Người nữ Thiên sứ muôn thuở của tình yêu

Một phần của tài liệu Về một đặc điểm tư duy thơ nữ gần đây Ý thức phái tính (qua Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thuỳ Linh (Trang 52)

- phương thức thể hiện khát vọng giải phóng tính dục

2.2.1 Người nữ Thiên sứ muôn thuở của tình yêu

Từ xưa, trong thần thoại hay truyền thuyết của phương Tây và phương Đông đều coi người phụ nữ như là thiên sứ của tình yêu. Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần Aphrodite là nữ thần Tình yêu và sắc đẹp. Cái tên này bắt nguồn từ sự sinh thành của nữ thần. Tương truyền Kronos khi tranh giành ngai vàng với vua cha là Uranos đã chém đứt “báu vật” của vua cha. Từ vết thương ấy, máu nhỏ xuống biển mà sinh ra Aphrodite, nghĩa là người con gái được sinh ra từ bọt biển. Chức năng của Nữ thần là bảo vệ và gieo trồng tình yêu, chăm sóc cho sự phồn thực của cuộc sống. Aphrodite tượng trưng cho sức mạnh không thể kìm hãm được của sự sinh sản, nhưng không phải ở thành quả của nó mà ở cái dục năng cuồng nhiệt mà nó làm cháy lên ở các sinh vật. Nàng là biểu trưng của tình yêu dưới dạng khoái cảm xác thịt, khoái cảm của các giác quan khi hai người khác giới chạm vào nhau. Ở Việt Nam (cũng như Trung Quốc), thần Ái tình là Nữ Oa, thần tượng trưng cho sinh lực và phồn thực.

Trong phần 2.1, chúng ta đã thấy khát khao giải phóng tính dục của người nữ luôn trực diện, cháy bỏng. Nhưng sự giải phóng ấy không nhằm làm người nữ đi xa hơn những bẩm tính mình có. Một phác họa về người nữ trong thơ Vi Thùy Linh cho thấy cuộc trở về với thiên tính nữ, bắt đầu từ bản thể - là thiên sứ của tình yêu:

Đến với mọi người bằng sóng chữ tình yêu

Tung vó nhân mã bắn cung, yêu kiều nàng không dừng quyến rũ (Hãy phủ thơ khắp thế giới của em!)

2.2.1.1 Những thái cực: chờ đợi và khát khao dâng hiến Em đã gửi anh những bài thơ của em

Ở đó, người đàn ông được tôn vinh trong hạnh phúc Ở đó, người đàn bà luôn hiến dâng và chờ đợi”

(Điều anh không biết – Vi Thùy Linh)

Đấy là lối tư duy trong thơ tình của một cái Tôi tính nữ.

Với tâm thế chủ động lệ thuộc và phục tùng, hướng về với cả sự trọn vẹn của em – “chủ thể - người tình – nô bộc”, tình yêu như là một thứ tôn giáo. Đấy là thứ tôn giáo đến một cách tự nhiên, như Định mệnh, như Chúa Trời ban tặng. Thơ Vi Thùy Linh mở ra một nhà thờ mà đức Cha là “Anh” còn con chiên ngoan đạo là “em” vẫn hằng ngày đi lại trên giáo đường, hướng về anh xưng tội: em trở thành tín đồ của anh, một tội đồ nông nổi, yêu dữ dội bằng sức mạnh của phái yếu và luôn hướng về anh bằng một tình yêu trọn vẹn.

Sự chờ đợi là trạng thái muôn thuở của người đàn bà trong tình yêu, một sự chủ động sống trong đợi chờ vì tình yêu vĩnh cửu. Từ “Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền” (Ca dao), đến “Nơi nào em cũng nghĩ - Hướng về anh một phương” (Sóng - Xuân Quỳnh), tâm thế, tư thế, vị thế của người phụ nữ trong xã hội đã khác, nhưng nỗi đợi chờ vẫn vậy. Chỉ khác ở chỗ, nếu thơ nữ thế hệ Xuân Quỳnh nhấn vào nỗi lo âu, hoài nghi trong chờ đợi, thì ngày nay, sự chờ đợi quyết liệt hơn, bất chấp cả ngụy tín. Thơ nữ đương đại tiếp tục làm giàu thêm những hình ảnh của sự đợi chờ. Cỏ trắng như là biểu tượng của nỗi đợi chờ thanh tân của tuổi mới lớn trong thơ Ly Hoàng Ly. Chong đèn khâu đợi chờ thành tấm chăn là nỗi đợi chờ của người thiếu phụ trong thơ Phan Huyền Thư. Trong thơ Linh, nỗi đợi chờ xếp tầng tầng lớp lớp trong một loạt so sánh liên tưởng : Em như bùi nhùi rơm, Bàn tay em buông như khuông nhạc câm, Em là người dệt tầm gai... lặng lẽ dệt hạnh phúc từ nỗi buồn - những sợi tầm gai - không ai nhìn thấy, Em đã thành lính gác chung thân của chính mình... Trong chờ đợi, sự tưởng tượng, cuồng tín, xác tín, ngụy tín trở thành cách duy trì tình yêu, cuộc sống.

Người con gái trong thơ Linh sống vì tưởng tượng những cuộc hẹn ở tương lai với niềm tin lãng mạn. Những xác tín gối hàng ngày nối nối: Tình yêu là niềm tin đầy mong mỏi của linh giác, Tình yêu là thánh giá mang suốt đời, Tình yêu bắt đầu từ khi là bào thai trong bụng mẹ... Cuồng tín đến mức : Nếu anh không của em, em sẽ vắt mình đến giọt sống cuối cùng, làm nghiêng ngả mọi ổn định, Nếu anh không đến với em, em sẽ đi tìm nơi trú ngụ của quỷ... Rồi trở về nằm yên bên ngụy tín: Em mơ về đám cưới - Những ngụy tín đứng bên ngoài đường viền tấm chăn đơn chiếc (Một mình).

Xưng tụng tình yêu, người đàn bà dâng mình, tất cả. Được viết bởi tuổi trẻ và sự nồng cháy của dòng cuồng lưu miền nhiệt đới, thơ Vi Thùy Linh nảy lên như một quả bầu yêu mà nguồn nước mạch bên trong nó không khi nào vơi cạn. Linh hay nhắc đến sự “thuộc về”, sự “dâng hiến” như là đỉnh cao của tình yêu, và Anh là đỉnh cao khát vọng dâng hiến. Xét ra, đấy là sứ mệnh của thiên sứ tình yêu, trao tặng anh linh hồn, cái cao đẹp nhất của bản thể - nữ. Trong dâng hiến có sự hy sinh, vị tha và bao dung. Trong dâng hiến có cả sự khẩn cầu và biết ơn. Một tình yêu trọn vẹn và thành khẩn, người đàn bà luôn ở tư thế quỳ, phủ phục: Phủ phục trước anh - Hiến dâng trong hạnh phúc của một nô lệ tình yêu không muốn được giải phóng, quỳ hôn những ngón chân anh, Phủ phục dưới hào quang huy hoàng của vòng tay thống trị... Sự dâng hiến phi thời gian: Dù sẽ đến ngày mình không nhận ra mình trong tấm gương phũ phàng hiển hiện thời gian - Vẫn là lời thơ yêu dâng (Anh và thời gian).

2.2.1.2 Xung lực của tình yêu đem lại hưng phấn cho muôn loài

Nảy nở cùng tình yêu của người đàn bà là thế giới cỏ cây, hoa lá, côn trùng. Điều này, thật khác với cách mô tả của các nhà thơ nam giới. Xuân Diệu, nhà thơ tình nổi tiếng khi viết về sự tương giao của đất trời, thiên nhiên cũng chỉ khai thác ở cử động “ngả” vào nhau của sự vật: “Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên - Cây me ríu rít cặp chim chuyền…” (Thơ duyên). Hoan lạc đến như gió trăng trong thơ Hàn Mặc Tử thì vẫn còn khoảng cách: “Trăng nằm sóng xoài trên cành liễu - Đợi gió đông về để lả lơi” bởi chữ “đợi”, dường như thi sĩ còn ý nhị lắm nên không chụp được cảnh lả lơi như nó đang diễn ra. Nghĩa là hình ảnh vẫn ẩn dụ, gián tiếp.

Trong thơ nữ đương đại, thiên nhiên cũng có đời sống tính dục của nó. Phan Huyền Thư đậm tô một khu vườn, khu rừng nhiệt đới ham muốn dậy lên sóng mây cây cỏ, giao hoan và cộng sinh: gió liếm vào gáy đêm, hai bông hoa si tình giả vờ trao nhau ham muốn, mạch nước nhỏ tìm đường truy hoan, mọt nghiến răng báo động mùa trở dạ, sấm quyến rũ tỏ tình mùa Hạ, mưa rào phi đầy tên nhọn xuống đầm lầy, những chiếc kim hoan lạc... Thiên nhiên trong thơ Linh không tĩnh tại trang nghiêm mà luôn hừng hực nhục cảm trong cuộc ngẫu hợp khao khát: những bông hoa khỏa thân chờ chiêm ngưỡng, những đợt sóng háo hức, cỏ hoa mê mệt mọc, dốc tình, đêm say, mây võng, đất lún, suối dâng, tóc thác đổ, thân trăng nhún, mây kéo váy trăng lồ lộ mở…

Sự sống sinh sôi với bạt ngàn “trứng”, “đầu thai”, “sinh nở”: Phấn hoa bay không ngừng, những cơn lốc sinh nở, bao ổ trứng ung dung nở, nhiều hạt mầm đầu thai, đàn nhện tíu tít chuẩn bị kỳ sinh nở…

Có một giai đoạn trong phong trào nữ quyền, tình yêu bị gạt bỏ và tình dục tiếm quyền ngự trị. Thậm chí, tình yêu bị giễu nhại. Người đàn bà hết mình vì tình yêu, hiến dâng cho tình yêu bị coi là tiếp tục một thứ tòng thuộc, nạn nhân của nữ tính truyền thống. Nhưng, cho đến khi nào tình yêu vẫn là lẽ sống, là điểm tựa của người phụ nữ, là cái để họ dựng xây cuộc đời thì đấy vẫn là một bản sắc giới tính không thể chối bỏ, một tính nữ vĩnh cửu. Người nữ - thiên sứ muôn thuở của tình yêu, đấy là vị thế của người gieo hạt trên cánh đồng cuộc đời. Thơ nữ đương đại khẳng định giá trị riêng biệt của người nữ là ở đó.

Một phần của tài liệu Về một đặc điểm tư duy thơ nữ gần đây Ý thức phái tính (qua Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thuỳ Linh (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)