- Mở cửa hệ thống ngân hàng cho các tổ chức tài chính quốc tế trong vòng năm năm, chấp nhận liên doanh bảo hiểm và viễn thông” [34].
2.2.3. Công tác xác định trị giá Hải quan của Trung Quốc
2.2.3.1. Giới thiệu về hoạt động của Hải quan Trung Quốc, cơ quan quản lý xác định trị giá hải quan
Hải quan Trung Quốc là cơ quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ giám sát và quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu của Quốc gia. Giám sát, quản lý đối với phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, hàng hóa, hành lý, bưu phẩm, bưu kiện và các vật phẩm khác XNK, thu thuế XNK
và các loại thuế, phí khác, chống buôn lậu và thống kê hải quan (điều 2 luật Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa)
Phương châm hoạt động của Hải quan Trung Quốc gắn liền với 16 chữ vàng “Thực hiện pháp luật, bảo vệ tổ quốc, phục vụ kinh tế, thúc đẩy phát triển” [49].
Các nguyên tắc làm việc của Hải quan Trung Quốc được duy trì để thực hiện quản lý dựa trên pháp luật, bảo vệ và phục vụ lợi ích kinh tế quốc gia, thúc đẩy phát triển xã hội. Hải quan Trung Quốc xây dựng đội ngũ nhân viên hải quan trên nguyên tắc “trung thành, chuyên nghiệp và đáng tin cậy”.
Nhiệm vụ của cơ quan Hải quan:
- Thu thuế Hải quan: Hải quan tiến hành thu thuế đối với hàng hoá được phép xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật (điều 52 luật Hải quan)
- Chống buôn lậu: Chống buôn lậu là nhiệm vụ hàng đầu của Hải quan Trung Quốc. Cơ quan Hải quan được áp dụng cả hai biện pháp hành chính và hình sự để thực thi pháp luật nhằm hạn chế, đấu tranh loại bỏ các hoạt động buôn lậu. Mục đích chủ yếu là để bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia và trật tự thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu. Từ năm 1998, Trung Quốc đã thành lập một lực lượng cảnh sát chống buôn lậu Hải quan dưới sự lãnh đạo của Tổng cục Hải quan và Bộ Công an. Trung Quốc đã thông qua một cơ chế chống buôn lậu với sự nỗ lực chung của tất cả các cơ quan liên quan. Các trường hợp buôn lậu được xử lý theo một thủ tục thống nhất với đầu mối là cơ quan Hải quan Trung Quốc.
Hải quan Trung Quốc tiến hành các hoạt động điều tra đặc biệt nhằm vào hàng công nghiệp nhập khẩu có nguy cơ cao, tập trung chống buôn lậu gian lận thương mại qua giá và gian lận thương mại lợi dụng chính sách giảm thuế, miễn thuế.
- Kiểm toán Hải quan
Kiểm soát Hải quan dựa trên việc Kiểm toán có nghĩa là trong vòng 3 năm sau khi hàng XNK, cơ quan Hải quan có quyền kiểm tra, xác minh sổ
sách, tài liệu kế toán, hồ sơ hàng nhập khẩu và các tài liệu liên quan khác của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Kiểm soát Hải quan nhằm kiểm tra đánh giá tính trung thực và tính hợp pháp của hoạt động XNK, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật một cách tự giác và điều tra buôn lậu thông qua kiểm toán.
- Xây dựng lực lượng bán quân sự Hải quan
Mục tiêu tổng thể của việc xây dựng một lực lượng bán quân sự là kỷ luật Hải quan với phương châm "chính trị trung thành, chuyên nghiệp và đáng tin cậy"[49] thống nhất hoạt động trong nội bộ ngành từ Tổng cục đến các đơn vị Hải quan cửa khẩu. Thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ trong toàn ngành với phương châm "Phấn đấu để trở thành đội quân trung thành gác cửa quốc gia" đã được thực hiện rất hiệu quả. Thường xuyên luân chuyển các cán bộ cao cấp Hải quan và lựa chọn tuyển dụng bổ sung nhân sự chất lượng cao cho ngành Hải quan. Việc chăm lo đời sống cho cán bộ chiến sĩ Hải quan được quan tâm, việc cải cách tiền lương đã được thực hiện đều đặn có lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế quốc gia. Công tác kiểm tra nội bộ được tiến hành thường xuyên và được giám sát chặt chẽ của các cơ quan cấp trên. Chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại thường xuyên cho công chức Hải quan cũng như cán bộ quản lý các cấp. Nỗ lực xây dựng một hệ thống phòng ngừa và xử lý tham nhũng trong nội bộ ngành đang tiến triển tốt, đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động của cơ quan Hải quan.
2.2.3.2. Xác định giá cho hàng nhập khẩu vào Trung Quốc + Thực hiện cam kết về trị giá hải quan.
Từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, Hải quan Trung Quốc đã thực hiện các cam kết hội nhập một cách nghiêm túc trong đó có việc thực hiện xác định trị giá hải quan theo Hiệp định trị giá GATT/WTO. Về mặt pháp lý, điều đầu tiên mà Trung Quốc thực hiện đó là nội luật hoá các quy định của Hiệp
định trong hệ thống luật pháp quốc gia thông qua rà soát Luật Hải quan, các quy tắc liên quan đến xác định trị giá hải quan của hàng hoá XNK và các luật liên quan khác. Ngoài ra, Trung Quốc cũng ban hành một số quy định mới về xác định trị giá hải quan. Qua đó, một loạt các phương pháp, quy trình được xây dựng một cách hệ thống và đồng bộ về xác định trị giá cho hàng hoá XNK đã được ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện Hiệp định này.
- Về cơ chế thực hiện, Hải quan Trung Quốc luôn đảm bảo nguyên tắc minh bạch. Theo quy định tại điều 12 của Hiệp định, Hải quan Trung Quốc đã công bố công khai Luật Hải quan và các quy định liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các đối tượng quan tâm có thể tham khảo thông tin cần thiết một cách dễ dàng trên website của cơ quan Hải quan. Theo quy định của điều 16, các quy định xác định trị giá của Hải quan Trung Quốc rất chú trọng tới việc tham vấn khi có nghi ngờ. Khi cơ quan Hải quan từ chối trị giá khai báo và quyết định xác định trị giá theo các quy định liên quan thì phải thông báo bằng văn bản cho nhà nhập khẩu trong đó nêu rõ căn cứ sử dụng các phương pháp khác.
- Về đào tạo nhân lực, Hải quan Trung Quốc đã xây dựng được một đội ngũ chuyên gia về trị giá hải quan với các nhóm xác định trị giá chuyên trách tại các Hải quan vùng nhằm hỗ trợ các nhân viên Hải quan khi làm thủ tục thông quan. Hải quan Trung Quốc cũng xây dựng một hệ thống quản lý giá vững chắc vận hành trên toàn quốc. Với những cơ sở dữ liệu về giá, nhân viên Hải quan không những có thể chia sẻ thông tin về hàng hoá hay vi phạm mà còn có thể lập hồ sơ những đối tượng sẽ được kiểm tra sau thông quan. Hiện tại, Hải quan Trung Quốc đã có những bước chuẩn bị cho việc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong xác định trị giá.
- Việc thực hiện Hiệp định trị giá đòi hỏi cơ quan Hải quan phải chấp hành những thông lệ thương mại và bảo đảm thông quan nhanh chóng. Vì vậy, khâu kiểm tra sau thông quan được Hải quan Trung Quốc coi là khâu
quan trọng trong quy trình thủ tục hiện đại. Những yếu tố rủi ro được lựa chọn dựa trên chủng loại, số lượng, giá cả, thuế suất và tình hình cung cầu của hàng hoá nhập khẩu cũng như tình trạng kinh doanh, tín dụng của doanh nghiệp. Kỹ thuật này không chỉ giúp cho Hải quan Trung Quốc quản lý tốt rủi ro trong lĩnh vực giá mà còn giúp chính nhà nhập khẩu dự đoán được chi phí giao dịch, giúp họ giảm khó khăn trong giao dịch.
Việc xác định giá cho hàng nhập khẩu tuân thủ theo hiệp định trị giá GATT/WTO, giá tính thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu do Hải quan kiểm tra, xác định trên cơ sở giá hợp đồng của hàng hóa đó. Khi giá hợp đồng không thể xác định được thì giá tính thuế do Hải quan xác định theo qui định. Giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu bao gồm giá hàng hóa, các phí có liên quan đến vận chuyển hàng hóa và phí bảo hiểm; giá tính thuế đối với hàng hóa xuất khẩu bao gồm giá hàng hóa, các phí có liên quan đến vận chuyển hàng hóa từ điểm xuất phát trong nội địa đến cửa khẩu xuất và phí bảo hiểm. (điều 55 Luật Hải quan). Trong trường hợp cơ quan Hải quan có căn cứ xác định giá khai báo của doanh nghiệp nhập khẩu không trung thực thì sẽ tiến hành các thủ tục thẩm vấn giá. Qui trình thẩm vấn giá được Hải quan Trung Quốc xây dựng rất khoa học, sát thực tế với nguyên tắc “khách quan, công bằng và thống nhất” nên đã đặt được những kết quả to lớn trong thời gian qua.
+ “Trình tự kiểm tra, thẩm vấn giá của Hải quan Trung Quốc”[46] gồm: Trình tự 1: Cơ quan Hải quan kiểm tra giá hàng nhập khẩu khi làm thủ tục nhập khẩu nếu có nghi ngờ tính chân thực, tính chuẩn xác của giá khai báo Hải quan thì thông báo đến tổ chức, cá nhân nhập khẩu (người có nghĩa vụ nộp thuế).
Trình tự 2: Người có nghĩa vụ nộp thuế hoặc người được ủy quyền trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được “Thông báo tham vấn giá” của cơ quan Hải quan phải cung cấp tài liệu liên quan hoặc chứng cứ khác bằng hình thức văn bản để chứng minh giá khai báo Hải quan là chân thực,
chính xác hoặc mối quan hệ đặc biệt giữa 2 bên mua và bán không ảnh hưởng tới giá giao dịch. Nếu có lý do chính đáng không thể cung cấp tài liệu kể trên trong thời gian quy định thì trước khi hết thời hạn quy định có thể gửi văn bản tới cơ quan Hải quan xin hoãn thời hạn cung cấp tư liệu. Trừ trường hợp đặc biệt, thời gian gia hạn không được quá 10 ngày làm việc.
Trình tự 3: Tiến hành tham vấn giá theo qui định, nội dung tham vấn giá được ghi tại biên bản làm việc. Trong trường hợp sau khi phát “Thông báo tham vấn giá ” doanh nghiệp không cung cấp được tài liệu giải trình, giải trình không hợp lý, quá thời hạn giải trình chứng minh thì cơ quan Hải quan tiến hành thu thập các thông tin đầy đủ từ phía người có nghĩa vụ nộp thuế, lần lượt sử dụng phương pháp tính giá hàng hóa giống hệt, hàng hóa tương tự, trị giá khấu trừ, tính toán, tính giá hợp lý để xác định giá tính thuế và ra thông báo cho doanh nghiệp giá mà cơ quan Hải quan xác định.
Trình tự 4: Người có nghĩa vụ nộp thuế hoặc người đại diện trong thời hạn Hải quan quy định được quyền tiếp tục cung cấp tài liệu, thuyết minh chi tiết hơn để giải trình hoặc chứng minh về giá mình đã khai báo là chính xác.
Trình tự 5: Trường hợp người có nghĩa vụ nộp thuế hoặc người đại diện cung cấp đủ tài liệu, chứng cứ liên quan, cơ quan Hải quan sẽ tiến hành thẩm định tài liệu, chứng cứ được cung cấp.
Trình tự 6: Sau khi người có nghĩa vụ nộp thuế và người đại diện hợp pháp cung cấp các tài liệu, chứng cứ có liên quan và được cơ quan hải quan kiểm tra, thẩm định và đánh giá lại nhưng vẫn có lí do nghi ngờ mối quan hệ mật thiết giữa hai bên mua bán có ảnh hưởng đến tính chân thực giá giao dịch thì thông báo cho người có nghĩa vụ nộp thuế.
Trình tự 7: Người có nghĩa vụ nộp thuế trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được công văn “thông báo nghi vấn giá” của cơ quan hải quan phải tiến hành cùng cơ quan hải quan xác định lại giá và điền đẩy đủ thông tin vào “bảng tham vấn giá ” nếu trong thời hạn quy định không đến tiến hành
tham vấn sẽ bị coi là tước bỏ quyền được tham vấn và cơ quan hải quan có thể trực tiếp căn cứ vào 5 phương pháp giao dịch giá để xác định giá tính thuế.
Trình tự 8: Sau khi cơ quan hải quan quy định giá tính thuế của hàng hóa xuất nhập khẩu, người có nghĩa vụ nộp thuế có thể yêu cầu cơ quan hải quan có công văn phúc đáp về phương pháp xác định giá tính thuế của hàng hoá mà cơ quan Hải quan áp dụng. Cơ quan hải quan cần cung cấp đầy đủ theo yêu cầu của người nộp thuế bằng “ công văn thông cáo xác định giá tính thuế”.
Trong trường hợp hàng hoá nhập khẩu với thủ tục ưu tiên, đơn giản thì việc tham vấn giá được tiến hành theo các trình tự sau:
Trình tự 1: Nếu cơ quan hải quan cho rằng hàng hóa XNK không được tính vào giá tính thuế (như đồ gửi kèm, hàng miễn thuế, quà tặng kèm…) có thể không cần tiến hành tham vấn về giá, sau khi cùng người nộp thuế tiến hành trao đổi, xác định để sử dụng phương pháp như tương tự, khấu trừ, tính toán hợp lý để xác định lại giá tính thuế.
Trình tự 2: Đối với những hàng hóa gia công, bán thành phẩm, hàng hóa XNK đặc biệt (hàng nhập khẩu phục vụ an ninh, quốc phòng ..) hoặc tiêu thụ trong nước thì cơ quan hải quan có thể bỏ qua bước tham vấn giá với doanh nghiệp khi doanh nghiệp có công văn đề nghị theo quy định, cơ quan hải quan có thể không tiến hành tham vấn mà áp dụng luôn các phương pháp tính giá thích hợp để xác định lại giá tính thuế.
Trình tự 3: Trong trường hợp người có nghĩa vụ nộp thuế có công văn gửi cơ quan hải quan xin không tiến hành trình tự nghi vấn giá và thẩm vấn giá mà sử dụng các phương pháp hợp lý để xác định giá tính thuế;
Trình tự 4: Với những lô hàng trong cùng một hợp đồng, cơ quan hải quan dùng giá tính thuế của một trong những lô hàng đã thực hiện trước đó để tính thuế; Những lô hàng XNK có trị giá tính thuế dưới 10.000 vạn (NDT) hoặc số tiền thuế XNK phải nộp dưới 2 vạn NDT; Những mặt hàng nguy hiểm, tươi sống, dễ hư hỏng, phế phẩm…
Qui định này đã tạo điều kiện thông thoáng đơn giản hóa thủ tục cho một số lô hàng đặc thù và lô hàng có giá trị thấp.