1. Sự hình thành khái niệm
1.1. Khái niệm
Hình thành khái niệm là nhiệm vụ cơ bản của hoạt động dạy học. Mỗi môn học tập trung một hệ thống các khái niệm khoa học bao gồm các khái niệm về sự vật, khái niệm về quan hệ… mà khái niệm với tư cách là một sản phẩm tâm lý có hình thức tồn tại vật chất (bên ngoài) và hình thức tồn tại tinh thần
(bên trong), hình thức vật chất của khái niệm là những sự vật, hiện tượng cụ thể. Còn hình thức bên trong là nội dung của khái niệm do con người phát hiện ra thì lại ẩn náu vào hình thức bên ngoài (các sự vật cụ thể). Vì vậy, ta có thể định nghĩa về khái niệm:
Khái niệm là một trong những hình thức phản ánh thế giới khách quan vào tư duy con người, nhờ đó mà con người nhận thức được bản chất của các sự vật, hiện tượng, các quá trình; đó là sự nhận thức khái quát về những mặt, những dấu hiệu cơ bản của sự vật, hiện tượng và quá trình mà con người phản ánh nó.
“Khái niệm là một năng lực thực tiễn được kết tinh lại và gửi vào đối tượng. Nói cách khác, khái niệm ẩn náu trong vật thật”
Như vậy, nguồn gốc xuất phát của khái niệm là ở sự vật, hiện tượng. Khi con người phát hiện ra nó thì nó có thêm một chỗ thứ hai là trong tâm lý, tinh thần của con người. Để tiện lưu trữ và trao đổi, người ta dùng ngôn ngữ gói gém khái niệm lại (thể hiện trong một từ hoặc một câu).
Khái niệm không phải là cái có thể nhìn thấy hay đọc lên được. Bất kỳ ai muốn có khái niệm phải xâm nhập vào đối tượng (bằng cách thực hiện hành động với nó) để làm lộ ra logic tồn tại của nó và “lấy lại” khái niệm mà loài người đã gửi và đối tượng. Cách “lấy lại” đó không có cách nào khác là lặp lại đúng chuỗi thao tác mà trước đây loài người đã phát hiện ra. Vì vậy, muốn cho học sinh nắm vững được khái niệm, nhà sư phạm phải tiến hành trải logic của khái niệm đó ra thành hệ thống các việc làm và tổ chức cho học sinh thực hiện các công việc đó bằng chính các hành động của mình. Và mỗi lần làm như thế, học sinh lại có thêm một năng lực mới chưa hề có trước đây.
Với ý nghĩa đó, có thể nói rằng, quá trình dạy học nói chung và quá trình hình thành khái niệm trong dạy học kỹ thuật nghề nghiệp nói riêng là quá trình liên tục tạo ra cho học sinh những năng lực tâm lý mới trong lĩnh vực kỹ thuật nghề nghiệp.
1.2. Bản chất tâm lý của quá trình hình thành khái niệm
Như chúng ta đã phân tích, khái niệm có hai nơi trú ngụ: ở vật thể và ở trong tâm lý chủ thể. Khái niệm có trong tâm lý chủ thể là kết quả của sự hình thành từ bên ngoài chủ thể bắt nguồn từ đối tượng của khái niệm. Quá trình “chuyển” đó diễn ra như sau: bằng hành động của mình, chủ thể buộc khái niệm chuyển nơi trú ngụ từ đối tượng sang đầu mình (nghĩa là từ ngoài vào trong). Đó là quá trình hình thành khái niệm.
Trong dạy học, muốn hình thành các khái niệm cho học sinh, giáo viên phải tổ chức hành động của học sinh tác động vào đối tượng theo đúng quy trình hình thành khái niệm (mà các nhà khoa học trước đây đã phát hiện ra). Chính quá trình tổ chức hành động của học sinh như vậy là nhằm tách logic của đối tượng ra khỏi đối tượng để chuyển vào đầu học sinh.
Do đó, ta có thể khẳng định, muốn hình thành tri thức ở học sinh, phải lấy hành động của học sinh làm cơ sở. Vì hành động cũng chính là phương thức tồn tại của khái niệm.
Cơ chế tâm lý của sự hình thành khái niệm thể hiện ra rằng nó không tự có mà phải được hình thành theo quy luật chuyển vào trong.
3. Dạy cho học sinh lĩnh hội khái niệm một cách vững chắc
Để học sinh lĩnh hội vững chắc khái niệm (lĩnh hội kiến thức, kĩ năng và hình thành kĩ xảo), giáo viên cần tổ chức hoạt động học của các em theo 3 công đoạn chính, kế tiếp nhau:
Mỗi công đoạn được triển khai như sau:
a. Tổ chức công đoạn hình thành: Nhằm giúp học sinh bước đầu lĩnh hội được khái niệm, hay kiến thức cơ bản của bài học. Công đoạn này được thực hiện qua các bước:
Bước 1: Giao nhiệm vụ và hình thành động cơ học cho học sinh
- Xác định rõ mục đích – yêu cầu của bài học.
- Xác định rõ những thiết bị, phương tiện và điều kiện cần thiết giúp học sinh thực hiện được các hành động, các thao tác học tập.
- Nêu rõ mục đích – yêu cầu, những thiết bị, phương tiện và điều kiện đồng thời kết cấu lại thành nhiệm vụ học tập.
- Giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện.
Bước 2: Hướng dẫn học sinh giải quyết nhiệm vụ học tập. Đây là quá trình học sinh tiếp cận đối tượng bằng cách phân tích, khám phá, bước đầu lĩnh hội đối tượng và định hình lại ở dạng mô hình, kí hiệu.
Trong quá trình học sinh thực hiện nhiệm vụ, giáo viên theo dõi, giúp đỡ những học sinh gặp khó khăn, đồng thời đưa ra nhận xét, đánh giá quá trình và kết quả làm việc của học sinh.
b. Tổ chức cho học sinh thực hiện công đoạn luyện tập: học sinh sử dụng phương pháp chung được hình thành ở công đoạn trên để giải quyết những bài tập phong phú, đa dạng cùng loại nhằm hình thành kĩ năng, kĩ xảo tương ứng.
c. Yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức và kĩ năng đã học: Học sinh sử dụng những gì đã học được (cả cái - nội dung học tập và cách – phương pháp học) vào trong học tập để lĩnh hội kiến thức và kĩ năng mới, vận dụng nó để ứng xử một cách có học trong cuộc sống hàng ngày.