6. Cấu trúc Luận văn
1.3.1 Những điều kiện văn hóa, xã hội
Từ năm 1986, đất nước bước vào công cuộc Đổi mới và bước đầu mang lại sự thay đổi, đi lên về mặt kinh tế, xã hội. Lực lượng sáng tác là nữ giới ngày càng đông đảo. Về văn xuôi, những năm đầu đổi mới có: Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Võ Thị Hảo, Lê Thị Huệ, Y Ban…, sau này có: Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Hồng Hạnh…, Hải ngoại có: Đỗ Lê Anh Đào, Hoàng Ngọc Thư, Nguyễn Thị Thanh Bình, Đặng Thơ Thơ, Lưu Diệu Vân và Lê Thị Thấm Vân… Về thơ, có sự tiếp tục của
những cây bút đã xuất hiện từ giai đoạn trước như Dư Thị Hoàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đoàn Thị Lam Luyến,… Những giọng thơ mới: Phan Huyền Thư, Dạ Thảo Phương, Ly Hoàng Ly, Lê Thị Mỹ Ý, Vi Thùy Linh, Ngô Thị Hạnh, Thanh Nguyên, Nhóm Ngựa trời (Lynh Bacardi, Khương Hà, Thanh Xuân, Phương Lan, Nguyệt Phạm), Nguyễn Thị Thúy Hằng, Song Phạm, Trần Lê Sơn Ý… Đấy là kết quả của sự bội tăng của người đọc nữ - yếu tố khích lệ người viết nữ, song nguyên nhân chủ yếu là nhận thức, tri thức của người phụ nữ được nâng cao cùng với nhu cầu phải viết và khát vọng viết, nhất là về chính cuộc sống, số phận của người phụ nữ. Khát vọng, nhu cầu này tất nhiên mang tính chủ quan, nhưng là cái chủ quan được đốt nóng bởi hành trạng văn hóa, văn học Việt Nam hiện thời.
Thứ nhất, chúng ta thấy rằng đa số tác phẩm văn học Việt Nam trước nay là của đàn ông, những gì đàn ông viết thì thiếu kinh nghiệm của đàn bà, do đó, phụ nữ đọc họ không thấy thỏa mãn. Theo nhà văn Lê Thị Huệ, một trong những lý do khiến tác giả cầm bút “có lẽ vì đã phải đọc quá nhiều tác phẩm do đàn ông viết”, “thuở còn học trung học tôi thường tự hỏi là tại sao mình phải học đi học lại những câu thơ của Nguyễn Công Trứ. "Chí làm trai dọc ngang ngang dọc. Nợ tang bồng vay trả trả vay". Tôi thấy tôi chẳng dính tí xíu nào vào trong đấy cả. Nghĩa là tác giả viết những câu thơ ấy cho các độc giả nam” [80]. Nếu là tác phẩm của nữ giới thì sáng tác của họ vẫn bị áp đặt bởi cái nhìn của nam giới, hoặc tác phẩm khi đến tay độc giả là những tác phẩm được lựa chọn theo tiêu chuẩn của nam giới. Đấy có thể không phải là một quan niệm phổ biến, hay không được nhiều người phát biểu, nhưng điều đó chứng tỏ có một thực tế như vậy.
Thứ hai, phụ nữ ngày càng nhận thức được rõ hơn vai trò, giới tính cùng những khái niệm nhân bản của mình. Trong khi đó, những chủ thuyết nữ quyền trên thế giới bắt đầu được phổ biến vào Việt Nam, qua các sách xã hội học về giới, về các lý thuyết phê bình và những nghiên cứu chuyên biệt về giới. Tác phẩm của các nhà văn nữ nổi tiếng thế giới thế kỷ XIX, XX được biết đến nhiều hơn. Những tên tuổi như George Sand, Simone de Beauvoir, Virginia Woof, Marguerite Duras, Doris Lessing… Đấy là những người viết theo lối cách “tự ăn mình”, viết vì quyền lợi phụ nữ. Bối cảnh đó góp phần tác động đến định hướng viết của tác giả nữ Việt Nam. Họ viết về nữ quyền theo nhiều cách khác nhau.
Thứ ba, sự phát triển kỹ nghệ như in ấn, xuất bản, internet…tác động lớn đến nhận thức, suy tư của con người. Nhiều người gọi đây là thời đại “Cyberfeminism”, tức thời đại của nữ quyền trong thế giới ảo. Không gian ảo đem lại cho họ một lối tư duy khác xưa, kháng cự lại việc xã hội hóa giới tính được bao vây bởi kỹ thuật. “Kỹ thuật điện toán đã nối cầu giao lưu giữa người và người. Sự hiện diện của phụ nữ trên mạng ngày càng đông. Họ không còn mặc cảm thân phận dưới khung trời ảo. Họ tranh luận, tự tin, cởi mở, nói điều muốn nói, bày tỏ cảm nhận của mình bạo dạn và rõ ràng hơn, nhất là trong lãnh vực tình dục… Nó không những là một lối thoát của những giải bày hay sáng tạo, mà còn là nơi phụ nữ có thể trở nên năng động với những vấn đề khẩn thiết của xã hội” [76]. Bên cạnh đó, nhiều loại hình nghệ thuật mới du nhập hoặc đã được du nhập từ trước thì nay trở nên phổ biến: jazz, blue, pop, rock, rap, hip hop… Rồi nghệ thuật điện ảnh (Film art), nghệ thuật sắp đặt (Installation art), nghệ thuật trình diễn (Performance art), kịch hình thể, thơ trình diễn… Đấy là những hình thái nghệ thuật góp phần mở rộng trí tưởng con người, một phần, trở thành phương tiện (được chuyển hóa) của người sáng tạo. Phan Huyền Thư ngoài là một nhà thơ còn là nhà biên kịch điện ảnh, Ly Hoàng Ly còn là họa sĩ, hoạt động cả trong lĩnh vực nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật trình diễn, Vi Thùy Linh còn tham gia trình diễn thơ… Với những người viết sinh ra trong thời bình, bắt đầu từ thế hệ của Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, thì họ hoàn toàn có một đòn bẩy để đi xa hơn về ý thức phái tính trong sáng tạo.