Cảm quan tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương

Một phần của tài liệu Về một đặc điểm tư duy thơ nữ gần đây Ý thức phái tính (qua Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thuỳ Linh (Trang 27)

6. Cấu trúc Luận văn

1.2.2 Cảm quan tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương

Nằm ngủ im lìm trong lớp băng hà của sự phi ngã, trước Hồ Xuân Hương (1772-1822), 26 người phụ nữ làm thơ (thống kê theo cuốn Nữ sĩ Việt Nam, [42]) trải qua 18 thế kỷ truyền giữ sự ước lệ và gần như là “phi giới tính”. Rất nhiều người trong số họ làm thơ như viết ra tâm niệm của một ni sư (hiểu theo nghĩa nào đó, là người chối bỏ giới tính), tâm huyết của một vị anh hùng hay của một người coi quốc gia và đạo nghĩa thánh hiền là trên hết (cũng gần nghĩa là người quên đi giới tính/đè nén giới tính)… Thơ Hồ Xuân Hương là một bước đột phá. Ý thức phái tính của nữ sĩ họ Hồ không chỉ là sự phản kháng với chế độ đa thê: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”, với hệ thống xã hội trọng nam khinh nữ: “Ví đây đổi phận làm trai được”, mà còn với cả tạo hóa: “Thân này đâu đã chịu già tom”. Tiếp thu nguồn lực trong ca

dao nhưng quyết liệt hơn, ý thức giải phóng tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương tạo nên một hệ thống ngôn ngữ nhiều ẩn dụ tính dục. Hệ thống danh từ: nương long, đôi gò Bồng Đảo, lạch đào nguyên, con cò, cọc, lỗ, vỏ, múi, cầu trắng, nước trong, đôi mảnh, đầu non, hang, kẽ hầm, rêu, cỏ gà, chiếc bích, đôi cung… Hệ thống động từ:

mấp máy, đạp xuống, năng năng nhắc, đâm ngang, thích thích mau, nhổ, đóng cọc, xâu xâu, nứt, sờ, mó… Hệ thống từ tượng hình: phau phau, leo lẻo, hỏm hòm hom, toen hoẻn, rậm rạp, lam nham, đỏ loét, lún phún… Những hệ thống ngôn từ ấy được kết hợp một cách tài tình, sống động khắc chạm rõ cảm quan tính dục độc đáo của Hồ Xuân Hương. Nói như tác giả Nguyễn Bá Thành, đấy chính là “sự vận động song hành của các biểu tượng khác nhau chứa đựng trong một cấu trúc ngôn ngữ”, thể hiện “tư duy thơ Hồ Xuân Hương đã thiên về vấn đề giải phóng cho phụ nữ, giải phóng giới tính” [68, tr.97].

Lê Đạt cho rằng người viết về tính dục khá nhất Việt Nam là Hồ Xuân Hương. Chắc chắn vào thời ấy, Hồ Xuân Hương chưa thể biết đến lý thuyết tính dục của Freud, nhưng bà đã biết viết bằng kinh nghiệm của phụ nữ. Nhiều nhận định cho rằng thơ Hồ Xuân Hương mang tinh thần Phục hưng, điều ấy đúng, nhưng nhìn vào cách phục dựng của nữ sĩ, ta thấy bà còn đi xa hơn thế. Những nét tạo tác của Hồ Xuân Hương rất hiện đại, giống như nét vẽ của Georgia O‟Keeffe. Bức tranh Hoa Canna đỏ (Red Canna), 1923 của Georgia O‟Keeffe là một ví dụ điển hình. Hoa là biểu tượng của cơ quan sinh dục, những nét vẽ miêu tả nhụy cũng như chồi hoa đầy ắp và chìm lút, đang mãn ngất trong các khoanh gấp sâu của cánh cùng với các lằn gân lá mịn nhung. Chúng thực sự đã gợi tưởng đến bộ phận sinh dục nữ theo những lối cách khêu gợi. Cũng họa tạc bằng những gam màu đậm, những đường ấp e, thơ Hồ Xuân Hương gợi nhớ đến cả một truyền thống văn hóa phồn thực hồn hậu. Hồ Xuân Hương đã đi trước thời đại mình, đã phản ánh được một nhu cầu xã hội lớn mà cuối thế kỷ XX vẫn đặt ra như một vấn đề cấp bách. Đấy là việc giải phóng bản năng tính dục nữ và thái độ nữ quyền về các hệ giá trị và lịch sử. Đơn giản hơn, hồn nhiên hơn, bà mở lối cho một nhận thức độc lập của phụ nữ về chính thân thể và bản ngã tinh thần của mình.

Một phần của tài liệu Về một đặc điểm tư duy thơ nữ gần đây Ý thức phái tính (qua Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thuỳ Linh (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)