Chính trị ngoại giao.

Một phần của tài liệu tiểu luận Mối quan hệ Việt Nam – UNESCO từ năm 1976 đến nay (Trang 89)

Kết quả trong của mối quan hệ UNESCO – Việt Nam có ý nghĩa về chính trị ngoại giao, cũng như vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong những năm đất nước còn khó khăn bao vây cấm vận thì quan hệ với UNESCO là cánh cửa quan trọng để Việt Nam có thể giao tiếp với thế giới, giúp cho thế giới có thể hiểu rõ hơn về Việt Nam cũng như đường lối đối ngoại của chúng ta, đặc biệt với những hoạt động tích cực và có hiệu quả trong tổ chức Liên Hợp Quốc nói chung và UNESCO nói riêng có tác động nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thông qua UNESCO, Việt Nam còn tận dụng được các cơ hội mở rộng và tăng cường quan hệ đa dạng và đa chiều với các tổ chức chuyên môn khác của quốc tế như: Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), tổ chức bảo tồn bảo tàng quốc tế (ICROM), Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ

(ICOMOS)… và với các quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Các hoạt động trao đổi kinh nghiệm hợp tác với các nước trong khu vực trong các lĩnh vực của UNESCO, có tác động trong việc tạo thuận lợi cho vị thế của Việt Nam trong quan hệ hợp tác trên các diễn đàn khu vực như: Chương trình học tập trao đổi với Trung Quốc về “Quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới”; với Hàn Quốc về nội dung “văn hóa hòa bình”, “giữ gìn di sản nhân văn sống”; Hợp tác với Nhật Bản về bảo tồn di sản và phát huy giá trị các “Trung tâm học tâp cộng đồng”.

3.3.2. Kinh tế.

Mối quan hệ UNESCO – Việt Nam góp phần vào việc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã hội. Việc công nhận các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới, các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam,có ý nghĩa trước hết là thu hút các nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp để khôi phục, trùng tu di tích. Nguồn vốn này không chỉ có ý nghĩa đối với việc bảo tồn phát huy di sản văn hóa mà còn có ý nghĩa trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế. “Hiện nay dự án phát triển vùng đệm của khu di sản Phong Nha – Kẻ Bàng trị giá 12 triệu euro do ngân hàng phát triển của Đức triển khai. Đối với Huế, trong những năm qua di tích Huế đã nhận được 2305240 USD của nhiều nước và các tổ chức quốc tế tài trợ cho công tác trùng tu di tích..” [Nguyễn Quốc Hùng – bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tạp chí di sản tháng 4/2006 tr5]. Ngoài ra các di sản này còn được sự quan tâm đầu tư trực tiếp từ Chính phủ, của các tỉnh có di sản và của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ví dụ như tỉnh Quảng Bình là một tỉnh nghèo ở Miền trung, từ khi di sản thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận, Chính phủ đã quyết định đầu tư 100 tỷ đồng để xây cầu nối giữa Đồng Hới và bán đảo Bảo Ninh, 100 tỷ đồng để nâng cấp sân bay Đồng Hới (đã đưa vào khai thác

năm 2007), các công ty tư nhân đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào các dự án phát triển du lịch.

Việc công nhận các di sản văn hóa không chỉ quảng bá hình ảnh tươi đẹp của Việt Nam mà còn góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển du lịch. Tên Huế, Hội An hay Vịnh Hạ Long…tạo ra “thương hiệu” Việt Nam uy tín trên thế giới trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Lượng khách du lịch tăng vọt so với giai đoạn trước khi công nhận. Ví dụ như “Vịnh Hạ Long, trước khi công nhận năm (1994) chỉ có khoảng hơn 50.000 lượt khách, thì ngay sau khi được công nhận năm 1995 đã vọt lên gấp 10 lần: 502.768 lượt và đến năm 2005 lên tới 2.458.500 lượt, đạt bình quân mỗi năm tăng 31,25%”[Nguyễn Quốc Hùng – bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tạp chí di sản tháng 4/2006 tr3]. Ở những địa danh khác như Hội An, Huế…tình hình cũng tương tự như vậy. Nguồn khách du lịch tăng hàng năm tạo nguồn tài chính không nhỏ để phục vụ quá trình bảo tồn di sản và đó cũng chính là nguồn vốn quan trọng phát triển kinh tế địa phương. Không những thế, du lịch phát triển đã làm sống lại nhiều nghề thủ công truyền thống tại các vùng miền đó, đặc biệt các làng nghề thủ công mỹ nghệ, cùng với đó các ngành dịch vụ có điều kiện phát triển. Những ngành nghề này góp phần giải quyết công ăn việc làm tại địa phương tăng thu nhập cho các địa phương, góp phần làm thay đổi cơ cấu ngành, cơ cấu lao động ở các tỉnh có di sản, đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của cả nước.

3.3.3. Văn hóa

Những thành tựu đã đạt được trong mối quan hệ UNESCO – Việt Nam có tác động lớn trong việc hoạch định các chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước ta. Những hoạt động của “Thập kỷ quốc tế Phát triển văn hóa” ở Việt Nam đã làm thay đổi nhận thức về văn hóa và vai trò của văn hóa đối với sự phát triển. Một thời gian dài trước đây chúng ta đã thường quan niệm

rằng văn hóa chỉ là sự “phản ánh”, là kết quả, là sự thăng hoa của kinh tế, “phú quý sinh lễ nghĩa”. Vì thế văn hóa thường xem là lĩnh vực đứng ngoài kinh tế, thuộc phạm vi tác động của chính sách xã hội do kinh tế trợ cấp. Những hoạt động của Thập kỷ quốc tế Phát triển văn hóa nói riêng và những chương trình hợp tác với UNESCO nói chung đã có đóng góp cả về lý luận và thực tiễn cho Đảng và Nhà nước ta trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội. Tại hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương khóa VIII (7/1998) đã thông qua nghị quyết có ý nghĩa chiến lược về: “xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Chúng ta đã có những thay đổi quan trọng trong nhận thức về vai trò của văn hóa, đó là: Văn hóa là động lực của phát triển, văn hóa giúp giải phóng và nhân lên tiềm năng sáng tạo vô tận của nguồn lực con người từ đó mà khai thác tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nước đồng thời biết tiếp thu và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho sự phát triển nhanh mạnh và bền vững về kinh tế xã hội đất nước. Đảng và Nhà nước ta chủ trương nhằm: “Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người dân” (Văn kiện đại biểu toàn quốc lần thứ VII, NXB Sự thật, HN 1991 tr73).

Có thể nói thành công quan trọng nhất thu được từ Thập kỷ quốc tế Phát triển văn hóa đó là làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội đặc biệt là các nhà văn hóa, hoạch định chính sách. Thông qua Thập kỷ này chúng ta dã đi đến nhận thức chung: Văn hóa là yếu tố nội sinh,vừa là động lực vừa là mục tiêu và hệ điều tiết của phát triển và mọi quá trình phát triển đều bao hàm nội dung văn hóa, đúng như văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa 8 khẳng định “văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội”.

Nội dung hoạt động quan trọng khác của UNESCO trong lĩnh vực văn hóa có tác động đến chính sách văn hóa, và nhận thức của người dân trong lĩnh vực này, đó là các Di sản thế giới được công nhận ở Việt Nam. Sự kiện này góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Ngoài ra, các khái niệm về di sản vật thể và di sản phi vật thể đã dược Việt Nam vận dụng trong quá trình soạn thảo luật Di sản vào năm 2001.

Tiểu kết chương:

Với sự chủ động và nỗ lực trong quan hệ UNESCO – Việt Nam, giúp cho Việt Nam không chỉ tranh thủ được tri thức chất xám khoa học công nghệ phục vụ quá trình phát triển mà còn tranh thủ được nguồn tài chính quý báu để khôi phục, gìn giữ các di sản ở Việt Nam. Mặt khác quá trình hợp tác này góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra bên ngoài, tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu văn hóa, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Kết quả của quá trình hợp tác UNESCO – Việt Nam, có ý nghĩa trong việc mở rộng quan hệ hợp tác trên các diễn đàn quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế…Thông qua UNESCO Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác với các quốc gia khác, huy động được nguồn hợp tác hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nước khác.

KẾT LUẬN

Một nền hòa bình thực sự phải được duy trì trong tâm trí của mỗi con người, và được thiết lập trên cơ sở của sự đoàn kết trí tuệ và tinh thần của nhân loại. Các dân tộc, quốc gia khác nhau muốn có sự đoàn kết thì cần phải có sự hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng nhau, tôn trọng những khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán…UNESCO ra đời đáp ứng yêu cầu đó nhằm “Thông qua sự hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa để từng bước đạt tới hòa bình quốc tế và thịnh vượng chung của nhân loại” (Trích công ước thành lập UNESCO- 30 năm UNESCO VN tr 45).

Trong suốt quá trình phát triển của mình, UNESCO đã thực hiện nhiều chương trình dự án lớn về giáo dục, văn hóa, khoa học, truyền thông nhằm đem cơ hội giáo dục cho người nghèo, trẻ em gái và những người chịu thiệt thòi trong xã hội. UNESCO tài trợ và kêu gọi tài trợ cho các di sản đang nằm trong tình trạng “nguy hiểm”, bị đe dọa bởi thiên nhiên và bàn tay con người. Không dừng lại ở đó, UNESCO tiến hành tôn vinh các di sản không phân biệt quốc gia dân tộc mà theo những tiêu chí khoa học, văn hóa chặt chẽ. Điều này đã làm dấy lên niềm tự hào di sản, ý thức tôn trọng, bảo vệ di sản của cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó UNESCO đã nỗ lực đưa thông tin truyền thông đến với người dân đặc biệt ở các nước nghèo, các nước thế giới thứ 3. Ngoài ra UNESCO cũng hướng sự phát triển của khoa học kỹ thuật mang tính nhân văn phục vụ sự phát triển bền vững…Với sự nỗ lực không ngừng UNESCO trở thành cầu nối cho sự hiểu biết tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia. Hiện nay khi tình hình thế giới có sự thay đổi bởi tác động của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, quá trình toàn cầu hóa, nhiều thách thức mới đặt ra. UNESCO phải tự cải cách đổi mới thích ứng với sự thay đổi cử thế giới.

Trong mối quan hệ với Việt Nam – một quốc gia có lịch sử văn hóa lâu đời, nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và đấu tranh không mệt mỏi cho nền hòa bình của dân tộc. Ngay sau khi đất nước hòa bình thống nhất, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã chủ động ra nhập UNESCO. Đây là mối quan hệ bền bỉ, khăng khít trong suốt hơn 30 năm qua. UNESCO cùng với Việt Nam vượt qua những khó khăn nhất của Việt Nam, khi mà đất nước bị bao vây cấm vận ngặt nghèo, nền kinh tế chịu nhiều thiệt hại trong chiến tranh và đang lâm vào khủng hoảng, cuộc chiến tranh Biên giới đã gây ra những khó khăn bất lợi cho Việt Nam. Chính trong hoàn cảnh khó khăn ấy UNESCO là một trong những cánh cửa quan trọng giúp Việt Nam nhìn ra thế giới, là ít ỏi những diễn đàn quốc tế giúp Việt Nam bày tỏ lập trường quan điểm của mình. Trong những giai đoạn khó khăn đó, UNESCO tài trợ cho Việt Nam những nguồn vốn quan trọng để giúp khôi phục cơ sở vật chất cho giáo dục sau những năm chiến tranh. UNESCO kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ Việt Nam trùng tu di tích Cố Đô Huế, Thánh địa Mĩ Sơn… Kết quả quan trọng đó chính là 2 di tích này đã trở thành di sản văn hóa thế giới. UNESCO góp phần tôn vinh những Nguyễn Trãi là nhà văn hóa thế giới và chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành “Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới”.

Trong những năm tiếp theo, khi công cuộc đổi mới đất nước tiến hành (năm 1986), Việt Nam đã chủ động hơn trong mối quan hệ UNESCO – Việt Nam, vì thế giai đoạn này nội dung hợp tác phong phú hơn so với giai đoạn trước. Đã có rất nhiều các chương trình dự án lớn về giáo dục, văn hóa…thực hiện có hiệu quả ở Việt Nam như: Chương trình Giáo dục cho mọi người; Thập kỷ phát triển văn hóa 1988 – 1997…Những chương trình này phù hợp với điều kiện của Việt Nam và phát huy hiệu quả. Quan hệ với UNESCO trong giai đoạn này đóng góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ thế bao vây cấm vận, và giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm trong

các diễn đàn đa phương khác như tổ chức ASEAN, ASEM, APEC, WTO… Trong mối quan hệ với UNESCO giúp Việt Nam tăng cường cường mở rộng mối quan hệ với các quốc gia khác.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên chúng ta phải khắc phục những mặt khó khăn tồn tại để quan hệ UNESCO – Việt Nam luôn phát triển bền vững.

Hiện nay khi quan hệ quốc tế của Việt Nam ngày càng rộng mở, chúng ta tham gia tích cực trên nhiều diễn đàn sông phương và đa phương khác. Nhưng UNESCO vẫn là diễn đàn quan trọng để Việt Nam hiểu hơn về các quốc gia khác, đồng thời qua diễn đàn này thế giới biết đến một Việt Nam anh dũng bất khuất trong chiến đấu mà còn biết đến đất nước Việt Nam tươi đẹp, có lịch sử văn hóa lâu đời, …Hợp tác văn hóa với UNESCO chính là cơ sở cho những hợp tác về chính trị kinh tế với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Hy vọng rằng với những thành tựu này là tiền đề cho quá trình hợp tác lâu dài bền vững trong những năm tiếp theo.

Một phần của tài liệu tiểu luận Mối quan hệ Việt Nam – UNESCO từ năm 1976 đến nay (Trang 89)