Thông tin và Truyền thông
Ngay sau khi cách mạng Tháng 8, ngày 2/9/1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt (Sắc lệnh số 64/SL ngày 23/11/1945). Ban thanh tra đặc biệt có nhiệm vụ "giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của Ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ". Từ năm 1945 đến 1955, các Bộ được thiết lập trong cơ cấu của Bộ có Nha thanh tra. Nha thanh tra do một Tổng thanh tra và có một số thanh tra viên giúp việc có nhiệm vụ kiểm soát các công việc của cơ quan, các cấp
thuộc bộ về mọi phương diện. Tổng thanh tra và các thanh tra viên "do Sắc lệnh bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng. Sắc lệnh đó sẽ đưa ra Hội đồng chính phủ thông qua". Theo đó, ở một số Bộ đã được thành lập Nha Thanh tra như: Nha Thanh tra hành chính, Nha Thanh tra Bộ Nội vụ, Bộ Canh Nông, Nha Thanh tra hành chính lao động và Ban Thanh tra Bộ Kinh tế v.v...
Ngành Bưu điện được thành lập từ năm 1945 với tên gọi là Nha Bưu điện nằm trong Bộ Giao thông công chính. Đến tháng 3/1955 thành lập Tổng cục Bưu điện thuộc Bộ Giao thông và Bưu điện, tuy vậy trong thời kỳ từ năm 1945 đến tháng 5 năm 1961 chưa có tổ chức thanh tra riêng. Ngày 13/6/1961, Tổng cục Bưu điện tách ra thành Cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ban thanh tra được hình thành từ đó - là Cơ quan thanh tra Nhà nước. Tháng 4/1990, Tổng cục Bưu điện chuyển thành Tổng công ty BCVT thuộc Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện. Ban thanh tra vẫn tồn tại và hoạt động như cũ. Đến 26/10/1992, Chính phủ có Nghị định số 03/CP thành lập Tổng cục Bưu điện trực thuộc Chính phủ và Nghị định 28/CP ngày 24/5/1993 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện. Thanh tra Tổng cục Bưu điện với tên gọi mới, có con dấu riêng và nằm trong hệ thống tổ chức của Thanh tra Nhà nước, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được qui định tại Pháp lệnh Thanh tra ngày 01/4/1990 trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành. Ngày 6/1/1994, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện có Quyết định số 18/QĐ-TCBĐ ban hành "Quy chế về tổ chức và hoạt động thanh tra Bưu điện". Hệ thống tổ chức Thanh tra nhà nước về Bưu điện gồm Thanh tra Tổng cục Bưu điện và Thanh tra Bưu điện tỉnh, thành phố (Thanh tra sở Bưu điện). Các tổ chức này đều có Chánh thanh tra, Phó chánh thanh tra và thanh tra viên, đều có con dấu riêng theo tên gọi, hoạt động theo Pháp lệnh Thanh tra và theo quy định của Tổng cục trưởng. Tuy chưa có tên gọi là Thanh tra chuyên ngành và chưa có thẩm quyền xử phạt VPHC nhưng thực chất đây là tổ chức Thanh tra nhà nước chuyên ngành về bưu điện thực hiện hai chức năng thanh tra nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc và thanh tra chuyên ngành
đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên toàn xã hội. Thanh tra các Bưu điện tỉnh cũng thực hiện hai chức năng như Thanh tra Tổng cục trên phạm vi của tỉnh, tương tự như thanh tra của các sở khác ở địa phương.
Về việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, Quyết định 18/QĐ-TCBĐ quy định: Chánh Thanh tra Tổng cục do Tổng cục trưởng đề nghị, Tổng Thanh tra nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Phó Chánh Thanh tra Tổng cục; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra Bưu điện tỉnh đều do Chánh Thanh tra Tổng cục cùng Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Lao động trình Tổng Cục trưởng quyết định.
Riêng chuyên ngành quản lý máy phát sóng và TSVTĐ ở các nước nói chung và Việt Nam nói riêng từ trước đến nay đều có tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Các chế tài xử phạt hoặc được quy định trong luật, hoặc trong các văn bản của Chính phủ, của các cơ quan quản lý nhà nước. Ở Việt Nam, căn cứ vào Nghị định 28/CP ngày 26/5/1993 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện, Cục Tần số được thành lập. Pháp lệnh Xử phạt VPHC được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước công bố ngày 7/12/1989 tại Điều 17 cũng đã qui định thẩm quyền xử phạt cho Thanh tra Nhà nước chuyên ngành. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã có Quyết định số 494/QĐ-TCBĐ ngày 8/6/1993 và Quyết định số 185/QĐ-TCBĐ ngày 12/3/1994 giao cho Thanh tra viên hoặc Đoàn kiểm tra của Cục Tần số và của các Bưu điện tỉnh, thành phố có thẩm quyền kiểm tra và xử phạt VPHC theo mức phạt tiền quy định trong Thông tư 104/TC/GTBĐ ngày 22 tháng 12 năm 1993 của Bộ Tài chính. Như vậy, từ thực tế khách quan và yêu cầu của hoạt động quản lý, hoạt động thanh tra chuyên ngành TSVTĐ và xử phạt VPHC về lĩnh vực này đã có từ trước khi ra đời các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Chính phủ và cấp Quốc hội.
Cơ chế trên đây tồn tại cho đến khi Nhà nước chủ trương tách quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh. Nhằm thực hiện Quyết định số 91/TTg ngày 7/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thành lập
tập đoàn kinh doanh, Thủ tướng đã có Quyết định số 249/TTg ngày 29/4/1995, thành lập Tổng Công ty BCVT Việt Nam và sau đó ngày 1/8/1995, Chính phủ có Nghị định số 51/CP phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty BCVT Việt Nam. Một số đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp khác trước đây trực thuộc Tổng cục Bưu điện nay gia nhập vào Tổng công ty BCVT Việt Nam để trở thành thành viên của Tổng công ty. Tổng cục Bưu điện không còn quản lý doanh nghiệp nào, trở thành cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính và viễn thông. Các Bưu điện tỉnh từ chỗ vừa thực hiện quản lý nhà nước vừa quản lý sản xuất kinh doanh nay chỉ còn là doanh nghiệp. Thanh tra các sở bưu điện giải thể. Theo Điều 6 Nghị định 51/CP, Tổng công ty là Doanh nghiệp 91 trực thuộc thẳng Chính phủ, chịu sự quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước.
Trước sự thay đổi trên, cuối năm 1995 Tổng cục Bưu điện có chủ trương nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra của ngành Bưu điện theo hướng trình Chính phủ ban hành một Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra nhà nước chuyên ngành về Bưu điện. Giai đoạn 1996 - 2002 có những thay đổi lớn cả về thể chế và tổ chức quản lý. Liên quan đến thanh tra, sau nhiều năm trình phương án, lúc thì Nghị định của Chính phủ, lúc đổi sang Quyết định của Thủ tướng, ngày 9 tháng 11 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 176/2001/QĐ-TTg về tổ chức Thanh tra Nhà nước về Bưu điện. Tại Điều 1 của Quyết định quy định "Thanh tra Nhà nước về Bưu điện có chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành về BCVT, Internet, tần số vô tuyến điện và các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Tổng cục Bưu điện trong phạm vi cả nước".
Điều 2 quy định hệ thống tổ chức của Thanh tra Bưu điện gồm: Thanh tra Tổng cục Bưu điện, Thanh tra Cục Bưu điện khu vực, Thanh tra Cục TSVTĐ. Các tổ chức thanh tra này có con dấu và tài khoản riêng.
Như vậy trong hệ thống có cả Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Cục quản lý chuyên ngành và Thanh tra các Cục quản lý nhà nước 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Thanh tra các Cục khu vực và Cục quản lý chuyên ngành là cơ quan thuộc Cục, là cấp dưới của Thanh tra Tổng cục, chịu sự lãnh đạo song trùng của Cục trưởng và Chánh Thanh tra Tổng cục. Trừ Chánh Thanh tra Tổng cục do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, các phó Chánh Thanh tra Tổng cục và Chánh Thanh tra các Cục đều do Tổng cục trưởng bổ nhiệm.
Hệ thống tổ chức này phù hợp lúc đó nhưng chưa kịp hướng dẫn thực hiện vì Tổng cục Bưu điện không còn quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến ngày 7/6/2002, Chủ tịch nước công bố "Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông". Về mặt tổ chức quản lý nhà nước tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XI đã quyết định thành lập Bộ BCVT và ngày 11/11/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ BCVT. Tổng cục Bưu điện giải thể và Bộ BCVT ra đời với nhiều chức năng quản lý nhà nước mới mà trước đây Tổng cục Bưu điện chưa được giao.
Quyết định 176/2001/QĐ-TTg về tổ chức Thanh tra Nhà nước về Bưu điện không còn phù hợp nữa. Mặt khác, năm 2002 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Pháp lệnh xử lý VPHC mới với nhiều thay đổi so với Pháp lệnh năm 1995. Do vậy, Bộ BCVT phải xây dựng trình đề án Nghị định mới về Thanh tra Bộ BCVT. Ngày 26/6/2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra BCVT và CNTT. Theo Nghị định 75/2003/NĐ-CP các tổ chức Thanh tra của Bộ BCVT được cấu tạo ở ba loại cơ quan và đều thực hiện hai chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành. Cao nhất là Thanh tra Bộ là cơ quan trực thuộc Bộ. Dưới Thanh tra Bộ là Thanh tra của 2 Cục quản lý chuyên ngành - là cơ quan trực thuộc Cục và Thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước địa phương gọi là Thanh tra Cục quản lý khu vực. Cục BCVT và CNTT khu vực I quản lý 28 tỉnh, thành phố phía bắc; Cục BCVT và CNTT khu vực
II quản lý 21 tỉnh, thành phố phía nam; Cục BCVT và CNTT khu vực III quản lý 12 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên.
Về cán bộ lãnh đạo của Thanh tra Bộ BCVT được bổ nhiệm theo quy định của Pháp lệnh Thanh tra 1990 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nghĩa là: Chánh Thanh tra Bộ do Bộ trưởng Bộ BCVT đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Các Phó Chánh Thanh tra Bộ do Chánh Thanh tra Bộ đề nghị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ trình Bộ trưởng bổ nhiệm. Chánh thanh tra các Cục quản lý chuyên ngành, các Cục quản lý khu vực do Cục trưởng đề nghị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Chánh Thanh tra Bộ trình Bộ trưởng bổ nhiệm. Phó Chánh Thanh tra các Cục do Cục trưởng bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của chánh Thanh tra Cục và trưởng phòng Tổ chức của Cục. Việc bổ nhiệm theo quy trình trên như trên phù hợp với các quy định, các văn bản phân cấp đề bạt, bổ nhiệm cán bộ hiện hành của Nhà nước, của Bộ Nội vụ, của Thanh tra nhà nước và của Bộ BCVT. Lực lượng thanh tra viên trong hệ thống lúc này nói chung rất mỏng. Lúc đó Thanh tra bộ có tổng số 14 cán bộ, thanh tra viên (cả 3 lãnh đạo) trong đó mới 9 người được bổ nhiệm vào chức danh thanh tra viên và thanh tra viên chính, 4 người đang là chuyên viên, 1 mới tuyển dụng đang tập sự. Một Bộ lớn nhưng không có thanh tra viên cao cấp. Tổ chức thanh tra 5 Cục còn lại mỗi Cục có bình quân 3 cán bộ, chuyên viên. Riêng Cục tần số mới được bố trí 1-2 thanh tra viên hoặc chuyên viên thanh tra nằm rải rác ở 8 Trung tâm.
Ngày 25/02/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2004/NĐ-CP về việc thành lập Sở BCVT thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổ chức quản lý nhà nước về BCVT và CNTT đã có những thay đổi so với ngày đầu thành lập Bộ BCVT, nhất là việc thay đổi cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Theo Nghị định 101/2004/NĐ-CP, thì các Sở sẽ hình thành và sẽ có Thanh tra Sở, còn các Cục quản lý khu vực sẽ giải thể.
Nghị định 75/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra BCVT và CNTT đã bộc lộ những hạn chế và đã mất hiệu lực một số phần do sự thay đổi về tổ chức bộ máy và do có Luật Thanh tra năm 2004. Luật Thanh tra được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2004 đã thay thế Pháp lệnh Thanh tra ban hành năm 1990. Để hướng dẫn Luật, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 41/2005/NĐ- CP ngày 25/03/2005. Như vậy, nội dung Luật và Nghị định hướng dẫn có những thay đổi sâu sắc và nhiều điểm mới so với Pháp lệnh Thanh tra ban hành trong cơ chế quản lý hành chính tập trung bao cấp. Đặc biệt là chế định thanh tra chuyên ngành, một lĩnh vực được chú trọng trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta, mà thanh tra chuyên ngành chỉ có ở các Bộ, ngành quản lý theo lĩnh vực và ở các Sở chuyên môn của các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Do vậy, hệ thống tổ chức thanh tra chuyên ngành cũng cần thiết phải được thay đổi theo để đáp ứng với yêu cầu quản lý. Ngày 04/10/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra BCVT và CNTT thay thế Nghị định 75/2003/NĐ-CP.
Theo Nghị định 115/2006/NĐ-CP, hệ thống thanh tra chuyên ngành BCVT và CNTT được tổ chức ở Trung ương có Thanh tra Bộ, Thanh tra Cục TSVTĐ và Thanh tra Cục QLCL BCVT và CNTT; ở địa phương có thanh tra của 64 Sở BCVT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước về BCVT và CNTT theo quy định của pháp luật.
Thời kỳ này, Thanh tra Bộ được bổ sung thêm 04 cán bộ mới, tiếp tục hoàn thiện các chức danh quản lý, được Lãnh đạo Bộ bổ nhiệm thêm 01 Phó Chánh Thanh tra. Hoàn thiện cơ cấu cán bộ tại các phòng thanh tra, bố trí nhiệm vụ theo năng lực cán bộ, chuyên viên, đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Thanh tra 02 Cục, về cơ cấu tổ chức bộ máy đã cơ bản hoàn thiện, đã tập
trung đào tạo nghiệp vụ chuyên môn kỹ năng thanh tra cho cán bộ thanh tra, trong năm 2006 đã được bổ sung biên chế 03 cán bộ, bổ nhiệm 01 cán bộ quản lý. Đến tháng 12 năm 2006, tổng số 61 tỉnh, thành phố trực thuộc đã thành lập Sở BCVT, trong đó có 58 sở đã có Thanh tra Sở với tổng số 132 cán bộ, thanh tra viên, chuyên viên thanh tra. Trong 58 Thanh tra Sở, có 34 Sở đã bổ nhiệm chức danh Chánh Thanh tra (có 6 Giám đốc Sở kiêm Chánh thanh tra), 17 Phó Chánh thanh tra và có 14 sở chưa có lãnh đạo thanh tra.
Năm 2007, do yêu cầu đổi mới tổ chức quản lý nhà nước, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31/7/2007 về quy định cơ cấu tổ chức của Chính phủ và số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII. Theo Nghị quyết số 01/2007/QH12 của Quốc hội, Bộ TT&TT được thành lập