7. Kết cấu của Luận văn
2.2.1. Quyền, nghĩa vụ của nạn nhân
Nạn nhân BLGĐ được pháp luật bảo vệ song họ cũng cần có trách nhiệm thực thi Luật PCBLGĐ.
Nạn nhân bạo lực gia đình mà chủ yếu là người phụ nữ bị bạo lực thường không dám chia sẻ cùng ai vì họ xấu hổ, sợ gia đình đổ vỡ. Những người sử dụng bạo lực trong gia đình cũng đã triệt để lợi dụng yếu điểm này để che đậy hành vi bạo lực của mình. Thái độ im lặng, âm thầm chịu đựng, né tránh tố cáo của người phụ nữ khi bị bạo lực chính là khe hở dung túng cho
hành vi bạo lực tồn tại. Trong thực tế khi bạo lực trong một gia đình xẩy ra nghiêm trọng thì các tổ chức, cộng đồng mới có lý do để can thiệp và giúp đỡ. Vì vậy để ngăn chặn bạo lực trong gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình phải biết tự bảo vệ mình, phải ý thức được quyền và trách nhiệm của mình để được hỗ trợ, được giúp đỡ kịp thời.
Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình được quy định cụ thể tại Điều 5, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, bao gồm:
“1. Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.”
Nạn nhân bạo lực gia đình, những người đã bị chính người thân của mình gây ra những thương tổn nhất định, rất cần nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội. Họ được pháp luật trao cho các quyền cơ bản của con người là yêu cầu bảo vệ và được cung cấp, hỗ trợ các điều kiện thiết yếu để ngăn chặn bạo lực gia đình đang xảy ra. Quy định này một mặt khẳng định quyền của nạn nhân bạo lực gia đình nhằm nâng cao nhận thức của nạn nhân bạo lực gia đình đối với việc bảo vệ quyền lợi của mình, mặt khác cũng tác động tích cực đến thái độ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bởi lẽ trước đây khi nạn nhân đến báo tin cho chính quyền địa phương về tình trạng bạo
lực họ đang phải chịu, thường thì những khiếu nại hoặc đề nghị của họ không được coi trọng và họ chỉ miễn cưỡng can thiệp khi bạo lực xảy ra vì cho rằng bạo lực gia đình là vấn đề nội bộ trong gia đình, người ngoài không nên can thiệp nên vấn nạn bạo lực gia đình không được giải quyết một cách triệt để.
Bên cạnh những quyền lợi được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, nạn nhân bạo lực gia đình cũng phải thực hiện nghĩa vụ nhất định, đó là: cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu. Bởi lẽ, xưa nay, người phụ nữ Việt Nam (nạn nhân chủ yếu của bạo lực gia đình) vẫn quen thói chịu đựng, quen lệ thuộc, truyền thống văn hoá Việt Nam là “đóng cửa bảo nhau”, tuy nhiên có những việc không giải quyết được trong nội bộ gia đình thì cần phải công bố cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền biết để giúp sức giải quyết. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho mình, không ai khác ngoài nạn nhân bạo lực gia đình phải thực hiện một số nghĩa vụ cần thiết để các cơ quan bảo vệ giúp đỡ mình. Đây là việc làm chính đáng tự cứu mình thoát khỏi cảnh bạo lực gia đình.