Nơi nhạy cảm, thiêng liêng của Tổ quốc

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH VÀ BIỂN ĐẢO TRONG SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA SAU 1975 (Trang 53)

2. Hình tượng biển đảo quê hương

2.2. Nơi nhạy cảm, thiêng liêng của Tổ quốc

Đất nước chúng ta trên bản đồ mang dáng hình của một bà mẹ già gầy gò, đội nón lá, lưng còng gập. Bà mẹ đáng thương ấy vẫn còn phải lặn lội thân cò, bước thập thững bên bờ sóng ngọn gió. Tấm lưng còng gập quay ra đại dương. Cái phên dậu giữ cho tấm lưng còng ấy khỏi lạnh chính là Trường Sa và Hoàng Sa. Trường Sa, là một dải cát dài, nhưng có hòn đảo còn chưa có cả cát nữa. Nó mới đang là một vỉa san hô ngầm còn chìm sâu dưới nước ba, bốn mét, như một cái bào thai. Các chiến sĩ của chúng ta đã dựng chòi bạt giữa sóng gió hoang vu để canh giữ, bảo vệ.

Ngồi trên cái chòi bạt hoang lạnh, giữa một bầu mây nước hỗn mang, giống như đang chứng kiến cái giây phút sinh thành của trái đất. Hòn đảo vẫn réo gầm dưới sóng. Nó như đang quẫy đạp, đang giãy giụa, muốn xé toang cái bầu nước âm u vây bọc kia để ra đời. Nhưng theo cách tính toán của các nhà khoa học, thì phải hơn một trăm năm nữa, nó mới nhô lên kia. Bởi vậy, Thủ đô Trường Sa bấy giờ chỉ là một hòn đảo rất bé. Nó bé tới mức, người đời khó mà tưởng tượng được: “Đảo nhỏ quá, nói một câu là hết” [10, tr 17]. Nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ nó, trái lại chúng ta phải canh giữ “cái giang sơn Tổ quốc chỉ vỏn vẻn có mấy mét vuông lều này” bởi: “đây là đất đai hương hỏa của ông cha, thì dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này, ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một ly không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu…” [10, tr 20].

Trên đảo chỉ một thứ cây, đó là loại cây dại sống được trên đá san hô mà lính gọi là cây Phong ba, nghe cũng dữ dội, vất vả và gian nan. Nhưng nhiều đảo còn không có cây, bóng râm duy nhất tỏa xuống mặt cát bỏng là bóng dáng người lính:

“Đảo tự giấu mình trong màu nước lam xanh Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng

Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài…”

(Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài) Nhưng ở những người lính đảo vẫn trọn một niềm tin, đó là:

“Ngày mai hòn đảo sẽ nhô lên

Đất nước Việt Nam một lần nữa nối liền Những quần đảo long lanh như ngọc dát”

(Hát về hòn đảo chìm)

Đối với những người lính thì tình yêu với Tổ quốc đã tiếp thêm cho họ sức mạnh, ý chí để chiến thắng. Canh giữ biển đảo cũng chính là canh giữ “cửa ngõ” của Tổ quốc:

“Nào hát lên cho đêm tối biết

Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này”

(Lính đảo hát tình ca trên đảo)

Bằng những con chữ mong manh và đầy sóng gió ấy, Trần Đăng Khoa đã cắm được cột mốc chủ quyền theo cách của riêng mình cho quần đảo thiêng liêng và bất khả xâm phạm của chúng ta.

Có thể nói được rằng, cho đến nay chưa có ai viết về hình tượng người lính và biển đảo Trường Sa trong truyện ký và trong thơ vừa chân thực, xúc động, vừa đầy sức ám ảnh như Trần Đăng Khoa.

Chương III: NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH VÀ BIỂN ĐẢO TRONG SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA SAU

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH VÀ BIỂN ĐẢO TRONG SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA SAU 1975 (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w