1. Những điều kiện phát triển của học sinh học nghề
1.1. Sự phát triển về thể chất
Ở lứa tuổi này, nam nữ thanh niên không có sự khác biệt quá nhiều về cơ thể so với người lớn đã trưởng thành. Sự phát triển của bộ xương được hoàn thiện. Các bắp cơ phát triển và có sự thay đổi khá nhanh ở thời kỳ đầu lứa tuổi và càng về sau càng chậm lại. Do đó mà trọng lượng cơ thể tăng nhanh, đặc biệt ở các nam thanh niên. Về mặt tuần hoàn, tim phát triển và đã ổn định. Vì vậy, mất dần sự không cân đối giữa hoạt động của tim và các trạng thái của hệ tuần hoàn. Hoạt động của các tuyến nội tiết của các em trở nên bình
thường, ít thay đổi do những kích thích về cảm xúc tạo ra như ở lứa tuổi thiếu niên. Ở lứa tuổi này, chấm dứt sự dậy thì.
Về hệ thần kinh, cấu tạo của các tế bào não trở nên phức tạp hơn. Do đó, thanh niên dễ dàng tiếp thu kiến thức và hình thành các kỹ năng và kỹ xảo nghề nghiệp cần thiết. Ở lứa tuổi này, thanh niên dễ bị kích thích, dễ có các phản ứng dưới sự tác động của ngoại giới. Chính vì đặc điểm này mà trong thực tế, thanh niên thường dễ nổi nóng, thường có cường độ lao động không đều đặn khi thực hiện một công việc nào đó…
Nhìn chung, thể lực của thanh niên phát triển khá dồi dào. Sức mạnh cường tráng và sung sức của tuổi trẻ giúp cho thanh niên có thể hoàn thành được nhiều công việc mà đặc biệt là công việc nặng nhọc.
1.2. Vai trò xã hội của học sinh học nghề
Trong gia đình, vị trí của thanh niên hoàn toàn khác trước. Ở lứa tuổi này thanh niên được tham gia bàn bạc với cha mẹ, các anh chị một số việc chủ yếu trong gia đình. Thanh niên có thể trực tiếp giải quyết một số việc mà đặc biệt là các công việc nặng nhọc. Trong cư xử với mọi người đã có sự thay đổi rõ nét với thanh niên. Quan hệ của thanh niên với người lớn trong nhà không phải là quan hệ hoàn toàn áp đặt từ bậc trên đến thanh niên nữa. Đặc điểm nổi bật đó là do được tôn trọng hơn, các nhiệm vụ gia đình trao cho đều mang tính chất gợi ý để các em chủ động, tự lập và mọi người đã tin tưởng vào khả năng của thanh niên. Thanh niên đã có óc nhận xét tinh tường về các hành vi của người lớn trong nhà và đã có sự biểu hiện về thái độ thông qua các ý kiến, các nhận xét riêng mình. Đã có sự nhận xét và góp ý nhiều khi đối với cả chính cha mẹ mình.
Thanh niên học nghề thường sống xa gia đình. Trong cuộc sống ở nhà trường, họ phải tự lập nhiều song vẫn có nhiều thứ phụ thuộc vào gia đình, đặc biệt là về mặt tình cảm và về mặt kinh tế. Việc xa gia đình để đi vào học các trường nghề cũng làm cho vị trí của thanh niên trong gia đình thay đổi rõ rệt, đặc biệt là đối với các em của họ. Các em coi họ như những người trưởng thành thực sự và rất lắng nghe các ý kiến của họ thông qua thư từ và các buổi gặp gỡ ở các kỳ nghỉ.
Ở giai đoạn cuối của quá trình học tập trong các trường nghề, thanh niên bắt đầu có ý thức về sự thành lập gia đình và hạnh phúc riêng của bản thân.
Ờ ngoài xã hội, ở lứa tuổi này người thanh niên bắt đầu trở thành công dân. Trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội của mỗi cá nhân đã được xác định. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra với thanh niên học nghề cũng cao hơn và phong phú hơn trước đây. Thanh niên tham gia nhiều hoạt động xã hội trên nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn tham gia tuyên truyền cổ động, bầu cử, … Họ là lực lượng xung kích trong mọi công việc và hoạt động xã hội, đặc biệt là những nơi, những lúc có nhiều khó khăn. Thanh niên có tổ chức của mình là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Ở tuổi 18 trở đi, họ được pháp luật quy định cụ thể về một số trách nhiệm và quyền hạn và có quyền phấn đấu để được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các hoạt động xã hội của thanh niên học nghề được thực hiện chủ yếu thông qua tổ chức của nhà trường dạy nghề. Tính tự lập trong hoạt động ở nhà trường thể hiện trong họ khá rõ nét ở các mặt học tập, nghiên cứu, lao động, hội họp v.v… Các hoạt động tập thể ở giai đoạn họ bước đi vào cuộc sống là có ý nghĩa rất lớn trong sự hình thành nhân cách của thanh niên. Thông qua các hoạt động tập thể mà thanh niên đã bị cuốn hút vào hàng loạt công việc, qua đó, họ được trưởng thành về nhiều mặt.
2. Những đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh học nghề
2.1. Sự thích nghi của học sinh với cuộc sống và hoạt động mới
Học sinh trường nghề có độ tuổi từ 16 đến 20. Phần lớn các em đã tốt nghiệp phổ thông trung học, một số ít sau khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở có tham gia lao động ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội hoặc vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Do những điều kiện của cuộc sống, hoạt động, giao tiếp trong trường dạy nghề cũng như của nền kinh tế - văn hóa - xã hội quy định mà những phẩm chất tâm lý của nhận thức, tình cảm, ý chí, xu hướng, tích cách, khí chất, năng lực, kỹ thuật, kỹ xảo, thao – động tác kỹ thuật – nghề nghiệp của học sinh đã được hình thành. Đặc biệt, trong đời sống tâm lý của các em đã biểu hiện rõ nét được sự tự ý thức, nhu cầu, động cơ, hứng thú, lý tưởng, niềm tin, ước mơ kỹ thuật và định hướng chiến lược cho sự phát triển nhân cách của mình sao cho tương hợp với yêu cầu của kỹ thuật – nghề nghiệp trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2.2. Sự phát triển về nhận thức và trí tuệ
Nhận thức của học sinh đã phát triển. Các em nhận cảm nhanh, nhạy và sâu sắc nhưng còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Tư duy, tưởng tượng, chú ý, trí nhớ, ngôn ngữ, cảm giác, tri giác và biểu tượng kỹ thuật của các em đã được phát triển với chất lượng mới. Phát triển khả năng tri giác không gian, khả năng quan sát, tư duy thực hành.
2.3. Sự phát triển về động cơ học tập và khuynh hướng nghề nghiệp
Vì học nghề, các em được tiếp cận với kỹ thuật thông qua học các bài lý thuyết và thực hành cũng như tiếp xúc với giáo viên mà động cơ học nghề, ý thức, khuynh hướng, lý tưởng nghề nghiệp đã phát triển. Phần lớn học sinh đã có động cơ học tập đúng, nguyện vọng lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, có một số chưa xác định được động cơ học tập đúng đắn.
2.4. Đời sống xúc cảm, tình cảm của học sinh học nghề
Tình cảm cấp thấp của các em đã mang đầy đủ tính xã hội trong nội dung và hình thức biểu hiện. Tình cảm thẩm mỹ, tình cảm đạo đức và tình cảm trí tuệ trong hệ thống thái độ của học sinh trường nghề đã được phát triển. Ở các em có tình bạn cao cả, tình yêu đôi lứa mạnh, đẹp, đượm màu lý trí, trong trắng và thuần khiết. Tuy nhiên, tình yêu nam nữ ở lứa tuổi này cũng có mặt tiêu cực.
2.5. Sự phát triển một số phẩm chất nhân cách
- Bắt đầu quan tâm tới các vấn đề của xã hội, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan
- Trẻ trung, hang hái, có khát vọng vươn lên nhưng khi gặp khó khăn các em dễ nhụt chí
- Thích hoạt động tập thể, ưa hoạt động – giao tiếp xã hội.
- Tiếp thu những cái mới nhanh nhưng ít chọn lọc.Trước mắt các em còn có nhiều thứ cám dỗ, hấp dẫn buộc phải đắn đo suy nghĩ, hành động và quan hệ theo những chuẩn mực của đạo đức xã hội để sống với tư cách là một công dân, một chủ thể có ý thức, một người lao động. Tuổi các em là tuổi trăn trở, phân vân trước các ngả đường cho đến khi tìm được một chỗ đứng ổn định.
Câu hỏi ôn tập
1. Nêu những đặc điểm nhận thức của HS tiểu học, từ đó hãy rút ra kết luận sư phạm cần thiết trong công tác dạy học và giáo dục?
2. Nêu những đặc điểm trong đời sống tình cảm của HS tiểu học, từ đó hãy rút ra kết luận sư phạm cần thiết trong công tác dạy học và giáo dục?.
3. Phân tích những đặc điểm nhân cách của HS tiểu học, anh (chị) hãy rút ra kết luận sư phạm cần thiết trong công tác dạy học và giáo dục?
4. Từ đặc điểm phát triển trí tuệ của học sinh THCS hãy chứng minh rằng: “Sự phát triển trí tuệ của học sinh THCS thể hiện rõ sự chuyển tiếp từ tính chất không chủ định sang tính chất có chủ định”.
5. Phân tích những đặc điểm giao tiếp và đặc điểm nhân cách của học sinh THCS. 6. Nêu đặc điểm cơ bản của sự phát triển trí tuệ của học sinh THPT. Nguyên nhân của những đặc điểm đó.
7. Phân tích đặc điểm của sự phát triển ý thức của học sinh THPT. Ý nghĩa của nó đối với sự phát triển nhân cách của thanh niên mới lớn.
8. Phân tích nội dung các điều kiện đảm bảo cho sự phát triển tâm lý của học sinh các trường dạy nghề. Qua đó, hãy nêu ý nghĩa sư phạm của vấn đề này.
9. Nêu đặc điểm tâm lý của học sinh các trường dạy nghề. Với tư cách là giáo viên anh (chị) sẽ phải ứng xử và dạy các em như thế nào cho phù hợp với những phẩm chất tâm lý ấy? Cho ví dụ minh họa.
Chương I: TÂM LÝ HỌC DẠY HỌC A. MỤC TIÊU
1. Kiến thức:
- Phân tích được bản chất của hoạt động dạy, hoạt động học và mối quan hệ giữa chúng.
- Người học nắm được bản chất và quá trình hình thành khái niệm. - Phân tích được mối quan hệ giữa dạy học và sự phát triển trí tuệ.
2. Kỹ năng:
- Có kỹ năng xác định các yếu tố tâm lý của hoạt động dạy và học. - Củng cố và phát triển kỹ năng thiết kế bài học
3. Thái độ:
Có thái độ tích cực và khoa học khi thực hiện nhiệm vụ dạy học.
B. NỘI DUNG BÀI GIẢNG