Người lính nhân vật trữ tình trong thơ

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH VÀ BIỂN ĐẢO TRONG SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA SAU 1975 (Trang 26)

1. Đặc điểm nổi bật của hình tượng người lính trong sáng tác của Trần Đăng khoa sau

1.2. Người lính nhân vật trữ tình trong thơ

Đây là điểm khác nhau của hình tượng người lính trong thơ Trần Đăng Khoa trước và sau năm 1975.

Trước năm 1975, cái tôi - nhân vật trữ tình trong Góc sân và Khoảng trời là em thiếu nhi Trần Đăng Khoa, và hình tượng anh bộ đội chỉ mới là khách thể (đối tượng trữ tình) mà nhân vật trữ tình hướng tới để bộc lộ cảm xúc. Điều ấy được thể hiện qua những bài thơ: Thầy giáo đi bộ đội, Trận địa bỏ không, Gửi theo các chú bộ đội, Từ anh đi chiến trường xa, Điều anh quên không kể…làm ở độ tuổi từ tám lên mười; và khi bước vào tuổi mười lăm, cái tôi ấy nói lên khát vọng nóng lòng của mình với anh bộ đội:

“…Em chẳng còn bé bỏng như xưa

Chiếc khăn quàng em đeo đã bắt đầu thấy chật Những trang giấy cứ cồn trên mặt đất

Đường hành quân dẫn đến mọi chân trời Cao hơn trang thơ, hơn cả cuộc đời Là Tổ quốc đang một còn, một mất”

Tháng 02 năm 1975, Trần Đăng Khoa chia tay các thầy cô lên đường nhập ngũ, ông được bổ sung vào Hải quân. Mang “Màu áo lính với niềm tâm sự lính”, cảm xúc về người lính càng dồi dào, hình ảnh người lính càng đậm nét trong thơ Trần Đăng Khoa. Cũng từ đó, nhà thơ và người lính Trần Đăng Khoa hòa làm một, người lính trở thành nhân vật trữ tình trong thơ Trần Đăng Khoa sau 1975. Anh bộ đội từ vị trí khách thể thẩm mĩ đã chuyển sang vai trò của chủ thể trữ tình, từ “Người em yêu thương” đã trở thành người sống “Cuộc đời lính”, “Hát niềm tâm sự lính” trong thơ Trần Đăng Khoa.

Bước vào quân ngũ, Trần Đăng Khoa trực tiếp nếm trải và thấu hiểu nỗi gian khổ của cuộc đời người lính. Hiện lên rõ nhất, sâu đậm nhất và cũng ám ảnh trong thơ Trần Đăng Khoa là nỗi gian khổ của người lính biển. Các anh hàng ngày phải đối mặt với bão tố, cá mập, chim ác và kẻ thù để bảo toàn sinh mạng và bảo vệ đảo. Cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió của các anh có những khó khăn không giống như những chiến trường khác. Doanh trại của lính đảo giữa đại dương mênh mông là:

“Lều bạt chông chênh giữa nước giữa trời Đến một cái gai cũng không sống được”

(Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài) Sống giữa bốn bề sóng nước mà vẫn thiếu nước, thèm nước ngọt, các anh phải kiên nhẫn đợi từng giọt mưa rơi. Nỗi ao ước của những người lính biển thật giản dị và cảm động:

“Chúng tôi không cạo đầu, để tóc lên như cỏ Rồi khao nhau

Bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt Ôi ước gì được thấy mưa rơi”

(Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn)

Có những nỗi gian khổ các anh đã trải qua mà trong điều kiện sống ở đất liền khó có thể hình dung nổi:

“Đảo vẫn chìm dưới ba mét nước

Măng khô hết rồi. Chỉ thăm thẳm biển xanh Lưới chẳng có mà cá vờn trước mặt

Biết tìm đâu ra một bát canh”

Ở đảo, mỗi năm các anh phải đối mặt với hàng trăm cơn bão. Đi ngang qua bão, mỗi người lính đảo giống như “Cây bão táp” giữa phong ba. Khi đất nước bình yên, người lính chiến trở thành “Lính thời bình”, nhưng nỗi gian khổ, thử thách vẫn đồng hành cùng cuộc đời người lính:

“Đất nước không giặc Tưởng về gần mà xa Vẫn gian nan làm bạn Vẫn gió sương làm nhà”

(Lính thời bình)

Và trong gian khổ, các anh đã sống trọn, sâu sắc cuộc đời người lính. Lắng nghe tiếng nói trữ tình của người lính trong thơ Trần Đăng Khoa, người đọc càng thấu hiểu sự hi sinh lớn lao của những người chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở nơi biên cương và hải đảo xa xôi. Đồng thời, càng thêm cảm phục và trân trọng các anh, những con người trong gian khổ vẫn tìm thấy “Niềm sung sướng lính”, vẫn hát “Niềm tâm sự lính”.

Những “Niềm tâm sự lính” được thể hiện trong thơ Trần Đăng Khoa đã mở ra cả khoảng sáng tâm hồn phong phú, cao đẹp của những người lính trẻ. Trước hết là tình yêu Tổ quốc, tình yêu lý tưởng. Các anh rất tự hào về trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Từ biên giới Tây Nam đến quần đảo Trường Sa, dù ở mặt trận nào, làm nhiệm vụ gì, các anh cũng xác định rõ trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc.

Người lính trên mặt trận biên giới Tây Nam trước giờ ra trận nghĩ rằng, nếu có ngã xuống trong trận chiến đấu ngày mai anh cũng không hề hối tiếc bởi quê hương sẽ được sống thanh bình, “Tiếng bước chân bầy trẻ nhỏ” và “Tiếng rúc rích cười” sẽ rộn mãi buổi hoàng hôn (Thư gửi mẹ). Anh lính hải quân tạm biệt người yêu, tạm biệt thành phố rực rỡ ánh đèn đến nơi “Trời khuya, đảo vắng” vì một tình yêu lớn lao hơn tình yêu đôi lứa:

“Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên

Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng” (Thơ tình người lính biển)

Người lính đảo Nam Yết hiên ngang trên chòi quan sát giữa bốn bề bão tố vì anh biết, đảo là giọt máu thiêng của Tổ quốc:

Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này”

(Lính đảo hát tình ca trên đảo) Để bảo vệ Tổ quốc, quê hương, các anh sẵn sàng chấp nhận hi sinh những khát vọng cá nhân chính đáng và thiết thực nhất:

“Hôm nay em đến giảng đường Anh hằng khao khát

Thế hệ anh, mấy lớp người đi cứu nước Có bao anh chưa tới được lớp mười Có bao anh nằm lại dọc đường rồi” Những con suối không tên,

Những ngọn đồi không tuổi” (Em vào đại học)

Và trong tâm hồn người lính luôn dấy lên niềm tự hào, kiêu hãnh về cả một thế hệ có lý tưởng sống đẹp, xứng đáng với Tổ quốc. Anh nhìn vào đồng đội, soi vào lòng mình, càng thấy vững tin vào lý tưởng và con đường đã chọn:

“Nếu anh lại trẻ trung mười tám tuổi Và Tổ quốc lại một lần lên tiếng gọi anh đi Anh lại bằng lòng vượt mọi hiểm nguy Với Độc lập, Tự do cho tất thảy mọi người Thế hệ anh đã sống một thời

Xứng đáng để thế hệ sau kiêu hãnh” (Về làng)

Trần Đăng Khoa đã viết tiếp bài ca người lính với tình yêu Tổ quốc, tình yêu lý tưởng, tình yêu đồng đội sâu sắc thiêng liêng.

Hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ anh tỏa sáng vẻ đẹp lý tưởng của những người lính trẻ trong giai đoạn lịch sử đất nước sang trang.Tìm hiểu “Niềm tâm sự lính” trong thơ Trần Đăng Khoa, không thể không nói tới tình yêu cuộc đời, tình yêu đôi lứa. Những bài thơ về tình đời, tình yêu của người lính làm cho hình tượng nhân vật trữ tình người lính trong thơ anh hiện lên rất “Đời”, rất “Thực” và cũng rất lãng mạn trẻ trung:

“Chúng tôi rất đông Mười tám đôi mươi

Sâu sắc và vô tư như bầu trời Tỉnh táo và đắm say như bầu trời Màu áo lính hát niềm tâm sự lính” (Lính đảo Chìm)

Và từ những lồng ngực trẻ đó, lời ca yêu đời đã bay lên, trong thăm thẳm rừng đêm, trong mịt mùng biển cả:

“Nào hát lên cho mây nước biết Rằng chúng ta là những con người” …

Nào hát lên cho đêm tối biết

Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây”

(Lính đảo hát tình ca trên đảo)

Trải qua gian khổ, đối mặt với cái chết, người lính càng hiểu rõ giá trị của sự sống, của tuổi trẻ, càng thêm trân trọng sự sống - sự sống trong muôn nỗi buồn vui vốn có:

“ Có điều gì hồi hộp thế rừng ơi

Hãy nói giùm ta, rằng ta rất yêu người Dù có người từng làm ta đau khổ” (Ngày mai ra trận)

Vì thế mà một vầng trăng rừng biên giới, một lối ngõ nhỏ chốn quê xa..., tất cả đều mang lại cho người lính tình đời, tình người tha thiết.Người lính nơi đảo xa “Gió biển mặn bạc bao màu áo”, “Cơn sốt rét rừng vẫn còn run trong da”, thèm từng bát canh rau, từng làn mưa bụi... vẫn yêu đảo, yêu biển vô cùng. Xa nhà, xa quê, các anh cùng: “Chia nhau tin vui”, “Chia nhau nỗi nhớ nhà”. Không có nước ngọt, không có rau xanh, các anh vẫn “Hát vỗ nhịp vào báng súng”. Rừng sâu, đảo xa mới trở thành những mảnh đất “hoá tâm hồn” của các anh:

“Ôi đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu

Dẫu không có mưa chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão

Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong đập trái tim người” (Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn)

Cuộc sống dẫu muôn vàn gian khổ, nhưng những người lính đảo vẫn hát tình ca. Không có phông màn bởi “Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa”. Không có khán giả vì: “Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc/ Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu”, nhưng điệu tình ca “Cứ ngân lên chót vót”. Cảnh “Sư cụ hát tình ca” trong bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo là cảnh tượng chưa từng có trong thơ. Đây là “bức tranh” độc đáo, cảm

động và xiết bao tự hào về tinh thần lạc quan yêu đời trẻ trung của người lính được Trần Đăng Khoa thể hiện bằng cả trái tim mình. Đến với thơ Trần Đăng Khoa, không ít người đã: “... lắng sóng từ hai phía” cùng trái tim người lính biển:

“Biển ồn ào, em lại dịu êm

Anh như thân tàu lắng sóng từ hai phía Biển một bên và em một bên...”

(Thơ tình người lính biển)

Hình ảnh: “Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng. Biển một bên và em một bên” đã kết đọng vẻ đẹp tình yêu trong tâm hồn người lính: hòa hợp tình cảm và nhiệm vụ, tình yêu biển và tình yêu em, tình yêu lứa đôi và tình yêu đất nước. Nhân vật trữ tình - người lính trong thơ Trần Đăng Khoa đã tự hát về tình yêu của “anh”, một tình yêu thủy chung, bền chặt, vượt qua mọi thử thách:

“Vòm trời kia có thể sẽ không em Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ Cho dù thế thì anh vẫn nhớ

Biển một bên và em một bên”

(Thơ tình người lính biển)

Nhân vật trữ tình - người lính trong thơ Trần Đăng Khoa phản ánh toàn diện, chân thực cuộc sống và tâm hồn người chiến sĩ ở thời kì sau những ngày chống Mĩ. Tâm hồn người lính đã được soi sáng từ nhiều góc độ, nhiều cung bậc: trong cuộc chiến, phút bình yên; khi ồn ào, lúc trầm lắng... Từ đó, người ta nhận ra những tâm hồn vô cùng thuần khiết, trong sáng nhưng không hề bằng phẳng đơn điệu; họ vừa thực tế vừa lãng mạn, trẻ trung hồn nhiên trong cuộc sống hàng ngày; vừa rất chín chắn, sâu sắc trong tình cảm, suy nghĩ. Đó là lớp thanh niên có lý tưởng cao đẹp, tự hào về Tổ quốc, về trọng trách được giao phó; dù ở nơi biên cương hay hải đảo xa xôi, các anh đều sống lạc quan, yêu đời, yêu tuổi trẻ.

Trần Đăng Khoa đã đóng góp vào thơ Việt Nam bức chân dung sáng đẹp về người lính; góp phần làm phong phú thêm nguồn cảm hứng thơ dào dạt xuôi chảy suốt hơn nửa thế kỉ thơ Việt Nam.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH VÀ BIỂN ĐẢO TRONG SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA SAU 1975 (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(78 trang)
w