- phương thức thể hiện khát vọng giải phóng tính dục
2.3.2 Kín đáo trong sự giễu nhại xã hội
Giễu nhại (pastiche) là một dạng thức của phản biện xã hội mang tính cá nhân. Đấy là giải pháp để hợp thức hóa phản biện xã hội khi nó chưa được thừa nhận như là một hoạt động “trao đổi chất” giữa nhà nước và công dân, chưa được đón nhận cởi mở giữa cái mang tính truyền thống và cái mang tính hiện đại…
Với quan niệm “Viết là một phản xạ quá ư thầm kín”, chữ nghĩa không chỉ là phương tiện chuyên chở cảm xúc của nhà thơ, và “hãy biết im lặng để lắng nghe âm và điệu của từ ngữ… Đôi khi, bạn chỉ cần bỏ bớt tính chất luyến láy của ngôn ngữ, bạn đã thấy được sự âm vang tự thân của một từ” [88], Phan Huyền Thư đã mở ra một vùng tâm thức với những sự yêu, ghét, đợi mong, cô đơn, “thất vọng tạm thời” về cuộc đời, con người, nhân loại. Thái độ giễu nhại những lai căng của xã hội được tạo nên bởi những cặp tương phản, nghịch lý, vênh kệch. Ở bài Tôi đi trên đường đầy bụi, thành phố của tôi, sự tương phản, kệch cỡm biểu hiện ở nhiều lớp, không chỉ ở bản thân đối tượng mà còn ở bối cảnh của đối tượng, ở hướng vận động của đối tượng:
Những cô nàng chân cong váy ngắn lóe xóe tiếng địa phương
những nàng nhâm nhi văn chương khen nhau cố hớp giọng thị thành … phố xá nườm nượp
người người chẳng hiểu mình sẽ về đâu … “tử vi” và “kết quả”
thành phố của tôi
mọi người sống và biết kết quả từng ngày
Giễu nhại cả sự sống là cuộc đi của loài người, Người người đi tương lai, nhưng cuộc đi ấy dường như lại dẫn con người tới vực thẳm:
Tôi nằm đây đợi loài người trở lại để
nói về
sự
đi
Có khi Phan Huyền Thư tạo nên cái tự trào từ hiệu ứng của sự chơi chữ, giũa chữ: “Về thôi - giao thừa thừa tôi”, “Giả say - rượu đào bất tận hưởng - lộc thơ - bất trùng xuân” (Nằm vạ tháng giêng). Những tự luận dựa trên sự loại trừ nghĩa của từ ngữ: “Nước không còn đóng băng thành sữa - Quê hương không là mẹ - Quê hương chỉ là hương” (Thực dụng hư vô). Hay giữa các từ đối lập đặt cạnh nhau: đôi bầu vú thông minh - không cứu nổi cặp đùi dài ngu ngốc (Mưa), những liên kết ngầm về ý tưởng:
Ràng buộc
bao giờ cũng vô hình. Đức hạnh bao giờ chẳng đói khát. Ham muốn có khi nào không bất lực
Vùng tuyệt mù
hiển nhiên chói chang (Liều)
Nhại âm hưởng tiếng chim “bắt cô trói cột”: …bắt cô trói cột …bắt nhau trói buộc bắt nhau cô độc …bắt mình bắt nhau… (Thực dụng hư vô)
Thái độ giễu nhại những giá trị mang tính truyền thống được thể hiện rất sắc từ việc phá đi kết cấu bền chặt sẵn có trong thành ngữ, ca dao: “Đồng bào của tôi - đồng bào dị mộng - lọt sàng lòng có xuống nia…Đồng sàng - (Mộng sẵn sang - sợ nia không sẵn)” (Di mộng), “Cá chép của em - bơi theo dấu anh sông biền biệt - vượt vũ môn không hóa rồng - hóa lộn chồng - lộn kiếp” (Hai mươi ba tháng Chạp). Hay từ việc phá đi logic luận lý đã có của xã hội: “xanh thì đỏ - tím thì vàng - váy ngắn thì chân phải cong” (Thị Mầu 97), đấy là một sư kệch cỡm, cũng có thể là sự phá bỏ hệ thẩm mỹ nhiều định kiến.
Cái giễu nhại, tự trào không khước từ cả sự sự lật tẩy, xóa bỏ chính mình, đấy là lời tuyên bố sắc lẹm muốn vùi chôn sự trống rỗng: “Tôi muốn tự mình - lồng ảnh vào khung - “Đóng vào không - tìm treo nơi trang trọng?” - Như đã qua đời” (Cáo phó), “Tôi nằm mơ một đám ma người chết là tôi - Tôi người đã chết” (Giấc mơ), “Thoát xác vọt lên trần nhà - nhìn thi thể co ro - góc giường than khóc” (Rỗng ngực).
Rỗng ngực không chỉ là biểu tượng của sự vô cảm, mất mát của con người đương thời, nó còn là thái độ giễu nhại chính trạng thái ấy trong bản thân tác giả.
Thái độ giễu nhại xã hội xuất hiện nhiều trong văn xuôi đương đại, xuất hiện ít hơn trong thơ, có ở nhiều tác giả nam hơn là tác giả nữ. Phải chăng đấy là một đặc điểm xuất phát từ giới ? Giễu nhại trong thơ nam giới thể hiện một cách chừng mực trong Trần Quang Quý, thể hiện một cách thẳng thừng trong Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán… Phan Huyền Thư là một giọng thơ giễu nhại sâu đằm hiếm hoi của thơ nữ Việt Nam đương đại. Còn có thể kể đến sự giễu nhại hài hước trong thơ Lê
Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Hoàng Bắc… Trong văn xuôi, sự giễu nhại thể hiện mạnh mẽ ở Phạm Thị Hoài, Lê Thị Huệ, thể hiện nhẹ nhàng ở Y Ban, thể hiện bốp chát và còn sống sượng ở Đỗ Hoàng Diệu… Không ngần ngại công khai bày tỏ sự giễu nhại xã hội, sự phản ứng trước những cái cũ, cái không hợp thời, không hợp lý, người nữ đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình, dù đấy mới chỉ là dấu hiệu bước đầu của cái Tôi công dân.