Thương hiệu là một sự ghi nhớ liên quan đến uy tín của một công ty, có giá trị gia tăng tạo thành bởi sự tổng hợp của nhiều yếu tố trong tâm trí khách hàng như tên công ty, biểu tượng, khẩu hiệu, tên sản phẩm, đặc tính sản phẩm, quảng cáo, chương trình khuyến mại, các câu chuyện thương hiệu… gây ấn tượng đối với người tiêu dùng và được người tiêu dùng công nhận, lựa chọn. Giá trị thương hiệu
gồm có bốn yếu tố cấu thành: sự trung thành của khách hàng, việc khách hàng nhận ra thương hiệu một cách nhanh chóng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong tâm trí khách hàng và những liên tưởng của khách hàng khi nghe hoặc nhìn thấy thương hiệu. Để thành công trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay, không còn cách nào khác các ngân hàng cần phải nỗ lực trong việc xây dựng thương hiệu, cần phải coi thương hiệu là con đường ngắn nhất để chiếm lĩnh thị trường. Do vậy, hơn lúc nào hêt các ngân hàng cần khuếch trương thương hiệu để vượt lên dẫn đầu thị trường trước khi các ngân hàng nước ngoài thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
- Phát triển thương hiệu có trọng tâm rõ ràng: mục tiêu của quảng bá thương hiệu là để khách hàng biết đến, ghi nhớ và chấp nhận thương hiệu. Ngân hàng là một ngành kinh doanh đặc thù, vì vậy chọn chiến lược quảng bá hợp lý cực kỳ quan trọng. Cần phải xác định rõ hình ảnh mà ngân hàng muốn định vị trong tâm trí khách hàng là gì để từ đó xây dựng chiến lược marketing đồng bộ nhất quán. Sử dụng các kênh truyền thông chủ đạo , đầu tư kinh phí, sức lực đột phá mới có thể để lại dấu ấn rõ rệt trong tâm trí khách hàng.
- Nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên về quảng bá thương hiệu: đội ngũ nhân viên chính là những người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và là bộ mặt của ngân hàng. Họ chính là những người có tác động lớn nhất tới việc khách hàng đánh giá hình ảnh của ngân hàng như thế nào. Do vậy cần phải phổ biến cho toàn thể đội ngũ nhân lực về trách nhiệm của họ, để mỗi nhân viên sẽ trở thành một sứ giả thương hiệu.
- Ngân hàng cần đào tạo đội ngũ chuyên gia về xây dựng thương hiệu, giỏi về nghiệp vụ marketing, hiểu biết các dịch vụ ngân hàng, có va năng nắm bắt xu hướng thị trường cũng như coi trọng các kiến thức về sở hữu trí tuệ. Trong phạm vi tiềm lực của ngân hàng, cần có một bộ phận chuyên về phát triển thương hiệu để giúp ban lãnh đạo triển khai và giám sát các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu theo hướng từng nhân viên trở thành một đại sứ cho thương hiệu của mình. Để làm được điều này, lãnh đạo ngân hàng phải tổ chức các buổi chia sẻ tầm nhìn cho nhân viên, tổ chức huấn luyện về thương hiệu cho mọi nhân viên trong ngân hàng sao cho mỗi nhân viên đều ý thức được rằng mỗi ứng xử không khéo léo đều cóthể làm tổn hại thương hiệu. Đây chính là nhân tố cốt yếu đảm bảo sự duy trì lớn mạnh cho ngân hàng.