“Nữ hóa” hình ảnh như là cách thức mở rộng ngôn từ

Một phần của tài liệu Về một đặc điểm tư duy thơ nữ gần đây Ý thức phái tính (qua Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thuỳ Linh (Trang 88)

- phương thức thể hiện khát vọng giải phóng tính dục

3.2.2“Nữ hóa” hình ảnh như là cách thức mở rộng ngôn từ

Dấu hiệu ngôn từ dễ nhận thấy nhất để chứng tỏ tác giả là nữ giới là đại từ xưng hô chủ yếu trong thơ. Chủ thể trữ tình trong thơ nữ thường là “em”, “người đàn bà”, “cô”. Cặp đại từ “Em” – “Anh” sóng đôi trong thơ Linh không biết mấy trăm lần.

Ngoài cách xác định tính nữ của chủ thể bằng những đại từ như vậy, thơ nữ thường nhắc đến phòng ngủ với giường, chăn, ga, bình hoa, nước hoa… và những hoạt động quen thuộc của người nữ như thoa kem, cuốn tóc… Có lẽ hình ảnh căn phòng trong văn thơ nữ bắt nguồn từ Căn phòng riêng của Virginia Woolf. Trong văn xuôi, đó là những căn phòng chật hẹp ở tác phẩm Phạm Thị Hoài. Trong thơ, đó là những căn phòng đầy nhục cảm của Lê Thị Thấm Vân, hay căn phòng “giường chiếu thênh thang”, “gối chăn còn phảng phất - mùi ái ân tẻ nhạt” của Phan Huyền Thư. Đó có thể là căn phòng ngào ngạt mùi nước hoa, “chiết xuất nữ tính” trong thơ Vi Thùy Linh. Căn phòng gắn với người phụ nữ bởi đấy là nơi phát sinh và chứa đựng những khát khao của họ. Đấy cũng là nơi gợi nhắc thời gian bởi những cánh hoa rơi, những sợi tóc rụng: “Bên giường - Những bông hoa bắt đầu rơi từng cánh - Nhắc em về thời gian..”. (Tiếc nuối – Vi Thùy Linh), “Nhặt trên gối sợi tóc” (Buổi sáng – Phan Huyền Thư). Trong thơ Ly Hoàng Ly, căn phòng còn là nơi phản chiếu những khuôn mặt thật:

Tôi trở về nằm trên chiếc giường êm màu hồng drap giường đính đầy hoa,

Trên chiếc giường nệm lò xo Cô gái bịt mũi

Nằm thẳng

Sôi lên vì mùi Chanel số 5 (Ảo giác)

Hình ảnh dưới cái nhìn nữ có chiều hướng được “nữ hóa” bằng cách: so sánh với thân thể người nữ, so sánh với những gì quen thuộc, gần gũi với hoạt động, với tầm quan sát của người nữ, so sánh với những gì mà mẫu gốc của nó mang tính nữ.

Những so sánh với thân thể người nữ xuất hiện nhiều trong thơ Linh: Những chiếc lá xác xơ gân như lông mày quả phụ, Những cành cây chỉ vương chút lá xanh vẫn vươn ra như những cánh tay thiếu phụ mỏi mòn, Lũ bướm bay qua ao hồ bãi đầm sông suối hóa thân tố nữ, Như người đàn bà đợi… Cây – nữ - tu… Bỗng chiếc váy trên mình tu nữ, bay thốc, …Việt Nam - đất nước mang hình người đàn bà hơi khuỵu chân, ngửa mặt…

Những hình ảnh nằm trong tầm ngắm của người phụ nữ: Mẹ ngồi lại với cái mạng nhện mới được con nhện chửa chăng lên chờ ngày ở cữ (Vi Thùy Linh), Giăng mắc niềm tin con nhện cái - ôm bọc trứng bão hòa, Đỉnh màn sót lại - Mẩu chân chuồn chuồn buộc sợi chỉ dài (Phan Huyền Thư), Chiếc thìa nhôm đầy vết nứt, Mặt trời nằm ốp la trên đất (Ly Hoàng Ly).

Những so sánh với những vật gắn liền với cuộc sống người phụ nữ: Trái đất – cái cối xay rất cũ, Trăng tước mình rơi như chiếc móng tay, Ta chỉ kịp nhìn thấy vầng trăng co vào góc gương như con thằn lằn trắng, Bóng tối – con ngựa vằn lao đến – khi hàng cây sau mưa như những cái chổi khổng lồ sũng nước tiếp tục quét lên bụng trời - Em làm sao có thể thanh thản khi mỗi hạt nước bung ra từ những nhát quét kia cũng mang ánh mắt anh, Vụng về làm sao - Tôi không thể đẩy mặt trăng u ám kia đính chặt lên trời như đơm lại chiếc khuy đen sắp rơi khỏi áo, Mà ẩn ức như váy chờ dạ hội (thơ Vi Thùy Linh).

Những hình ảnh mang tính nữ từ trong tiềm thức: Những cánh rừng trơ cuống họng, Dốc về tôi ngõ ngõ tối như những cổ họng mở to, khan tiếng, Ngã tư không đèn giao thông, như cổ họng quá tải, Những cơn mưa rũ rượi rồi hanh vàng tơ óng đổ ra từ bình lớn – miệng trời (Vi Thùy Linh). “Cuống họng”, “cổ họng”, “bình” đều có hình dạng giống như tử cung. Thậm chí, “lạnh hóa” những thuộc tính nóng: Mặt trời mải miết bò như giọt nước mắt khổng lồ nóng rực…Có phải ác mộng không một ngày mặt trời rơi xuống thành sông, anh cùng em bơi trong vị mặn (Vi Thùy Linh).

Nữ hóa hình ảnh vừa là kết quả của những tưởng tượng, vô thức, vừa là kết quả của ý thức, sự lựa chọn có định hướng về giới. Sự liên tưởng theo cách thức này có khả năng mở ra một lối thơ nữ giàu hình ảnh và chất chứa biểu cảm, nhất là nói như các nhà nữ quyền, người viết nữ thoát ra khỏi hệ ngôn ngữ chịu sự chi phối của nam giới để tạo dựng ngôn ngữ của phái mình. Trong phần tiếp theo, người viết dừng lại ở việc tìm hiểu sơ lược phong cách ngôn ngữ của từng nhà thơ như để hoàn kết lại những đặc trưng về ngôn ngữ trong thơ của ba tác giả này.

Một phần của tài liệu Về một đặc điểm tư duy thơ nữ gần đây Ý thức phái tính (qua Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thuỳ Linh (Trang 88)