R. Lakoff và G.N. Leech là hai tác giả xem lịch sự là những quy tắc đối với quan hệ liên cá nhân. Đó là nguyên tắc cộng tác và các phương châm hội thoại theo cách diễn đạt của Grice.
* R. Lakoff nêu lên ba loại quy tắc lịch sự:
+ Quy tắc không áp đặt hay quy tắc lịch sự quy thức (formal politeness rule). Đó là quy tắc thích hợp với những ngữ cảnh mà trong đó giữa những người tham gia tương tác có những khác biệt được nhận biết về quyền lực và cương vị. Người nói theo quy tắc này sẽ tránh, làm dịu bớt, hoặc xin lỗi, xin phép khi buộc người đối thoại phải làm điều mà họ không muốn làm.
Đặc biệt quy tắc này buộc chúng ta tránh những lời nói tục tằn, thô lỗ, tiếng lóng, thổ ngữ, thậm chí tránh những ngôn ngữ cảm xúc và những đề tài có tính kiêng kị, vì chúng mang tính riêng tư, tế nhị. Trong văn hoá Anh ngữ, để tránh làm mất thể diện cá nhân, người ta sử dụng các từ chỉ chức vụ như: Thưa ông (Mr), thưa tiến sĩ (Dr),…
+ Quy tắc dành cho người đối thoại sự lựa chọn: quy tắc này mang tính phi quy thức hơn. Đó là quy tắc thích hợp với những ngữ cảnh mà trong đó người tham gia có quyền lực, cương vị gần tương đương với nhau nhưng không gần gũi về quan hệ xã hội. Dành cho người đối thoại sự lựa chọn có nghĩa là bày tỏ ý kiến, thỉnh cầu sao cho ý kiến hay lời thỉnh cầu của mình không bị phản bác hay từ chối.
29
+ Quy tắc về phép lịch sự thân tình hay bạn bè: Đó là quy tắc khuyến khích tình cảm bạn bè. Quy tắc này thích hợp với những bạn bè gần gũi hay thực sự thân mật với nhau. Trong phép lịch sự thân tình, hầu như tất cả các đề tài đều có thể đem ra để trò chuyện, có nghĩa là trong quy tắc này người ta không phải “uốn lưỡi” và không cần gì phải giấu giếm nhau.
* G.N. Leech xây dựng các quy tắc về lịch sự gắn với khái niệm tổn thất (cost) và lợi ích (benefit) gồm một siêu nguyên tắc và các phương châm.
Theo siêu nguyên tắc và các phương châm của ông thì hãy giảm thiểu biểu hiện của những niềm tin không lịch sự; tăng tối đa biểu hiện của niềm tin lịch sự trong các bối cảnh giao tiếp. Siêu nguyên tắc bao gồm sáu phương châm lịch sự [10, tr. 586]:
+ Phương châm khéo léo: Giảm thiểu tổn thất, tăng tối đa lợi ích cho người nghe.
+ Phương châm rộng rãi: Giảm thiểu lợi ích cho ta, tăng tối đa tổn thất cho ta trong những phát ngôn cầu khiến hay cam kết.
+ Phương châm tán thưởng: Giảm thiểu sự chê bai đối với người và tăng tối đa sự khen ngợi.
+ Phương châm khiêm tốn: Giảm thiểu khen ngợi mình và tăng tối đa sự chê bai.
+ Phương châm tán đồng: Giảm thiểu sự bất đồng giữa ta và người. Tăng tối đa sự đồng ý giữa hai người.
+ Phương châm thiện cảm: Giảm thiểu ác cảm, tăng tối đa thiện cảm giữa ta và người.
Những phương châm này có tính chuyên dụng đối với những HVƠL nhất định. Phương châm khéo léo và phương châm rộng rãi chuyên dụng trong những phát ngôn cầu khiến hay cam kết.
30