KHÁI QUÁT VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

Một phần của tài liệu Đăng ký giao dịch bảo đảm-từ thực tiễn hoạt động của ngân hàng techcombank (Trang 34)

LUẬT VIỆT NAM VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

Hiện nay, việc đăng ký giao dịch bảo đảm ở Việt Nam vẫn chưa được Luật hóa mà mới chỉ điều chỉnh ở tầm Nghị định. Nghị định 83/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm là văn bản tập trung quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm ở Việt Nam hiện nay.

Trước khi Nghị định 83/2010/NĐ-CP được ban hành thì Nghị định 08/2000/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm là văn bản đầu tiên quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm. Nghị định này là cơ sở cho việc ra đời và tổ chức triển khai hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam.

Nghị định 08/2000/NĐ-CP là văn bản sơ khai về đăng ký giao dịch bảo đảm. Sau thời điểm năm 2000, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước có những thay đổi nhanh chóng. Ngoài ra, các văn bản pháp luật làm cơ sở cho việc ban hành nghị định này cũng như điều chỉnh về vấn đề giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm bị thay thế hoặc được ban hành mới. Đặc biệt, Bộ luật Dân sự năm 1995 đã bị thay thế bởi Bộ luật Dân sự năm 2005, trong đó vấn đề giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm có những thay đổi cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu hội nhập quốc tế. Do đó, Nghị định số 08/2000/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Cụ thể:

Thứ nhất, Bộ luật Dân sự năm 1995 là cơ sở cho việc ban hành Nghị định 08/2000/NĐ-CP đã được thay thế bởi Bộ luật Dân sự năm 2005. Về lĩnh vực giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm, Bộ luật Dân sự năm

2005 đã có những thay đổi căn bản so với Bộ luật Dân sự năm 1995 như các biện pháp bảo đảm bằng tài sản như ký cược, ký quỹ… đã được Bộ luật Dân sự năm 2005 bổ sung thêm. Do đó, chúng ta thấy, đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảm theo Bộ luật Dân sự năm 2005 đã có sự thay đổi căn bản. Điều này dẫn đến Nghị định 08/2000/NĐ-CP không còn phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2005 và cần phải có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thứ hai, Nghị định 08/2000/NĐ-CP được ban hành trong bối cảnh Việt Nam mới bắt đầu triển khai thiết lập hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm. Tư duy xây dựng Nghị định 08/2000/NĐ-CP thiên về việc quy định trình tự, thủ tục, thời điểm đăng ký, thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng bất động sản. Chính vì vậy, điều này đã nảy sinh hạn chế là các quy định của Nghị định 08/2000/NĐ-CP không phù hợp với việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng các loại tài sản không phải là bất động sản như: tàu bay, tàu biển, ô tô... bởi yếu tố đặc thù riêng có của các loại tài sản này.

Thứ ba, các Luật chuyên ngành được ban hành có sự thay đổi hoặc ban hành mới các quy định liên quan đến vấn đề đăng ký giao dịch bảo đảm, trong đó có những vấn đề thuộc sự điều chỉnh của Nghị định 08/2000/NĐ-CP như Luật Đất đai năm 2003 quy định cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh), trong khi đó Nghị định 08/2000/NĐ-CP lại quy định thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã. Các văn bản khác như Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ luật Hàng hải cũng có những thay đổi tương tự. Điều này tạo ra sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn và đòi hỏi cần phải thay đổi các nội dung liên quan trong Nghị định 08/2000/NĐ-CP cho phù hợp.

Thứ tư, sau thời điểm năm 2000, Việt Nam tăng cường cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính. Tuy nhiên, Nghị định 08/2000/NĐ-CP quy định việc đăng ký và cung cấp

thông tin đăng ký giao dịch bảo đảm theo hướng thủ công, bằng hồ sơ giấy tờ. Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết và dễ phát sinh tiêu cực. Chính vì vậy, cần phải có những thay đổi cần thiết đối với Nghị định 08/2000/NĐ-CP để phù hợp với tiến trình cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính Việt Nam.

Thứ năm, Nghị định 08/2000/NĐ-CP cũng còn có những hạn chế nhất định trong quy định về quản lý nhà nước đối với đăng ký giao dịch bảo đảm, chẳng hạn như không quy định về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, thiếu cơ chế phối kết hợp giữa các bộ ngành trong đăng ký giao dịch bảo đảm và công tác thống kê đăng ký giao dịch bảo đảm…

Đây là những bất cập cơ bản của Nghị định 08/2000/NĐ-CP cần phải có sự thay đổi, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như tiến trình cải cách hành chính, tình hình kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Trên cơ sở đó, Nghị định 83/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm ra đời nhằm khắc phục những hạn chế đã nêu của Nghị định 08/2000/NĐ-CP. Cụ thể:

Một là, Nghị định 83/2010/NĐ-CP quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm; ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm đảm bảo sự minh bạch, hiện đại, thân thiện và tạo thuận lợi tối đa cho các chủ thể khi tham gia đăng ký và cung cấp thông tin đăng ký giao dịch bảo đảm.

Hai là, Nghị định 83/2010/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở pháp điển hóa các quy định của các văn bản về đăng ký giao dịch bảo đảm, đặc biệt là Nghị định 08/2000/NĐ-CP. Đó là sự kế thừa các quy định đã ổn định, còn phù hợp, bổ sung các quy định mới và hướng dẫn cụ thể những nội dung liên quan đến đăng ký giao dịch bảo đảm.

Ba là, Nghị định 83/2010/NĐ-CP đã thống nhất thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các loại tài sản (cả động sản và bất động sản) thông qua việc quy định chung về phương thức nộp hồ sơ, thủ tục tiếp nhận hồ sơ đăng ký, thời hạn giải quyết và trả kết quả đăng ký giao dịch bảo đảm. Và đặc biệt, Hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm đã được quy định trong Nghị định này.

Bốn là, để đảm bảo và phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, Nghị định 83/2010/NĐ-CP cũng đã được xây dựng đáp ứng các tiêu chí tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước nói chung, về đăng ký giao dịch bảo đảm nói riêng.

Một phần của tài liệu Đăng ký giao dịch bảo đảm-từ thực tiễn hoạt động của ngân hàng techcombank (Trang 34)