1. Đặc điểm nổi bật của hình tượng người lính trong sáng tác của Trần Đăng khoa sau
1.1. Hình tượng nghệ thuật
Tất cả những sự vật và hiện tượng của đời sống được phản ánh một cách sáng tạo và nghệ thuật trong tác phẩm đều có thể là những hình tượng giúp thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều có hệ thống hình tượng nghệ thuật riêng. Thông qua hệ thống hình tượng, người đọc dễ dàng nhận ra phong cách tác giả, nhận ra sự khác biệt giữa tác giả với tác giả, tác giả với thời đại.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì “Hình tượng nghệ thuật chính là các khách thể đời sống được nghệ sĩ tái hiện lại một cách sáng tạo trong những tác phẩm nghệ thuật. Giá trị trực quan độc lập là đặc điểm quan trọng của hình tượng nghệ thuật. Bằng chất liệu cụ thể, nó làm cho người ta có thể ngắm nghía, thưởng ngoạn, tưởng tượng. Đó có thể là một đồ vật, một phong cảnh thiên nhiên hay một sự kiện xã hội được cảm nhận”. Hình tượng nghệ thuật có thể tồn tại qua chất liệu vật chất nhưng giá trị của nó bao giờ cũng ở phương diện tinh thần. Người đọc không chỉ thưởng thức “cuộc đời thực” trong tác phẩm mà còn cảm nhận được sự suy tư, lòng trắc ẩn và cả nụ cười ẩn trong cuộc đời thực ấy. Hình tượng nghệ thuật thể hiện tập trung các giá trị nhân học và thẩm mỹ của nghệ thuật.
Khác với các loại hình nghệ thuật khác, văn học lấy ngôn từ làm chất liệu để xây dựng hình tượng. Hình tượng nghệ thuật là hình tượng ngôn từ. Thông qua hình tượng ngôn từ, tác phẩm đem đến cho người đọc “Không phải là bức tranh đời sống đứng yên mà luôn luôn sống động, lung linh, huyền ảo, vừa vô hình vừa hữu hình, cụ thể đấy mà mơ hồ đấy như mặt trăng đáy nước, bóng người trong gương, như không gian vốn ba chiều nay thu lại trong
không gian hai chiều của hội hoạ, như một mái chèo trên hai thước chiếu sân khấu mà tác giả đã vẫy vùng trước đại dương”.
Bằng sự sáng tạo của mình, người nghệ sĩ đem lại một chỉnh thể mới trước đó chưa từng có, chưa từng biết đến. Nó khác trước đó về chất và nó in đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ. Từ những chất liệu của đời sống mà nhà văn đã hư cấu và hình tượng nghệ thuật được xây dựng dựa trên cơ sở của những tài liệu và đời sống. Nhưng nó là những tài liệu đã lột xác, nó cao hơn, sâu hơn, cụ thể hơn và độc đáo hơn đời sống.“Nói tới hình tượng người ta nghĩ tới con người, bao gồm cả hình tượng tập thể người (như hình tượng nhân dân, hình tượng Tổ Quốc) với những chi tiết biểu hiện cảm tính phong phú”. Chúng ta cũng biết rằng mỗi một loại hình nghệ thuật sử dụng một chất liệu riêng biệt để xây dựng hình tượng, chất liệu của hội họa là đường nét màu sắc, của kiến trúc là mảng khối, của âm nhạc là giai điệu âm thanh. Văn học lấy ngôn từ làm chất liệu. Hình tượng văn học là ngôn từ.