- phương thức thể hiện khát vọng giải phóng tính dục
2.2.3 Khát vọng sáng tạo
Nói một cách công bằng, sáng tạo không phải đặc tính của riêng giới nào nhưng nó gắn với tính nữ vì ý niệm về sự tạo sinh. Sự sinh nở của người đàn bà là một hành động tạo sinh có tính vật chất, thành quả ở đấy là con người. Viết cũng là một hành động tạo sinh, mang nghĩa tinh thần, thành quả ở đấy là tác phẩm nghệ thuật. Có
lẽ thần thoại phương Tây nhận ra sự hợp nhất ấy là thích đáng chăng, nên đã có sự phân chia rõ ràng về vai trò cai quản địa hạt nghệ thuật, âm nhạc giữa thần Apollon và các nữ thần Muses. Thần Apollon chỉ huy các nàng Muses còn chính các nàng mới đảm nhiệm vai trò phụ trách lĩnh vực khoa học và nghệ thuật của loài người. Nàng Calliope: sử thi, nàng Euterpe: thơ trữ tình, Nàng Erato: thơ tình dục, nàng Terpsichore: nghệ thuật ca múa, nàng Polhymnie lúc đầu cai quản thơ tán mỹ sau cai quản kịch câm, nàng Melpomene: bi kịch, nàng Thalie: hài kịch, nàng Clio: sử học, nàng Uranie: thiên văn học. Vì lẽ đó, những nhà thơ cổ đại coi nghệ thuật của mình là do các nàng Muses ban cho. Ngày nay, chúng ta thường gọi Muses là Thi thần hoặc nữ thần thơ ca. Trong văn học các nước châu Âu, Muses trở thành danh từ chung chỉ thi hứng, cảm hứng nghệ thuật, tài năng thơ ca nghệ thuật. Như vậy, sự phân chia công việc cụ thể cho các nữ thần Thi ca là ý hướng ban đầu của con người đồng nhất người nữ với sáng tạo nghệ thuật. Những quan điểm hiện đại cho rằng cấu tạo sinh lý (cơ thể mềm mại, dẻo dai), tâm lý (giàu tình cảm, nhạy cảm) của người nữ thích hợp với lĩnh vực này đã góp phần đẩy sáng tạo sang địa hạt như là thuộc tính của tính nữ.
Tuy nhiên, trên thực tế, từ lâu, sáng tạo không thuộc về phụ nữ. Những nhà thơ cổ đại đầu tiên trên thế giới là nam giới. Ở Việt Nam, mãi đến giữa thế kỷ XX trở đi, lực lượng sáng tác là nữ mới tăng dần. Sáng tạo của người phụ nữ đã bị tước đoạt, trên cả hai bình diện: khả năng và quyền năng. Về mặt xã hội – lịch sử, người phụ nữ bị coi là thấp kém về tri thức, không được học hành, do đó không có khả năng sáng tạo. Về mặt văn hóa, dẫu cho họ có sáng tạo thì họ vẫn bị tước đoạt quyền là mẹ đẻ tinh thần. Theo Sandra Gilbert, cây bút là ẩn dụ của dương vật và ngược lại (pen = pénis), giấy trắng là ẩn dụ của màng trinh, như vậy viết tương đương với một phương trình sáng tạo, nơi các cuộc viết là một hành động sinh học và gắn chặt với cơ thể, nhất là cơ thể đàn ông. Thừa nhận quyền sáng tạo thuộc về đàn ông với bộ ba cấu trúc người cha - tác phẩm - thẩm quyền nghiễm nhiên đã loại bỏ nữ giới ra khỏi cuộc viết, qui hẹp chức năng, quyền năng duy nhất của nữ giới là sinh đẻ. Vì thế, để giành lại quyền năng bị tước đoạt, một trật tự biểu tượng mới được các nhà nữ quyền tạo dựng, như: tử cung - nguồn sữa - cái nhau. Cuộc viết của nữ giới, do đó, là cách thức hạ bệ, thoát khỏi một trật tự được thiết lập từ trước, tạo lập lại vai trò sáng thế, viết để khẳng định bản thể - nữ của mình.
Với hầu hết các nhà thơ nam đương đại Việt Nam hiện nay, viết là để tìm cái mới, cái lạ. Trong Vỉa từ, Nguyễn Hữu Hồng Minh nêu nguyên cớ cuộc sáng tạo:
“Một hôm tôi nhận thấy cuộc sống mình, trang viết không còn điều kì lạ. Đó là sự kì lạ lớn nhất. Tôi không thể tồn tại nếu tôi không kì lạ. Từ đây, tôi sống và viết tất thảy chỉ để tìm điều kì lạ”, và một tuyên ngôn dứt khoát: “Viết là chết. Không viết là tử thương”. Tạo lập lại vai trò sáng thế của mình, trong hoạt động sinh nở tinh thần, cách nói của các nhà thơ nữ hiện nay về sự viết là: Không sáng tạo, không viết là vô sinh. Trong Giấc mơ của lưỡi (Phan Huyền Thư), vị thế “tạo lập lại” ấy được gây dựng từ bối cảnh cái chết của ngôn ngữ:
Tôi sâm sấp mặt vũng
ngôn ngữ đang chết trên cánh đồng gieo vần
Gốc rễ rên nỗi lưỡi hái cùn Tôi khóc sứ mệnh
mầm tuyên thệ hạt Vô sinh
Vì thế, đương nhiên, viết là sự phục sinh ngôn ngữ. Ngôn ngữ là giấc mơ của lưỡi, đấy là biểu tượng khát vọng viết:
Tôi nghe sấm phục sinh rền mặt đất …Và giấc mơ của lưỡi
bắt đầu mở nguyên âm
Với những người viết nữ trước đây, làm thơ dường như đơn giản là một công việc, một hành động, hay nói chính xác hơn, họ không lưu ý nhiều đến quá trình sáng tạo, đến sự sản sinh ý nghĩ của mình. Cách nói của họ nhẹ tênh: Hồ Xuân Hương chỉ mặt, vẫy tay: “Lại đây cho chị dạy làm thơ”, Xuân Quỳnh chống tay giả tưởng “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”… Vô tình, cái làm thơ ấy trở thành một việc như đã được giải nghĩa trong từ điển, hoặc như một khái niệm rõ ràng và hiển nhiên đến mức không có gì phải chú thêm nữa. Và chính vì thế, trong vô thức, họ tự xóa những đặc thù của quá trình tư duy thơ nữ. Nếu ví mỗi hoạt động sáng tạo giống như việc nuôi trồng một cái cây thì với họ, làm thơ là đậu hoa đậu trái, thơ là sự mô tả hoa trái, cội rễ và sự sinh sôi của nó không thuộc về thơ, không phải là thành phần của bài thơ,
không cấu tạo nên ngôn ngữ thơ. Các nhà thơ nữ đương đại đã làm một thao tác ngược lại, cội rễ và sự sinh sôi của cái cây thành tạo bài thơ, chính nó trở thành một đối tượng thơ, biểu thị khát vọng viết hay quá trình viết. Có khi lúc hoàn kết diễn trình nung nấu ngôn ngữ cũng là lúc khép lại bài thơ. Ám ảnh chữ nghĩa tự nó thoát thai thơ. Chú ý đến sự hoài thai thơ, ở người nữ, do ấn dấu phái tính, kéo gần việc làm thơ với việc sinh nở. Phan Huyền Thư và Vi Thùy Linh đều hiểu thấu hun đúc chữ nghĩa giống một cuộc hoài thai:
Những con chữ, ký hiệu của tôi
chen chúc trong đầu sần sùi da thịt và tắc nghẽn mạch máu .. chữ nghĩa
tôi cũng nhai nát trong miệng …tôi nhai như trầu
nước chảy đỏ như máu
(Ký hiệu – Phan Huyền Thư)
hay: “Ta đang dâng hiến cho thơ những năm tháng thanh xuân đẹp nhất dệt tầm gai thơ dệt sợi máu thành chữ” (Nào, hãy ngủ thêm – Vi Thùy Linh). Hoặc:
“Những đầu móng tay mang thai con chữ” (Chở thuê – Lynh Bacardi). (Vì thế, họ cầu thị một thái độ thưởng lãm đúng đắn từ độc giả: Xin đừng làm chữ của tôi đau! (Ký hiệu – Phan Huyền Thư).
Viết là một cuộc sinh nở: bắt đầu từ sự thụ tinh ý nghĩ, ở đây Phan Huyền Thư và Vi Thùy Linh có sự trùng nhau tuyệt lạ: “tình yêu vô sinh - nỗi buồn thụ tinh ý nghĩ” (Viết – Phan Huyền Thư) và “Nơi sự thất vọng sụt lở, lưu trú lớp lớp nỗi buồn - Em tự cấy vào em hy vọng - Những con chữ nảy hạt dưới da” (Mùa tình – Vi Thùy Linh). Đều là một cuộc thụ tinh để rồi nở sinh câu chữ, điều khác là Phan Huyền Thư lạnh ngắt ở nỗi buồn còn Vi Thùy Linh thì nồng gieo hy vọng. Ấn tượng xúc giác hiển hiện rõ rệt nỗi đau sinh nở. Trong thơ Linh, cuộc sinh nở những câu thơ luôn “ứa máu”: Tôi ứa máu những câu thơ cầu siêu (Sinh năm 1980), Những câu thơ dồn nhau không kịp ý nghĩ - Bật máu (Chân dung). Vì thế, như Thư thổ lộ, khát vọng viết như đợi chờ ngày trở dạ: Giấy - thèm nỗi đau ngòi bút (Một bài thơ). Với Lynh Bacardi, sự thoát thai đến một cách tự nhiên hơn, theo lời giới thiệu ví von cường điệu của tác giả: “Một sinh vật có nhiều răng, và móng vuốt. Khi thần kinh bị kích động thì thơ tiết ra
từ các lỗ chân lông” (Dự báo phi thời tiết), nhưng cũng không nằm ngoài lối tư duy đặc thù ấy.
Quan điểm viết như là sự sinh nở của các nhà thơ nữ, tự thân nó đã có tính khu biệt với quan điểm viết của nam giới. Với nam giới, viết có thể là một hành động tạo sinh, vì họ hoàn toàn có chức năng là cha đẻ, nhưng không thể có ý niệm sinh nở từ trong cách phái sáng tạo như thế. Vi Thùy Linh có lẽ là vô thức khi viết câu thơ như thế này: “Puskin đứng trước những điều có thể, chấm bút vào nước mắt viết những dòng tim” (Đôi mắt lửa Puskin). Vô thức, hay cũng có thể hiểu là ý thức đã nhuyễn đến mức chuyển thành vô thức, thành “một dòng chảy tự động” trong tư duy, Linh cho thấy hành động tạo sinh của nam giới không phải là hành động sinh nở của đàn bà. Đấy là một nỗ lực đáng ghi nhận của người viết nữ trên hành trình trở về cuộc sáng thế trong văn chương.
2.2.3.2 Bản viết - bản thể là đồng nhất
Thơ là tiếng nói của chủ thể trữ tình. Thơ trữ tình là tiếng lòng của chủ thể viết. Và với thơ trữ tình của các nhà thơ nữ thì bản viết, bản thể là đồng nhất. Quan niệm ấy càng được ý thức rõ ở các nhà thơ nữ đương đại. Với Phan Huyền Thư, “viết là nỗi sống buồn”:
Viết viết
viết đi, chữ không còn là chữ viết chỉ như ý nghĩ
lách qua khe cửa hẹp trong đầu vội vã ùa về với biển sâu
âm u lòng mẹ
Khao khát được ngủ yên như thế không phải ra đời
Viết
nỗi sống buồn của tôi (Viết)
Với Vi Thùy Linh cũng vậy, thơ và em là một, hòa trong nhau, “thơ là nỗi buồn trường cửu”:
Thơ là em - Em là thơ như tiền định
như tiên cảm
…Thơ là nỗi buồn trường cửu Thơ em mặn...
(Những câu thơ mang vị mặn)
Làm thơ để giải tỏa và giải phóng: “Tôi làm thơ để giải tỏa những mong đợi - Con người tôi nếu trừ thơ, không còn là tôi nữa” (Nhà thơ và những đối thoại). Làm thơ là cất lên tiếng nói của mình và “Theo ý muốn của tôi - Không kiềm chế” (Sinh năm 1980 – Vi Thùy Linh). Thơ không lửa của mình cũng chẳng khác gì thứ giọng của kẻ khác: “Chích chòe lửa ngửa cổ thơ - thơ không lửa - đốt giọng thành kẻ khác” (Không thường – Phan Huyền Thư). Với người nữ, thành thật, chân thực là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất trong thơ. Và như một đặc điểm thuộc về bản tính nữ, quan niệm ấy được duy trì khá thuần nhất ở các nhà thơ nữ thuộc nhiều thế hệ từ trước tới nay. Lâm Thị Mỹ Dạ khẳng định “yếu tố để có thơ hay… là phải sống thật với chính mình”, Phạm Thị Ngọc Liên coi viết “trước nhất là một nhu cầu để phơi trải, để bộc bạch, dù ở bất cứ vấn đề gì, thầm kín của trái tim” [52, tr.38 - 39]. Như thế có thể nói trong thơ ca, người nữ làm thơ ít mang mặt nạ (mask) hơn nam giới. Chế Lan Viên thừa nhận “Anh là tháp Bay-on bốn mặt – Giấu đi ba, còn lại đó là anh” (Tháp Bay- on bốn mặt). Trần Quang Quý thẳng thắn nói về cái siêu thị mặt của xã hội và những lớp mặt của mình: “Lúc rảnh rỗi tôi lại ngồi nghịch mặt – tách làm hai làm ba hay tráo ghép những cái nhìn góc cạnh” (Siêu thị mặt).
Viết đối với người nữ không chỉ là khát vọng, viết còn là một cách sống. Trước đây, cái viết của các nhà thơ nữ đơn giản hơn, hồn nhiên hơn, chủ yếu là viết cho mình, về thế giới nội tâm, để trải bày tâm sự. Nay, quan điểm viết của nhà thơ nữ đương đại mang cái nhìn nhập cuộc, viết đã tham gia vào việc rèn rũa nhân cách và viết với tham vọng, ước vọng ngàn đời của văn chương là để cải hóa xã hội. Vi Thùy Linh phát biểu: nghệ sĩ là người “không thể lơ đãng trước những lai căng cùn mòn những tệ nạn nhiều nhương những ăn cắp từ bằng cấp văn chương nhạc họa đến ăn
cắp đời người”, “không thể đứng yên khi lũ trẻ say sưa vũ khí đồ chơi…” với “Phẩm tính dám chết vì cái đẹp” (Nghệ sĩ). Cái Tôi của nữ nghệ sĩ nhạy cảm trước nhiều vấn đề của xã hội, họ có hệ thẩm mỹ riêng và trong chừng mực nào đó, họ có quan niệm riêng trong giải pháp để cuộc sống hạnh phúc, hòa bình. Đấy chính là những dấu hiệu của một cái Tôi công dân – nữ sẽ được nói đến ở phần sau. Nhìn chung, người nữ làm thơ với, giữ khát vọng tràn trề - trong sáng - yêu tin về cuộc sáng thế tươi đẹp:
Nếu cả loài người đều yêu nghệ thuật và thơ hay, sẽ không còn cái ác … Thi sĩ là hoàng đế siêu năng của cuộc đời không bao giờ thiếu được! Thơ đi!
…Em phủ thơ khắp thế giới của mình!
(Hãy phủ thơ khắp thế giới của em! – Vi Thùy Linh)