Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thanh tra

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động thanh tra ngành thông tin và truyền thông (Trang 83)

Không thể nói hoạt động thanh tra có hiệu quả cao nếu như đội ngũ công chức thanh tra có trình độ thấp về lý luận chính trị, yếu về chuyên môn nghiệp vụ, kém về phẩm chất đạo đức và không yêu nghề. Vì vậy việc đổi mới và tổ chức hoạt động thanh tra ngành TT&TT không thể tách rời với công tác cán bộ và không thể đạt được kết quả như mong muốn nếu không

xây dựng được đội ngũ công chức thanh tra chuyên nghiệp, hiện đại. Việc đổi mới công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng cũng như chuyên nghiệp hóa đội ngũ thanh tra TT&TT vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp quan trọng.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thanh tra đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị của các tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan thanh tra TT&TT và sự tham gia của toàn thể đội ngũ công chức thanh tra từ việc xây dựng thể chế về phát triển đội ngũ công chức thanh tra cho đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, giáo dục lý tưởng, niềm tin và ý thức trách nhiệm cho cán bộ thanh tra với những giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, nâng cao trình độ lý luận, nhận thức cho đội ngũ công chức thanh tra TT&TT. Đây là một trong những vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi và dành sự quan tâm của mình đối với cán bộ, đảng viên nói chung là vấn đề lý luận, học tập lý luận, bởi vì "đã lựa chọn dùng cán bộ cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như một mắt sáng một mắt mù" [36, tr. 276]. Đối với cán bộ thanh tra, biết lý luận không phải chỉ có biết lý thuyết mà phải biết vận dụng vào thực tiễn công tác thanh tra, không chỉ ở nhận thức mà còn biểu hiện ở tác phong công tác, có phương pháp làm việc khoa học, có lý luận, đặc biệt phải tránh hiện tượng kém lý luận, khinh lý luận, lý luận suông. Trong mọi giai đoạn phát triển cần coi việc học tập, nghiên cứu lý luận là một nhiệm vụ quan trọng của tất cả cán bộ thanh tra TT&TT. Người cán bộ thanh tra không có lý luận hoặc trình độ lý luận thấp thì không những không thể phát huy đầy đủ năng lực của mình mà còn có thể mắc sai lầm trong hoạt động thực tiễn, thậm chí dẫn đến hậu quả nguy hại cho hoạt động của cả ngành. Nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ công chức thanh tra TT&TT bao gồm cả nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước và đặc biệt hơn nữa là những vấn đề lý luận của ngành thanh tra. Trong đó, lý luận về công tác thanh tra thực chất bắt nguồn từ thực tiễn, từ

những tổng kết thực tiễn của ngành thanh tra TT&TT, phản ánh trung thực và sinh động hoạt động của thực tiễn. Là điều kiện quan trọng đầu tiên để có thể làm cho mỗi cán bộ thanh tra hiểu hơn về ngành và từ đó yêu ngành, yêu nghề, hết mình phục vụ ngành TT&TT. Để nâng cao lý luận về ngành TT&TT cần thường xuyên tổng kết thực tiễn những bất cập trong quá trình hoạt động thanh tra. Hiện nay nhiều vấn đề lý luận về ngành thanh tra TT&TT còn chưa được làm rõ, do đó, thực tiễn hoạt động thanh tra ngành TT&TT gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, dẫn đến hiệu quả công tác thanh tra không cao.

Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cập nhật kiến thức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thanh tra.

Ngành TT&TT là một ngành có trình độ khoa học công nghệ và kỹ thuật cao, có tốc độ phát triển nhanh và mạnh. Để thực hiện thanh, kiểm tra đạt được hiệu quả cao, đáp ứng được với yêu cầu đặt ra của quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc ngành TT&TT thì Thanh tra TT&TT phải không ngừng tiến hành đào tạo bồi dưỡng cán bộ thanh tra để nâng cao trình độ chuyên môn, cụ thể cần tập trung vào những nhiệm vụ cơ bản sau:

+ Công tác đào tạo bồi dưỡng của Thanh tra ngành TT&TT cần được xây dựng thành kế hoạch đào tạo trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tạo nguồn cán bộ phong phú, đa dạng về độ tuổi, giới tính, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh giáo trình đào tạo cơ bản về nâng cao nghiệp vụ thanh tra của Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Bộ TT&TT cần nghiên cứu, biên soạn tài liệu bồi dưỡng sâu về nghiệp vụ thanh tra theo từng lĩnh vực BCVT, TSVTĐ, báo chí, xuất bản; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng..v.v. Thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn thanh tra chuyên ngành TT&TT cho thanh tra các Sở nhằm phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật đã được thay thế, sửa đổi bổ sung.

+ Thanh tra Bộ TT&TT cần thường xuyên tổ chức hội thảo, trao đổi nghiệp vụ, phổ biến phương pháp, cách thức xử lý các vụ việc có tính thời sự.

Giải đáp những khó khăn vướng mắc trong quá trình thanh tra của Thanh tra Sở TT&TT. Trước khi thực hiện các cuộc thanh tra đột xuất theo chuyên đề hoặc thanh tra diện rộng cần tổ chức tập huấn kỹ và sâu hơn về nghiệp vụ để triển khai cuộc thanh tra đạt kết quả cao.

+ Cùng với công tác đào tạo bồi dưỡng, việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra còn được thực hiện trực tiếp qua các cuộc thanh tra. Để làm tốt công tác thanh tra, việc quan trọng hàng đầu là mỗi cán bộ thanh tra (thanh tra viên, trưởng đoàn thanh tra) phải nắm vững pháp luật liên quan đến cuộc thanh tra. Công tác thanh tra là việc kiểm tra xem xét và đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức. Điều đó đồng nghĩa với việc muốn kiểm tra việc chấp hành của đối tượng thanh tra thì trước hết các thanh tra viên phải thật sự nắm vững luật và các quy định liên quan đến mục tiêu, nhiệm vụ và nghĩa vụ chấp hành các quy định của pháp luật đối với tổ chức và cá nhân. Để làm được điều này, trước khi tiến hành các cuộc thanh tra, người ra quyết định thanh tra hoặc trưởng đoàn thanh tra cần tiến hành những nội dung: Tổ chức cho cán bộ, thanh tra viên học tập, nghiên cứu các nội dung và nhiệm vụ của cuộc thanh tra, mục tiêu cụ thể của cuộc thanh tra. Kiểm tra, đánh giá việc nắm các nội dung và quy định của pháp luật về cuộc thanh tra của đoàn thanh tra. Phân tích các biện pháp, phương pháp cần thiết khi tiến hành thanh tra. Yêu cầu các thanh tra viên trình bày về những nội dung và phương pháp tiến hành nhiệm vụ của mình khi được phân công.

Có thể nói, việc thanh tra thành công hay không thành phụ thuộc rất nhiều vào việc nắm vững nội dung cũng như các quy định liên quan đến cuộc thanh tra, nắm vững các vấn đề nghiệp vụ thanh tra. Trên thực tế không ít các cuộc thanh tra mà thanh tra viên chưa nắm kỹ các nội dung của cuộc thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn và các biện pháp tiến hành các cuộc thanh tra cũng chưa được quán triệt đầy đủ, chính đây là vấn đề bức xúc trong quá trình nâng cao hiệu quả các cuộc thanh tra. Trong quá trình tiến hành thanh tra cần phải quán triệt về nội dung các văn bản nghiệp vụ liên quan đến nội dung trọng

tâm của cuộc thanh tra, cụ thể là: Nắm được thực trạng công tác của đối tượng thanh tra, những mặt ưu điểm, nhược điểm và nguyên nhân của tình hình không thực hiện được nhiệm vụ được giao. Nắm chắc đặc điểm, tình tình của bối cảnh thực hiện nhiệm vụ, những vấn đề có tính khách quan, chủ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Những bất cập trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật và những quy định của chính sách pháp luật khó thực hiện cần phải kiến nghị điều chỉnh.

Thứ ba, giáo dục lý tưởng, niềm tin và ý thức trách nhiệm nhằm nâng cao bản lĩnh của cán bộ thanh tra, lối sống, tư cách và phẩm chất đạo đức của cán bộ thanh tra TT&TT.

Vấn đề thành công hay thất bại của công tác thanh tra phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh và tư cách của người cán bộ thanh tra. Như chúng ta đều biết, ngoài việc xem xét đánh giá việc chấp hành pháp luật, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình thì điều quan trọng là công tác thanh tra phải tìm ra những hạn chế, thiếu sót và thậm chí là sai phạm của những đối tượng thanh tra. Đây là vấn đề nhạy cảm vì đối tượng thanh tra phần nhiều là các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các thủ trưởng của các cơ quan đó. Họ là những người có thế lực, có điều kiện kinh tế và đặc biệt là có quan hệ chằng chịt trong bộ máy nhà nước. Chính đây là những khó khăn đòi hỏi mỗi cán bộ thanh tra khi tiến hành nhiệm vụ cần nắm được đặc điểm này để có cách ứng phó kịp thời, tránh hiện tượng tả khuynh, hữu khuynh và đi đến thỏa hiệp với đối tượng thanh tra. Cán bộ thanh tra muốn làm tốt được nhiệm vụ của mình trước hết phải là người có kỷ luật, có bản lĩnh, không chùn bước những khó khăn, phức tạp, không nhân nhượng, thỏa thiệp với đối tượng thanh tra trước những sai phạm và đồng thời phải là người có tâm, công minh, chính trực, gương mẫu trước những nhiệm vụ đặt ra. Phải rèn luyện bản lĩnh cho cán bộ thanh tra, đồng thời rèn luyện nâng cao kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống cho cán bộ thanh tra TT&TT nhằm hướng đến các mục tiêu cụ thể sau:

+ Có lập trường quan điểm vững vàng, chấp hành nghiêm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tận tụy, trách nhiệm, vượt khó.

+ Có tác phong quần chúng, có phương pháp làm việc khoa học, biết phân tích xử lý tình huống khách quan, công bằng, tính thuyết phục cao và được mọi người đồng tình.

+ Lắng nghe ý kiến, thận trọng trong xử lý tình huống, có bản lĩnh và biết thông cảm với mọi người trước những diễn biến phức tạp và khó khăn xảy ra.

+ Có tinh thần tận tụy, ham học hỏi và không ngừng phấn đấu cho sự công bằng, bình đẳng và lẽ phải.

+ Có ý thức trong việc nâng cao phẩm chất chính trị, ý thức nghề nghiệp và luôn có lối sống giản dị, hòa nhã và được mọi người tôn trọng, tích cực bài trừ tệ nạn tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Những nội dung trên phải được quán triệt thường xuyên và bằng nhiều hình thức đối với mỗi cán bộ, công chức Thanh tra ngành TT&TT. Tất cả những điều đó phụ thuộc vào những biện pháp cụ thể của mỗi đơn vị, cá nhân công chức của thanh tra ngành TT&TT. Các cán bộ thanh tra viên TT&TT cũng phải được tuyển chọn kỹ càng về phẩm chất đạo đức và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, đồng thời phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để giữ được chữ "liêm" nhất là trước những tác động của kinh tế thị trường. Xét cho cùng, yếu tố con người luôn có ý nghĩa quyết định. Phải có cơ chế thu hút hiền tài và nuôi dưỡng nhân tài cho ngành thanh tra TT&TT. Thực tế cho thấy, những năm gần đây điều này chưa được chú ý thực hiện, cán bộ thanh tra TT&TT có thể tăng về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế, kể cả kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ thanh tra, sự say mê, tinh thần yêu nghề của cán bộ thanh tra TT&TT chưa cao. Đây thực sự là vấn đề lớn đặt ra và cần phải nghiên cứu để có một chiến lược về công tác cán bộ cho tương lai.

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động thanh tra ngành thông tin và truyền thông (Trang 83)