Theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm hiện nay của Việt Nam, việc xác định cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm phụ thuộc vào đối tượng tài sản bảo đảm. Theo đó, những loại tài sản bảo đảm được xác định theo bốn nhóm: bất động sản (quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất), tàu bay, tàu biển và các động sản khác. Tương ứng với mỗi nhóm tài sản bảo đảm này sẽ xác định cơ quan có thẩm quyền tương ứng và thường là cơ quan quản lý trực tiếp loại tài sản đó (trừ nhóm thứ tư: các động sản khác). Cụ thể:
* Đối với bất động sản
Thông tư số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT về hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất quy đi ̣nh [7]:
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất, tài sản gắn liền với đất thực hiện đăng ký thế chấp đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có đất, tài sản gắn liền với đất hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp chưa thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện đăng ký thế chấp đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy, các cơ quan kể trên là các cơ quan thực hiện việc đăng ký đối với quyền sở hữu các tài sản là tài sản bảo đảm và phụ trách luôn việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các loại tài sản này.
* Đối với tài sản bảo đảm là tàu bay
Tương tự như bất động sản, việc đăng ký tàu bay hiện nay được giao cho Cục Hàng không Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải. Và đương nhiên, cũng giống như tài sản bảo đảm là bất động sản, trong trường hợp này, nếu tàu bay là tài sản bảo đảm thì thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay cũng thuộc về Cục Hàng không Việt Nam.
* Đối với tài sản bảo đảm là tàu biển
Tương tự như hai loại tài sản trên, việc đăng ký tàu biển hiện nay được giao cho cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam (Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải thuộc Cục hàng hải Việt Nam). Và việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu biển cũng được thực hiện theo nguyên tắc: tàu biển Việt Nam được đăng ký (quốc tịch và sở hữu) tại Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực nào thì thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu biển đó được thực hiện tại chính cơ quan đã đăng ký.
Như vậy, nguyên tắc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các loại tài sản vừa nêu là tài sản bảo đảm được đăng ký (quyền sở hữu) tại cơ quan nào
thì việc đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện tại chính cơ quan đó. Quy định như vậy là thuận tiện cho việc theo dõi biến động việc chuyển quyền sở hữu cũng như hạn chế quyền sở hữu đối với tài sản bảo đảm, giúp cho việc phát hiện các tiêu cực trong giao dịch được kịp thời, ngăn chặn các hậu quả xấu, bảo vệ quyền lợi của các bên, đặc biệt là bên nhận bảo đảm. Tuy nhiên, điều này cũng làm cho việc đăng ký tài sản bảo đảm phân tán tại các cơ quan khác nhau mà không phải là một hệ thống riêng, làm giảm tính tập trung và gây khó khăn cho công tác xây dựng dữ liệu thống nhất về giao dịch bảo đảm trên phạm vi cả nước.
* Đối với các động sản
Đối với các loại tài sản còn lại, việc đăng ký giao dịch bảo đảm thuộc thẩm quyền của Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia Giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp. Đây là hình thức đăng ký tự nguyện đối với các giao dịch bảo đảm. Còn các tài sản như đã liệt kê ở trên có giá trị cao hoặc liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên thuộc trường hợp bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm. Việc thành lập Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục đăng ký quốc gia Giao dịch bảo đảm là cần thiết xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của xã hội là đăng ký tự nguyện đối với các giao dịch bảo đảm được xác lập để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên cũng như minh bạch hóa các giao dịch tài sản.