Chính sách tín dụng là các nguyên tắc cơ bản chi phối sự mở rộng tín dụng. Nó cung cấp cơ sở cho việc điều hành kinh doanh dài hạn để hoạt động kinh doanh một cách chủ động thay vì phản ứng thụ động trước chính sách của đối thủ cạnh tranh. Chính sách tín dụng phải xem xét tới tình hình kinh tế và những yêu cầu của khách hàng mục tiêu mà ngân hàng xác định phục vụ.
Chính sách tín dụng nên được đặt trong bối cảnh thị trường và chính sách kinh doanh chung. Nó cũng cần phải phối hợp chặt chẽ, phù hợp với các chính sách khác của ngân hàng như đầu tư, quản lý tài sản và nợ, marketing và nguồn lực, hoạt động cộng đồng.
Chính sách tín dụng nên do nhân viên tín dụng cấp cao soạn thảo và được phê duyệt bởi Ban điều hành ngân hàng và Hội đồng quản trị. Nó phải được xây dựng một cách cụ thể và ít nhất phải được cập nhật hàng năm sao cho phù hợp với sự biến động thị trường. Điều quan trọng là chính sách tín dụng phải trả lời được câu hỏi “Phải làm cái già” chứ không phải là “Phải làm cách nào” và phải chỉ rõ ra những ngoại lệ cũng như những hạn chế. Chính sách tín dụng cần linh hoạt, chỉ xử lý các vấn đề lớn, vì vậy sẽ không bị lệ thuộc vào những thay đổi mang tính thường xuyên.
Một chính sách tín dụng phải bao gồm các yếu tố cơ bản sau:
- Các yếu tố pháp luật: Ngân hàng cần đưa ra các giới hạn cho vay hợp pháp một cách rõ ràng để tránh những sai phạm cũng như gian lận trong tuân thủ hạn mức cho vay đối với khách hàng – một trong những nguyên nhân gây ra nợ xấu.
- Quy mô tối đa trong danh mục cho vay: Ngân hàng phải xác định rõ quy mô tối của danh mục.Quy mô này cần được xem xét trong các mối liên hệ với các khoản tiền gửi, với nguồn vốn vay hay các tiêu chuẩn được phân biệt rõ rang khác.
- Cơ cấu danh mục cho vay: Một trong những yếu tố quan trọng nhất của chính sách tín dụng là các loại hình cho vay mà ngân hàng sẽ thực hiện hoặc sẽ không thực hiện, cũng như số lượng mỗi loại là bao nhiêu trong tổng danh mục cho vay.
- Ủy quyền cho vay: Mỗi thành viên được ủy nhiệm cho vay phải biết chính xác mức tín dụng cũng như các trường hợp được phép quyết định cho vay. Sự ủy quyền cũng bao gồm cả thấu chi trên tài khoản tiền gửi của người đi vay, bởi vì mỗi khoản thấu chi cũng chính là sự mở rộng tín dụng. Sự ủy quyền phải được xem xét bởi các nhà quản lý cấp cao và được Hội đồng quản trị duyệt ít nhất mỗi năm một lần.
- Định giá: Phí tài trợ cho việc vay phải bù đắp được chi phí huy động vốn, chi phí mở rộng và quản lý tín dụng, chi phí rủi ro thời hạn và rủi ro tín dụng.
- Địa bàn hoạt động: Việc xác định phạm vi hoạt động của ngân hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi nguồn vốn hoạt động, đặc điểm địa lý tại nơi ngân hàng đặt trụ sở, quá trình hoạt động của ngân hàng, số lượng nhân viên và khả năng của họ.
- Những tiêu chuẩn chất lượng tín dụng: Ngân hàng cần phải quyết định những tiêu chuẩn định tính của những khoản tín dụng được phép thực hiện. Ngân hàng có thể chọn danh mục các khoản vay có chất lượng cao, lãi suất thấp, tổn thất từ rủi ro tín dụng thấp hoặc các khoản vay với lãi suất cao hơn nhưng rủi ro cao hơn, định hướng tăng trưởng nhanh hơn. Những tiêu chuẩn chất lượng này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngân hàng.
- Tính thanh khoản: Chính sách tín dụng cần phải chỉ ra tính chất, cũng như tính thanh khoản của danh mục cho vay. Có rất nhiều yếu tố tác động đến mức thanh khoản cần thiết của danh mục cho vay, nhưng yếu tố đầu tiên là cơ cấu tiền gửi và mức độ thanh khoản của các tài sản ngân hàng khác. Bởi vì tính không ổn định cũng như những biến động thời vụ của tiền gửi, số lượng của quỹ được mua lại, thành phần của danh mục đầu tư sẽ tác động trực tiếp tới việc hình thành tính thanh khoản của chính sách tín dụng.
- Giám sát tín dụng: Việc kiểm soát được thiết lập tốt nhất thiết phải gắn với chính sách tín dụng cũng như các thủ tục hợp lý và quy trình cho vay cụ thể. Ngược lại, nếu thiếu các quy định và giám sát sẽ khó lòng thực hiện được các chính sách cũng như các tiêu chuẩn đã đề ra.