- Mở cửa hệ thống ngân hàng cho các tổ chức tài chính quốc tế trong vòng năm năm, chấp nhận liên doanh bảo hiểm và viễn thông” [34].
3.2.4. Công tác quản lý rủi ro (QLRR)
Phải nhận thức việc áp dụng kỹ thuật QLRR là yêu cầu tất yếu của hải quan các nước trong xu thế hội nhập và phát triển, nhằm cân bằng giữa kiểm soát và tạo thuận lợi cho thương mại, giữa khối lượng công việc của hải quan tăng lên hàng ngày mà nguồn lực không tăng tương ứng. Do áp dụng kỹ thuật QLRR cần nhiều điều kiện tương thích nên cách tốt nhất của Việt Nam là chủ động và khẩn trương chuẩn bị điều kiện để triển khai nhanh kỹ thuật QLRR trong các khâu nghiệp vụ hải quan.
- Muốn áp dụng kỹ thuật rủi ro, cần bảo đảm thông tin đầy đủ, đồng bộ, cập nhật, nhất là hệ thống thông tin cảnh báo trước, thông tin tình báo ở nước ngoài. Hệ thống đảm bảo thông tin này đòi hỏi sự đầu tư lớn về phương tiện, tài chính và con người, nhất là những người làm nhiệm vụ phân tích phải có trình độ cao. Kinh nghiệm của Hải quan các nước cho thấy, muốn áp dụng kỹ thuật QLRR có hiệu quả, Việt Nam phải chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống đảm bảo thông tin ngay từ đầu, nhất là vấn đề tổ chức thu thập thông tin tình báo ở nước ngoài và tổ chức hệ thống nối mạng hiệu quả trong nước. - Việc QLRR phải được triển khai gắn với quá trình hiện đại hóa hải quan, trong đó áp dụng tin học vào quá trình thực hiện thủ tục hải quan sẽ tạo điều kiện triển khai QLRR một cách hiệu quả. Các hoạt động thông quan điện tử, một cửa... sẽ góp phần làm tăng giá trị của việc phân loại doanh nghiệp theo luồng xanh, vàng và đỏ.
- Cần áp dụng các hình thức QLRR đa dạng, phong phú trong quy trình nghiệp vụ hải quan nói chung, trong thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu nói riêng qua đó nâng cao tầm ảnh hưởng của QLRR. - Phải xây dựng tổ chức thực thi QLRR chuyên nghiệp để chuẩn hóa các tiêu chí lựa chọn và làm đầu mối tổng hợp thông tin. Kinh nghiệm của hải quan các nước cho thấy vai trò quan trọng của các tổ chức này. Nếu thiếu vắng họ, hoạt động QLRR sẽ thiếu chuẩn tắc, thậm chí có thể bị lãng quên.
- Phải xây dựng và phát triển Hệ thống thông tin hỗ trợ QLRR và bộ máy cơ chế điều hành QLRR. So sánh nền tảng QLRR hiện có của chúng ta với hải quan các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... chúng ta mới bắt đầu xây dựng một số thành phần của nền tảng QLRR cần có và chúng ta đang tụt hậu khá xa so với các nước này.
- Phải tạo căn cứ pháp lý đủ mạnh cho việc áp dụng QLRR trong thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Để khuyến khích tính tự tuân thủ pháp luật, các nước đều ban hành Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn phải quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc tư vấn, cung cấp những thông tin cần thiết có liên quan đến hải quan, quyền được tự điều chỉnh sai sót trong việc khai hải quan mà không bị xử phạt hoặc chỉ bị phạt nhẹ. Việc xây dựng và duy trì một cơ chế hữu hiệu để kiểm soát, bảo đảm việc thực thi nghiêm minh, đầy đủ các quy định của pháp luật về hải quan trong hoạt động nghiệp vụ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cơ chế này cho phép cơ quan hải quan áp dụng những biện pháp và chế tài phù hợp để thực thi kết quả trong hoạt động nghiệp vụ như phạt tiền, phong toả tài khoản, tịch thu kê biên tài sản, và các biện pháp khác.
- Việc áp dụng QLRR phải trên nền tảng thực hiện thủ tục hải quan hiện đại. Hầu hết các nước tiên tiến đều thiết lập cơ chế tự khai, tự tính và nộp thuế hiệu quả gắn với lợi ích của các doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình thủ tục hải quan đã tạo điều kiện cho hải quan các nước thực hiện QLRR dễ dàng hơn. Các nước tiên tiến như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều thực hiện quản lý nhà nước về mặt hải quan trên cơ sở một hệ thống hành chính vô cùng hiệu quả. Với nguồn nhân lực hạn chế và đã được tinh giản, họ thực hiện quản lý trên nguyên tắc QLRR và ứng dụng công nghệ thông tin với một hệ thống hạ tầng về thông tin tiên tiến, cho phép hầu hết các công việc được tiến hành một cách tự động hoá.
- Cần coi trọng công tác phối hợp liên ngành trong áp dụng QLRR. Công tác phối hợp đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả việc áp dụng QLRR trong thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Cơ quan hải quan phải có thẩm quyền tiếp cận và sử dụng các hồ sơ, các dữ liệu thương mại về hoạt động mua hàng hoá, giao dịch ngoại tệ, vận chuyển hàng hoá, bán hàng hoá sau khi nhập khẩu có liên quan của các doanh nghiệp từ ngân hàng, cơ quan thuế nội địa, cơ quan bảo hiểm, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an cũng như các cơ quan khác có liên quan.
Ngoài ra, việc phối hợp giữa các đơn vị chức năng quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn còn được thể hiện như: công tác giám định, đánh giá, kiểm tra các tiêu chuẩn, định mức... cũng như việc hỗ trợ lực lượng và phương tiện kỹ thuật trong các trường hợp cần thiết.