- phương thức thể hiện khát vọng giải phóng tính dục
3.1.4 Sự phá vỡ mẫu gốc trong một số biểu tượng về tình ái
Nếu như Cha đạo là biểu tượng của lòng kính Chúa và quên đi thân xác nặng nề của mình thì người đàn bà trong thơ Vi Thùy Linh lại ví Anh như Cha đạo. Ở đây
dường như có sự lặp lại motive Mecghi và cha Ran. Tình yêu với một vị Cha là tuyệt đỉnh của khát vọng tháo dỡ mọi ràng buộc về thể xác lẫn tâm hồn:
Em cần anh
như con chiên cần Cha đạo …Khi mũ, áo của Cha rơi xuống
Em ôm chặt anh, không phải bằng sức lực con chiên Bỏ nhà thờ và kinh và những lời cầu nguyện
Anh thuộc về em
trên thân thể em, cánh tay anh thập tự… (Thánh ca)
Thập tự trở thành biểu tượng của cánh tay tình yêu: “Cánh tay anh là thánh giá ôm em”, “Trên thân thể em cánh tay anh thập tự”, “Chúng mình thập tự bên nhau”…
Sự vượt thoát này cũng tương tự như sự bất tuân thủ quy luật của mối tình Ngưu lang Chức nữ: “Không phải Ngưu lang Chức nữ, chúng mình bỏ mặc cầu Ô Thước, đốt những cơn nhớ thành cầu vồng đến với nhau và khát”, tình yêu của Anh sẽ sáng tạo ra em mà không cần đến phép màu của Chúa: “Không cần Chúa trời, anh sáng tạo em bằng sức mạnh phồn sinh - Em thấy mình thực sự là phụ nữ khi có anh – điều tất yếu và linh thánh” (đôi mắt anh).
Biểu tượng cây nữ tu, cây bồ đề cũng có ý nghĩa như vậy:
Như người đàn bà đợi Vươn tay
chới với gọi Lá hừng hực đỏ
Cây mọc trước nhà em – tu viện Cây – nữ - tu…
(Nữ tu)
Ngồi dưới bóng cây, tán cây như chiếc mũ rộng vành Câu tụng niệm đứt quãng – hổn hển lời tình
Tiếng mõ – tiếng nấc
…Hôn nhau tràn tràn
Ta tu suốt đời dưới cây Bồ đề - Anh Chúng mình siêu thoát”
(Dưới cây bồ đề)
Cây nữ tu không tu mà vẫn nung đốt trong mình ngọn lửa ham mê, ngồi dưới cây bồ đề không phải để tu, phá giới, theo nghĩa thông thường mà để tu trong tình yêu và siêu thoát. Trong thơ Linh, tình yêu là sự hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác, và điều này sẽ giúp được siêu thoát: Khi anh yêu em - Thể xác và linh hồn chúng ta được hợp nhất và siêu thoát (Cất cánh).
Sự chờ đợi của người đàn bà trong tình yêu được biểu tượng hóa bằng nàng Tô Thị, bằng bến, bằng sóng, biển. Có thể nói, sau Xuân Quỳnh, Vi Thùy Linh đã xác lập được một biểu tượng mới có khả năng biểu đạt như những biểu tượng cũ và mãnh liệt hơn. Dệt tầm gai, trong Bầy chim thiên nga (H.C.Andersen) là biểu tượng của tình anh em, trong thơ Linh, nó chuyển thành biểu tượng của sự chờ đợi, thủy chung trong tình yêu: “Em lặng lẽ dệt hạnh phúc từ nỗi buồn – những sợi tầm gai - không ai nhìn thấy – Gai tầm gai đâm em đau đớn… Dệt tầm gai đến bao giờ?” (Người dệt tầm gai).
Như vậy, qua những biểu tượng trong thơ nữ đương đại, chúng ta thấy chúng có mối liên hệ với nhau vì cùng một mạch phôi sinh (mother lode) là Tiềm thể Mẹ. Đấy là một sự lựa chọn thuộc về phái tính.