6. Cấu trúc Luận văn
1.2 Sự xác lập ý thức phái tính trong văn viết nữ Việt Nam
(Từ cổ - cận - hiện đại, đến 1986)
Sự xác lập ý thức phái tính trong văn viết – nữ Việt Nam có được một nền tảng căn bản từ nền văn hóa Mẫu hệ. Từ lâu, tục thờ Mẫu như là một nguyên lý của nền văn hóa Việt Nam. Trần Quốc Vượng trong cuốn Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm gọi đấy là nguyên lý Mẹ của nền văn hóa. “Mẫu là văn hóa… Mẫu là hiện thân của sự được mùa, một ước vọng truyền kiếp về hạnh phúc phồn thực của nông dân. Mẫu còn biểu hiện một tinh thần nhân ái rất cao” [57, tr.174]. Tư tưởng này xuất phát từ một nền văn hóa nông nghiệp lâu đời, nền văn hóa sùng bái sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người. Việc duy trì và phát triển là một nhu cầu thiết yếu của văn hóa nông nghiệp, văn hóa lúa nước. Người ta cần mùa màng tươi tốt để duy trì cuộc sống và con người phải sinh sôi nẩy nở để tồn tại phát triển, từ đó phát sinh tín ngưỡng phồn thực (phồn: nhiều, thực: nẩy nở). Tín ngưỡng này đã phát triển tồn tại suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Từ quan niệm ấy hình thành một cột trụ quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam, đó là triết lý Âm dương, Trần Ngọc Thêm đã chứng minh tư tưởng âm dương là sản phẩm của dân Nam Á - Bách Việt cổ đại: “Chữ Âm dương (Yin-yang trong tiếng Hán) đã bắt nguồn từ Ina - yang của tiếng Đông Nam Á cổ đại với nghĩa gốc là mẹ (cha) - đất (trời)” (Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP. HCM, Tr. 122). Âm là đất và dương là trời. Tuy nhiên sự quân bình âm dương không phải là tuyệt đối mà có phần thiên về âm tính. Âm luôn làm nền cho dương được phát triển, chính vì thế âm tính trở thành nền tảng tư duy của dân tộc Việt Nam.
3
“Văn viết – nữ”, từ dùng của Béatrice Didier trong cuốn sách cùng tên, dẫn theo Đặng Thị Hạnh [40], bà không gọi là “văn học nữ”. Ở đây, người viết sử dụng cách gọi này để thay thế từ “văn học” - như là một bộ môn khoa học bằng “văn viết” – chỉ văn phẩm/thi phẩm nói chung. Khái niệm này như một cách để mở rộng những dòng văn học phát triển sinh động, nhiều khi đứng bên ngoài cánh cửa văn học nhà trường, và ở góc độ người viết, nó chân thực hơn với sự sáng tạo.
Trong văn hóa nghệ thuật dân gian nhiều dân tộc, không hiếm sự mô tả các bộ phận sinh dục nam và nữ, cảnh giao hoan trai gái. Các hình tượng linga và yoni trong nhiều nền văn hóa Nam Á và Đông Nam Á (như: những di tích di vật ở văn hóa Chàm) chính là sự cách điệu hóa chúng. Những hình tượng ấy được thờ phụng, những cảnh giao hoan được tái hiện trên thạp đồng Đào Thịnh hay trong các nghi lễ phồn thực, bằng cách đó người ta diễn đạt lời khẩn nguyền cho mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi và đàn bà mắn đẻ. Không chỉ ở nghệ thuật tạo hình, tín ngưỡng phồn thực đã ăn sâu vào ngôn ngữ tiếng Việt một cách phổ biến. Trong tiếng Việt, hầu hết danh từ đều đi kèm với định từ “con”,“cái”. Nhiều danh từ không xác định giới tính vẫn được ghép chữ “cái” ở trước: cái bàn, cái nhà… Nó còn được dùng như một tính từ để chỉ những gì có vẻ lớn, quan trọng, chính, trung tâm: sông lớn gọi là sông cái, đường lớn gọi là đường cái... Chữ “mẹ” cũng được sử dụng theo nghĩa như vậy. Cặp đồ vật một lớn một nhỏ thì cái lớn gọi là mẹ, cái nhỏ gọi là con… Đấy là những dấu ấn vẫn còn hiện hữu trong mọi lĩnh vực ngôn ngữ thời đại.
Gắn với cội nguồn văn hóa ấy, từ cổ đại cho đến trung đại, hiện đại, người viết nữ từng bước xác lập ý thức phái tính của mình.