ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ LỨA TUỔI HỌC SINH THPT

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG TÂM LÝ HỌC LỚP BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM (Trang 45)

1. Những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý lứa tuổi học sinh THPT

1.1. Đặc điểm phát triển cơ thể của học sinh THPT

Là thời kỳ đạt tới mức độ trưởng thành nhất định về thể chất, thời kỳ phát triển thể chất êm đềm, kết thúc sự dậy thì. Nhịp độ tăng trưởng chậm lại, lực cơ tăng rõ rệt (lực cơ của em trai 16 tuổi gấp gần 2 lần lực cơ của em lúc 12 tuổi), quá trình cốt hóa của bộ xương được kết thúc.

Sự phát triển của hệ thần kinh có những thay đổi quan trọng trong cấu trúc của não. Cấu trúc của tế bào bán cầu đại não có những đặc điểm giống cấu trúc tế bào não của người lớn. Số lượng dây thần kinh liên hợp liên kết các phần khác nhau của vỏ não được tăng lên, tạo điều kiện cần thiết cho sự phức tạp hóa hoạt động phân tích, tổng hợp… của vỏ bán cầu đại não trong quá trình học tập và lao động.

Ở tuổi học sinh THPT vẫn còn tính dễ bị kích thích nhưng không phải chỉ do nguyên nhân sinh lý như ở tuổi thiếu niên mà còn do cách sống của cá nhân

1.2. Điều kiện xã hội

Ở gia đình các em đã có nhiều quyền lợi và trách nhiệm của người lớn, cha mẹ bắt đầu trao đổi với các em về một số vấn đề trong gia đình. Bản thân các em cũng quan tâm thực sự đến nhiều mặt sinh hoạt trong gia đình.

14 tuổi các em gia nhập Đoàn thanh nhiên cộng sản Hồ Chí Minh. Trong tổ chức Đoàn các em tham gia hoạt động tập thể, công tác xã hội độc lập hơn và có trách nhiệm hơn.

18 tuổi các em có quyền bầu cử, có nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ quân sự. Nhiều em đã bắt đầu lao động. Tất cả các em đều suy nghĩ về việc chọn nghề, đứng trước việc quyết định đường đời của mình.

Học sinh THPT còn phụ thuộc vào người lớn, người lớn quyết định nội dung và xu hướng chính của hoạt động của các em. Các em đến trường học tập dưới sự lãnh đạo của người lớn, vẫn phụ thuộc vào cha mẹ về vật chất. Ở trường và ngoài xã hội, thái độ của người lớn đối với các em thể hiện tính chất hai mặt. Một mặt, coi các em là người lớn, đòi hỏi ở các em tính độc lập, ý thức trách nhiệm. Mặt khác, lại đòi hỏi các em phục tùng cha mẹ và giáo viên.

Vị trí của học sinh THPT có tính chất không xác định (ở mặt này họ được coi là người lớn, mặt khác lại không). Người lớn phải khuyến khích hành động có ý thức và trách nhiệm của các em, khuyến khích sự giáo dục lẫn nhau trong tập thể các em.

2. Đặc điêm phát triển tâm lý của học sinh THPT

2.1. Đặc điểm nhận thức của học sinh THPT 2.1.1. Tri giác 2.1.1. Tri giác

- Ở thời kỳ này con người có độ nhạy cảm cao nhất về nhìn và nghe

- Tri giác có mục đích đạt đến độ cao, quan sát có tính chủ định, hệ thống và toàn diện.

- Nhờ ngôn ngữ phát triển nên tri giác của học sinh THPT có hiệu quả cao hơn, phản ánh đối tượng đầy đủ hơn và chi tiết hơn.

Giáo viên cần hướng quan sát của các em vào một nhiệm vụ nhất định, không vội vàng kết luận khi chưa tích lũy đầy đủ các sự kiện cần quan sát.

2.1.2. Trí nhớ

- Trí nhớ có chủ định và trí nhớ có ý nghĩa phát triển mạnh và chiếm ưu thế. - Trí nhớ từ ngữ logic tang rõ rệt. Các em biết sử dụng các thủ thuật để ghi nhớ.

- Trong ghi nhớ đã thể hiện tính chọn lọc và phân hóa rõ ràng (biết phân biệt tài liệu nào cần ghi nhớ từng câu từng chữ, tài liệu nào cần hiểu mà không cần nhớ).

Tuy nhiên, một số em còn chi nhớ đại khái, chung chung, có khi các em đánh giá thấp vai trò của việc ôn tập.

2.1.3. Tư duy

Do sự phát triển hệ TK và thay đổi tính chất hoạt động học nên tư duy ở lứa tuổi này có sự thay đổi về chất.

- Ở lứa tuổi này, tư duy trừu tượng chiếm ưu thế.

- Các thao tác tư duy tiến hành tương đối nhanh và linh hoạt. - Lập luận chặt chẽ, có căn cứ và nhất quán.

- Tính độc lập, tích cực và phê phán của tư duy cũng phát triển.

- Khi phân tích, HS biết phân biệt dấu hiệu bản chất và không bản chất.

Tuy nhiên, nhiều khi các em chưa chú ý phát huy hết năng lực độc lập suy nghĩ của bản thân, còn kết luận vội vàng theo cảm tính, hoặc thiên về việc tái hiện tư tưởng và cách lập luận của người khác.

Giáo viên cần hướng dẫn các em tích cực suy nghĩ, phân tích, tranh luận để học sinh tự rút ra kết luận.

2.1.4. Tưởng tượng

- Trí tưởng tượng phát triển phong phú, mạnh mẽ hơn lứa tuổi thiếu niên. - Hình ảnh tưởng tượng độc đáo, lãng mạn, có tính hiện thực cao.

- Tưởng tượng tái tạo gần với hiện thực hơn.

- Thanh niên có nhiều hứng thú với tưởng tượng sáng tạo

2.2. Đặc điểm phát triển nhân cách của học sinh THPT

2.2.1. Sự phát triển tự ý thức

- Nhu cầu tự ý thức được phát triển mạnh mẽ: Đến tuổi THPT các em vẫn chú ý đến hình dáng bên ngoài của mình. Hình ảnh thân thể là thành tố quan trọng trong tự ý thức và là biểu hiện tâm lý đặc trưng ở lứa tuổi này.

- Ở tuồi THPT quá trình tự ý thức diễn ra mạnh mẽ sôi nổi và có tính đặc thù. Các em có nhu cầu tìm hiểu và đ1nh giá những đặc điểm tâm lý của mình theo quan điểm về mục đích cuộc sống và hoài bão của mình. Các em hay ghi nhật ký, so sánh mình với nhân vật mà họ coi là tấm gương.

- Nội dung của tự ý thức cũng khá phức tạp. Các em không chỉ nhận thức về cái tôi hiện tại của mình, mà còn nhận thức về vị trí của mình trong xã hội, trong tương lai. Các câu hỏi các em thường đặt ra:

+ Tôi là ai? Tôi là người thế nào? + Tôi muốn trở thành người thế nào?

+ Tôi sẽ cố gắng trở thành người như thế nào? + Tôi cần làm gì để tốt hơn?

- Thanh niên mới lớn thường có xu hướng cường điệu trong khi tự đánh giá. Hoặc là các em đánh giá thấp cái tích cực tập trung phê phán cái tiêu cực; hoặc là các em đánh giá quá cao nhân cách mình, tự cao tự đại coi thường người khác.

Mặc dù học sinh THPT có thể có những sai lầm trong tự đánh giá. Nhưng đây là một dấu hiệu cần thiết của một nhân cách đang trưởng thành là tiền đề của sự tự giáo dục. Người lớn phải có thái độ nghiêm túc khi nghe các em phát biểu, không được chế giễu ý kiến tự đánh của các em. Cần phải khéo léo tế nhị giúp đỡ các em hình thành một biểu tượng khách quan về nhân cách của mình.

- Trên cơ sở tự ý thức phát triển nhu cầu tự giáo dục của các em cũng phát triển. Tự giáo dục của các em không chỉ hướng vào khắc phục một số thiếu sót trong hành vi hay phát huy những nét tốt đẹp mà đã hướng vào việc hình thành nhân cách nói chung với quan điểm khái quát đang được hình thành ở các em.

Người lớn cần phải khuyến khích và hướng dẫn việc tự giáo dục ở các em. Cần tổ chức tập thể học sinh giúp đỡ lẫn nhau, kiểm tra lẫn nhau để hoàn thiện nhân cách của bản thân.

2.2.2. Đời sống tình cảm của học sinh THPT

 Đặc điểm chung:

- Đời sống xúc cảm, tình cảm của HS THPT rất phong phú, đa dạng.

- Khả năng tự kiểm soát và tự điều chỉnh xúc cảm, thái độ, hành vi được hình thành và phát triển mạnh mẽ.

- Tính bình đẳng, độc lập trong giao tiếp phát triển.  Tình bạn của học sinh THPT

- Thanh niên có nhu cầu lớn trong tình bạn và tình bạn được xây dựng trên cơ sở, có lý trí và bền vững hơn tuổi thiếu niên. Các em có yêu cầu cao đối với tình bạn (sự chân thật, lòng vị tha, sự tin tưởng, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau…). Tình bạn ở tuổi này có thể kéo dài suốt cuộc đời.

- Thanh niên quan niệm tình bạn và mức độ thân tình trong tình bạn có sự khác nhau.

- Thanh niên khát khao tự khám phá mình thông qua “bạn”. - Thanh niên tham gia nhiều nhóm khác nhau.

- Tình yêu học trò ở tuổi thanh niên mang dáng vẻ của tình bạn thân, trong sáng, lãng mạn và cảm tính, không vụ lợi và không toan tính, có những rung cảm mãnh liệt, phong phú và phức tạp.

- Tuy vậy, tình yêu mới nảy sinh này cũng có thể phát triển không bình thường (không được đáp lại hoặc có những rung động không hoàn toàn lành mạnh) có thể khiến các em bị phân tán quá mức, sao nhãng học tập.

Người làm công tác giáo dục cần thấy được những biểu hiện này là bình thường. Không nên can thiệp thô bạo vào tình cảm thân thiết này của các em. Cần có thái độ tế nhị và trân trọng các em, hướng nghị lực, sự chú ý, hoạt động của các em vào những hoạt động tập thể phong phú và hấp dẫn.

2.2.3. Định hướng giá trị và sự lựa chọn nghề của học sinh THPT

- Thanh niên còn hiểu biết rất ít về đặc điểm LĐ nghề nghiệp, yêu cầu của người LĐ và khả năng tương lai của mình.

- Có sự khác biệt tương đối rõ ràng về giới, tầng lớp xã hội và truyền thống văn hóa trong việc định hướng giá trị và chọn nghề của thanh niên.

- Quá trình định hướng giá trị và chọn nghề của thanh niên chịu tác động của nhiều yếu tố.

 Lý tưởng sống

- Lý tưởng sống ở thanh niên phát triển mạnh mẽ.

- Ở thiếu niên, lý tưởng sống biểu hiện ở hình mẫu cụ thể. Thanh niên, lý tưởng sống thường gắn liền với sự khái quát các phẩm chất nhân cách điển hình của nhiều cá nhân trong nhiều lĩnh vực

 Tính tích cực xã hội

- Nhu cầu tinh thần phát triển cao, thanh niên rất quan tâm đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa trong và ngoài nước.

- Hứng thú tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các diễn đàn liên quan đến tuổi trẻ.

- Phạm vi hoạt động xã hội của thanh niên rất rộng

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG TÂM LÝ HỌC LỚP BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(81 trang)
w