“Vulnerable groups” là khái niệm được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực quyền con người. Theo từ điển Anh ngữ, “vulnerable được dịch là có thể bị tổn
thương, dễ bị nguy hiểm, yếu thế…” [16, tr.2276]. Nó ám chỉ tới một người cần
được quan tâm, hỗ trợ và bảo vệ đặc biệt bởi do tuổi tác, khuyết tật, có nguy cơ bị lạm dụng hoặc bị bỏ quên… Nhóm dễ bị tổn thương và nhóm yếu thế là hai cụm từ thông dụng nhất khi dịch sang tiếng Việt. Mặc dù, khái niệm “nhóm người dễ bị tổn thương” có thể gần gũi hơn song luận văn này sử dụng khái niệm “nhóm người yếu thế” nhằm nhấn mạnh vị thế yếu, thiệt thòi hơn của nhóm này so với các nhóm khác trong xã hội.
Dựa trên các đặc điểm yếu thế thấy rằng tính yếu thế có thể được sinh ra do tự nhiên hoặc chính cấu trúc xã hội dẫn tới một người có tính yếu thế còn người kia thì không.
- Tính yếu thế do tự nhiên: Là việc người đó được xếp vào nhóm yếu thế do
các đặc điểm về giới, sinh lý, xu hướng tình dục, tuổi tác, chủng tộc và các yếu tố khác không bị quyết định bởi tác động bên ngoài.
- Tính yếu thế bị quyết định bởi cấu trúc xã hội: Là việc người đó được xếp
vào nhóm yếu thế do các đặc điểm về quốc tịch, địa vị xã hội và các yếu tố khác bị quyết định bởi tác động bên ngoài.
Như vậy, gắn liền với một cá nhân, tính yếu thế không phải là bất biến, có thể thay đổi theo thời gian một cách tự nhiên (trẻ em lớn lên thành người trưởng thành) hoặc do sự cố gắng, nỗ lực bù đắp từ bên thứ 3 (chẳng hạn: một người không quốc tịch được một quốc gia công nhận là công dân và chấp nhận tư cách công dân của mình). Do đó, một người có thể trong thời điểm này thuộc nhóm yếu thế nhưng
36
sang một thời điểm khác thì không còn thuộc nhóm người yếu thế nữa. Ngoài ra, một người có thể vừa mang tính yếu thế tự nhiên và tính yếu thế do cấu trúc xã hội (Chẳng hạn trẻ em khuyết tật, trẻ em không quốc tịch, phụ nữ là người lao động di cư, người khuyết tật là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự…).
Việc xác định một nhóm hoặc một người có tính yếu thế hay không được dựa trên các tiêu chí khác nhau tùy theo cách tiếp cận của mỗi chuyên gia và tùy theo từng lĩnh vực. Dưới góc độ luật học, tính yếu thế của nhóm người yếu thế được xem xét theo mức độ mà tự bản thân người đó có thể tham gia vào các hoạt động pháp lý và quá trình thực thi pháp luật. Do đó, tính yếu thế được xác định dựa trên một trong các yếu tố sau:
- Khả năng tiếp cận pháp luật: Là mức độ mà cá nhân tự mình hiểu biết, nhận
thức được về các quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.
- Khả năng thực hiện (sử dụng) các quyền pháp lý: Là mức độ mà cá nhân tự
mình sử dụng các quyền pháp lý mà pháp luật cho phép. Khi thực hiện pháp luật, cá nhân phải vượt qua các rào cản như thủ tục hành chính, xây dựng mối quan hệ, thỏa hiệp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác…
- Khả năng bảo vệ các quyền pháp lý: Là mức độ mà khi có vi phạm xảy ra
cá nhân tự mình yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, điều tra, giải quyết hoặc đòi bồi thường từ bên vi phạm.
Cá nhân thuộc nhóm người yếu thế sẽ bị hạn chế ở một hoặc cả ba yếu tố trên do các rào cản về ngôn ngữ, khoảng cách địa lý, mức độ hòa nhập vào đời sống xã hội, sự thừa nhận, đánh giá của xã hội với họ… (Chẳng hạn: Người không quốc tịch, người tị nạn không biết nói tiếng bản địa; người dân tộc thiểu số cư trú ở khu vực núi cao hiểm trở; người sống chung với HIV lo lắng về sự kỳ thị của xã hội). Điều đó dẫn đến một trong các hệ quả sau:
- Bị bỏ quên: Sự bỏ quên này có thể mang lỗi cố ý hoặc vô ý. Chẳng hạn do
nhóm sinh sống ở khu vực địa lý khó tiếp cận, chưa được biết đến, vì vậy, các quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm vô tình không được đáp ứng. Đối với trường hợp cố ý, dùng từ “phớt lờ” sẽ hợp lý hơn. Sự phớt lờ thường xảy ra khi sự hiện
37
diện của nhóm mờ nhạt, không có tiếng nói trong cộng đồng hoặc yêu cầu của nhóm đụng chạm đến lợi ích của một nhóm khác có vị thế mạnh hơn.
- Nguy cơ cao bị vi phạm hoặc thường xuyên bị vi phạm các quyền con người:
Sự vi phạm có thể đến từ nhà nước hoặc bên có nghĩa vụ, bên thứ ba được thể hiện dưới hình thức chủ động hoặc bị động. Hình thức vi phạm chủ động là việc chủ thể khác tác động xấu hoặc ngăn cản tới sự thụ hưởng quyền của các nhóm yếu thế; thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết hoặc trách nhiệm đương nhiên. Hình thức vi phạm bị động là việc chủ thể khác không thực hiện nghĩa vụ với nhóm người yếu thế hoặc không tạo ra các thiết chế bảo đảm việc thụ hưởng quyền. Như luật nhân quyền quốc tế đã chỉ ra, phần lớn nhà nước là thủ phạm chính gây ra các vi phạm về quyền con người nói chung và quyền con người của nhóm người yếu thế nói riêng.
- Không được bồi thường thiệt hại: Việc không được bồi thường thiệt hại có
thể xuất phát từ một trong các nguyên nhân sau hoặc người yếu thế không biết áp dụng các thủ tục để đòi bồi thường thiệt hại, hoặc họ biết các thủ tục để đòi bồi thường song không đủ khả năng để chứng minh với cơ quan xét xử về sự hợp pháp, hợp lý của đòi hỏi đó.
Như vậy, có thể thấy, người yếu thế có “vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế
thấp hơn” [18, tr.23]. Từ đó, tính yếu thế khiến cho nhóm người yếu thế thiệt thòi,
khó khăn hơn các nhóm khác trong việc tiếp cận, thực hiện và bảo vệ các quyền pháp lý của mình. Vậy nên, họ cần có sự quan tâm đặc biệt của nhà nước và xã hội nhằm không chỉ giúp họ vượt qua rào cản mà còn đảm bảo sự phát triển của xã hội.
Có thể còn những ý kiến khác nhau nhưng quan niệm về nhóm người yếu thế được thừa nhận rộng rãi với cách hiểu như sau: Nhóm người yếu thế là những người có vị thế chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn do sức khỏe, giới tính, xu hướng tình dục, nguồn gốc, dân tộc và các yếu tốc khác nên không có khả năng hoặc bị hạn chế về khả năng tiếp cận, thực hiện và bảo vệ các quyền con người của mình, vì vậy, có nguy cơ cao bị phớt lờ, bị bỏ quên hoặc bị vi phạm các quyền con người đó, bởi thế cần có sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt từ nhà nước và xã hội.
38