Đẹp, thân thương nhưng đầy khắc nghiệt và thử thách

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH VÀ BIỂN ĐẢO TRONG SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA SAU 1975 (Trang 51)

2. Hình tượng biển đảo quê hương

2.1. Đẹp, thân thương nhưng đầy khắc nghiệt và thử thách

Trường Sa - đó là nơi dữ dội nhất, phóng khoáng nhất, thiêng liêng nhất và cũng mong manh nhất. Đó là “đảo chìm” tức là những đảo còn chưa nhô lên khỏi mặt nước. Nó như hình bóng của một xã hội tốt đẹp nhưng ở thì tương lai, cái gì cũng có. Còn hiện tại thì không có gì cả. Người lính canh giữ đảo Chìm là canh giữ cái giọt máu thiêng của Tổ quốc còn chìm trong nước. Nó mới đang còn là một cái bào thai. Nó đang vật lộn, quẫy đạp trong bầu nước âm u của biển cả để ra đời. Và không biết đến bao giờ nó mới ra đời, mới nhô lên khỏi mặt biển để trở thành một xứ sở bình dị.

Gọi là đảo nhưng nó chỉ là một vũng cát lờ phờ, to chừng một cái nong phơi thóc, vừa đủ chỗ để dựng một cái lều bạt dã chiến. Nó bé đến nỗi, một nhà thơ đã phải thốt lên: “Đảo nhỏ quá, nói một câu là hết”[10, tr 17]. Đấy chính là cảm nhận đầu tiên của tác giả khi ông ghé qua Thủ đô Trường Sa, để rồi khi tới với đảo Chìm, ông ớ ra và đưa mắt lục lọi bốn phía trời nhưng vẫn chẳng thấy gì ngoài một đại dương nước đen ngầu, chảy vật vã dưới vòm mây hoang vu, khô héo: “Đảo đấy! Nó là dải nước xanh phơn phớt nằm dưới chân lều bạt” [10, tr 24].

Đó là một vùng sóng gió dữ dằn và khốc liệt, đảo chìm còn như một hoang đảo tràn ngập phân chim như Trần Đăng Khoa miêu tả thì: “mái lều trũng xuống vì phân chim. Những vệt phân lâu ngày trắng xóa. Những vệt phân tươi nâu sậm, lác đác có cả những vệt đỏ nhờ, trang điểm cho mái lều một vẻ đẹp sặc sỡ đến quái đản” [10, tr 24] và cuộc sống ở đây như bị bứt ra khỏi xã hội loài người.

Câu nói của Hai Ùm với Trần Đăng Khoa đã làm cho người đọc cảm nhận rõ sự khắc nghiệt của cuộc sống nơi đây: “Vì ông anh mới ra, còn hơi người, nên chúng mới nhao đến làm tình làm tội. Mai, chúng sẽ “khinh” ông anh thôi!. Tôi bàng hoàng. Chẳng lẽ ngày mai, mình không còn hơi người nữa ư?” [10, tr 28].

Hay hình ảnh vượt bão của con tàu cuối truyện làm cho người đọc vẫn ám ảnh: “từng đợt sóng bạc đầu đổ tràn qua mặt boong. Có trận sóng phủ lên cả nóc đài chỉ huy. Chân vịt khua reng rẻng trong không khí. Mặt biển tối sầm. Gió đánh thốc từng đám mây trắng đục xuống mặt nước đen sịt.” [10, tr 89]. Qua đó, Trần Đăng Khoa đã làm nổi bật những sóng gió mà người lính phải chịu đựng và chỉ cần một chút sơ sẩy sẽ trở thành mảnh xương tàn.

Cuộc sống ở trên đảo rất khắc nghiệt và đầy rẫy những khó khăn, thử thách với người lính:

“Lều bạt chung chiêng giữa nước giữa trời Đến một cái gai cũng không sống được Sáng mở mắt, nắng lùa ngun ngút Đêm trong lều như trôi trong mây…”

(Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài)

Sự sống Trường Sa có những biểu hiện độc đáo mà những ai chưa một lần đến đây hay chưa một lần đọc thơ Trần Đăng Khoa chẳng thể nào ngờ tới được, dẫu cho ai đó có trí tưởng tượng phong phú chăng nữa. Ai có ngờ đâu“in lên màu mây mang bão” của Trường Sa không chỉ có “bóng anh hải quân hiên ngang” mà còn có cả những “bóng cây son trẻ”. Con mắt tinh tường của nhà thơ đã nhìn thấy những dáng vẻ dịu dàng dễ thương của sự sống nơi Trường Sa bão táp:

“Thân cây sao mà mềm mại Lá cây sao vẫn mượt mà Mỗi năm hàng trăm cơn bão Trên mình cây đã đi qua”

(Cây phong ba đảo Nam Yết)

Vẫn dưới đôi mắt nhạy cảm ấy, những đường nét tưởng như là gai góc, những màu sắc tưởng như là khô khan, những chất liệu tưởng như là trần trụi, thô nhám của Trường Sa, tất cả đều biến thành thi liệu qua cảm quan nghệ thuật của Trần Đăng Khoa. Trong thơ Trần Đăng Khoa, đá Trường Sa cũng

có hồn như chiến sĩ Trường Sa vậy: “Đá vững bền”, “đá tốt tươi”, “hòn đá ngàn năm trong nhịp đập tim người”, “đảo đá cất thành lời”, “đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên”... Đá được diễn tả theo lối nhân hoá hay chính đá vốn đã là biểu trưng cho sự sống Trường Sa kiên cường, vững chãi trong thơ Trần Đăng Khoa, có lẽ là cả hai. Hình ảnh những người lính Trường Sa “trọc đầu” vì cắt tóc ngắn để “tiết kiệm” nước gội đầu, trong hoàn cảnh ở Trường Sa thiếu nước ngọt được diễn tả trong bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo trông ngạo nghễ và gan lì như đá Trường Sa:

“Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc

Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc

Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau”

Và nhà thơ đã có sự liên tưởng độc đáo mà thú vị về những hòn đá mang “hồn lính” Trường Sa:

“Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau Ngoài mép biển người đâu lên đông thế Ồ, hoá ra toàn những đá trọc đầu...”

Hình ảnh những hòn đảo mà “Tổ quốc của tôi đang âm thầm sáng tạo” trở thành động lực cho những người lính nơi đây hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH VÀ BIỂN ĐẢO TRONG SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA SAU 1975 (Trang 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w