II. ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ CỦA HỌC SINH THCS
1. Những điều kiện phát triển tâm lý của học sinh THCS
1.1. Sự biến đổi về mặt giải phẫu sinh lý
Cơ thể của trẻ em lứa tuổi học sinh THCS phát triển mạnh mẽ nhưng không đồng đều, vì vậy mà cơ thể của các em thiếu cân đối và chưa hoàn thiện:
- Tầm vóc: các em lớn lên trông thấy. Trung bình một năm trẻ cao lên được 5-6 cm. Trọng lượng cơ thể mỗi năm tăng từ 2,4kg - 6kg
- Hệ xương: các xương tay, xương chân phát triển rất nhanh, nhưng xương ngón tay, ngón chân lại phát triển chậm. Vì thế các em phát triển thiếu cân đối, các em bộc lộ sự vụng
về, lóng ngóng, thiếu thận trọng, hay làm đổ vỡ … Điều đó gây cho các em cảm giác khó chịu, không thoải mái, nhất là khi có sự quan sát, nhận xét, đánh giá của người lớn đối với các em.
- Hệ thống tim mạch không cân đối: Thể tích tim tăng rất nhanh, hoạt động của tim mạnh mẽ hơn, nhưng kích thước của mạch máu lại phát triển chậm nên có một số rối loạn tạm thời của hệ tuần hoàn như tăng huyết áp, tim đập nhanh, hay gây nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi khi làm việc.
- Tuyến nội tiết bắt đầu hoạt động mạnh, đặc biệt là tuyến giáp trạng, thường dẫn đến sự rối loạn của hoạt động thần kinh. Do đó các em dễ xúc động, bực tức, nổi khùng nên thường có những phản ứng mạnh mẽ, gay gắt và những cơn xúc động.
- Hệ thần kinh của trẻ chưa đạt độ vững vàng nên chưa có khả năng chịu đựng những kích thích mạnh, đơn điệu, kéo dài. Vì thế những kích thích trên thường gây cho trẻ tình trạng ức chế hoặc bị kích động mạnh.
- Sự trưởng thành về mặt sinh dục là yếu tố quan trọng nhất của sự phát triển cơ thể của tuổi thiếu niên. Tuyến sinh dục bắt đầu hoạt động và cơ thể các em bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu phụ của giới tính. Sự phát dục của em trai vào khoảng 15-16 tuổi, của em gái khoảng 13-14 tuổi.
Sự phát dục cùng với những chuyển biến trong sự phát triển cơ thể của thiếu niên có một ý nghĩa đặc biệt trong sự nảy sinh những cấu tạo tâm lí mới: cảm giác mình đã là người lớn; cảm giác về tình cảm giới tính mới lạ, quan tâm đến người khác giới.
Hiện nay, do điều kiện sống có nhiều thay đổi nên ở trẻ em có sự phát triển nhanh về thể chất và phát dục. Đến 15-16 tuổi giai đoạn phát dục đã kết thúc, có thể sinh đẻ được, tuy nhiên các em chưa trưởng thành về mặt cơ thể, đặc biệt là sự trưởng thành về mặt xã hội để có thể trở thành người cha, người mẹ với đầy đủ tư cách của mình.
1.2. Sự thay đổi của điều kiện sống
1.2.1. Đời sống gia đình của học sinh THCS
Ở lứa tuổi này địa vị của các em trong gia đình đã thay đổi. Được gia đình thừa nhận như là một thành viên tích cực, được giao nhiều nhiệm vụ, được tham gia bàn bạc một số công việc của gia đình. Sự thay đổi đó đã động viên, kích thích các em hoạt động tích cực, độc lập, tự chủ.
1.2.2. Đời sống trong nhà trường của học sinh THCS Sự thay đổi về nội dung dạy học:
- Vào trường THCS, các em được tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau, có nội dung trừu tượng, sâu sắc và phong phú hơn, đòi hỏi các em phải có sự thay đổi về cách học.
- Sự phong phú về tri thức của từng môn học làm cho khối lượng tri thức của các em lĩnh hội được tăng lên nhiều, tầm hiểu biết của các em được mở rộng.
- Các em được học nhiều môn học do nhiều thầy cô giảng dạy, nên phương pháp học tập thay đổi ở các bộ môn. Mặt khác, mỗi thầy, cô có cách trình bày, có phương pháp độc đáo của mình. Điều này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trí tuệ và nhân cách của HS.
- Thái độ say sưa, hứng thú học tập, khả năng lĩnh hội, phát triển trí tuệ, việc hình thành và phát triển cách lập luận độc đáo cùng những nét tính cách quý báu của các em đều do ảnh hưởng của cách dạy và nhân cách của người thầy.
- Các em được học nhiều thầy, nhiều bạn, chịu ảnh hưởng của nhiều nhân cách, phong cách xử thế khác nhau.
- Các em được tham gia vào nhiều dạng hoạt động khác nhau: lao động, học tập ngoại khoá, văn nghệ, thể thao…
Tóm lại, môi trường sống và hoạt động của các em trong nhà trường THCS có sự thay đổi căn bản. Đây là điều kiện quan trọng làm cho hoạt động nhận thức và nhân cách của học sinh THCS có sự thay đổi về chất so với các lứa tuổi trước.
1.2.3. Đời sống trong xã hội của học sinh THCS
Ở lứa tuổi này, các em được xã hội thừa nhận như một thành viên tích cực, được giao một số công việc nhất định trên nhiều lĩnh vực khác nhau như tuyên truyền, cổ động, giữ trật tự đường phố, giúp đỡ gia đình thương binh liệt sĩ, chăm sóc các bà mẹ Việt nam anh hùng…
Do tham gia công tác xã hội mà quan hệ của học sinh THCS được mở rộng, các em được tiếp xúc với nhiều người, nhiều vấn đề xã hội nên tầm hiểu biết được mở rộng, kinh nghiệm sống phong phú lên, nhân cách được hình thành và phát triển.
Tóm lại, do sự thay đổi điều kiện sống và hoạt động mà vị trí của học sinh THCS được nâng lên. Các em ý thức được sự thay đổi này và tích cực hoạt động cho phù hợp với sự thay đổi đó. Nhờ vậy tâm lý, nhân cách của các em được hình thành và phát triển phong phú hơn ở các lứa tuổi trước.