trình trợ giúp pháp lý được diễn ra thuận lợi hơn.

Hiện nay, trên Webside chính thức của Cục trợ giúp pháp lý chỉ mới công khai các Trung tâm và chi nhánh trợ giúp pháp lý nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, nhiều địa phương không có chỉ dẫn cụ thể về địa chỉ, điện thoại, email kết nối với Trung tâm. Chưa kể, webside cũng thiếu thông tin về những tổ chức trợ giúp pháp lý ngoài nhà nước bao gồm các văn phòng luật sư và tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý. Dẫn đến khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý, người dân gặp nhiều khó khăn để tìm đến các trung tâm, tổ chức này. Vì vậy, Cục trợ giúp pháp lý nên là cầu nối giữa người dân với các cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý, xây dựng mạng lưới thông tin, hướng dẫn chính thức, cụ thể về địa điểm và thủ tục trợ giúp pháp lý để người dân giảm bớt thời gian trong việc tìm kiếm. Mạng lưới này phải bao gồm cả các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý

Một số hoạt động của trợ giúp pháp lý có thể được thực hiện thông qua Internet như tư vấn pháp luật, trao đổi tài liệu, văn bản giữa người thực hiện trợ giúp pháp lý với người được trợ giúp pháp lý... Để quản lý hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý cũng như giúp người yếu thế tiết kiệm thời gian, công sức, vật chất, mỗi tổ chức trợ giúp pháp lý có thể đưa ra các giải pháp công nghệ như tư vấn pháp luật qua thư điện tử, tạo tài khoản cho khách hàng trên webside để cập nhật tài liệu, hồ sơ liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý… Cần lưu ý rằng, các giao dịch trên Internet phải được hoàn toàn bảo mật nhằm đảm bảo nguyên tắc bí mật trong nghiệp vụ và vụ việc được giải quyết khách quan, đúng đắn.

Một phần của tài liệu Vai trò trợ giúp pháp lý đối với việc thúc đẩy tiếp cận và bảo đảm quyền của nhóm người yếu thế trong xã hội (Trang 86)