7. Kết cấu của Luận văn
1.5.2. Giai đoạn từ năm 1945-1954
Năm 1945, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, chương trình bình đẳng nam nữ đã được đưa vào luật pháp, chính sách, chương trình hoạt động của Nhà nước một cách có hệ thống.
Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 đã thể hiện rõ cam kết của Đảng và Nhà nước đối với bình đẳng nam nữ. Điều 1 Hiến pháp năm 1946 khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giống nòi, trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, pháp luật quy định phụ nữ được hưởng các quyền ngang với nam giới: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều 6) và “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, quyền bình đẳng nam nữ đã được ghi nhận trong đạo luật có hiệu lực pháp lí cao nhất của nhà nước. Chính nội dung qui định này đã tạo tiền đề pháp lí quan trọng cho những thay đổi về địa vị của người phụ nữ trên văn bản pháp luật cũng như trong thực tiễn và là một khẳng định quan trọng, tiền đề cho việc giải quyết mấu chốt sâu xa của bạo lực gia đình.
Mặc dù pháp luật đã qui định rõ, nhưng do tàn tích của lịch sử để lại nên trong nhiều gia đình, phụ nữ vẫn chưa được bình đẳng hoàn toàn với nam giới, họ vẫn là nạn nhân của bạo lực gia đình. Nhận thức được những nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng muốn thực hiện bình đẳng nam, nữ; phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ trước hết phải giải phóng phụ nữ ra khỏi sự trói buộc của tư tưởng "trọng nam khinh nữ", ra khỏi sự bất công ngay trong gia đình của họ. Người lên án mạnh mẽ quan điểm "đàn bà phải quanh quẩn trong bếp". Chính những quan niệm kiểu đó đã dẫn đến việc giá trị người phụ nữ bị hạ thấp trong gia đình và xã hội. Người đặc biệt lên án mạnh mẽ các hiện tượng phân biệt đối xử với phụ nữ như: khinh rẻ, coi thường, đánh đập, chửi mắng, hành hạ phụ nữ, ép duyên con gái, đối xử tàn tệ với con dâu... Người viết: "Khinh rẻ phụ nữ và dã man nhất là thói đánh vợ. Trong nhân dân và đảng viên vẫn còn thói xấu này.
Thậm chí, có cán bộ và đảng viên đánh vợ bị thương nặng khi vợ mới ở cữ.
Mẹ chồng và em chồng không ngăn lại còn thượng đấm tay, hạ đá chân" [16].
Người cho đó là một điều đáng xấu hổ, như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên nhắc nhở các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể phải làm tốt công tác vận động phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền, chống bạo lực gia đình bởi bạo lực gia đình chính là yếu tố cản trở sự phát triển xã hội. Chính vì vậy, trong giai đoạn này Người đã chủ trương giải phóng phụ nữ khỏi những bất công, tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền bình đẳng của mình, trước hết là trong gia đình.
Trong giai đoạn này, lịch sử phát triển pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình bước sang một trang mới với sự cụ thể hóa vấn đề bình đẳng trong lĩnh vực dân sự và hôn nhân, gia đình. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đã ban hành hai sắc lệnh đầu tiên điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, đó là Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 về sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật và Sắc lệnh số 159/SL ngày 17/11/1950 quy định về vấn đề ly hôn - đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của chính sách phụ vận về hôn nhân và gia đình. Trong Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950, vấn đề bình đẳng nam nữ trong gia đình được khẳng định “Chồng và vợ có địa vị bình đẳng trong gia đình” (Điều 5); “Người đàn bà có chồng có toàn năng lực về mặt hộ” (Điều 6). Về vấn đề ly hôn, Sắc lệnh số 159/SL ngày 17/11/1950 cũng thể hiện sự bình đẳng nam nữ, như công nhận quyền tự do giá thú và tự do ly hôn, xóa bỏ sự phân biệt không bình đẳng về các duyên cớ ly hôn riêng cho vợ và chồng trong các Bộ dân luật cũ, đồng thời quy định duyên cớ ly hôn chung cho cả hai vợ chồng (Điều 2). Bên cạnh đó, Sắc lệnh số 159/SL ngày 17/11/1950 cũng quy định điều khoản bảo vệ phụ nữ và thai nhi mà không bị xem là bất bình đẳng giới: “Trường hợp ly hôn mà người vợ có thai thì vợ hay chồng có thể xin
Tòa án hoãn đến sau kỳ sinh nở mới xử việc ly hôn” (Điều 5).
Mặc dù chưa có quy định cụ thể về vấn đề bạo lực gia đình, tuy nhiên những quy định sơ khai khẳng định quyền bình đẳng giữa nam và nữ đã thể hiện được ý thức tiến bộ, xóa bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Các văn bản pháp luật này đã tập hợp thành hệ thống các văn bản pháp luật về bình đẳng giới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình trên thực tế ở Việt Nam.
Như vậy, dù không thể hiện bằng văn bản nhưng thực tế đã chứng minh việc phòng, chống bạo lực gia đình đã được ghi nhận. Xóa bỏ bất bình đẳng giới, khẳng định quyền của con người là một trong những yếu tố quan trọng để xác lập ý thức phòng, chống bạo lực gia đình.