Thanh tra Sở là cơ quan của Sở TT&TT, chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc Sở, có trách nhiệm giúp Giám đốc Sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Sở. Việc thành lập Thanh tra Sở do Giám đốc Sở TT&TT thống nhất với Chánh thanh tra tỉnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Chánh Thanh tra Sở do Giám đốc Sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh; Phó Chánh Thanh tra Sở do Giám đốc Sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra Sở.
Tính đến cuối năm 2010, tổng số cán bộ công chức tại thanh tra các của 63 Sở TT&TT là 203 cán bộ công chức, tăng so với năm 2009 là 04 người;
56 Sở đã bổ nhiệm chức danh Chánh thanh tra (12 Chánh thanh tra là Phó giám đốc Sở kiêm nhiệm); 26 Sở đã bổ nhiệm Phó chánh thanh tra; Thanh tra viên của các Sở có 43 người (trong đó 7 Sở có từ 02 thanh tra viên trở lên); 7 Sở chưa có Chánh thanh tra (Bến Tre, Hà Giang, Hải Phòng, Hưng Yên, Kon Tum, Lạng Sơn, Thái Nguyên); 28 Sở chưa có Thanh tra viên.
* Thanh tra Sở TT&TT có những nhiệm vụ, quyền hạn chính sau đây: 1- Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Sở TT&TT.
2- Thanh tra việc thực hiện pháp luật chuyên ngành về báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát; viễn thông và internet; truyền dẫn phát sóng; TSVTĐ; CNTT, điện tử; phát thanh và truyền hình; cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông; quảng cáo trên các phương tiện báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm.
3- Xử phạt VPHC theo quy định của pháp luật về xử lý VPHC.
4- Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng theo các quy định của pháp luật liên quan.
5- Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hoặc hủy bỏ những quy định trái với văn bản pháp luật của Nhà nước được phát hiện qua công tác thanh tra.
6- Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc sở thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra; phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc sở chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức, hoạt động thanh tra nội bộ trong các cơ quan, đơn vị đó.
7- Tổng hợp, báo cáo kết quả về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý của sở.
Về thẩm quyền xử phạt VPHC của Chánh Thanh tra Sở TT&TT được quy định tại khoản 2 của Điều 38 Pháp lệnh Xử lý VPHC sửa đổi, bổ sung
năm 2008 và khoản 2 Điều 28 của Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC về BCVT và TSVTĐ. Theo đó, Chánh Thanh tra Sở TT&TT có thẩm quyền phạt tiền đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, còn có quyền áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
* Một số đánh giá về tổ chức, bộ máy và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra ngành TT&TT.
Thứ nhất, mặc dù, với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng phát triển (năm 2006 Thanh tra Bộ TT&TT có 18 cán bộ, đến nay đã tăng lên 30 cán bộ) cộng thêm với trình độ nghiệp vụ ngày càng tăng lên đã nâng cao được hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về chuyên ngành thông tin, truyền thông. Tuy nhiên, so với yêu cầu, Thanh tra bộ còn thiếu về cán bộ, thanh tra viên và chuyên viên thanh tra để đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ thanh tra trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Một số Sở TT&TT, cán bộ làm công tác thanh tra mới chỉ có 01 người, do vậy đã hạn chế trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về thanh tra và xử lý VPHC.
Thứ hai, qua xem xét các tổ chức thanh tra của ngành TT&TT, chúng ta thấy tất cả các tổ chức thanh tra đều thực hiện cả hai nhiệm vụ là thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Quyền hạn của các tổ chức thanh tra cơ bản có bản chất giống nhau như: Quyền yêu cầu trong quá trình thanh tra (yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra). Quyền thực hiện các biện pháp ngăn chặn khi cần thiết trong quá trình thanh tra và quyền kết luận, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý trong và sau thanh tra (quyết định niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra khi có căn cứ cho rằng có vi phạm pháp luật; tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác, cho nghỉ hưu đối với người đang cộng tác với cơ quan thanh tra hoặc đang là đối tượng thanh tra nếu xét thấy việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho việc thanh tra). Đồng thời, Thanh tra viên chuyên ngành TT&TT có thẩm quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 500.000 đồng; có quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC có giá trị đến 2.000.000 đồng và có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.