toàn diện hệ thống tài chính:
Hình thức giám sát tài chính này của chính phủ nước ta biểu hiện rõ ở giai đoạn kinh tế Việt Nam thời bao cấp. Thời bao cấp là tên gọi được sử dụng tại Việt Nam để chỉ một giai đoạn mà hầu hết sinh hoạt kinh tế diễn ra dưới nền kinh tế kế hoạch hóa, một đặc điểm của nền kinh tế theo chủ nghĩa cộng sản. Hàng hóa được nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu, hàng hóa không được mua bán tự do trên thị trường, không được phép vận chuyển tự do hàng hoá từ địa phương này sang địa phương khác. Phân phối hàng hóa, hạn chế trao đổi bằng tiền mặt. Chế độ hộ khẩu được thiết lập trong thời kỳ này để phân phối lương thực, thực phẩm theo đầu người. Lương đôi khi cũng được trả bằng hiện vật.
Mặc dù chế độ bao cấp đã tồn tại ở miền Bắc từ trước năm 1975, song thời kỳ bao cấp thường được dùng để chỉ sinh hoạt kinh tế cả nước Việt Nam ở giai đoạn từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1986, tức là trước thời kỳ Đổi mới. Đây được coi như một giai đoạn thất bại và tù đọng nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ 20.
1.1.20.1. Phương pháp quản lý chung của Chính phủ:
Trước đổi mới, cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta là cơ chế kế hoạch hóa tập trung với những đặc điểm chủ yếu sau và hệ thống tài chính cũng chịu sự giám sát theo cách thức tương tự:
Thứ nhất, nhà nước quản lý nền kinh tế chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính dựa trên hệ thống chi tiêu pháp lệnh chi tiết từ trên xuống dưới. Các doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ tiêu pháp lệnh được giao. Tất cả phương hướng sản xuất, nguồn vật tư, tiền vốn, định giá sản phẩm, tổ chức bộ máy, nhân sự, tiền lương… đều do các cấp có thẩm quyền quyết định. Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch, cấp phát vốn, vật tư cho doanh nghiệp, doanh nghiệp giao nộp sản phẩm cho Nhà nước. Lỗ thì Nhà nước bù, lãi thì Nhà nước thu.
Thứ hai, các cơ quan hành chính can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng lại không chịu trách nhiệm gì về vật chất đối với các quyết định của mình. Những thiệt hại vật chất do các quyết định không đúng gây ra thì ngân sách Nhà nước phải gánh chịu.
Hậu quả do hai điểm nói trên mang lại là cơ quan quản lý nhà nước làm thay chức năng quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Còn các doanh nghiệp vừa bị trói buộc, vì không có quyền tự chủ, vừa ỷ lại vào cấp trên, vì không bị ràng buộc trách nhiệm đối với kết quả sản xuất.
Thứ ba, quan hệ hàng hóa – tiền tệ bị coi nhẹ, chỉ là hình thức, quan hệ hiện vật là chủ yếu. Nhà nước quản lý kinh tế thông qua chế độ “cấp phát – giao nộp”. Hạch toán kinh tế chỉ là hình thức.
Thứ tư, bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều cấp trung gian vừa kém năng động vừa sinh ra đội ngũ quản lý kém năng lực, phong cách cửa quyền, quan liêu.
1.1.20.2. Chế độ bao cấp được thực hiện dưới các hình thức chủ yếu sau: Bao cấp qua giá: Nhà nước quyết định giá trị tài sản, thiết bị, vật tư, hàng hóa thấp hơn giá trị thực của chúng nhiều lần so với giá trị thị trường. Với giá thấp như vậy, coi như một phần những thứ đó được cho không. Do đó, hạch toán kinh tế chỉ là hình thức.
Bao cấp qua chế độ tem phiếu (tiền lương hiện vật): Nhà nước quy định chế độ phân phối vật phẩm tiêu dùng cho cán bộ, công nhân viên, công nhân theo định mức qua hình thức tem phiếu. Chế độ tem phiếu với mức giá khác xa so với giá thị trường đã biến chế độ tiền lương thành lương hiện vật, thủ tiêu động lực kích thích người lao động và phá vỡ nguyên tắc phân phối theo lao động.
Bao cấp qua chế độ cấp phát vốn của ngân sách: nhưng không có chế tài ràng buộc trách nhiệm vật chất đối với các đơn vị được cấp vốn. Điều đó vừa làm tăng gánh nặng đối với ngân sách vừa làm cho sử dụng vốn kém hiệu quả, nảy sinh cơ chế “xin cho”.
Trong thời kỳ kinh tế còn tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng thì cơ chế này có tác dụng nhất định, nó cho phép tập trung tối đa các nguồn lực kinh tế vào mục đích chủ
yếu trong từng giai đoạn và điều kiện cụ thể, đặc biệt trong quá trình công nghiệp hóa theo xu hướng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Nhưng nó lại thủ tiêu cạnh tranh, kìm hãm tiến bộ khoa học – công nghệ, triệt tiêu động lực kinh tế đối với người lao động, không kích thích tính năng động, sáng tạo của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Khi nền kinh tế thế giới chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu dựa trên cơ sở áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại thì cơ chế quản lý này càng bộc lộ những khiếm khuyết của nó, làm cho kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, trong đó có nước ta, lâm vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng.
Trước đổi mới, do chưa thừa nhận sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường, chúng ta xem kế hoạch hóa là đặc trưng quan trọng nhất của kinh tế xã hội chủ nghĩa, phân bổ mọi nguồn lực theo kế hoạch là chủ yếu; coi thị trường chỉ là một công cụ thứ yếu bổ sung cho kế hoạch. Không thừa nhận trên thực tế sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ, lấy kinh tế quốc doanh và tập thể là chủ yếu, muốn nhanh chóng xóa sở hữu tư nhân và kinh tế cá thể tư nhân; xây dựng nền kinh tế khép kín. Nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng.
1.1.20.3. Điều tiết và giám sát hệ thống tài chính thời kỳ bao cấp:
Hệ thống tài chính Việt Nam giai đoạn 1976-1986 chỉ có hệ thống ngân hàng đóng vai trò chủ đạo, do từ khi trở thành một nước phong kiến nửa thuộc địa của Pháp năm 1858, các thương gia Pháp đã mở rộng nhiều hoạt động kinh tế đa dạng, đòi hỏi sự hỗ trợ của các ngân hàng. Từ thời điểm đó đến nay, hệ thống ngân hàng đã được thiết lập ở nước ta và có nhiều thay đổi trong cơ cấu tổ chức cũng như vai trò hoạt động chủ yếu, dưới sự điều tiết và giám sát độc quyền của Chính phủ.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam thống nhất lãnh thổ và tiếp sau đó là thống nhất về chế độ chính trị, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ở miền Nam được quốc hữu hóa và sáp nhập vào hệ thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế quốc gia vẫn còn bị chia cắt trên một số lĩnh vực. Một trong số đó là việc tồn tại đồng thời 2 đơn vị tiền tệ: Đồng (tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa)và Đồng (tiền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam). Việc chấp nhận 2 đơn vị tiền tệ cùng tồn tại thời gian đầu được Đảng Cộng sản Việt Nam giải thích là "tuy là một nước thống nhất,
nhưng do còn có sự khác biệt về phương thức sản xuất và phân phối, chúng ta phải tạm thời cho lưu hành hai đồng tiền khác nhau ở hai miền." Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn xem điều này là "trở ngại trong giao lưu kinh tế và thanh toán giữa hai miền". Mặt khác, quốc hiệu của Việt Nam đã được đổi thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không dùng quốc hiệu cũ vẫn ghi trên các đơn vị tiền tệ đang lưu thông. Do đó, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chủ trương thống nhất tiền tệ.
Ngày 01 tháng 4 năm 1978, Bộ Chính trị ra nghị quyết số 08-NQ/TW về việc phát hành tiền ngân hàng mới, thu hồi tiền ngân hàng cũ ở hai miền, thống nhất tiền tệ trong cả nước. Việc thống nhất tiền tệ này vừa bao gồm mục đích tạo thuận lợi cho trao đổi và thanh toán, vừa bao gồm mục đích kiểm soát lượng tiền trong lưu thông, lại vừa bao gồm mục đích cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Ngày 05 tháng 5 năm 1978, công việc đổi tiền được tiến hành trên toàn quốc. 1 đồng (tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) đổi bằng 1 đồng mới, 0,80 đồng (tiền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) đổi bằng 1 đồng mới.
Mặc dù có nhiều chính sách hiệu quả cho việc lưu thông tiền tê nhưng cho đến cuối những năm 80, hệ thống ngân hàng về cơ bản vẫn hoạt động như là một công cụ ngân sách, chưa thực hiện các hoạt động kinh doanh tiền tệ theo nguyên tắc thị trường. Nguyên nhân kiềm hãm chủ yếu của sự phát triển này là sự giám sát chặt chẽ và độc quyền của Chính phủ lúc bấy giờ.
Như đã nói ở phần trên, trong thời kỳ bao cấp, chính sách cấp phát vốn không kiểm soát, cứ “xin” thì lại “cho” làm cho các doanh nghiệp (lúc đó phần lớn là các doanh nghiệp quốc doanh) xuất hiện tâm lý ỷ lại, không có trách nhiệm với nhiệm vụ kinh tế được giao phó. Điều đó còn góp phần làm cho hệ thống ngân hàng bị “quên lãng” trong nền kinh tế vì không có tổ chức nào thiếu vốn phải tìm đến các định chế tài chính này, làm chậm lại đáng kể tốc độ chu chuyển vốn của quốc gia. Mặc khác trong giai đoạn này, công tác tuyên truyền về công dụng và tiện ích của các sản phẩm huy động ngân hàng chưa được đẩy mạnh đúng mức làm nguồn vốn đầu vào của các ngân hàng cũng gặp phải vấn đề rất lớn, khiến hệ thống tài chính ngày càng suy yếu.
Trong lĩnh vực bảo hiểm, ở Miền Bắc, ngày 15/01/1965 Công ty Bảo hiểm Việt Nam (gọi tắt là Bảo Việt) mới chính thức đi vào hoạt động. Trong những năm đầu, Bảo Việt chỉ tiến hành các nghiệp vụ về hàng hải như bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm tàu viễn dương…. Kể từ thời điểm đó và sau khi đất nước được thống nhất, ở Việt Nam chỉ có một mình Bảo Việt hoạt động cho đến năm 1998. Chính điều này đã làm giảm đi lượng vốn luân chuyển trong nền kinh tế (vì các công ty bảo hiểm cung tham gia đầu tư vào thị trường vì mục đích lợi nhuận trên tổng phí bảo hiểm nhận được), đồng thời chức năng phân tán rủi ro, cung cấp thông tin của hệ thống tài chính cũng bị hạn chế một cách nghiêm trọng. Và hệ quả tất yếu là nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam giai đoạn này đã ở mức rất thấp, không thể tiếp sức giúp nền kinh tế vực dậy sau những năm chiến tranh.
Số liệu thống kê và hậu quả:
Tăng trưởng kinh tế thấp, có những năm còn bị “tăng trưởng âm”. Bình quân thời kỳ 1977-1980, GDP chỉ tăng 0,4%/năm (trong đó năm 1979 giảm 2%, năm 1980 giảm 1,4%) - thấp xa so với tốc độ tăng 2,31%/năm- làm cho GDP bình quân đầu người bị sụt giảm (giảm 1,87%/năm).
Lạm phát phi mã và kéo dài. Lạm phát ngầm đã diễn ra từ cuối những năm 70, đầu những năm 80 khi chênh lệch giữa giá trong và ngoài ngày một lớn. Tính phi thị trường càng rõ khi phân phối thì bao cấp hiện vật, ngân hàng thì không theo nguyên tắc lấy vay để cho vay, ngân sách thì không theo nguyên tắc lấy thu để chi, nên để bù đắp bội chi tiền mặt, bội chi ngân sách đã phải in tiền; lại gặp sai lầm khi cải cách “giá-lương-tiền” năm 1985, đã làm cho siêu lạm phát xuất hiện, lên tới 774,7% năm 1986 và kéo dài với mức 3, rồi 2 chữ số cho đến đầu thập kỷ 90.
Cán cân thanh toán bị mất cân đối nghiêm trọng, khi sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 80-90% sử dụng trong nước, chẳng những không có tích lũy trong nước mà còn không đủ tiêu dùng - tức là toàn bộ quá trình tích lũy và một phần quỹ tiêu dùng phải dựa vào viện trợ và vay nợ nước ngoài.
Thất nghiệp cao, tỷ lệ lên đến 12,7% tổng số lao động. Do quy mô sản xuất thấp và giảm, dân số tăng nhanh, nên GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối
đoái chỉ có 86 USD, nằm trong vài ba chục nước có GDP bình quân đầu người thấp nhất thế giới.
1.1.20.4. Nhận xét ưu, nhược điểm của sự giám sát hệ thống tài chính thời bao cấp:
• Ưu điểm:
Nhà nước quản lý tài chính dựa trên hệ thống quan điểm chi tiêu pháp lệnh từ trên xuống => Nhà nước nắm bắt điều tiết quá trình hoạt động của các Ngân hàng.
• Nhược điểm:
Quan hệ hàng hóa, tiền tệ chỉ là hình thức, quan hệ hiện vật là chủ yếu => không phát huy hết vai trò chủ đạo của hệ thống tài chính.
Bộ máy quản lý cồng kềnh nhiều cấp trung gian kém năng động sinh ra đội ngũ kém năng lực, phong cách cửa quyền quan liêu nhưng lại được hưởng quyền lợi cao hơn người lao động.
Thủ tiêu cạnh tranh, kìm hãm tiến bộ khoa học - công nghệ , triệt tiêu động lực phát triển của hệ thống tài chính.
Tình hình sản xuất nước ta thời kỳ bao cấp là hết sức khó khăn, cộng với những sai lầm trong lưu thông phân phối, thị trường tài chính, tiền tệ không ổn định nên lạm phát diễn ra nghiêm trọng. Đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Đáng chú ý là khi nền kinh tế thế giới chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu dựa trên cơ sở áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại thì cơ chế quản lý này càng bộc lộ những khiếm khuyết của nó, làm cho kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, trong đó có nước ta, lâm vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng.
Dưới áp lực của tình thế khách quan, nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, chúng ta đã có những bước cải tiến về nền kinh tế theo hướng thị trường, làm tiền đề cho việc hình thành và phát triển một hệ thống ngân hàng Việt Nam một cách căn bản và toàn diện hơn.