Thanh tra Bộ là cơ quan trực thuộc Bộ TT&TT, thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT. Chánh Thanh tra Bộ do Bộ trưởng Bộ TT&TT bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra. Các Phó Chánh Thanh tra Bộ do Bộ trưởng Bộ TT&TT bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ. Thanh tra bộ chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Bộ trưởng và chịu sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ về nghiệp vụ thanh tra.
Hiện nay Thanh tra Bộ TT&TT có 30 cán bộ, công chức bao gồm 01 thanh tra viên cao cấp, 07 Thanh tra viên chính, 16 Thanh tra viên và 06 chuyên viên làm công tác thanh tra, được tổ chức thành 05 phòng chức năng gồm: Phòng Thanh tra Viễn thông và CNTT; phòng Thanh tra Bưu chính và Chuyển phát; phòng Thanh tra Báo chí và Xuất bản; phòng Thanh tra Hành chính và Xử lý khiếu tố; phòng Tổng hợp.
Lãnh đạo Thanh tra Bộ TT&TT hiện nay bao gồm Chánh Thanh tra Bộ và 03 Phó Chánh Thanh tra Bộ. Cán bộ cấp phòng hiện nay có 11 đồng chí (bao gồm 03 trưởng phòng và 08 Phó trưởng phòng) đa phần là những cán bộ trẻ được đào tạo bài bản trong hệ thống đào tạo quốc gia. Về phẩm chất chính trị, Thanh tra Bộ hiện nay có 26 đồng chí là đảng viên chiếm 86% tổng số cán bộ của Thanh tra Bộ. Về trình độ học vấn, Thanh tra Bộ hiện nay có 02 đồng chí là Tiến sỹ, 09 đồng chí có trình độ là Thạc sỹ, 19 đồng chí có trình độ là cử nhân, kỹ sư. Trong đó có 11 đồng chí có 02 bằng đại học trở lên.
Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian vừa qua Thanh tra Bộ đã đào tạo và bồi dưỡng được một đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm và trình độ nghiệp vụ cao. Với đội ngũ cán bộ đó, Thanh tra Bộ không những luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao mà còn hướng dẫn, hỗ trợ có hiệu quả đối với thanh tra các Sở TT&TT, do đó luôn nhận được sự đánh giá cao của Lãnh đạo Bộ và các Sở TT&TT trên cả nước.
* Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ TT&TT
Các tổ chức của Thanh tra Bộ TT&TT hoạt động trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn chung của pháp luật về thanh tra và các quy định về công tác thanh tra của Bộ TT&TT. Theo các quy định hiện hành, Thanh tra Bộ TT&TT có nhiệm vụ, quyền hạn chính sau đây:
1- Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ TT&TT.
2- Thanh tra việc thực hiện pháp luật chuyên ngành về báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát; viễn thông và internet; truyền dẫn phát sóng; TSVTĐ; CNTT, điện tử; phát thanh và truyền hình và cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông quốc gia; các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT.
3- Xử phạt VPHC theo quy định của pháp luật về xử lý VPHC.
4- Giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra; hướng dẫn Thanh tra Cục, Thanh tra Sở xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT.
5- Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, bao gồm việc tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo; xác minh, kết luận về vụ việc và kiến nghị với Bộ trưởng về biện pháp giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.
6- Kiến nghị Bộ trưởng giải quyết những vấn đề về công tác thanh tra; phát hiện và kiến nghị với Bộ trưởng những vấn đề về quản lý nhà nước cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các quy định phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ TT&TT.
7- Kiến nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT tạm đình chỉ việc thi hành quyết định của tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ khi có căn cứ cho rằng các quyết định đó trái pháp luật hoặc gây cản trở đến hoạt động thanh tra.
8- Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với Thanh tra viên, chuyên viên làm công tác thanh tra và cộng tác viên Thanh tra TT&TT.
9- Tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý của Bộ trưởng theo quy định.
10- Nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm, xây dựng, biên soạn tài liệu nghiệp vụ thanh tra trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT.
11- Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động thanh tra TT&TT. Như vậy, xét về chức năng, Thanh tra Bộ TT&TT có hai loại chức năng chính: thứ nhất là tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ TT&TT thực hiện quản lý về công tác thanh tra; thứ hai là thực thi công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực TT&TT và chính sách, pháp luật, nhiệm vụ đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ TT&TT. Đồng thời, cũng có thể thấy so với các quy định trước kia, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ TT&TT được mở rộng hơn và thể hiện tính độc lập tương đối cao. Đặc biệt là với nhiệm vụ thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động thanh tra TT&TT là phù hợp với xu thế hội nhập đa phương hóa, đa dạng hóa của ngành. Trong những năm qua, thanh tra Bộ TT&TT cũng đã chủ động tích cực hợp tác song phương với Cục Thanh tra của Bộ Thông tin và Văn hóa Lào, giúp bạn Lào xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách và đào tạo cho cán bộ của bạn kỹ năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức các cuộc thanh tra. Ngoài ra còn 02 nhiệm vụ cũng rất quan trọng và có tính chất truyền thống của tổ chức thanh tra nói chung và thanh tra TT&TT nói riêng đó là nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại tố cáo. Điều này cũng là phù hợp với mục đích của hoạt động thanh tra là "nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật".
Về thẩm quyền xử phạt VPHC của Chánh Thanh tra Bộ TT&TT được quy định trước hết tại Điều 14 của Pháp lệnh xử lý VPHC đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008, sau đó từng Nghị định xử phạt của Chính phủ trong từng lĩnh vực lại có quy định cụ thể. Đối với lĩnh vực CNTT, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT có thẩm quyền phạt tiền đến 100.000.000 đồng; đối với lĩnh vực BCVT và TSVTĐ, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT có thẩm quyền phạt tiền đến 70.000.000 đồng và đối với lĩnh vực báo chí, xuất bản, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT có thẩm quyền phạt tiền đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, còn có quyền áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.