Dũng cảm chấp nhận mọi gian khổ hy sinh vì Tổ quốc

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH VÀ BIỂN ĐẢO TRONG SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA SAU 1975 (Trang 45)

1. Đặc điểm nổi bật của hình tượng người lính trong sáng tác của Trần Đăng khoa sau

1.3.3. Dũng cảm chấp nhận mọi gian khổ hy sinh vì Tổ quốc

Một trong những nơi ông góp nhặt cho “kho tàng” thơ văn của mình nhiều nhất là Trường Sa,“Cái giọt máu thiêng liêng dưới ngầu ngầu bọt sóng” của Tổ quốc.

Qua chùm thơ viết về Trường Sa của Trần Đăng Khoa, người đọc bắt gặp nhà thơ lúc thì đứng bên Cây bão táp đảo Nam Yết để cảm nhận sức sống dẻo dai, bền bỉ của nó, lúc quyến luyến cùng Cô tổng đài hải đảo, lúc cất cao giọng hoà ca cùng Lính đảo hát trường ca trên đảo, lúc ngồi ôm súng giữa đồng đội hồi hộp Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn. Cảnh vật và con người ở Trường Sa được tôi luyện dạn dày qua thời gian bám trụ giữa bão táp và sóng dữ. Sự sống Trường Sa đã nhân lên như thế giữa cuộc đời và trong thơ Trần Đăng Khoa. Ở đây có những con người trước lúc bám biển đã quen bám rừng, mang trong mình chất lính được tôi luyện từ nắng mưa đời lính:

“Mới năm nào em còn ở Trường Sơn Nay đã Trường Sa. Tổng đài hải đảo Gió biển mặn mòi bạc bao lần áo

Mà cơn sốt rét rừng vẫn còn run trong da” (Cô tổng đài hải đảo)

Nhiều nhà thơ, nhà văn cũng lấy đề tài về biển đảo để thể hiện tình yêu đất nước của mình, nhưng làm sao có thể hình dung được người lính đảo đang đăm đăm nhìn về nơi xa xăm từ phía chân trời, đợi mưa rơi.

Chỉ có người lính trên đảo Sinh Tồn mới có nỗi ao ước, nỗi khát thèm đến cháy bỏng, ước gì được nhìn thấy mưa rơi, để đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên để:

“Chúng tôi không cạo đầu, để tóc lên như cỏ Rồi khao nhau

Bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt…

…Chúng tôi sẽ trụi trần, nhảy choi choi trên mặt cát”

“Chúng tôi ngồi ôm súng đợi mưa rơi” là điệp khúc, là điểm nhấn trong bài thơ Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Và rồi trí tưởng tượng của một nhà thơ đã khiến cho nhà thơ viết lên những câu thơ hờn dỗi:

“Mưa đi! Mưa đi! Mưa cho táo bạo

Mưa như chưa bao giờ mưa, sấm sét đùng đùng…” Và rồi chuyển sang giọng nài nỉ:

“Mưa đi! Mưa đi! Mưa cho mãnh liệt Mưa lèm nhèm chúng tôi chẳng thích đâu Nhưng không có mưa rào thì cứ mưa ngâu Hay mưa bụi… mưa li ti… cũng được” Đợi chờ, hi vọng và không bao giờ tuyệt vọng:

“Mưa vẫn giăng màn lộng lẫy phía xa khơi Mưa yểu điệu như một nàng công chúa Dù mưa chẳng bao giờ đến nữa

Thì xin cứ hiện lên thăm thẳm cuối chân trời Để bao giờ cánh lính chúng tôi

Cũng có một niềm vui đón đợi…”

Lính đảo chờ mưa rồi Lính đảo hát tình ca trên đảo, mà sân khấu làm từ đá san hô, vài tấm tôn chôn mấy cánh gà, bởi vì chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa. Thần đồng thơ đối mặt với sóng, với gió, với sự trần trụi của biển đảo, với sự đợi chờ từng giọt mưa từ cuối chân trời đã viết nên những vần thơ dí dỏm:

“Đá san hô kê lên thành sân khấu Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà

Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ

Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa” (Lính đảo hát tình ca trên đảo)

Hình ảnh người lính trọc đầu trong thơ của Trần Đăng Khoa tạo nên ấn tượng về người lính đảo, lính hải quân phải cạo trọc đầu, vì không có nước, không có mưa:

“Ôi ước gì được thấy mưa rơi…

Chúng tôi không cạo trọc đầu để tóc lên như cỏ” (Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn)

Cũng hình ảnh này trong bài thơ Tây Tiến: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc” đã tạo nên ấn tượng về hình ảnh người lính Tây Tiến oai hùng và không kém phần bi tráng.

“Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc

Người xem ngổn ngang cũng… rặt lính trọc đầu Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc

Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau”

Diễn viên là anh mà khán giả cũng là anh – những người lính ngoài hải đảo xa xôi, lúc họ đùa gọi nhau là sư cụ và rồi hóa ra sư cụ cũng hát tình ca…

Những khó khăn của người lính đảo được nói đến nhiều, tuy không phải là phần chính mà ông chú tâm thể hiện:

“Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời Đến một cái gai cũng không sống được…

...Chỉ tiếng cánh chim bay quanh lều nghe đã căng nhức óc Sủi tăm dưới chân sàn, bóng mập lượn vòng quanh...”

(Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài)

Người lính phải bám trụ, chống chọi với những khắc nghiệt của thiên nhiên bằng chính sức lực của mình, tác giả kể lại “cơn sốt thưở Trường Sơn” của mình trên đảo chìm mà đến một bát canh cũng không có:

“Đảo vẫn còn chìm dưới ba mét nước

Măng khô hết rồi. Chỉ thăm thẳm biển xanh. Lưới chẳng có mà cá vờn trước mặt

(Đoạn văn xuôi chép ở Đảo Chìm)

Đến với Đảo Chìm chúng ta cảm nhận rõ ràng hơn về những khó khăn, gian khổ của những người lính trên những hòn đảo xa xôi của Tổ quốc. Sự khó khăn, thiếu thốn ở đây nó không chung chung như những gì chúng ta vẫn cảm nhận mà rất cụ thể. Nhà thơ của chúng ta, vị khách quý của đảo chìm được chào đón và thết đãi món “đặc sản” của đảo Chìm là món trứng chim ngon tựa “mùn cưa” và một bữa cháo cá không thành. Ở đây có lẽ việc kể ra những gì đang có dễ hơn là việc nói đến thiếu thốn những gì. Không gian đảo chìm chỉ là những chiếc giường sắt gồm rất nhiều tầng chống sóng trên một vũng cát nhỏ giữa biển rộng mênh mông, “mỗi người lính “cố thủ” một khối giường. Có đến ba, bốn tầng giường xếp chồng lên nhau. Tầng cuối cùng chọc lên tận nóc bạt. Lính quen gọi là tháp Epphen” [10, tr 31] sực mùi phân chim và rệp.

Trong Đảo Chìm, anh lính Thiêm bị đau ruột thừa nhưng đảo lúc bấy giờ chưa có bác sĩ, mới chỉ biên chế đến cấp y tá. Nếu như ở đất liền thì chỉ cần một ca phẫu thuật đơn giản là xong nhưng ở đảo Chìm thì khác. Hình ảnh Thiêm bị trói chặt vào chiếc giường sắt chống sóng và được y sĩ Huy mổ ruột thừa bằng lưỡi dao cạo râu là một hình ảnh làm cho người đọc bị ám ảnh bởi sự khó khăn và thiếu thốn của người lính nơi đây.

Tuy nhiên, trong cái không gian nhỏ bé đó của hòn đảo Chìm chúng ta lại bắt gặp một cuộc sống không hề tẻ nhạt, đơn điệu mà trái lại nó hiện lên rất rộn ràng và rất đẹp. Những khó khăn, nguy hiểm không làm cho những người lính nơi đây chùn bước mà ngược lại, họ luôn yêu đời, lạc quan và kiên cường.

Bài thơ Đoạn văn xuôi chép ở Đảo Chìm là hình ảnh những người bạn, người đồng đội lo lắng cho nhau trong lúc đau ốm:

“Có gì đâu, chiều ấy trong lều bạt

Cơn sốt thưở Trường Sơn quật tôi tái tê người Anh bạn tôi hết đứng lại ngồi

Ta cảm nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau của những người “đồng chí” trong hoàn cảnh khó khăn. Ở họ, tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng như tình yêu với đất nước. Vẫn biết phía trước là khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng:

“Lựu đạn bất ngờ nổ banh ruột nước Cá từng đàn bỗng nổi trắng như sao Anh bạn tôi nhào ra vớt cá

Trong lúc xung quanh lũ Mập cũng lao vào”

Nhưng người đồng đội của tác giả vẫn bất chấp, vẫn lao ra vớt cá, vẫn quần nhau với Mập để lấy được những con cá, nấu bát canh cho người đồng đội đang bị cơn sốt hành hạ. Và người đồng đội của tác giả đã cảm thấy lòng mình vui hơn khi mình làm được một điều gì đó giúp cho bạn mình. Họ có thể là “đôi người xa lạ” nhưng khi đã là đồng đội của nhau, họ có thể “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”, họ “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”,… Đó chính là “tình đồng chí” của những người lính cụ Hồ.

Và một người chúng ta không thể không nhắc tới khi nói về đảo Chìm, đó là Thượng tướng Giáp Văn Cương - người đã nhiều lần có mặt ở hòn đảo bé nhỏ xa xôi này. Ông đến với đảo Chìm dường như không chỉ với tư cách của một vị Tư lệnh, một người chỉ huy mà ông đến với những người lính ở đây như một người đồng đội, một người lính già từng trải đến để chia sẻ những vất vả gian lao ở nơi này. Những lời trách mắng, nhắc nhở đối với những người lính trẻ cũng chan chứa tình cảm như lời một người cha dành cho những đứa con của mình. Có lẽ không ở đâu mà một nơi đóng quân chỉ có cái lều bạt trên rẻo cát trống trơn, vài chiếc giường tầng nằm giữa sóng gió lại được khen là: “Đẹp, nền nếp. Đúng quân phong, quân kỷ” [10, tr 20] như ở đảo chìm. Lời khen ấy chính là sự cảm thông sâu sắc trước những khó khăn gian khổ nơi này. Ông hiểu rằng để giữ gìn được những gì rất bình thường đó, những người lính đã phải đổ bao mồ hôi và cả xương máu của mình. Và cũng không ở đâu ta bắt gặp một hình ảnh rất đẹp, một vị Tư lệnh ngồi gác thay một người lính trong suốt một đêm dài chỉ bởi một điều rất đơn giản: “Cậu là

lính. Tớ cũng là lính. Cậu gác mấy năm trời còn được. Tớ gác mỗi một đêm bõ bèn gì!” [10, tr 57]. Đọc những trang viết ấy chúng ta thấy giữa hòn đảo bé nhỏ này mọi khoảng cách dường như được xoá bỏ, không còn khoảng cách giữa một vị tướng với một người lính nữa, ở đó họ là những người đồng đội, đồng chí cùng san sẻ và sẵn sàng hi sinh vì một mục đích cao cả.

Khi thấy Thiêm bị chới với bên mép san hô lúc cố nhào theo để vớt chiếc chăn thì Tư Xồm vội lao ra để cứu bạn nhưng cũng bị sóng cuốn. Thấy vậy Hai Ùm cũng nhảy xuống mặc dù lúc đó, nước chảy rất xiết. Chính điều đó đã tôn lên vẻ đẹp của tình đồng đội giữa những người lính nơi đây, họ sẵn sàng hi sinh cả bản thân cho đồng đội.

Hai Ùm từng tâm sự với Trần Đăng Khoa, nghe bảo hải âu là bạn thủy thủ, nhưng nó chỉ ở gần bờ, nên thấy hải âu là nghe mùi đất liền, và “nếu không may, có phải hi sinh trên biển, được thấy bóng hải âu chớp qua mắt trước khi nước khép mặt thì mừng lắm, vì có thể hi vọng những mẩu xương tàn của mình sẽ được sóng táp vào đất liền”[10, tr 29].

Đó là sự ra đi của Thiêm và sau là sự hi sinh của Hai trong cơn bão biển. Những trang viết cuối cùng của Đảo Chìm chất chứa những cảm xúc của Trần Đăng Khoa. Hai vì muốn giữ lại một chút kỉ vật cho Thiêm đã không nghĩ đến sự nguy hiểm cho bản thân mà đã một mình quay lại đảo giữa cơn bão tố đang đến: “Thằng Thiêm nó chỉ có mỗi chút đó thôi. Nếu mất biết nói gì với mẹ nó, cực thế. Vả lại còn một tí tư trang ấy, cũng có thể cho vào cái tiểu sành, đắp cho nó ngôi mộ. Vẫn còn chút gì của nó để có thể thắp cho nó một nén hương …”[10, tr 87]. Nhưng cơn bão đã đến quá nhanh. Hai đã không kịp làm điều đó. Anh đã lao về đảo để tìm, và cơn bão dữ đã cướp mất chàng thi sĩ tài ba của đảo Chìm: “ Lần đầu tiên, tôi mới hiểu vì sao nước biển lại mặn đến thế. Và có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở Đảo chìm. Mặn như máu...”[10, tr 94]. Sự hi sinh đó không giống như sự hi sinh của một người anh hùng trong những trận chiến mà chúng ta thường thấy nhưng nó lớn lao và khiến chúng ta phải cúi đầu vì đó là sự hi sinh của một Con Người.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH VÀ BIỂN ĐẢO TRONG SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA SAU 1975 (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(78 trang)
w