Vai trò của chính phủ trong hệ thống tài chính:

Một phần của tài liệu Tiểu luận Lý thuyết tài chính tiền tệ chủ đề GIÁM SÁT VÀ ĐIỀU TIẾT HỆ THỐNG TÀI CHÍNH (Trang 67)

Vài thập kỷ trước đây, nhiều người cho rằng chính phủ nên thay thế thị trường; sau đó, người ta lại cho rằng chính phủ nên để thị trường tự giải quyết. Ngày nay, đã rõ ràng là chính phủ nên hoạt động song hành cùng lực lượng thị trường trong hệ thống tài chính. Cơ chế kinh tế thị trường với những ưu thế vượt trội đã thắng thế các cơ chế vận

hành khác như cơ chế kinh tế tự nhiên, cơ chế bao cấp. Kinh tế thị trường phát triển khi các thị trường bộ phận được hình thành, phát triển đầy đủ và đồng bộ. Cùng với đó, sự điều tiết của Nhà nước trên các thị trường bộ phận là cần thiết, nhằm giúp thị trường đạt được sự phát triển ổn định và hiệu quả, từ đó tạo nên sự tăng trưởng phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Thị trường tài chính được xem là một thị trường bậc cao, một thị trường đặc biệt. Điều tiết của Chính phủ đối với thị trường này; vì thế, cũng phải phù hợp với những đặc điểm, đặc thù của thị trường. Có như vậy, thị trường mới có thể phát triển bền vững.

Thị trường tài chính thực hiện chức năng lưu chuyển dòng vốn trong nền kinh tế, thông qua hoạt động mua bán các chứng khoán của các nhà đầu tư. Sự phát minh ra những công cụ tài chính mới, như là những hàng hóa được mua bán trên thị trường, cần được đánh giá là những hoạt động sáng tạo và chỉ có thể có được trong một thị trường tài chính được tự do phát triển. Chính điều này tạo nên tính hấp dẫn mạnh mẽ của thị trường đối với nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Là thị trường của niềm tin, thị trường tài chính có khả năng phát triển mạnh mẽ khi yếu tố niềm tin được phát huy cao độ.

Sự tham gia ngày càng lớn của các nhà đầu tư, cùng với sự xuất hiện ngày càng đa dạng các công cụ tài chính mới trên thị trường; một mặt đánh dấu sự phát triển của thị trường; mặt khác, nó tiềm ẩn rủi ro có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng khi sự phát triển của thị trường đã đi quá giới hạn. Cái giới hạn vượt quá đó chính là trạng thái thị trường vượt khỏi tầm kiểm soát của Chính phủ. Các nhà đầu tư tham gia thị trường vì mục tiêu lợi nhuận. Chạy theo mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận tối đa, các nhà đầu tư có thể đẩy thị trường đến bờ phá sản. Chính vì vậy, đối với thị trường tài chính, vai trò của Chính phủ không chỉ là thúc đẩy thị trường phát triển mạnh, mà còn cần phải kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của nhà đầu tư để tiết chế lòng tham của họ một cách kịp thời. Kiểm soát lòng tham của nhà đầu tư lại phải bắt đầu từ kiểm soát sự xuất hiện của các công cụ tài chính mới, sự biến đổi của các hình thức đầu tư, sự biến hóa trong hoạt động của các ngân hàng thương mại trên con đường tìm kiếm lợi nhuận cho mình…

Điều tiết thị trường hoàn toàn không loại trừ vấn đề Chính phủ phải tôn trọng cơ chế hoạt động của thị trường. “Bàn tay vô hình” theo luận thuyết của Adam Smith chỉ có

thể dẫn dắt thị trường hướng tới hiệu quả khi vấn đề thông tin bất đối xứng được xử lý tốt nhất. Nhưng thị trường tài chính, một mặt luôn là thị trường thông tin không đầy đủ, mặt khác, không khuyến khích tư nhân tham gia giải quyết vấn đề thông tin, do những trở ngại về khả năng đạt được lợi nhuận độc quyền. Chính vì thế, vai trò của Chính phủ là cực kỳ quan trọng. Thực tế này cho thấy, trong kinh tế thị trường, sự điều tiết của Chính phủ không chỉ cần thiết ở những lĩnh vực tư nhân chối bỏ, mà ở cả những lĩnh vực quá hấp dẫn với các nhà đầu tư tư nhân như thị trường tài chính. Thiếu vắng sự điều tiết kịp thời, mạnh tay của Chính phủ, “bàn tay vô hình” sẽ dẫn dắt thị trường tự do đến trạng thái hỗn loạn. Khủng hoảng tài chính chính là trạng thái thị trường tự do đã trở thành thị trường hỗn loạn. Các cuộc khủng hoảng tài chính trong lịch sử và đặc biệt khủng hoảng tài chính của Mỹ hiện nay là minh chứng sinh động cho điều đó. Do đó, chính phủ có vai trò trung tâm trong xây dựng hạ tầng (khung khổ pháp lý và môi trường thông tin) lành mạnh và vững chắc. Việc cải thiện khung pháp lý và cơ sở thông tin sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho sự phát triển tài chính. Khung pháp lý rõ ràng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp đem lại hiệu quả lớn hơn là sự ưu đãi đặc biệt một vài doanh nghiệp nhà nước nào đó. Hơn nữa, khu vực tư nhân cũng có vai trò rất lớn trong giám sát hoạt động ngân hàng, do vậy chính phủ một mặt tìm hiểu sự hoạt động của thị trường để xây dựng khung pháp lý tốt hơn, mặt khác cần khuyến khích chứ không hạn chế sự giám sát của thị trường đối với các ngân hàng.

Dòng vận động của vốn, kết quả của sự hoạt động và phát triển của thị trường tài chính, luôn có tính bất ổn bởi các quyết định của nhà đầu tư trên thị trường là dựa vào niềm tin, sự kỳ vọng và mang đậm tính bầy đàn. Đây chính là điểm yếu của thị trường tài chính. Phạm vi lôi cuốn dòng vận động của vốn càng rộng, tính bất ổn càng cao. Chính vì thế, nguy cơ sụp đổ thị trường tài chính rình rập ngay cả trong điều kiện Chính phủ luôn có những chính sách phù hợp. Do vậy, sự giám sát thường xuyên, sự điều tiết kịp thời và mạnh tay của Chính phủ luôn là những bài thuốc cần thiết, nhằm ngăn ngừa và cứu chữa thị trường tài chính khi nó lâm bệnh. Chính phủ và thị trường là hai thực thể gắn bó trong kinh tế thị trường. Thị trường tự do cũng có khả năng tự điều chỉnh rất cao. Sau những đổ vỡ thất bại sẽ là một trật tự thị trường mới hiệu quả hơn, hợp lý hơn. Cũng vì thế, những

dư chấn trong lịch sử phát triển thị trường tài chính thế giới luôn được nhìn nhận trên cả khía cạnh tích cực, khi coi đó là những cơ hội để mỗi quốc gia thực hiện cải cách kinh tế một cách toàn diện. Tuy nhiên, những tổn thất mà các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây và khủng hoảng tài chính Mỹ hiện nay gây ra là quá lớn. Sức công phá của nó tới nền kinh tế một quốc gia và kinh tế toàn cầu là không thể lường hết được. Chính vì vậy, các biện pháp, chính sách can thiệp của Chính phủ là cần thiết không chỉ nhằm tạo môi trường nói chung để các quy luật kinh tế khách quan phát huy tác dụng, mà còn giúp ngăn ngừa những dư chấn có thể xảy ra trên thị trường tài chính.

Một phần của tài liệu Tiểu luận Lý thuyết tài chính tiền tệ chủ đề GIÁM SÁT VÀ ĐIỀU TIẾT HỆ THỐNG TÀI CHÍNH (Trang 67)