Vị trí của trợ giúp pháp lý trong hệ thống các quyền con người

Một phần của tài liệu Vai trò trợ giúp pháp lý đối với việc thúc đẩy tiếp cận và bảo đảm quyền của nhóm người yếu thế trong xã hội (Trang 38)

Trong luật nhân quyền quốc tế, trợ giúp pháp lý có vai trò là biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận công lý và quyền công bằng trước pháp luật cho mọi thành viên nhân loại mà nội hàm của nó là quyền tiếp cận tư pháp, quyền bào chữa và quyền được xét xử công bằng.

33

Quyền tiếp cận công lý còn được gọi là quyền tiếp cận tư pháp, quyền tiếp cận pháp luật là tiền đề để bảo đảm một loạt quyền cụ thể, như quyền bình đẳng trước pháp luật (hoặc được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng), quyền được xét xử công bằng… Có thể thấy, bản thân từ “công lý” đã mang hàm nghĩa rộng lớn. Ra đời từ thời Hy lạp cổ đại, mỗi một thời kỳ khác nhau lại có những tư tưởng khác nhau về khái niệm này. Theo nghĩa hẹp, công lý là việc bồi thường cho những tổn thất, thiệt hại. Theo nghĩa rộng, công lý bắt nguồn từ trật tự xã hội, việc đối xử bình đẳng giữa những người có điều kiện, hoàn cảnh tương tự nhau và là yêu cầu bắt buộc để trao cho con người những quyền mà họ xứng đáng được thụ hưởng.

Đối với khái niệm quyền tiếp cận công lý, hiện nay, có rất nhiều cách hiểu khác nhau. Ở phạm vi hẹp, tiếp cận công lý hướng tới sự công bằng, khách quan trong lĩnh vực tố tụng hình sự, bao gồm các thủ tục, biện pháp pháp lý, chẳng hạn quy định một người bị kết tội phải được xét xử bởi một tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và thành lập theo đúng pháp luật hoặc quy định phiên tòa phải được tổ chức công khai cho truyền thông và công chúng có thể tiếp cận (trừ những trường hợp đặc biệt)… Ở phạm vi rộng hơn, “tiếp cận công lý được hiểu là sự tìm kiếm đền bù hoặc khắc phục cho những bất công hay thiệt hại mà cá nhân phải

gánh chịu, đặc biệt là nhóm người yếu thế” [5, tr.188].

Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, ngay tại những dòng đầu tiên của lời mở đầu khái niệm công lý đã được nhắc tới, gắn liền với với việc thừa nhận phẩm giá vốn có, những quyền bình đẳng của mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại cũng như có vị trí ngang bằng với tự do và hòa bình. Như vậy, khái niệm công lý ở đây được hiểu theo nghĩa rộng nhất và tương tự thế, khái niệm quyền tiếp cận công lý không đơn thuần là sự bảo đảm các quyền con người trong lĩnh vực tố tụng hình sự mà còn trong những lĩnh vực khác, bao gồm những hành vi pháp lý khác. Người có quyền hiểu biết và có khả năng theo đuổi, đòi hỏi, áp dụng các quyền con người của mình là một trong những điều kiện để công lý được thực thi. Vì vậy, nếu người có quyền không biết/hiểu hoặc hạn chế về khả năng hoặc thậm chí không có khả năng đòi hỏi, áp dụng các quyền con người thì nhà nước

34

phải đề ra các giải pháp để khắc phục tình trạng trên, bảo đảm rằng bất cứ ai trong mọi trường hợp đều có thể tiếp cận với công lý.

Trong luật nhân quyền quốc tế, trợ giúp pháp lý là một trong những biện pháp bảo đảm cho quyền tiếp cận công lý, tuy nhiên, nó chỉ được đề cập trong hoạt động tố tụng hình sự, gắn liền với quyền bình đẳng trước tòa án và quyền được xét xử công bằng (các quyền phái sinh của quyền tiếp cận công lý). Ngay khi một người bị cáo buộc là phạm tội hình sự thì họ phải được thông báo về quyền được trợ giúp pháp lý, việc trợ giúp pháp lý miễn phí hay thu phí phần lớn phụ thuộc vào khả năng chi trả của người này. Một số trường hợp nhất định nhà nước là bên có nghĩa vụ cung cấp thay vì mang tính khuyến khích. Việc trợ giúp pháp lý cho người bị tước tự do nhằm giúp tất cả mọi người trong mọi trường hợp đều có thể tiếp cận, thực hiện các thủ tục tố tụng cũng như các quyền con người của mình, đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm mọi người luôn được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Trước hết, người thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ giải thích cho người bị can, bị cáo hiểu rõ về các quyền pháp lý của mình trong tố tụng hình sự để họ tự lựa chọn áp dụng hay không các quyền này. Nếu có yêu cầu xa hơn, người thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ trợ giúp với tư cách đại diện hoàn thành các thủ tục tố tụng hoặc bào chữa tại phiên tòa cho người có quyền được trợ giúp pháp lý như một luật sư thực thụ. Điều này rất quan trọng, đặc biệt là trong tố tụng tranh tụng, ảnh hưởng tới phán quyết của tòa án, bảo đảm xét xử diễn ra công bằng trong cuộc đấu trí giữa một bên là đại diện nhà nước (Kiểm sát viên, Công tố viên) và một bên yếu thế hơn là người bị buộc tội. Rõ ràng, sự hiểu biết, nhận thức đến áp dụng các quyền con người của bị can, bị cáo và các hoạt động đại diện, bào chữa, tranh luận tại phiên tòa đều là những yếu tố trực tiếp quyết định tới sự công bằng trong xét xử, giảm thiểu tối đa đến mức có thể sự tùy tiện của các cơ quan tiến hành tố tụng, oan sai và vi phạm các nhân quyền. Do đó, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của trợ giúp pháp lý như là một biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận công lý của mọi chủ thể trong xã hội, đặc biệt là nhóm người yếu thế.

35

Một phần của tài liệu Vai trò trợ giúp pháp lý đối với việc thúc đẩy tiếp cận và bảo đảm quyền của nhóm người yếu thế trong xã hội (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)