Thiền trong khát vọng giải phóng và trong cuộc kiếm tìm bản thể

Một phần của tài liệu Về một đặc điểm tư duy thơ nữ gần đây Ý thức phái tính (qua Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thuỳ Linh (Trang 72)

- phương thức thể hiện khát vọng giải phóng tính dục

2.3.3Thiền trong khát vọng giải phóng và trong cuộc kiếm tìm bản thể

Tư cách công dân, tư cách con người là phải luôn mang trong mình khát vọng giải phóng thân thể và bản thể, kiếm tìm tự do và kiếm tìm mình. Trước đây, nhiệt huyết cách mạng khiến con người sôi sục trong khát khao giải phóng thân thể, khi nghe “tiếng đời lăn náo nức” mà “chân muốn đạp tan phòng” (Tâm tư trong tù, Khi con tu hú – Tố Hữu), thời nay, khát vọng tự do khiến con người day trở, đau đớn trong cuộc kiếm tìm bản thể (Đi tìm nhân vật – Tạ Duy Anh). Chỉ có tự do mới đem lại cho con người đủ đầy về mặt bản thể. Nhưng với nam giới, dường như muốn được giải phóng, muốn tự do thì phải có sự lật đổ, đạp đổ, và cuộc tìm mình lại mang tính hướng ngoại (nhân vật “tôi” trong Đi tìm nhân vật tìm mình mà lại qua các chặng đường mải miết tìm “hắn”). Với người nữ, trong thơ, khát vọng tự do, khát vọng giải phóng cũng hòa quyện với cuộc kiếm tìm mình, nhưng diễn ra như lặng lẽ hơn, thâm trầm hơn và hoàn toàn hướng nội. Thậm chí, ở Ly Hoàng Ly, nó đạt đến độ “thiền”.

Nếu Phan Huyền Thư phản ánh cái trống rỗng của con người thời hiện đại thì Ly Hoàng Ly đi tìm phần bù lấp cho sự trống rỗng ấy, đi tìm bản thể. Cuộc tìm kiếm của người nữ thám hiểm vùng sâu tâm thức, ở đó, con người phải hoàn toàn tự do, thậm chí vô thức, giải phóng mình khỏi ý thức, khỏi những ý niệm truyền thống, áp đặt. Để tái hiện chiều sâu không gian tâm thức, Ly Hoàng Ly làm thơ không chỉ với ngôn ngữ đơn thuần mà với cả Installation và Performance. Về bản chất, Installation và Performance của Ly hoàn toàn là hình thái nghệ thuật “tĩnh”, thảng hoặc mới có tiếng động thì đó lại là tiếng gõ mõ tụng niệm, tức là thứ tiếng thôi miên con người vào tâm thức, thanh tẩy bụi trần, có hành động thì đó là những hành động câm lặng. Vì thế, thơ Installation và Performance của Ly là sự tĩnh hóa cả cảm xúc, khi cảm xúc (thể hiện dưới dạng từng câu thơ, đoạn thơ) cũng được sắp đặt theo ý đồ nghệ thuật.

Những biểu tượng sắp đặt, những hoạt cảnh trình diễn mời gọi mọi người đặt mình vào, sống sâu với không gian ấy, thời gian ấy để trải nghiệm cảm giác. Với Ly, “Ánh sáng và bóng tối chỉ là chất liệu cho những gì diễn ra bên trong cơ thể”, vì thế, đen (hay đêm) và trắng trở thành hai chất liệu, hai gam màu chủ đạo phản ánh vùng tâm thức.

Sự tìm kiếm đến day trở hay là những câu hỏi được đặt ra trong thơ Ly chính là sợi dây nối con người đến tận cùng bản thể. Ly có những câu hỏi khiến người ta phải thảng thốt:

Những hỗn loạn của ban ngày Đêm không bắt được

Đêm tỏa sóng của đêm Tôi – bắt – được – không?

(Sóng đêm)

Con người phơi mở lòng mình nhưng có bao giờ đạt đến tận sâu tâm thức, đến bản thể tuyệt đối của mình?

Mở mãi, muốn mở mãi

Mở bầu trời đêm trong lồng ngực Nhưng áo chỉ năm nút

Nhưng đêm là vô tận (Mở nút đêm)

Con người, sự sống, nỗi buồn, tất cả chỉ là ảo ảnh? Trong Lô lô, mối quan hệ đan cài giữa “một người khổng lồ ngày nào cũng viên vũ trụ thành một cục tròn tròn nhỏ nhỏ có màu lô lô” với cô gái - “sản phẩm trí tưởng tượng của ông ta”, giữa nỗi buồn - “sản phẩm trí tưởng tượng của ông ta và cô gái” với mưa - “sản phẩm của đêm và cô gái”, “Ông ta là sản phẩm của mưa”… khiến tất cả ràng buộc nhau, tạo thành nhau từ những ý niệm. Sự tìm kiếm bản thể bằng cách truy tìm nguồn gốc từ những thứ không thể cầm nắm cho thấy tất cả “Chỉ là ảo ảnh rơi rơi”. Ảo ảnh là tưởng tượng của tiềm thức, vô thức. Ly Hoàng Ly mải tìm kiếm một cái Tôi trong vô thức. Điều ấy cho thấy sự kiếm tìm không bao giờ kết thúc, vì cái Tôi trong vô thức là một cái Tôi xa lạ, nó cuốn con người vào cuộc đuổi bắt vĩnh hằng. Nhưng cái Tôi ấy là có thật, vì

vô thức vẫn là cái có, cái tồn tại chứ không phải nó là cái không - gì - cả. Cái Tôi xa lạ như cái bóng hiện hữu trước mặt, con người lại gần thì nó lại tiến xa.

Không chỉ tái hiện cuộc kiếm tìm bản thể trong vô thức, Ly Hoàng Ly còn diễn tả sự hóa giải bản thể, những trạng thái mâu thuẫn của bản thể bằng vô thức, bằng thiền. Đấy là cái nhìn xuyên thấu của Ly vào cuộc sống của những người đàn bà tự vùi chôn bản thể. Thân phận trói buộc của người phụ nữ là cái ám ảnh Ly Hoàng Ly, họ đánh mất bản thể vì cuộc sống tù túng, quẩn quanh (Người trong tranh). Đúng hơn, vì cam chịu cuộc sống tù túng, lệ thuộc, họ hy sinh bản thể. Khi cái Tôi trong họ trỗi dậy, họ phải dùng vô thức để hóa giải nó. Logic tâm lý ấy thể hiện rõ trong bài

Performance photo:

Người phụ nữ tự trói mình

Người phụ nữ bảo mọi người này anh này chị ơi hãy trói tôi lại Trong tư thế trói gô

Người phụ nữ tự mỉm cười thỏa mãn vì bị trói gô Rồi cười sặc sụa chảy nước mắt

…Rồi gào lên ấm ức Rồi rú lên tuyệt vọng…

Để giải thoát khỏi nỗi khổ đau, niềm tuyệt vọng, những hành động của người đàn bà như “gục xuống”, “giẫy giẫy”, “tắt ngấm” không phải là những hành động cuối cùng trước khi chết, “tắt ngấm” không phải là chết, mà biểu trưng cho vô thức, cho sự thiền. Vô thức tràn ra để lắng dịu ấm ức và phẫn nộ. Trạng thái “thiền” ta cũng bắt gặp trong Người đàn bà và căn nhà cổ, ở thế ngồi bất định: “Người đàn bà mặc áo dài trắng ngồi bắt chéo chân – Buồn thảm và kiên định”. Nhưng nếu trạng thái thiền của người phụ nữ bị trói gô là để vùi lấp bản thể, sống chung với sự lệ thuộc thì tư thế thiền của người đàn bà trong căn nhà cổ là để cứu vớt bản thể - đang bị đe dọa bởi những con vi trùng quá khứ. Cái chết của người mẹ và sự ra đời của đứa bé mặc áo dài trắng, hành động bất ngờ, dứt khoát của sinh thể mới này: “vặn núm cửa bước ra đêm mưa bão bùng” và sự thay đổi của sinh quyển: “khi ấy đêm vụt tắt – những hạt nắng như mưa… rửa sạch bàn tay bụi bặm”, tất cả thể hiện khát vọng tự do, giải phóng bản thể khỏi sự vây bủa của bóng đêm quá khứ. Hành động như vô thức: “Cầm

chiếc bay – Cạo xác từng người đàn bà ra khỏi bức tranh”Người trong tranh cũng chính là khát vọng chấm dứt những thân phận đàn bà đi lại vô hồn trong cái khuôn cuộc sống chật hẹp.

Thơ Ly không diễn giải. Sắp đặt và trình diễn là chống diễn giải, để tâm thức, vô thức tự kéo con người vào những dự phóng và cuộc kiếm tìm bản thể. Với Ly, hành xác và thử nghiệm trong cái tĩnh là phương cách để con người sống sâu với tâm thức, trở về với bản thể uyên nguyên của mình, đặt mình vào khúc đêm hay phòng trắng để hiểu được Con Người. Ở địa hạt khai phá này, thơ Ly là bản độc tấu trong nền thơ đương đại.

Cái Tôi công dân chỉ có thể hình thành rõ nét trong một xã hội dân sự. Vì thế, quan niệm riêng của người nữ về giá trị xã hội và giải pháp kết nối xã hội, thái độ giễu nhại của người nữ đối với những vấn đề xã hội, khát vọng giải phóng bản thể, khát vọng tự do của người nữ chính là những dấu hiệu của cái Tôi công dân, ở đây có thể gọi là cái Tôi công dân – nữ, vì sự khác biệt thuộc về phái tính. Đấy chính là tiếng nói mạnh bạo của ba tác giả Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh nói riêng và của thơ nữ đương đại nói chung.

Tiểu kết

Có thể gọi người nữ là người của khát vọng: khát vọng giải phóng thân thể, khát vọng giải phóng tâm hồn. Những từ ấy đã cũ, người ta thường nhắc đến khi nói về giá trị của thơ văn trung đại, của văn học cận và hiện đại, nhất là giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, khi mà thời đại không trả cho người phụ nữ địa vị xứng đáng trong gia đình, xã hội. Ngày nay, vai trò của nữ giới đã được khẳng định nhưng sự giải phóng chưa hoàn kết. Vì thế, những khát vọng ấy vẫn còn, thậm chí mạnh mẽ, quyết liệt hơn trước rất nhiều. Đấy là những khát vọng chính đáng và ngày càng hướng tới tính nhân văn vì chúng đi liền với nữ quyền – cuộc giải phóng về giới, giải phóng ở tận cùng bản thể. Người nữ khao khát tự do để kiếm tìm bản thể đích thực của mình.

Như vậy, tư duy về giới trong sáng tạo khơi dậy nhiều giá trị cho thơ nữ đương đại, không chỉ về nội dung mà còn về cả hình thức nghệ thuật. Phái tính chi phối cách viết của người nữ, nhất là việc tạo dựng hệ biểu tượng và ngôn ngữ thi ca.

Chương 3: HỆ BIỂU TƯỢNG VÀ NGÔN NGỮ THI CA ĐẶC TRƯNG

Như đã nói đến ở phần 1.1, trong Nụ cười của Medusa, Cixous nhận xét đa số những bản viết của phái nam “suy đồi vì cố bám giữ lấy đơn tính nam dương vật đầy hào quang” cho nên nữ giới sẽ không rơi vào lỗi lầm đó vì không đặt cơ sở thực hành viết trên một luận điểm nhị giá nữa, mà viết như một vượt bỏ diễn ngôn do hệ thống dương vật chi phối. Diễn ngôn nữ từ nay là diễn ngôn của Người Mẹ, nguồn cội của bản viết, trong một không gian tiền-Oeudipe. Chủ thể nói trong bản văn là người đàn bà toàn phần lên tiếng “Người nữ cụ thể hiện thực sự suy nghĩ của mình, chỉ ra ý nghĩa của điều mình nghĩ bằng chính thân xác mình”. Chọn lựa trong sáng tác của người viết nữ là sự chọn lựa cùng Nguyên Mẫu (Pro-Mother), bởi họ luôn mang trong mình “Tiềm Thể Mẹ” [80]. Diễn ngôn của họ là diễn ngôn tính nữ, trong thơ, nó thể hiện sâu đậm nhất ở hệ biểu tượng và ngôn ngữ thi ca đặc trưng.

3.1 Hệ biểu tượng

Biểu tượng (symbol) trong văn học là một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt. Hình tượng nghệ thuật muốn trở thành biểu tượng thì phải có những đặc tính riêng so với hình tượng thông thường. Hình tượng thông thường là hình ảnh với đầy đủ tính chất của nó: tính chất, kích thước, không gian, thời gian… Theo Trần Đình Sử, hình tượng nghệ thuật “có thể là chủ ý khái quát (xét về mặt nhận thức luận), chủ ý khẳng định (xét về mặt tư tưởng, thái độ), chủ ý biểu hiện hoặc tái hiện nhằm vĩnh viễn hóa những ấn tượng của cuộc sống, hoặc chủ ý khêu gợi sự đồng cảm của người đọc” [67, tr.62-63]. Hình tượng nghệ thuật lớn luôn chứa đựng nhiều tính chất, nhiều chủ ý. Còn biểu tượng là loại hình tượng thiên về ý nghĩa tượng trưng, cái ý nghĩa vượt ra ngoài bề mặt cảm tính cụ thể của hình tượng. Biểu tượng đạt đến trình độ cao trong khái quát hiện thực, chạm đến những miền mơ hồ sâu sa của tâm thức, được gợi ra dưới một hình thức cảm tính và có khả năng lay động mạnh mẽ.

Nói đến biểu tượng, các nhà phân tâm học như Freud, C.G. Jung nhấn mạnh vai trò của cái vô thức, ý thức tập thể, bản năng, giấc mơ, đấy là những khải thị đột biến hay nảy sinh từ quá trình tự động hóa của tư duy. Theo cuốn Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, nếu như dấu hiệu là một quy ước tùy tiện trong đó cái biểu đạt và cái (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

được biểu đạt (khách thể hay chủ thể) vẫn xa lạ với nhau thì biểu tượng giả định có sự đồng chất giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt theo nghĩa một lực năng động tổ chức. Gilbert Durand cho rằng “Biểu tượng rộng lớn hơn cái ý nghĩa được gán cho nó một cách nhân tạo, nó có một sức vang cốt yếu và tự sinh” [38, tr.XIX]. Theo Freud, “biểu tượng là mối liên kết thống nhất nội dung rõ rệt của một hành vi, một tư tưởng, một lời nói với ý nghĩa tiềm ẩn của chúng”. Theo S. Ferenczi, “không phải mọi so sánh đều là biểu tượng , mà chỉ là biểu tượng những so sánh trong đó vế thứ nhất bị dồn nén vào vô thức”. Jung nói: “biểu tượng không cắt nghĩa, nó đưa ta ra bên ngoài chính nó đến một ý nghĩa còn nằm ở tận phía ngoài kia, không thể nắm bắt, được dự cảm một cách mơ hồ [38, tr.XXIV]. Biểu tượng gợi cảm và năng động, nó vừa thiết lập, vừa tháo dỡ. Nó là một dạng thức có tính chất ảnh – động lực. Ví dụ hàm súc nhất của dạng thức này là cái mà C.G.Jung gọi là mẫu gốc (archetypal). Mẫu gốc “là một khả năng hình thức tái tạo lại được những ý tưởng giống nhau hoặc ít ra tương tự nhau… hoặc một tình thế cấu trúc gắn liền với tâm hồn, tự nó, theo một cách nào đó có phần liên hệ với não bộ”. Nhưng cái chung cho cả nhân loại là những cấu trúc ấy, vốn hằng định, có thể thay đổi tùy theo các thời đại, các tộc người và các cá nhân [38, tr.XXI].

Tuy nhiên, trong tư duy thơ, sự thiết lập biểu tượng không phải là vô thức. Bởi lẽ, thứ nhất, biểu tượng là kết quả sự lựa chọn của nhà thơ, nói như tác giả Nguyễn Bá Thành: “Tư duy thơ là sự khôi phục và sáng tạo nên các biểu tượng trực quan để biểu hiện tư tưởng và cảm xúc, nhưng không phải do nhận thức cảm tính quyết định. Những quan niệm về thơ, về nhân sinh, về thời đại và bản thân cá tính của nhà thơ sẽ làm cho nhà thơ chú ý nhiều hơn đến loại biểu tượng này hay biểu tượng khác. Những biểu tượng tưởng như vô tình và muôn hình muôn vẻ ấy bao giờ cũng có một điểm chung ở tư tưởng chủ đề mà nhà thơ muốn thể hiện” [68]. Thứ hai, khi biểu tượng xuất phát từ trí tưởng tượng thì nó vẫn được dẫn dắt một cách có mục đích. Biểu tượng thể hiện năng lực tư duy hình tượng, mà năng lực tư duy hình tượng lệ thuộc vào trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng là sợi dây được nối kết bởi nhiều liên tưởng. Quy luật của liên tưởng cho thấy sự vận động của trí tưởng tượng là có hướng chứ không phải là vô hướng. Vì thế, “Hành trình của trí tưởng tượng mang tính chất ngẫu nhiên bao nhiêu về mặt hình ảnh trực quan, thì mang tính chất tất yếu bấy nhiêu về mục đích

biểu hiện” [68]. Do vậy, với đặc điểm mang trong mình là Tiềm Thể Mẹ, người nữ tạo tác biểu tượng không phải từ vô thức mà từ một sự chọn lựa nằm trong phái tính sáng tạo. Trong thơ nữ gần đây, các tác giả đã tạo nên một hệ biểu tượng có mối quan hệ về bản thể với mẫu gốc của mình, đó là Nguyên mẫu hay mẫu gốc mang tính nữ (thiên âm) như Đất, Nước, Đêm. Từ những mẫu gốc thiên âm ấy, hệ biểu tượng tỏa nhánh, ý nghĩa của mỗi biểu tượng là sự chuyển hóa một số đặc điểm bản thể trong tập hợp các thuộc tính của mẫu Mẹ. Tuy nhiên, ý nghĩa biểu tượng chịu sự quy định của văn hóa, theo phần 1.1, văn hóa chủ yếu do hệ tư tưởng phụ quyền chi phối. Vì thế, các nhà thơ nữ biết loại đi những lớp nghĩa không đích thực là mình, đôi khi, đã vươn tới sự phá dỡ mẫu gốc để tạo lập ý nghĩa mới – là mình.

Một phần của tài liệu Về một đặc điểm tư duy thơ nữ gần đây Ý thức phái tính (qua Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thuỳ Linh (Trang 72)