Những biểu hiện của phong cách ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Về một đặc điểm tư duy thơ nữ gần đây Ý thức phái tính (qua Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thuỳ Linh (Trang 90)

- phương thức thể hiện khát vọng giải phóng tính dục

3.2.3 Những biểu hiện của phong cách ngôn ngữ

Thơ Linh gợi cảm giác một khu rừng nhiệt đới rậm rạp ngôn từ, cỏ hoa cây cối lau lách len chen lẫn nhau. Tất cả cùng phong nhiêu đầy sức sống. Linh làm thơ nhiều khi như nói, như kể, giọng thơ là nhịp thở của chính mình. Vì thế, ngôn ngữ trong thơ Linh tưởng như không chịu bất kỳ rào cản nào. Lớp lớp ngôn từ gọi nhau, những ẩn dụ thân thể và những động từ phồn sinh như đã nói ở trên là một ví dụ. Nó tuôn ra bằng tất cả nhiệt huyết trái tim, bất kể vàng thau lẫn lộn. Tất nhiên, rất nhiều khi, sáng lên những câu thơ hay, những ngôn từ đẹp. Làm thơ dường như bằng nhiều bản năng, Linh ký gửi ngôn ngữ trong thể thơ tự do với đa số là những câu thơ dài. Càng về sau, câu thơ càng kéo dài, từ câu thơ trong Khát, Linh đến câu thơ trong Đồng Tử đã có khoảng cách về độ dài khá lớn. Có thể kết luận cú pháp đặc trưng trong thơ Linh là những câu thơ trương nở, những dòng cuồng lưu. Một câu thơ thường có nhiều chủ ngữ, nhiều động từ, tính từ, nhiều đối tượng diễn tả:

Âm nhạc nâng đôi ta bay, trái tim Anh nâng em lên truyền vào em muôn mạch nguồn rạo rực những mạch máu hòa vào nhau hăm hở (Trên ngực anh)

Câu thơ giãi ra nhiều dòng:

Đàn ống, flute của trời xanh đang hòa tấu dưới vòm cây dẻ, tiêu huyền huyền bí vào lúc mình hôn nhau giữa quảng trường Concorde, những thiên thần nhấc ta bay lên đỉnh cột Vendome và Napoléon vĩ đại mỉm cười chúc phúc đôi ta, em kịp chạm tay Ông và

thả xuống đài phun nước đồng xu ước vọng (Paris đang yêu)

Hoặc câu thơ là sự kết hợp của nhiều cụm chủ - vị, triệt hủy dấu ngắt:

... Giấc mơ ngọt ngào của mùi choàng lên đôi ta Lys trắng như ngực nàng mềm mại lá mùi mềm mại mùi hổ phách khi Anh đổ xuống đổ xuống xạ hương ấm áp muôn mùi tươi mát quý phái bao bọc đại tiệc nắng của đêm kiêu sa rung thớ thớ gỗ đàn hương quyến rũ thịt da ngái ngủ những cánh tay chuyển động bất ngờ theo vòng đua thân thể và đôi mắt Anh đã kịp thắp trong mắt em ánh sáng diệu kỳ thoát thai nhẹ bẫng (Valentine)

Những dòng cuồng lưu trong thơ Linh thể hiện một người con gái lúc nào cũng đầy nhiệt huyết, ham muốn. Tuy nhiên, để ý kỹ sự vận động của ngôn ngữ trong thơ

Linh qua các tập thơ (nhất là ở động từ), cũng đồng thời là song hành với sự vận động của cái Tôi trữ tình, chúng ta thấy sự vận động của phái tính, sự chín dần hay sự trưởng thành trong tâm tư, tình cảm của người đàn bà. Ở tuổi 16, 20, trong Khát, Linh, người con gái cuồng dại khi yêu. Sang tuổi 24, 25, với Đồng Tử, người đàn bà trở nên chín chắn trong cảm xúc, ham muốn sung mãn hơn ở vị thế “giữ yêu”, giữ gìn hay có ước muốn chăm lo tình yêu và hạnh phúc. Phải chăng vì thế mà cô yêu màu tím và màu tím ngập trong thơ Linh, từ Đồng Tử kéo dài đến Vili in love ?

Hình thức thơ trương nở, ngôn ngữ như những dòng cuồng lưu tất yếu rất dễ làm tác giả rơi vào sự “nhiều lời”, thừa lời. Linh cũng không là ngoại lệ, thậm chí, Linh còn là ví dụ tiêu biểu của sự thừa lời và rườm trong ngôn ngữ thi ca. Trong cuốn

Ngôn ngữ thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Cảnh nói đến nét dư như là sự dôi ra một số lượng ngôn từ không cần thiết trong câu thơ. Thực ra, nét dư là cách nói giảm nói tránh, một khinh ngữ để thay thế cho sự rườm rà, thừa lời ở mức độ nhỏ. Dư đến như ngôn từ của Linh, nhất là trong Vili in love thì đấy là sự không sàng lọc ngôn ngữ, vội vàng cho những câu thơ ra lò, đương nhiên, luôn với một thái độ thành thực. Phải chăng đấy cũng là một nét phái tính của người nữ?

Đặt số phận sinh lộ thơ của mình trên những dòng thơ cuồng lưu, Linh không thể đi xa hơn mà không có lúc nghỉ, ngừng lại, nung nấu... như lúc này...

3.2.3.2 Phan Huyền Thư và sự tiết chế ngôn ngữ

Trái ngược với Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư đi theo lối tiết chế ngôn ngữ. Thư chắt lọc ngôn từ, hủy từ, xóa bỏ kết từ, xóa bỏ số từ, sử dụng những câu thơ ngắn. Câu thơ có khi thu lại là một động từ. Bài Mệt dồn dập những câu ngắn, những động từ nối nhau theo chiều dọc bài thơ, sự tiết chế ở đây rất hữu hiệu, đặc tả tâm trạng như thác đổ, như muốn đập vỡ, thoái mặc sự đời:

Bóng đè Chìm xuồng Phó thác Mắt mỏi Tay buông Gối chùn

Đầu gục…

Sự tiết chế có khi thể hiện trong hình thức dòng thơ: dòng gãy và câu thơ cứ thế vắt dòng cho đến hết bài. Một câu thơ bị bẻ gãy cho thấy sự tiết chế hơi thở, cảm xúc. Có lẽ đấy là cách thể hiện thâm trầm sự nổi loạn ở người đàn bà, sự tự kiềm chế một cách kín đáo, ví dụ bài Tháng Tám:

Đàn bà thích tự làm ra mùa. Tôi

tự dưng huyết áp tụt. Tự dưng nhịp tim lạc. Tôi

bỗng nhiên lạnh toàn phần. Vùng áp thấp muốn làm cách mạng. Muốn

lật đổ chính chuyên. Muốn tranh vợ cướp chồng. Muốn

đặt bùa mê. Muốn lú.

Sự xóa từ, hủy từ trong thơ Phan Huyền Thư diễn ra thường xuyên, song hành với cuộc sáng tạo. Những ví dụ về sự kín đáo trong thái độ giễu nhại xã hội như đã trình bày ở chương trước cho thấy sự tiết chế như là một phong cách ngôn ngữ tiêu biểu của Phan Huyền Thư. Kiệm lời và cũng gò công giũa chữ, nhưng không phải theo hướng Lê Đạt, Dương Tường, Thư tự nhận chỉ đi theo lối của riêng mình. Với sự tinh giản ngôn từ nhiều khi đến mức khó hiểu và hơi khô, thơ Phan Huyền Thư không báo hiệu một mùa màng bội thu. Nhưng giọng thơ chín chắn, ngôn ngữ thơ được tạo sinh với thái độ lao động nghiêm túc, thơ Thư vẫn cho thấy nhiều thử nghiệm phía trước.

3.2.3.3 Sắp đặt ngôn từ trong thơ Ly Hoàng Ly

Chọn lọc ngôn từ nhưng không quá tiết chế, thơ Ly Hoàng Ly không lạnh như thơ Phan Huyền Thư, không nóng, nồng như Vi Thùy Linh mà dường như kết hợp được cả hai thứ ấy, sự sôi sục được bọc chứa bởi vẻ lạnh, tĩnh bên ngoài. Chính vì thế, chương trước, luận văn đề cập đến sự thiền trong những khát vọng giải phóng ở thơ

Ly Hoàng Ly. Những cấu trúc ngôn ngữ trong thơ Ly Hoàng Ly thể hiện rất rõ dấu ấn của nghệ thuật sắp đặt (Installation art) và nghệ thuật trình diễn (Performance art). Đó là chủ trương sáng tạo thơ ca có sự kết hợp với các hình thức nghệ thuật thị giác của Ly. Những cấu trúc này đặc tả được ý muốn nhấn mạnh đến hoạt động, tính chất của đối tượng.

Ly thường sử dụng hình thức song trùng cú pháp, kết cấu có sự lặp lại, sắp lại và những phép thế về từ ngữ. Ở bài Mỏng mòng mong, hình ảnh bánh xe quay được tái hiện trong nhiều câu, nhiều khổ: “Mỏng mòng mong bánh xe đi bánh xe quay - Quay mỏng mòng mong bánh xe quay bánh xe đi”, “Mỏng mòng mong bánh xe lăn bánh xe quay - Quay mỏng mòng mong bánh xe quay bánh xe lăn”, “Mỏng mòng mong bánh xe đi bánh xe lăn - Lăn mỏng mòng mong bánh xe lăn bánh xe đi”, “Mỏng mòng mong bánh xe - Xe mỏng mòng mong bánh xe”… Ở đây, thao tác tháo dỡ và lắp ghép từ ngữ diễn ra liên tục. Ngôn từ trở thành chất liệu cho Ly hoán đảo, sắp đặt. Điệp từ “mỏng mòng mong” và những từ “quay”, “lăn”, “đi” liên tục được thay thế vị trí cho nhau tạo nên nhịp điệu chậm chạp, nặng nề, buồn buồn, mệt mỏi của vòng bánh xe. Bài thơ mở rộng đến hình ảnh “gói mưa vào lá chuối - Hôm sau ra chợ bán” thì người đọc phát hiện đấy là bánh xe đạp của người phụ nữ bán rong. Vì thế, những cấu trúc cú pháp như vậy phản ánh số phận quanh quẩn, mỏng manh, nhỏ bé của người phụ nữ hàng rong. Vòng xe cứ đều đều như một sự cam chịu, nhẫn nại.

Trong những bài như Cắt, Khúc đêm, Lô lô, Phòng trắng…, Ly Hoàng Ly sử dụng đến tối đa những thao tác như vậy, những cấu trúc cú pháp, cấu trúc ngôn ngữ như vậy. Nó tái diễn một hiện thực khách quan, một hiện cảnh bày chật như đang trình diễn:

Quay lưng lại là đêm Quay lưng lại là đêm Quay lưng lại là đêm Quay lưng lại là đêm Quay lưng lại là đêm

… Không muốn đêm cũng thấy đêm Không muốn đêm cũng có đêm

(Khúc đêm)

Sự tái lặp về kết cấu câu tạo âm hưởng như lời độc thoại trên nền nhạc rap. Đêm bao tỏa không gian và bao trùm mọi biểu hiện của sự sống. Những câu thơ diễn tả cái cô đơn trong đêm cùng với những bức bối nghẹt thở. Ở Lô lô, những câu thơ bị ngắt dòng, dòng thơ đang trải dài dần co lại, rút xuống một chữ, biểu thị tiết tấu mưa. Rồi lại tiếp tục những cấu trúc câu lặp lại, những câu thơ dài. Hình thức ấy xoáy vào vùng thẳm sâu tâm thức đầy những suy tư của cô gái.

Ngôn ngữ với Ly là chất liệu cho những cuộc thử nghiệm, để kiếm tìm bản thể và để tìm ra bản chất của sự vật, hiện tượng. Tư duy thơ theo lối này là khá mới mẻ và có thể đi tìm nhiều câu hỏi và nhiều lời giải đáp trong cuộc sống, đem lại những nội dung bất ngờ.

Tiểu kết

Khi khẳng định hệ biểu tượng và ngôn ngữ đặc trưng trong thơ nữ nói chung và thơ ba nhà thơ nữ nói riêng: Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, chúng tôi quan niệm đó là những khám phá bước đầu về phái tính trong thơ và không hề có chủ định áp đặt đấy là những biểu hiện không bao giờ thay đổi. Bản thể nữ vẫn luôn trong tiến trình dự phóng, bên cạnh những “bản sắc giới” đã được khẳng định. Vì thế, cho đến một lúc nào đó, nói như Inrasara là thơ nữ cắt đi được “hậu tố nữ” thì có thể, hệ biểu tượng và ngôn ngữ đặc trưng trong thơ nữ sẽ thay đổi, sẽ hội nhập nam tính và không phân biệt giới tính, nhất là giới tính kẻ thứ yếu... Song, hiện tại, ý thức phái tính mới đang trỗi dậy cho nên những sáng tạo về biểu tượng và ngôn ngữ của thơ nữ đương đại chính là đóng góp riêng của họ vào nền thơ ca dân tộc, là giá trị riêng của thơ nữ.

KẾT LUẬN

1. Tìm hiểu ý thức phái tính trong văn học là một vấn đề khó, lớn, nằm ngoài tầm của văn học, thơ ca. Chúng tôi chỉ đứng ở góc nhỏ để cảm nhận nhưng từ góc nhìn ấy cũng thấy nổi lên vấn đề có tầm xã hội, lịch sử, quốc tế của nó. Phái tính dường như là vấn đề nổi cộm trong thơ nữ, đặc biệt những năm gần đây. Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh là những gương mặt tiêu biểu. Thơ họ thể hiện phái tính của người viết nữ, một cái Tôi cháy bỏng khát vọng giải phóng, khát vọng tự do và ưu tư trong những vấn đề của đời sống, xã hội. Khác với thơ của các tác giả nam, thơ nữ phơi bày một cách mạnh bạo, trực tiếp những khát khao của mình. Những người đàn bà làm thơ vừa là cách tự bộc lộ, vừa để khẳng định vị trí, vai trò của người nữ và người viết nữ. Họ khẳng định mình và cá tính sáng tạo của mình trong thơ. Họ bắt đầu sử dụng một diễn ngôn riêng của giới nữ, một hệ biểu tượng mang tính nữ và tìm tòi một ngôn ngữ thơ đặc trưng để thể hiện cá tính của mình. Đấy chính là những đóng góp riêng, giá trị riêng của thơ nữ hiện nay.

2. Tiếp nhận thơ nữ từ góc nhìn về một đặc điểm tư duy của họ, ý thức phái tính, chúng ta sẽ thấy thơ họ không quẩn quanh, không khiêu gợi, không kích động. Những ám ảnh về thân phận, vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội luôn chi phối họ trong quá trình sáng tạo. Họ là những người đàn bà chuyên chở những khát vọng giải phóng phụ nữ, giải phóng tính dục, khát khao một cuộc sống hòa bình tràn ngập tình yêu. Đấy là những giá trị rất đáng trân trọng. Phải tiếp nhận thơ nữ như một người đọc nữ thực thụ, kể cả khi người đọc là nam giới, thì càng cần một cái nhìn khách quan, “siêu giới tính”, để thấu hiểu.

3. Ở luận văn này, người viết mới chỉ bước đầu tìm hiểu ý thức phái tính trong tư duy thơ nữ gần đây. Một số biểu hiện về cái Tôi trữ tình và nhất là về ngôn ngữ còn

mang tính khai phá. Nhiều vấn đề vẫn nằm trong vùng tối như vấn đề về cấu trúc, giọng điệu… Điều đó sẽ khơi mở những nghiên cứu sâu hơn trong tương lai. Với Luận văn này, người viết mong muốn đem lại cho người đọc một hướng tiếp cận mới về tác phẩm văn chương. Đó là đi từ phái tính và ý thức về phái tính để hiểu sự sáng tạo của tác giả, không chỉ ở tác giả nữ mà còn ở cả tác giả nam, không chỉ trong thơ trữ tình mà cả trong văn xuôi. Đó là cánh cửa giúp con người kết nối văn chương với cuộc sống, văn chương với nhân loại…

DANH MỤC THAM KHẢO

Tác phẩm của Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly

1. Vi Thuỳ Linh (1999), Khát, Nxb Thanh niên, Hà Nội 2. Vi Thuỳ Linh (2001), Linh, Nxb Thanh niên, Hà Nội 3. Vi Thuỳ Linh (2006), Đồng tử, Nxb Văn nghệ, Hà Nội 4. Vi Thuỳ Linh (2008), Vili in love, Nxb Văn nghệ, Hà Nội 5. Ly Hoàng Ly (1999), Cỏ trắng, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội 6. Ly Hoàng Ly (2005), Lô lô, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội

7. Phan Huyền Thư (2002), Nằm nghiêng, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội 8. Phan Huyền Thư (2005), Rỗng ngực, Nxb Văn học, Hà Nội

Phê bình về Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly

9. Văn Cầm Hải (2002), Phan Huyền Thư, cây huyền cầm đau vùng sao sáng, Tạp chí Sông Hương, số 162

10.Đào Duy Hiệp (2003), Lao động và nỗi buồn trong tập thơ Nằm nghiêng của Phan Huyền Thư, Phụ san Thơ, số 6

11.Lê Thị Huệ, "Sex" làm nên "thương hiệu" Vi Linh?, talawas.org,

http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?..., 19/7/2002

12.Nguyễn Thụy Kha (2001), Thơ Vi Thuỳ Linh, một khát vọng trẻ, Người Hà Nội, số 8 13.Nguyễn Thuỵ Kha, Tập thơ mới của Phan Huyền Thư, thêm một bước cách tân,

doisongphapluat.com.vn, http://www.doisongphapluat.com.vn, 6/9/2006

14.Nguyễn Thuỵ Kha (2006), Những ấn tượng rap và sắp đặt trên hai màu đen trắng, Văn Nghệ, số 22

15.Trần Thiện Khanh (2009), Vi Thùy Linh và một kiểu tư duy về lời, Văn nghệ trẻ, số 14

16.Trần Đăng Khoa, Đọc lại Vi Thuỳ Linh, lethieunhon.com, http://lethieunhon.com/read.php/2330.htm, 16/11/2007

17.Thuỵ Khuê, Vi Thuỳ Linh, nhục cảm sáng tạo, thuykhue.free.fr,

http://thuykhue.free.fr/stt/v/VTLinh.html, 3/2007

18.Thuỵ Khuê, Ly Hoàng Ly và bóng đêm, thuykhue.free.fr, http://thuykhue.free.fr/thumucindex.html, 10/2006

19.Phạm Xuân Nguyên (2001), Thơ Linh, Tạp chí sông Hương, số 04 20.Vũ Nho, Vi Thuỳ Linh: cơn lốc khát, cuồng yêu, trannhuong.com

21.Nguyễn Thanh Sơn (2002), Linh ơi…!, Phê bình văn học của tôi, Nxb Trẻ

22.Nguyễn Huy Thiệp (2006), Hiện tượng Vi Thùy Linh, Giăng lưới bắt chim, Nxb Hội nhà văn

23.Nguyễn Huy Thiệp (2006), Xin đừng làm chữ của tôi đau, Giăng lưới bắt chim, Nxb Hội nhà văn

24.Chu Thị Thơm (2002), Nằm nghiêng - Báo động về tính thẩm mỹ của một tập thơ,

Báo Giáo dục và Thời đại, số đặc biệt tháng 8

Các công trình nghiên cứu, bài viết liên quan đến phái tính

25.Samuel Enoch Stumpf & Donald C. Abel (2004), Nhập môn triết học phương Tây, Lưu Văn Hy (biên dịch), Nxb Tổng hợp Tp HCM

Một phần của tài liệu Về một đặc điểm tư duy thơ nữ gần đây Ý thức phái tính (qua Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thuỳ Linh (Trang 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)