Thực hiện các biện pháp quản lý khác theo khuyến nghị của tổ chức hải quan thế giới và các nước phát triển

Một phần của tài liệu Trị giá hải quan của WTO, thực trạng và áp dụng tại Trung Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 143)

- Mở cửa hệ thống ngân hàng cho các tổ chức tài chính quốc tế trong vòng năm năm, chấp nhận liên doanh bảo hiểm và viễn thông” [34].

3.2.12.Thực hiện các biện pháp quản lý khác theo khuyến nghị của tổ chức hải quan thế giới và các nước phát triển

tổ chức hải quan thế giới và các nước phát triển

Ngoài các định hướng và biện pháp nghiệp vụ cơ bản đã nêu ở trên, hiện nay còn có một số biện pháp nghiệp vụ khác được đưa ra áp dụng và có hiệu quả tốt trong những môi trường nhất định như:

- Chuyển từ định hướng kiểm tra sau thông quan trên cơ sở vụ việc sang kiểm tra sau thông quan trên cơ sở định kỳ để có được cái nhìn tổng thể về hoạt động của một doanh nghiệp trong một giai đoạn nhất định, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý.

- Thông quan trước khi hàng đến: trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin với các nguồn đấu nối trực tiếp giữa hải quan và doanh nghiệp, hãng vận tải,... hải quan sẽ có đủ thông tin về một lô hàng cụ thể để có thể xử lý cho thông quan ngay khi hàng về đến cảng, đẩy nhanh tốc độ thông quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

- Khai thuê hải quan: dịch vụ này giúp nâng cao tốc độ, hiệu quả khai báo hải quan, nhờ đó rút ngắn đáng kể thời gian làm thủ tục tại cửa khẩu, giảm phiền hà, trục trặc cho người đi làm thủ tục, hạn chế được sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ hải quan

- Phân loại doanh nghiệp: lựa chọn những doanh nghiệp có doanh số xuất nhập khẩu lớn, số thuế nộp lớn, có quá trình chấp hành luật lệ hải quan tốt để tạo cho họ một ưu đãi nhất định trong làm thủ tục hải quan trên cơ sở những cam kết nhất định của họ với hải quan về việc chấp hành, nhờ đó hải quan có thể tập trung nguồn lực hạn hẹp vào các đối tượng nhiều rủi ro hơn, nâng cao hiệu quả quản lý.

- Ký kết các biên bản thoả thuận giữa DN làm các dịch vụ liên quan đến hải quan và cơ quan hải quan trong việc hợp tác giúp hải quan chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực chống ma tuý, đổi lại hải quan sẽ dành cho hàng hoá của họ những ưu đãi nhất định về thủ tục, tạo ưu thế cạnh tranh lành mạnh cho họ trong kinh doanh.

- Phân loại trước hàng hoá: Quy định của hải quan cho phép doanh nghiệp được hỏi trước các nội dung liên quan đến phân loại hàng hoá, chế độ chính sách liên quan đến một hàng hoá cụ thể, hải quan trả lời bằng văn bản. Khi làm thủ tục thông quan, hải quan chỉ kiểm tra nếu hàng hoá nhập khẩu đúng với các thông tin đã hỏi là cho thông quan.

- Lập hồ sơ, xác định trọng điểm: Khi thực hiện quản lý rủi ro, kỹ thuật lập hồ sơ, xác định trọng điểm có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tính toàn diện của các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát triển khai tại một địa bàn, trong một khoảng thời gian cụ thể, hay nói cách khác, bổ sung cho quản lý rủi ro. Nếu như các tiêu chí lựa chọn hàng hoá là những tiêu chí chung xây dựng theo nguyên lý của quản lý rủi ro để áp dụng với tất cả các loại đối tượng thì các hồ sơ hoặc các chỉ số rủi ro, sản phẩm của quá trình lập hồ sơ là các tiêu chí cụ thể với những đối tượng hoặc nhóm đối tượng cụ thể như mặt hàng, người buôn lậu, phương thức vận chuyển buôn lậu,... để giúp cho các lực lượng kiểm tra, kiểm soát phát hiện những gì mà hệ thống lựa chọn làm không hết hoặc không làm. hải quan các nước phát triển như Nhật, Mỹ, úc,.... đi đầu trong việc thực hiện kỹ thuật này. Hiện nay nhiều nước nhóm hai cũng đã áp dụng phổ biến trong lĩnh vực chống buôn lậu.

- Chương trình đánh giá tuân thủ:

Nội dung của chương trình là kỹ thuật lấy mẫu ngẫu nhiên có giá trị về mặt thống kê để xác định mức độ tuân thủ của chủ hàng đối với các qui định luật lệ hải quan qua đó tạo ra những kết quả có giá trị về mặt thống kê có tính khách quan. Khi áp dụng ở qui mô lớn cùng với kỹ thuật lập hồ sơ, xác định trọng điểm, các biện pháp này giúp tạo ra thế cân bằng cần thiết để tập trung lực lượng vào những lĩnh vực cần quan tâm của hải quan. Hơn nữa, kết quả thực hiện của biện pháp này sẽ đem lại những thông tin quan trọng để củng cố quá trình thực hiện quản lý rủi ro. Đi đầu theo định hướng này là hải quan Mỹ, Canada và nhiều nước khác kết hợp áp dụng biện pháp này.

Việt Nam, trong tiến trình phát triển đến năm 2020, sẽ có rất nhiều sự kiện lớn trong đời sống kinh tế - xã hội . Đây là giai đoạn đất nước thực hiện chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng để nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp, là mốc thời gian Việt Nam đã hội nhập tương đối toàn diện vào kinh tế thế giới và khu vực nên đòi hỏi ngành Hải quan phải nâng cao năng lực quản lý đặc biệt trong lĩnh vực xác định trị giá cho hàng xuất nhập khẩu, hoạt động có tính định hướng với các kế hoạch dài hạn và ngắn hạn; nhanh chóng hiện đại hóa, tự động hóa các mặt công tác, nhất là công tác quản lý sau thông quan, đổi mới hệ thống tổ chức của Hải quan Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng các yêu cầu hiện đại hóa là một yêu cầu cấp thiết mang tính khách quan.

KẾT LUẬN

Xác định trị giá hải quan theo hiệp định trị giá GATT/ WTO là một phương pháp quản lý trị giá hải quan tiên tiến, luôn đảm bảo tính công bằng và minh bạch giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nên được hầu hết hải quan các nước trên thế giới áp dụng, song thực tế, việc áp dụng hiệp định trị giá GATT là vấn đề chuyên môn phức tạp, đòi hỏi các nước phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt là các nước trong giai đoạn đầu thực hiện trong đó có Việt Nam. Việc nghiên cứu để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực XNK nói chung, công tác xác định trị giá hải quan nói riêng trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Với mục tiêu nghiên cứu đề ra, luận văn đã hoàn thành và giải quyết được những vấn đề trọng tâm.

Một là, làm rõ được một số nội dung có liên quan đến khái niệm trị giá hải quan, các phương pháp xác định trị giá hải quan, xác định được tầm quan trọng và tính tất yếu phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực trị giá hải quan.

Hai là, nghiên cứu, xem xét một số kinh nghiệm triển khai áp dụng hiệp định trị giá GATT tại Trung Quốc, một nước có hoạt động ngoại thương phát triển cao trong những năm gần đây. Đánh giá thực trạng công tác xác định trị giá hải quan ở Việt Nam để tìm ra những tồn tại và nguyên nhân của nó.

Ba là, trên cơ sở các quy định, chuẩn mực của GATT/WTO, thực trạng việc xác định trị giá hải quan của Trung Quốc để tìm đưa ra những điểm mới phù hợp với điều kiện Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện công tác xác định trị giá hải quan ở Việt Nam, trong đó có một số giải pháp quan trọng là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan theo hướng tăng cường quyền lực cho cơ quan Hải quan; Xây dựng lực lượng hải quan bán vũ trang từng bước hiện đại, đảm bảo mục tiêu “chuyên nghiệp -

minh bạch - hiệu quả”; Xây dựng và đào tạo đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực đặc biệt trong lĩnh vực trị giá, chống buôn lậu; Tăng cường hoạt động của lực lượng Tình báo, lực lượng kiểm toán hải quan; Xây dựng cơ chế phối hợp trong và ngoài ngành đặc biệt với các hiệp hội doanh nghiệp trong nước.

Với chủ trương hội nhập ngày một sâu rộng vào kinh tế thế giới và tuân thủ nguyên tắc cơ bản “tận tâm, thiện chí” thực hiện cam kết quốc tế, Chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp cơ bản nêu trên, là cơ sở để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác xác định trị giá hải quan, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế, đẩy mạnh phát triển ngoại thương ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Mặc dù đã rất cố gắng, song do đề tài nghiên cứu có tính chuyên môn sâu, điều kiện về tài liệu cũng như nghiên cứu thực tế tại Trung Quốc còn hạn chế nên không thể tránh khỏi những thiếu sót, rất mong được sự đóng góp để tiếp tục hoàn thiện.

Một phần của tài liệu Trị giá hải quan của WTO, thực trạng và áp dụng tại Trung Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 143)