Khởi nguyên của Thiền Tông và Thiền Tông Trung Hoa:

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các điều kiện để phát triển du lịch Thiền (Zen Tourism) ở Việt Nam (Trang 31)

6. Cấu trúc của luận vă n:

1.2.1 Khởi nguyên của Thiền Tông và Thiền Tông Trung Hoa:

Trong các tông phái Phật giáo Trung Quốc, Thiền Tông là tông phái có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất đối với toàn bộ hệ thống tư tưởng Phật giáo Trung Quốc từ đời Ðường trở về sau. Nếu xét từ cội nguồn thì hai phái chính trong hệ thống Thiền Tông là Như Lai Thiền và Tổ Sư Thiền. Như Lai Thiền được xem là phương pháp tu thiền có cội nguồn từ Phật giáo Ấn Ðộ, trong khi Tổ Sư Thiền lại có khuynh hướng được xem là sáng tạo riêng của Phật giáo Trung Quốc và khởi nguyên với sự hiện diện của Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma.

Bồ Ðề Ðạt Ma (Bodhidharma) là thái tử thứ 3, con vua Kancipura xứ Nam Ấn. Theo lời dạy của thầy là Ngài Bát Nhã Ða La (Prajnàtara), Ngài sang Trung Quốc vào đời Lương ,khoảng năm 470-520. Theo phổ hệ truyền thừa của Thiền Tông Ấn Ðộ, từ Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đến đời Ngài là thứ 28, nhưng Ngài được xem là người khai sáng của phổ hệ truyền thừa Thiền Tông Trung Quốc gồm; 1/Bồ Ðề Ðạt Ma. 2/Huệ Khả (? - 593) 3/ Tăng Xán (?-606) 4/ Ðạo Tín (580-651) 5/ Hoằng Nhẫn (602-675). Bắt đầu từ Ngài Hoằng Nhẫn, Thiền Tông Trung Quốc đã bắt đầu phát triển cực mạnh với sự

truyền giảng của hai ngài Thần Tú (605-706) và Huệ Năng (được xem là Tổ thứ 6 của Thiền Tông Trung Quốc, 638-713). Ngài Thần Tú truyền giáo ở phương Bắc nên dòng thiền này gọi là dòng thiền Bắc tông.Tương tự dòng thiền của Huệ Năng được gọi là dòng thiền Nam tông.Thiền Bắc tông chủ trương giáo pháp tiệm ngộ (sự bừng sáng của trí tuệ giải thoát có được theo quá trình tu tập thứ lớp) nên được gọi là "Bắc tiệm".Trong khi đó, Thiền Nam tông lại có mục tiêu đốn ngộ (giác ngộ ngay, không theo thứ lớp) nên được gọi là "Nam đốn".Trong các thời đại sau đó,thiền phái của Ngài Huệ Năng phát triển rất mạnh và phân thành 5 tông phái là Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Ðộng, Vân Môn và Pháp Nhãn. Lâm Tế tông sau lại chia thành hai phái là Hoàng Long và Dương Kỳ. Năm tông trên, thêm vào hai phái sau thường được sử viết là "Ngũ gia thất tông".

Vào các thời đại Nguyên, Minh, Thanh, trong khi một số tôn phái khác bị suy thoái dần do sự du nhập và phát triển mạnh mẽ của Lạt Ma giáo Tây Tạng thì Thiền Tông lại trở thành tông phái phổ biến nhất. Từ Trung Hoa Dân Quốc đến nay, Thiền Tông vẫn là một tông phái chủ đạo của Phật giáo Trung Quốc.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các điều kiện để phát triển du lịch Thiền (Zen Tourism) ở Việt Nam (Trang 31)