1.1.14.1. Khái niệm:
Rửa tiền là toàn bộ các hoạt động được tiến hành một cách cố ý nhằm hợp pháp hóa tiền và tài sản có nguồn gốc từ tội phạm. Nguồn tiền bẩn này có thể phát sinh từ nhiều hoạt động phi pháp, cụ thể như:
• Từ buôn lậu ma túy, vũ khí, mại dâm và các loại hàng hoá bị cấm mua bán như rượu, thuốc lá,.v.v.
• Từ tiền tham nhũng, nhận hối lộ của các nhà lãnh đạo quốc gia, các quan chức địa phương;
• Tiền có do tham nhũng, nhận hối lộ, tham ô của các viên chức nhà nước hoặc do lợi dụng chức vụ, địa vi trong bộ máy nhà nước mà có như lợi dụng việc biết trước các thông tin về chủ trương, chính sách, qui hoạch … để trục lợi;
• Tiền có được do mua bán nội gián trên thị trường chứng khoán, mua bán lòng vòng;
• Tiền của các tổ chức tội phạm có được do làm tiền giả, tống tiền, tổ chức đánh bạc;
• …
Nói chung nguồn gốc của tiền bẩn rất đa dạng, tuy nhiên chúng cùng có chung một đặc điểm là các hoạt động phạm pháp: buôn lậu, tham ô, lừa đảo... Hoạt động rửa tiền, bề ngoài có vẻ như vô hại nhưng kì thực là loại hoạt động có tổ chức và vô cùng
nguy hiểm. Rửa tiền vừa là công cụ vừa là động lực của các tổ chức tội phạm. Khi tiền bẩn được đem rửa thì có nghĩa là trước đó đã xảy ra các hoạt động phạm pháp. Tiền có rửa được thì các băng nhóm tội phạm mới tồn tại được và càng lao vào phạm tội để kiếm tiền bất hợp pháp. Rửa tiền là khâu cuối cùng và quan trọng nhất trong những hoạt động phạm pháp nhằm đem lại những tài khoản kếch xù.
Quy trình cơ bản của hoạt động rửa tiền:
Các thủ đoạn tẩy rửa tiền bẩn ngày càng đa dạng, tinh vi và có tổ chức hơn nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Về lý thuyết, việc tẩy rửa tiền có thể rất phức tạp, thông qua nhiều bước khác nhau với nhiều giao dịch và chủ thể khác nhau đồng thời liên quan đến nhiều tổ chức tài chính và các công ty … để làm mất đi nguồn gốc tội phạm của tiền, tài sản của các cá nhân, tổ chức do phạm tội mà có. Thông thường, tiền được tẩy rửa qua 3 bước như sau:
• Giai đoạn sắp xếp - Placement: Tuồn tiền bẩn vào hệ thống kinh tế tài chính. Giai đoạn này là giai đoạn dễ phát hiện nhất trong quy trình rửa tiền.
• Giai đoạn phân tán - Layer: Sắp xếp tạo vỏ bọc cho các khoản tiền. Tiền được chuyển từ tổ chức tài chính này sang tổ chức tài chính khác để che giấu nguồn gốc và chủ sở hữu bằng cách tạo ra chuỗi giao dịch.
• Giai đoạn quy tụ - Integration: Hội nhập tiền đã rửa vào hệ thống kinh tế tài chính. Tiền bẩn sau khi đã thực hiện xong các công đoạn tẩy rửa tinh vi sẽ chính thức được gia nhập hợp pháp vào nền kinh tế và có thể sử dụng cho tất cả các mục đích.
Như vậy, Rửa tiền không trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của con người, rửa tiền không mang lại những cảnh tượng hãi hùng, rửa tiền không mấy liên quan đến đời sống của mỗi người dân nhưng thực chất rửa tiền hàng ngày đang ảnh hưởng đến từng chủ thể trong nền kinh tế và trở nên mối lo ngại của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
1.1.14.2. Tác hại của hoạt động rửa tiền:
Rửa tiền không chỉ là vấn đề của các thị trường tài chính hàng đầu thế giới mà ngay cả các quốc gia đang trong quá trình hội nhập vào hệ thống tài chính quốc tế cũng không tránh khỏi. Đặc biệt khi các thị trường mới nổi mở cửa nền kinh tế và lĩnh vực tài
chính như Việt Nam thì càng dễ dàng trở thành mục tiêu của các hoạt động rửa tiền. Nói cách khác rửa tiền là hành động gây vẩn đục nền kinh tế. Nếu không có sự giám sát của chính phủ, rửa tiền sẽ có cơ hội len lõi và phát triển mạnh mẽ qua các kẻ hở của hệ thống tài chính, tàn phá thành quả kinh tế của một quốc gia cả về vi mô lẫn vĩ mô:
• Sự lưu chuyển các luồng tiền trong thế giới ngầm gây ra những đột biến trong cầu tiền tệ và bất ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái
• Hoạt động kinh tế ngầm tác động xấu đến hướng đầu tư, chuyển từ các khoản đầu tư cẩn trọng sang đầu tư rủi ro cao làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
• Hoạt động rửa tiền làm giảm tính hiệu quả của các công cụ tiền tệ của chính phủ, kích thích các hành vi tội phạm kinh tế như trốn thuế, thâm ô, mua bán nội gián, gian lận thương mại, tăng tính bất ổn của nền kinh tế.
• Các giao dịch ngầm làm suy giảm hiệu quả kinh tế của các giao dịch hợp pháp, gây mất lòng tin đối với thị trường.
• Hệ thống ngân hàng tài chính bị suy yếu, thậm chí có thể bị thao túng bởi các băng nhóm tội phạm.
• Các con số thống kê bị bóp méo, gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách và giảm hiệu quả điều tiết của chính phủ.
1.1.14.3. Ví dụ minh họa:
Xin được đưa ra một vụ án rửa tiền điển hình và cũng là đầu tiên tại Việt Nam. Đó là vào ngày 2/10/2008, Phòng An ninh kinh tế (PA17, Công an Đà Nẵng) đã phá thành công vụ rửa tiền của bọn tội phạm quốc tế, thông qua ngân hàng Việt Nam. Theo PA17 Đà Nẵng, khoảng 10g ngày 20/9, có một người mang quốc tịch Mozambique đến chi nhánh của một ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng mở cùng lúc 2 tài khoản (gồm 1 tài khoản ngoại tệ và 1 tài khoản tiền Việt). Ngay sau khi có tài khoản, lập tức có đến hơn 4,1 tỷ đồng từ một ngân hàng ở Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển vào và đối tượng này yêu cầu rút ngay số tiền đó.
Có dấu hiệu nghi ngờ, Chi nhánh ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng đã mật báo cho PA17 Đà Nẵng. Nhận thấy hành vi rút tiền của đối tượng vi phạm quy định của Nghị định 74/CP về chống tội phạm tiền giả, tội phạm rửa tiền, PA17 Đà Nẵng yêu cầu ngân
hàng chỉ cho đối tượng nhỏ từ 1-2 triệu đồng và tìm mọi cách trì hoãn để có thời gian áp trinh sát, phá án.
Theo Công an Đà Nẵng, đây là một hoạt động tội phạm công nghệ cao, có tính quốc tế. PA17 Đà Nẵng đã phối hợp với A17 (Bộ Công an), PA17 Công an TPHCM, Bà Rịa–Vũng Tàu và Interpol tiến hành điều tra khẩn cấp. Từ đây, Ban chuyên án quyết định bắt giữ Baggio Carlitos Liuska tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 24-9. Cùng lúc, PA17 Đà Nẵng cũng phối hợp với PA17 Bà Rịa - Vũng Tàu tạm giữ khẩn cấp Massamba Lendebe Vis (quốc tịch Mozambique) tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời tiếp tục truy tìm Niaty Lokasso Djamba (quốc tịch Công Gô) là kẻ đã mở tài khoản và chuyển số tiền trên 3,34 tỉ đồng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện vẫn đang ngoài vòng pháp luật.
1.1.14.4. Hoạt động phòng chống rửa tiền thực tiễn:
Bộ luật hình sự năm 1999 - Điều 251 quy định những hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống rửa tiền, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Năm 2005, Trung tâm phòng chống rửa tiền trực thuộc NHNN ra đời (nay là Cục phòng chống rửa tiền Việt Nam, có chức năng chính là thu nhận, phân tích và chuyển giao thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội chống rửa tiền thế giới và là thành viên chính thức thứ 34 của Nhóm Châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền.
Ngày 18/6/2012: Quốc hội ban hành Luật phòng chống rửa tiền, có hiệu lực từ tháng 1/1/2013 thể hiện sự cam kết cao của Nhà nước ta đối với các tổ chức Quốc tế về phòng chống rửa tiền và phòng chống tham nhũng.
Ngày 4/10/2013: Chính phủ ban hành Nghị định 116 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng chống rửa tiền.
Hiện Việt Nam đang cố gắng hết sức để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền của Tổ chức Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) và được FATF đánh giá cao. Để ra khỏi danh sách đen của FATF, Việt Nam phải hoàn thiện cơ chế phong tỏa tịch thu tài sản; hình sự hóa pháp nhân; tăng cường hợp tác quốc tế tương trợ tư pháp. Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, tăng
cường thể chế đối với công tác cường PCRT; tuyên truyền, đào tạo; thanh tra, giám sát xử lý vi phạm…
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tập trung chỉ đạo việc triển khai các quy định tại Luật phòng, chống rửa tiền, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền và đang khẩn trương xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.