Ước vọng làm Mẹ, một khát khao thiên bẩm

Một phần của tài liệu Về một đặc điểm tư duy thơ nữ gần đây Ý thức phái tính (qua Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thuỳ Linh (Trang 55)

- phương thức thể hiện khát vọng giải phóng tính dục

2.2.2 Ước vọng làm Mẹ, một khát khao thiên bẩm

Tính nữ vĩnh cửu là sự sinh đẻ. Đặc tính đó đã được biểu tượng hóa qua hình ảnh những vị thần đầu tiên xuất hiện trong thần thoại, truyền thuyết mọi nơi trên thế giới là bà Mẹ sáng tạo ra muôn loài. Ở phương Tây, đó là nữ thần đất Gaia, người Mẹ Đất vĩ đại có bộ ngực đồ sộ nâng đỡ muôn loài. Ở Ấn Độ, đó là nữ thần đất Aditi, được hình dung là một người phụ nữ xinh đẹp có bốn tay và cưỡi trên lưng một con gà trống. Ở Trung Hoa, đó là bà Nữ Oa. Còn ở Việt Nam, nằm trong tín ngưỡng chung của thời cổ đại, người mẹ sáng tạo muôn loài là mẹ Đất nhưng chúng ta còn có một mẫu tượng riêng, người Mẹ sáng tạo giống nòi là Âu Cơ. Với đặc thù là niềm yêu thương, sự che chở, Tình mẹ là nguồn cảm hứng dồi dào của thi ca. Nhưng ở giai đoạn

này, điểm nhấn của tình mẹ là khát khao làm mẹ, sinh con. Khi con người hiện thời cần đến những phương tiện kỹ thuật để trợ giúp cho việc sinh đẻ thì khát khao ấy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Sinh con, làm mẹ là một “quyền tối thượng” của người phụ nữ. Những tưởng đó là chức năng tự nhiên không cần phải mơ ước thì ước vọng ấy lại là điểm mới về mẫu tính trong thơ nữ đương đại. Điều đấy chứng tỏ khát vọng làm mẹ là tính nữ thuộc về bản thể, nó có từ khi còn trinh nguyên, bởi một lẽ rất đơn giản:

“Em bẩm sinh năng lượng làm Mẹ - một tín ngưỡng vượt lên mọi thống trị” (Nơi tận cùng sự ngưng đọng – Vi Thùy Linh).

Các nhà thơ nam viết về tình mẹ với vị thế một người con cảm nhận về người mẹ, đó là tình yêu thương, sự biết ơn mẹ, vì thế tình mẹ được mô tả từ điểm nhìn bên ngoài. Điều này, do đặc thù giới tính, hiển nhiên khác với cách viết của các nhà thơ nữ. Tình mẹ được trải bày từ cái nhìn bên trong, thấm đẫm cả cảm xúc mang tính nhục cảm. Ước vọng làm mẹ thể hiện trước hết ở hình dung con, rồi mới đến chân dung mẹ. Điều này tự thân hàm chứa sự biết ơn của người mẹ đối với con, bởi có con mà mẹ được sinh thành, con tạo tác nên mẹ. Đấy là mối liên hệ thật sự thiêng liêng mà chỉ các nhà thơ nữ mới nói lên được.

Vẫn rất nhân bản trong tình yêu, thơ Linh là lời nguyện cầu của trinh nữ muốn hóa thân thành Mẹ. Trong thánh đường tình yêu, người trinh nữ chắp tay mong cầu một sự thụ mầm như đức mẹ Maria. Nhưng mầm sống ở đây mới là những mầm nhụy của tình yêu, mới là hình dung về Những mặt trời đang phôi thai:

Con ơi…con ơi !

Không biết bao lần mẹ đặt tay lên bụng, gọi con

Mẹ khao khát mang con, mặt trời đang phôi thai trong mẹ …Hãy theo tình yêu của cha, đậu vào lòng mẹ

Huyền diệu, những mặt trời đang phôi thai theo nhiều cách. Đó có thể là một sự trở về nguồn cội, nòi giống Lạc Hồng:

Tạ ơn những bóng hình vất vả và mơ mộng ngàn năm, bước ra từ mặt trống đồng …Cả trí tuệ và sự vô tận của thẩm mỹ

Tụ về kết tạo thành đứa bé

(Nơi tận cùng sự ngưng đọng)

Vào lúc Anh lên em lên Anh Thụ tạo giấc mơ ấp ủ

Em đạt khát khao làm Mẹ (Nơi ánh sáng)

Như vậy, với người nữ, tình dục không đơn thuần để đạt khoái cảm mà nó đem lại điều lớn lao hơn, thiêng liêng hơn: làm Mẹ. Thân xác gắn liền với thiên chức làm Mẹ. Trong tập Đồng Tử, hình ảnh bé Xù biểu thị ước mơ một cuộc sống an lành, “Một đời thường đẹp hơn những giấc mơ thiên đường”. Phi thuyền của bé Xù đưa mọi người Kỳ ngộ xứ cầu vồng là phi thuyền diệu kỳ đã đem lại cuộc sống an lành lẽ ra phải có trên trái đất, một cuộc sống không lo đối phó chiến tranh, gian ác… Mùi da thịt bụ sữa của Đồng Tử khiến bốn bề bỗng nhiên ngây thơ ngào ngạt, hoa muôn loài ùa về nở, tất cả các loài chim đều được sống để dậy thì tiếng hót hợp xướng cùng tiếng bi bô... Bé Xù còn biểu thị mong ước của mẹ về những đứa con có sức đề kháng, bản lĩnh: sóng tóc xoăn là để đánh bật những rác – dơ, phiền muộn, lọn tóc xù – những mắt xích thiêng liêng nối chúng ta phiêu du đến những miền đất hứa. Ước vọng bỏng cháy nên nhìn đâu cũng thấy hình bóng con ngập trong thế giới hiện hữu quanh “anh” và “em”: bay lên từ anh và em là những đám mây con trai mang cặp mắt rực sáng của anh (Thánh giá), Vì đôi môi mở đón Anh, mà nụ hoa khắp nơi hé cánh - Mùi thơm lũ trẻ bụ sữa phủ ngập không gian (Đêm của tím). Bé Xù không chỉ là phương cách thể hiện khao khát, mà là khao khát thật sự của Linh, người phụ nữ rất ý thức về bản tính nữ của mình: “Tôi ý thức thật rõ nữ tính trong mình và chuẩn bị tinh thần làm mẹ. Tôi luôn khao khát bé Xù là cậu trai của đời mình, để nó thực hiện được những ước mơ mà mẹ nó, vì là phận gái, nên đành để dở dang… Bé Xù là một ước mơ vĩ đại trong đời tôi” (Vi Thùy Linh trả lời phỏng vấn: Sẽ kết hôn vào một ngày đẹp trời bí mật).

Ngày con chào đời, chân dung Mẹ bắt đầu được tạo hình. Vi Thùy Linh đã nêu được cái cảm thức rất đặc biệt, riêng biệt này của giới nữ - cảm thức về sự sinh thành người Mẹ:

Hoa mẫu đơn e lệ nở Khai mạc đêm từ Linh

Bắt đầu vẽ chân dung Mẹ (Sinh năm 1980)

Sự sinh thành người Mẹ được tạo tác bởi tình mẹ. Mà có con, tình mẹ mới hiện hữu. Vì thế hoa mẫu đơn là tình mẹ, tình mẹ gọi ngôn từ sinh nở những đứa con, rồi chính những đứa con khắc chạm hình ảnh Mẹ. Vòng tương sinh Tình mẹ - Con – Chân dung Mẹ thể hiện ước vọng sâu thẳm. Mẹ viết truyện cổ tích và làm thơ để ru con, cánh tay mẹ dẫu mệt lả vẫn là đôi cánh bền vững để con bay, dòng sữa mẹ hai bầu tinh khiết nguyên vẹn cho con…Có con, thiếu nữ trở thành mẹ, sự trở thành này cũng giống như ý niệm “trở thành” mà Beauvoir đã nói, bằng kinh nghiệm, bằng dự phóng, phụ nữ đi từ giống tới phái qua hiện thể ở đây là người mẹ. Vì thế, tình mẹ hàm chứa sự biết ơn con: Nhờ con, chúng ta được khai sinh lần nữa (Nơi tận cùng sự ngưng đọng), Con đã cho mẹ một sinh lực phi thường…Để đến ngày được làm người đàn bà bình thường nhất (Đồng Tử), Những thanh tà vẹt con con - Nối mẹ cha sánh mãi bên nhau (Cảm ơn con). Sự biết ơn sâu đằm ở người mẹ trong thơ Phan Huyền Thư:

Ngày mai điềm tĩnh lại

mẹ sẽ tập đi bằng ánh sáng Lập Duy trong bóng tối câm lặng của lời

(Lập Duy)

Con là ánh sáng của đời mẹ. “Tập đi” là cách nói trẻ thơ hóa người mẹ, trong đó ngụ nhiều ý nghĩa thầm kín của người mẹ trẻ đa cảm, giàu khát vọng. Sau Thư, hình ảnh người mẹ - trẻ thơ hiện rõ hơn và hồn nhiên hơn ở Lynh Bacardi.

Nếu Linh viết về tình mẹ bằng ngòi bút lãng mạn, nhiều tượng trưng để tạo dựng một tính mẫu lý tưởng bằng tưởng tượng dự phóng thì nhiều tác giả khác, bằng trải nghiệm thực tế, diễn tả sự gắn bó máu thịt với con trong những cảm xúc nhục thể rất trần tục, rất thực. Đấy là sự gắn bó từ bản thể. Với Lê Thị Thấm Vân, sự hiện hữu vĩnh viễn của con bắt đầu từ ngày không có kinh nguyệt thứ nhất, sẩy thai là nỗi tuyệt vọng, mất mát vô bờ của người mẹ, dấu hiệu được nhận ra khi thấy “hòn máu lọt trong bồn cầu đêm qua - cùng những cơn đau buốt bụng trước đó vài ngày” (kali).

tinh tế. Có hiểu nỗi đau ấy, nỗi đau hoài thai, mới thấu sự ra đời của con là ơn thánh của đời mẹ. Trước con, người mẹ có tiết điệu cảm xúc thơ trẻ và “lạ”: Lynh Bacardi “thèm chui rúc trong con”, “thèm cuộn tròn trong tã lót con”, “thèm tách sữa nóng chảy từ bầu vú”. Có con, người mẹ cắt nghĩa được vô thức ấu thời của mình. Nói như Thụy Khuê, khi làm mẹ, người phụ nữ sống hai thực tại một lúc: vừa mẹ, vừa con. Đấy là một sự “toàn vẹn Mẹ”. Mối liên hệ Mẹ - Con hiện hữu rõ rệt bắt đầu từ dấu tích sinh nở:

tiếng khóc khởi đầu sự sống nhòa trong máu sự ràng buộc thật lìa sợi nhau

…mẹ yêu hình thù góc cạnh yêu vết rạn sự hiện diện của con vết thánh hay lời cảm tạ

(Lời cho bé yêu)

Không phải ngẫu nhiên, các tác giả nữ đương đại xoáy vào sự mang nặng đẻ đau của người mẹ, sự gắn bó máu thịt từ bản thể với những “sự sống nhòa trong máu”, “hòn máu”, “sợi nhau”… Nếu so sánh sự sinh thành này của người nữ với chiếc xương thừa của Adam được Chúa hóa phép thì chúng ta thấy quyền năng thành tạo sự sống, con người của giới nữ thực hơn rất nhiều, nó không phải là huyền thoại. Chiếc xương thừa của Adam chỉ là huyền tích, còn sợi nhau của người đàn bà mới là biểu tượng của một quyền năng tối thượng. Trên thực tế, sự sinh con và nuôi con một mình của nữ giới là sự chối bỏ (phần nào, hoặc tuyệt đối) vai trò, sự hiện diện của người cha, là nỗ lực sáng tạo sự sống với toàn quyền của người mẹ. Mặc cảm phái tính, mặc cảm là kẻ phái sinh không hề có ở những tác giả nữ đương đại. Đúng hơn ước vọng làm Mẹ của họ là nỗ lực xóa đi ý niệm phụ nữ là kẻ phái sinh trong hệ tư tưởng nam quyền.

Một phần của tài liệu Về một đặc điểm tư duy thơ nữ gần đây Ý thức phái tính (qua Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thuỳ Linh (Trang 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)