QUAN HỆ UNESCO – VIỆT NAM TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY 2.1 Đường lối đổi mới quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam

Một phần của tài liệu tiểu luận Mối quan hệ Việt Nam – UNESCO từ năm 1976 đến nay (Trang 38)

2.1. Đường lối đổi mới quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam

Giữa những năm 80, đất nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng: hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt, lạm phát tăng tốc độ phi mã, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, tình trạng tiêu cực lan rộng, đất nước bị bao vây cấm vận về kinh tế, chính trị. Đứng trước hoàn cảnh đó, Đại Hội Đảng VI (họp từ ngày 15 đến 18/12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, chuyển nền kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, thực hiện khoán 10, luật đầu tư 1987… Trong đó có đổi mới về ngoại giao, theo phương châm “Đa phương hóa đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi dần phá bỏ thế bao vây cấm vận”.

Khi công cuộc đổi mới vừa mới bắt đầu chưa lâu khó khăn còn nhiều, thì trên thế giới đã liên tiếp xảy ra những biến động chính trị. Cuối những năm 80 đầu những năm 90 các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, Liên Xô tan rã. Như vậy chỗ dựa chủ yếu của ta về kinh tế, chính trị, quân sự… không còn nữa, gây cho ta thêm nhiều khó khăn phức tạp mới.

Trước tình hình đó Đại hội Đảng VII (tháng 6/1991) tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại Hội nghị VI, đề ra đường lối đối ngoại “Độc lập tự chủ đa phương hóa, đa dạng hóa, quan hệ quốc tế” (ngoại giao Việt Nam thời kỳ đổi mới, tạp chí nghiên cứu lịch sử trang 15, 9/2000- Nguyễn Mạnh Cầm).

Đến Đại hội IX của Đảng Tháng 4/2001, đường lối đó được nhấn mạnh thêm: “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì

hòa bình, độc lập và phát triển” (Đảng cộng sản Việt Nam: văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà nội 2001 tr120).

Nhờ chính sách đổi mới trong đường lối đối ngoại mà trong lĩnh vực ngoại giao Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu: bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc; Mĩ xóa bỏ chính sách cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Tháng 7/1995, Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Chúng ta cũng gia nhập nhiều tổ chức kinh tế thế giới khác: tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA đầu năm 1996), là thành viên sáng lập Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM, tháng 3 năm 1996); là thành viên của diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC tháng 11/1998). Và gần đây nhất Việt Nam trở thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO (tháng 11/2006).

Một phần của tài liệu tiểu luận Mối quan hệ Việt Nam – UNESCO từ năm 1976 đến nay (Trang 38)