Hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH VÀ BIỂN ĐẢO TRONG SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA SAU 1975 (Trang 59)

2. Hình tượng biển đảo quê hương

1.3. Hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng

Bản thân những hình ảnh giàu sức ám ảnh đều đã mang tính biểu tượng. Tuy nhiên nhiều thi ảnh trong thơ Trần Đăng Khoa mang tính biểu tượng rất cao khi những hình ảnh ấy lặp đi lặp lại nhiều lần trong văn xuôi cũng như trong thơ.

Điển hình như hình ảnh “đảo chìm” tưởng như lạ lùng, lần đầu được nói đến trong tác phẩm Trần Đăng Khoa làm ta hiểu từng phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, làm thức nhận ra: “Thế mà trong sách báo, cả sách khoa học, sách địa lý dành cho giới học đường, người ta lại định nghĩa: Đảo là một khoảng đất nhô lên giữa biến khơi”. Té ra, lòng yêu Tổ quốc đã qua trải nghiệm còn bao la và sâu thẳm hơn những lời nói trong sách vở rất nhiều.

Hay trong bài thơ Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, hình ảnh “mưa” và người lính hải quân “đợi mưa” cũng là một biểu tượng cho sự khao khát, là khát vọng cho sự đổi mới của đất nước. Đợi mưa từ phía chân trời cũng chính là sự linh cảm của tác giả về công cuộc đổi mới của đất nước.

Tác giả đã tập trung khắc họa những nhọc nhằn mà những người lính đảo đang phải đương đầu giữa khơi xa với ý chí đáng khâm phục và ước mơ thật giản đơn - ước mơ có được những cơn mưa - ước mơ về “bữa tiệc linh đình” chỉ có toàn…nước ngọt.

Bài thơ đã tả rõ tâm hồn người lính đảo và cũng cho thấy tác giả thật hiểu nỗi lòng người lính ngày đêm chờ đợi mưa rơi:

“Mưa đi! Mưa đi! Mưa cho táo bạo

Mưa như chưa bao giờ mưa, sấm sét đùng đùng …

Mưa đi! Mưa đi! Mưa cho mãnh liệt

Mưa lèm nhèm, chúng tôi chẳng thích đâu…”

Những cấp độ của sự mong mưa tăng dần với nhịp độ dồn dập, rồi lại giảm dần… và nếu không thể có mưa thì xin cứ hiện lên những ánh chớp, những cơn giông ảo ảnh, để con người có một niềm vui đón đợi, bởi còn hy vọng thì còn niềm tin. Đó là khao khát thường trực của người lính Trường Sa. Kết thúc bài thơ là lời thể hiện tinh thần vượt khó khăn, vững vàng, sẵn sàng đón nhận thử thách phía trước:

“Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo. Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương đầy gió bão.

Chúng tôi như hòn đá ngàn năm, trong đập nhịp tim người Như đá vững bền. Như đá tốt tươi...”

Bài thơ với nhịp điệu tưng bừng phấn khích và đậm đầy chất lính, tươi trẻ và khoáng đạt khiến người đọc dạt dào xúc cảm và thấy mình như muốn hòa vào sức trẻ cùng ý chí gắn kết, kiên cường bảo vệ biển, đảo của những người lính.

Điệp khúc “Ôi ước gì được thấy mưa rơi” day dứt suốt cả một bài thơ dài, dẫu chưa có mưa nhưng chúng ta “cũng có một niềm vui đón đợi”. Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn là bài thơ viết về sự can trường và sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Trường Sa, đang ngày đêm vững vàng trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ở bài Thơ tình người lính biển, hình ảnh biển – bờ cũng là những biểu tượng. Bằng cách sử dụng các hình ảnh hết sức quen thuộc, có tính biểu trưng

cao, Trần Đăng Khoa đã để hình ảnh “biển” và “em” luôn xuất hiện bên nhau, đi liền nhau trong suốt cả bài thơ cùng với lối kết cấu đặc biệt, bài thơ gồm năm khổ, thì cả năm khổ thơ đều được kết thúc bằng hình ảnh “Biển một bên và em một bên”. Điều đó đã giúp cho bạn đọc luôn cảm nhận được rằng trong mọi nơi, mọi lúc, mọi khoảnh khắc thì “biển” và “em” đều ngự trị trong trái tim và tâm hồn người lính biển, đem lại niềm tự hào, niềm hạnh phúc cho anh, biển khơi cũng chính là biển của tình yêu.

Khổ thơ cuối một lần nữa khẳng định tình cảm, lẽ sống của người lính biển đã và sẽ mãi mãi dành cho “biển” và “em”:

“Vòm trời kia có thể sẽ không em Không biển nữa. Chỉ còn anh với cỏ. Cho dù thế thì anh vẫn nhớ

Biển một bên và em một bên.”

Nhà thơ Tế Hanh, từ trước đã có bài thơ Sóng gồm bốn câu thơ được in trong tập Theo nhịp tháng ngày vào năm 1974:

“Biển một bên, em một bên Ta đi trên bãi cát êm đềm

Thân buông theo gió hồn theo mộng Sóng biển vào anh với sóng em.”

Ở Tế Hanh là: “Biển một bên, em một bên” và Trần Đăng Khoa cũng là: “Biển một bên và em một bên”. Cả hai đều nói về tình yêu và cũng có các đối tượng biển và em trong đó. Nhưng cái đích của Tế Hanh nhằm tới chỉ là em, chỉ là tình yêu trai gái. Còn Trần Đăng Khoa, khi đặt trong toàn bài với sự lặp lại ở cuối mỗi khổ câu Biển một bên và em một bên thì tình yêu ấy bao gồm cả tình yêu Tổ quốc và tình yêu đôi lứa. Biển không còn là một đối tượng miêu tả đơn thuần nữa mà biển đã thành biểu tượng của Tổ quốc. Biển của Đất nước gian nan chưa bao giờ bình yên, biển của những người lính nơi thăm thẳm nước trời và dưới những chùm sao xa lắc…

Hoặc trong thơ, mỗi lần nhớ mẹ, nhớ về quê nhà, Trần Đăng Khoa hay nhắc đến hàng giậu với rặng cúc tần xanh:

“Ngày mai, ngày mai, nếu mình không trở về Cậu có nhớ lối rẽ vào nhà mình không cậu? Cúc tần xanh, tơ cuộn vàng lưng giậu Mẹ mình thường đứng đó để nhìn ra…”

(Ngày mai ra trận) Rồi:

“Con biết chiều nay bên giậu cúc tần Mẹ đang đứng nhìn đây

Như mỗi lần nắng ngả…”

(Thư viết bên của sổ máy bay)

Trong thơ dùng biểu tượng đúng chỗ sẽ làm cho hình ảnh thơ vừa sinh động cụ thể, vừa mang được giá trị biểu hiện khái quát.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH VÀ BIỂN ĐẢO TRONG SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA SAU 1975 (Trang 59)