Những tâm hồn chan chứa yêu thương

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH VÀ BIỂN ĐẢO TRONG SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA SAU 1975 (Trang 41)

1. Đặc điểm nổi bật của hình tượng người lính trong sáng tác của Trần Đăng khoa sau

1.3.2. Những tâm hồn chan chứa yêu thương

Vị Tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương ra thăm đảo, thương cho cuộc sống vất vả nơi đây, nhưng ông cũng căn dặn lính: “Khổ nỗi đây lại là Tổ quốc, là đất đai hương hoả của ông cha, thì dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này, ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một li không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu...”[10, tr 20]. Rồi vị Tư lệnh đưa mắt nhìn suốt rẻo cát trống trơn, cái lều bạt dã chiến cứ hộc lên trong gió tựa hồ một con ngựa bất kham, đang lồng lộn như muốn rứt tung mấy sợi xích sắt căng ghì xuống đảo mà phóng đi cùng bầy gió hoang dã mà mắt cay xè, ầng ậng nước ôm lấy đôi vai trần cháy khét nắng gió của người lính trẻ xứ Nghệ. Nhưng đột nhiên cậu lính lại nói với Tư lệnh: “hay là ta cứ tạm giấu quách đảo đi!”. Cứ tưởng đó chỉ là câu nói chọc cười để quên đi cái không khí u ám của chàng lính, nhưng khi Tư lệnh hỏi “Giấu thế nào?” thì không ngờ anh lính lại trả lời rất ma mãnh: “Bố cứ cho con mượn tạm cái xẻng. Chỉ ba tiếng là con giấu xong đảo thôi! Mà không đến ba tiếng đâu. Chỉ tiếng rưỡi đồng hồ là con xúc xong chỗ cát này cho xuống biển, đố kẻ thù nào nhìn thấy đảo, có muốn cướp đảo cũng chịu!” [10, tr 21]. Vị Tư lệnh cười giàn giụa nước mắt. Lát sau, ông mang tặng anh lính một chiếc xẻng mới cứng. Sớm hôm sau, khi Tư lệnh trở lại đảo thì thấy anh chàng đang cởi trần, sì sụp lặn ngụp cùng với chiếc xẻng, nhưng anh không xúc cát đổ xuống biển, mà lấy cán xẻng khẽ bẩy từng tảng đá san hô chìm sâu dưới nước, lụi cụi khuân lên, đắp quanh chân đảo, giữ cho cát khỏi bay. Khi được hỏi, anh lại trả lời một câu thứ hai cũng ma mãnh không kém: “Dạ, báo cáo bố, con mở mang bờ cõi ạ! Mà, đúng ra con chỉ “buông neo” cho Tổ quốc khỏi bị trôi dạt thôi!” [10, tr 22]. Ai trong chúng ta lại chẳng thường nhắc đến câu: Bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng đến Đảo Chìm khi người chiến sĩ từ ý nghĩ xúc cát đổ xuống biển để giấu đảo lại có việc làm mà cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều làm cho người đọc ngỡ ngàng. Tình yêu Tổ quốc ở đây không xa vời, sách vở mà gần gũi và đơn

giản như những gì những con người ở đây đã làm. Một hành động và một câu trả lời chỉ có thể có ở những con người thật sự yêu đất nước mình mà thôi! Những hành động đó rất bình thường nhưng chúng ta lại thấy những điều lớn lao khác, thấy và hiểu những người lính đảo luôn hiểu rõ trách nhiệm thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc. Và có lẽ đó chính là sức mạnh để họ luôn đứng vững trước sóng gió của biển khơi.

Trần Đăng Khoa chú tâm thể hiện là tâm hồn người chiến sĩ, chỗ mạnh vốn có của ông. Thể hiện lòng yêu nước của người chiến sĩ, ông có hai câu thơ phát hiện độc đáo:

“Tổ quốc thì gần, làng quê thì xa”

(Cô tổng đài hải đảo)

Khi Tổ quốc cần, người lính sẵn sàng bỏ lại quê nhà phía sau để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, như người lính trong thơ Chính Hữu:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày Gian nhà không mặc kệ gió lung lay” Và:

“Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống.”

(Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài) Tuy mỗi người đến từ một vùng khác nhau nhưng từ trong tâm thức của mỗi người lại không xem nhau như người lạ. Ở họ là sự cảm thông, chia sẻ:

“Chúng tôi ngồi đây, quần tụ giữa trời Cuộc đời lính có niềm sung sướng lính Mỗi đứa một quê

Thằng ở đồng chua Đứa ở nước mặn

Vùng quê nào cũng có nhiều kỉ niệm Chia nhau nỗi nhớ nhà”

(Hát về hòn Đảo Chìm)

Và dù có đi đâu thì lòng vẫn hướng về quê hương, về nơi chôn rau cắt rốn của mình:

“Cầm súng đi đánh giặc Mười năm xa khuất xóm quê

Tôi dần quên tiếng võng chao trưa nắng Mặt ao làng, bèo nở động trăng khuya …

Gửi lại cánh rừng ngổn ngang câu thơ lính Làng quê ơi, hồn tôi lại trở về

Làm bạn với con bò ngu ngơ nhìn mây nước Dầu dãi mái nhà làng như mảnh đời quê…”

(Hồn quê)

Những người lính làm nhiệm vụ vẫn luôn hướng về quê hương, nơi có mẹ ở đó:

“Thật đấy mà, con trai của mẹ đây

Con đang ngồi viết thư bên của sổ máy bay Và nhớ mẹ

…”

(Bức thư viết bên của sổ máy bay)

Khi đang bay trên cao thẳm bầu trời, người lính đã nghĩ đến mẹ - người đã cho mình biết Hoàng tử, nàng tiên, lâu đài nguy nga, thiên đường trong chuyện cổ tích. Bay trên “Bầu trời trống trơn - Như cánh đồng làng ta sau vụ gặt”, người lính cảm giác như mẹ ở đâu đó rất gần, như trên cánh đồng. Có lẽ vì nhớ mẹ, thương mẹ nhiều mà người lính hình dung ra khung cảnh có mẹ, có những gì thân thuộc của quê nhà: hạt gạo, dậu cúc tần xanh, mảnh ao làng, ngôi nhà tranh trát vách đất - thiên đường của hai mẹ con. Nhưng rồi người lính chợt nhận ra “đó chẳng phải cánh đồng”, vì ở đó “không có tà áo nâu và tấm lưng còng của mẹ”, cái đó còn “hùng vĩ hơn mọi cánh đồng nào”, “cánh đồng” đó chỉ là bầu trời nơi người lính đang chiến đấu vì Tổ quốc.

Người mẹ luôn trong tâm trí người lính. Khi thấy những ngôi sao, người lính nghĩ tới mẹ với sự liên tưởng những ngôi sao như những hạt gạo mẹ sàng. Những hạt gạo mẹ sàng trên đất ấy đã nuôi người lính thành một chàng trai, và chàng trai ấy đang “Bay lên bầu trời”. Người lính đã nhớ tới mẹ khi có mối liên hệ với những câu chuyện cổ tích mẹ kể năm xưa. Bởi vậy, sau

mỗi chặng đường gian lao, người lính lại trở về để “Sưởi ấm trong tình thương đôi mắt mẹ - Giá lạnh tan đi – Tràn đầy niềm tin và nghị lực”.

Người ra đi vì Tổ quốc thiêng liêng có thể “đầu không ngoảnh lại”, nhưng trong họ, nỗi lòng người đi với tiếng lòng người ở lại làm sao tránh khỏi. Vẫn biết mình ra đi vì Tổ quốc, và có thể ngã xuống như bao người đồng đội khác “Để mái nhà gianh mẹ được yên ả - Dưới sắc nắng vàng…” nhưng người lính vẫn nhớ thương mẹ:

“Và, có thể là, sáng mai bừng mắt ra Mẹ sẽ nhận về tay mình một tờ giấy… Như nhiều bà mẹ ở làng

Tờ giấy mỏng manh

Nhưng lại nặng hơn ngàn tấn bom Trút xuống tuổi già của mẹ”

Tuy nhiên, để yên lòng mẹ, người lính đã động viên mẹ: “Con không chết đâu

Xin mẹ cứ đọc Kiều…

…Xin mẹ cứ ngồi tựa cửa chờ con Như những ngày xưa

Mỗi chiều con đi học về” (Mẹ)

Hình ảnh người mẹ ở quê nhà ngóng con trở về đã trở thành động lực cho những người lính tiếp tục chiến đấu, bảo vệ quê hương. Người mẹ chính là hậu phương vững chắc, là chốn yên bình để cho “Thằng con trai mẹ về. Trong làn gió mát”. Những người mẹ đã hi sinh hạnh phúc riêng của mình, những đứa con thân yêu của mình cho Tổ quốc và trở thành “những bà mẹ không con” đã làm cho người đọc phải xúc động. Chỉ bà mẹ mới thấu hết nỗi xót xa đau đớn khi con mình ra đi không ngày trở về.

Chính tình yêu mẹ, yêu quê hương đã trở thành tình yêu đất nước, giúp cho những người lính luôn sẵn sàng chiến đấu, hi sinh toàn tâm toàn lực bảo vệ non sông, xây dựng đất nước.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH VÀ BIỂN ĐẢO TRONG SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA SAU 1975 (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w