Lõi trong cùng của lát gỗ cắt ngang của văn hóa doanh nghiệp là nhóm yếu tố giá trị và triết lý kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là nhóm yếu tố bền vững nhất và là phần khó xây dựng nhất của văn hóa doanh nghiệp.
Triết lý kinh doanh là quan điểm, tư tưởng, giá trị, niềm tin chi phối mọi hoạt động ra quyết định của doanh nghiệp. Theo Matsushita Konosuke, triết lý kinh doanh là những cách nhìn nhận thấu đáo về các vấn đề như “Công ty này tồn tại vì cái gì? Tiến hành công việc kinh doanh này với mục đích gì và theo cách nào?” (Triết lý kinh doanh thực tiễn, Matsushita Konosuke, trang 7). Trong kinh doanh, có rất nhiều yếu tố quan trọng như trình độ kỹ thuật, năng lực bán hàng, tiềm lực tài chính, con người… nhưng yếu tố mang tính căn bản nhất vẫn là một triết lý kinh doanh đúng đắn. Triết lý kinh doanh có tính quyết định và nhờ đó mà các yếu tố khác như con người, kỹ thuật, tài chính được vận hành một cách đúng đắn. Mặt khác, chính từ triết lý kinh doanh đúng đắn mà các yếu tố kia sẽ được tạo ra dễ dàng hơn. Vì vậy, để xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, tạo ra sự phát triển bền vững trong kinh doanh cần phải bắt đầu bằng triết lý kinh doanh đúng đắn. Triết lý kinh doanh phải được xác lập trên cơ sở nhận thức đúng đắn, tuân theo những quy luật tự nhiên và theo bản ngã của con người thì sẽ luôn phù hợp ở bất kỳ nơi đâu và luôn đững vững được trong quá khứ, hiện tại và tương lai, tạo cơ sở cho việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, cho sự tồn tại bền
vững và phát triển của công việc kinh doanh.
Giá trị của một doanh nghiệp là các tiêu chuẩn chung mà các thành viên của nó sử dụng để đánh giá xem liệu chúng có giúp doanh nghiệp đạt được tầm nhìn và mục tiêu hay không (theo Gareth R.Jones và Jennifer M.Geroge, Contemporary Management, trang 372). Giá trị là thước đo cách hành xử, xác định những gì doanh nghiệp phải làm, xác định những gì doanh nghiệp cho là đúng. Giá trị gồm hai loại: giá trị đã tồn tại trong doanh nghiệp và giá trị mới mà lãnh đạo muốn đưa vào. Giá trị đã tồn tại trong doanh nghiệp có thể được hình thành theo lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển doanh nghiệp hoặc có thể do rèn luyện có chủ đích, có thể hình thành tự phát. Giá trị mới do lãnh đạo doanh nghiệp muốn đưa vào là để đáp ứng với tình hình mới và phải xây dựng từng bước trong thời gian dài. Tuy nhiên, không phải người lãnh đạo cứ nghĩ ra và áp đặt vào là có thể tạo ra giá trị mới.
Giá trị được tạo dựng thông qua thời gian dài và chỉ khẳng định được sự xác lập của nó thông qua việc thâm nhập, chuyển tải các biểu hiện của giá trị vào các nhóm yếu tố chuẩn mực và hữu hình. Khi giá trị được xác lập thì cũng rất khó để xóa bỏ hay thay đổi.
Như vậy, có thể nói chuẩn mực là cảm nhận chung của một nhóm có được về cái gì là “đúng” và “sai”; giá trị lại quyết định “tốt và xấu” có nghĩa là gì, từ đó có liên quan tới ý tưởng chung của nhóm. Các chuẩn mực cho cảm giác “nên hành xử” thì các giá trị lại cho cảm giác “mong muốn, thích hành xử”.
Lý tưởng nhất, các chuẩn mực của một công ty giúp cho công ty đạt được các giá trị của nó. Ví dụ, một công ty máy tính mới mà có văn hóa dựa trên các giá trị của sự xuất sắc và đổi mới có thể cố gắng để đạt được tiêu chuẩn cao này bằng cách khuyến khích các nhân viên chấp nhận các chuẩn mực về sự sáng tạo, chấp nhận rủi ro, và làm việc chăm chỉ hiện tại và tìm kiếm phần thưởng dài hạn Mặt khác, một ngân hàng hay công ty bảo hiểm có
giá trị ổn định và dự đoán được có thể nhấn mạnh tới các chuẩn mực cẩn trọng và sự phục tùng đối với người có thẩm quyền (kết quả của việc chấp nhận các giá trị và chuẩn mực này sẽ là văn hóa ổn định, bảo thủ trong một công ty).
Theo thời gian, các thành viên của một công ty học hỏi lẫn nhau cách để nhận thức và giải thích các sự việc khác nhau xảy ra trong môi trường làm việc và cách để phản ứng với chúng theo các cách phản ánh các giá trị và chuẩn mực hướng dẫn của công ty. Điều này giải thích vì sao văn hóa tổ chức là rất quan trọng: khi tập hợp các giá trị và chuẩn mực mạnh mẽ và gắn kết được đặt đúng chỗ, người lao động tập trung suy nghĩ về cái gì là tốt nhất cho tổ chức trong dài hạn – tất cả các quyết định và hành động của họ trở thành định hướng giúp tổ chức hoạt động tốt.