Chân thực và ám ảnh

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH VÀ BIỂN ĐẢO TRONG SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA SAU 1975 (Trang 57)

2. Hình tượng biển đảo quê hương

1.2. Chân thực và ám ảnh

Trước hết có thể thấy rằng, theo Trần Đăng Khoa kể lại, hình tượng người lính và biển đảo được viết nên trong chùm thơ và Đảo Chìm là xuất phát từ những hình ảnh chân thực và ám ảnh không nguôi trong ông về những năm tháng đã từng sống cùng đồng đội ở Trường Sa.

Nhà thơ tâm sự: “Đảo chìm là cuốn văn xuôi thứ hai của tôi, sau Chân dung và đối thoại. Thực tình, đây chỉ là cuốn truyện người thật việc thật. Hay nói cách khác, là truyện của một anh nhà báo, thấy gì thì ghi thế. Truyện đã có

sẵn ở trong đời sống. Nhân vật đều là người thật. Nhiều người hiện vẫn đang còn sống. Khi đời sống tự nó đã là một vẻ đẹp rồi thì người viết không cần phải thêm thắt, hư cấu. Tôi chỉ có một cố gắng nhỏ, là vun vén lại cho gọn, kể sao cho thật hấp dẫn. Bởi thế, tôi cố gắng viết cho thật đa dạng và sinh động. Mỗi truyện một kiểu. Không cái nào giống cái nào, để bạn đọc có thể vừa cười vừa khóc, đọc một mạch hết hơn hai trăm trang sách.

Đó là ý đồ của tôi. Còn tôi có làm được điều ấy hay không, lại là chuyện khác. Phần một của cuốn sách, tôi dành kể về một hòn đảo kỳ lạ, nằm trong dải Trường Sa. Hòn đảo này luôn ám ảnh tôi. Tôi đã viết hàng chục bài thơ về nó mà cảm giác vẫn chưa nói được gì cả:“Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài”, “Ghi ở Đảo chìm”, “Lính Đảo chìm”, “Đoạn văn xuôi chép ở Đảo chìm”, “Hát về một hòn đảo”, .v.v. và .v.v. Năm 1978, tôi cũng đã viết một cuốn tiểu thuyết dài, dày hơn 300 trang về nó. Nhưng rồi tôi lại ném cuốn sách vào đống giấy lộn. Vì đọc cứ thấy giả. Truyện thật mà hoá giả. Không thể chấp nhận được.

Nhưng mà khốn khổ. Cái hòn đảo quái quỷ ấy vẫn không chịu buông tha tôi. Tôi lại viết lại. Lần này tôi co cái truyện chỉ còn chừng 80 trang, lại tách tiếp ra thành 16 truyện. Mỗi truyện một tình huống. Có truyện chỉ ba, bốn trăm âm tiết. Truyện dài nhất cũng chỉ bốn, năm trang. Tách ra, nó thành truyện độc lập, gộp lại trong một chuỗi thì nó là cuốn tiểu thuyết 15 chương. Mỗi chương là một truyện. Mỗi truyện đều liên quan đến nhau” [29]

Chẳng hạn, trong Ký ức tháng tư, người đọc không thể nào quên được tấm gương hy sinh của anh Ngô Văn Nhỡ ở giờ phút sáng 30 tháng 4 khi quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Lại càng không thể quên được hình ảnh người mẹ anh Nhỡ ở quê “ Mẹ dành ra cả một gian riêng để thờ ba người con đã chết ngoài mặt trận. Một bàn thờ với ba bát hương và tấm hình ba người con trai được ghép lại.”. Hoặc người đọc sẽ ám ảnh không thôi với hình ảnh người lính làm lều bạt trên mặt biển để canh giữ “đảo chìm”, và thật khó quên loài “chim biển” và Một xứ sở tự do mà ở đó vì hòn đảo quanh năm bì bọp sóng gió, ngày

hai lần nước ộc cả vào lều, nên người lính cảm thấy “Hóa ra quần áo là vật xa xỉ phẩm của xã hội”.

Hoặc trong thơ, nếu ta đã từng bắt gặp người lính Tây Tiến trong thơ Quang Dũng thời kháng chiến chống Pháp với hình ảnh “đoàn quân không mọc tóc” vì sốt rét rừng, thì cũng ám ảnh và thương biết bao nhiêu, giữa thời bình, phải canh giữ đảo cho Tổ quốc giữa biển khơi vì:

“Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau.”

(Lính đảo hát tình ca trên đảo)

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH VÀ BIỂN ĐẢO TRONG SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA SAU 1975 (Trang 57)