1. Phẩm chất nhân cách của người giáo viên
1.1. Thế giới quan khoa học
Thế giới quan khoa học bao hàm các quan điểm duy vật biện chứng về các qui luật phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Thế giới quan khoa học là yếu tố quan trọng trong cấu trúc nhân cách người thầy giáo vì:
+ Nó quyết định niềm tin chính trị và quyết định hành vi của người thầy giáo.
+ Nó chi phối nhiều hoạt động và thái độ của người thầy giáo như: Lựa chọn nội dung, phương pháp giảng dạy và giáo dục, gắn nội dung giảng dạy với thực tiễn cuộc sống, cũng như cách nhìn nhận và đánh giá mọi biểu hiện tâm lý của học sinh.
+ Thế giới quan khoa học cọ̀n quyết định ảnh hưởng của người thầy giáo với học sinh.
Chính vì vậy người thầy giáo phải có thế giới quan khoa học.
Thế giới quan khoa học của người thầy giáo được hình thành trên cơ sở trình độ học vấn, việc nghiên cứu triết học, việc nghiên cứu nội dung dạy học,… và qua việc thể nghiệm trong cuộc sống. Tư duy giáo dục là một biểu hiện cụ thể của thế giới quan khoa học. Đó là lối suy nghĩ mang nặng ý nghĩa giáo dục, luôn nhắc nhở người giáo viên phải cân nhắc và thống nhất trong lời nói, việc làm, hành vi, cử chỉ…
1.2. Lý tưởng đào tạo thế hệ trẻ
Lý tưởng đào tạo thế hệ trẻ là hạt nhân trong cấu trúc nhân cách của người giáo viên. Lý tưởng là mục đích, mục tiêu đề ra trong tương lai và con người cố gắng đạt được thông qua những hành động cụ thể. Lý tưởng đào tạo thế hệ trẻ của người thầy giáo biểu hiện ở:
- Lòng say mê và phấn đấu hết mình cho nghề dạy học và sự nghiệp giáo dục.
- Có lương tâm nghề nghiệp, tận tụy, hy sinh vì công việc, có trách nhiệm cao đối với công việc, tìm tòi sáng tạo… để góp sức nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng nền giáo dục hiện đại, tiên tiến.
- Luôn học tập và tu dưỡng để trở thành người thầy tốt.
1.3. Lòng yêu mến học sinh, yêu nghề
Lòng yêu học sinh là một phẩm chất cao quý, là một phẩm chất đặc trưng trong nhân cách của người thầy giáo. Lòng yêu học sinh còn là điều kiện không thể thiếu đối với công tác của người thầy giáo, vì có yêu học sinh thì người thầy giáo mới được học sinh tin tưởng yêu mến và vâng lời. Lòng yêu người là cơ sở, nguồn gốc của lòng yêu nghề “Càng yêu người bao nhiêu càng yêu nghề bấy nhiêu”. Nó tạo cho người giáo viên những động lực mạnh mẽ để phấn đấu suốt đời vì lý tưởng nghề nghiệp. Lòng yêu học sinh và lòng yêu nghề gắn bó chặt chẽ, hòa quyện vào nhau. Lòng yêu học sinh, yêu nghề biểu hiện ở:
- Say sưa làm việc hết mình, khi cần sẵn sàng hy sinh cả lợi ích cá nhân cho công việc giáo dục.
kế hoạch giáo dục của nhà trường, của lớp mình phụ trách.
- Gần gũi, yêu thương học sinh, có sự quan tâm chăm sóc cụ thể đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền.
- Sống và làm việc theo tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”.
- Luôn học tập, tu dưỡng để nâng cao trình độ nghề nghiệp của mình, đồng thời quan tâm giúp đỡ, hợp tác với đồng nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục.
1.4. Một số phẩm chất đạo đức và phẩm chất ý chí của người giáo viên
Hoạt động của người giáo viên nhằm phát triển người học, vì thế người giáo viên giáo dục học sinh bằng cả tấm gương nhân cách của mình. Để đạt được điều đó, người giáo viên phải có những phẩm chất đạo đức và ý chí cần thiết.
* Các phẩm chất đạo đức:
- Tinh thần nghĩa vụ, tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. - Lòng nhân đạo, thái độ ân cần, quan tâm tới người khác, tôn trọng con người. - Thái độ công bằng, chính trực, ngay thẳng, giản dị, khiêm tốn
- Có lòng tự trọng, rộng lượng, vị tha,…
Các phẩm chất đạo đức là nhân tố tạo ra sự thân thiện trong các mối quan hệ thầy – trò, tạo ra uy tín và sức mạnh giáo dục của người thầy giáo.
* Các phẩm chất ý chí:
Tính mục đích, nguyên tắc, tính kiên nhẫn, tính tự kiềm chế, tinh thần cầu tiến, không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn. Nó là sức mạnh để làm cho các phẩm chất và năng lực của người thầy giáo trở thành hiện thực và tác động sâu sắc đến học sinh, kỹ năng điều khiển tình cảm, tâm trạng cho thích hợp với các tình huống sư phạm.
2. Năng lực sư phạm của người thầy giáo
Năng lực của người thầy giáo là tổ hợp những thuộc tính độc đáo của cá nhân phù hợp với yêu cầu đặc trưng của nghề dạy học nhằm đảm bảo cho nhà giáo thực hiện có kết quả hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh. Năng lực của người thầy giáo còn gọi là năng lực sư phạm. Năng lực sư phạm là bộ phận không thể thiếu trong cấu trúc nhân cách của người thầy giáo.
2.1. Nhóm năng lực dạy học gồm những năng lực sau:
Năng lực hiểu học sinh là năng lực “thâm nhập” vào thế giới bên trong của trẻ, có thể hiểu biết tường tận về nhân cách của chúng và biết quan sát tinh tế những biểu hiện tâm lí của học sinh trong quá trình dạy học và giáo dục.
Biểu hiện:
- Xác định được khối lượng kiến thức đã có và mức độ, phạm vi lĩnh hội của học sinh, từ đó xác định mức độ và kiến thức mới mà các em cần lĩnh hội.
- Căn cứ vào những biểu hiện của học sinh trong quá trình học tập (như sự ngập ngừng trong câu trả lời, ánh mắt, nét mặt … của học sinh mà phán đoán được mức độ hiểu bài của các em.
- Dự đoán được những thuận lợi và khó khăn của học sinh khi thực hiện các nhiệm vụ nhận thức.
Năng lực hiểu học sinh là kết quả của quá trình lao động đầy trách nhiệm, thương yêu và đi sâu tìm hiểu học sinh, nắm vững môn mình dạy, am hiểu về tâm lí học trẻ em, tâm lí học sư phạm, cùng một số phẩm chất tâm lí cá nhân như óc quan sát tinh tế, trí tưởng tượng, khả năng phân tích tổng hợp…
Tri thức và tầm hiểu biết của giáo viên
Đây là phẩm chất cơ bản của năng lực sư phạm, một trong những năng lực trụ cột của nghề dạy học.
Người thầy giáo phải có tri thức và tầm hiểu biết sâu rộng, vì có như vậy người thầy giáo mới có thể :
- Tổ chức và điều khiển hoạt động học của học sinh một cách có hiệu quả. - Gây hứng thú nhận thức cho học sinh các vấn đề có liên quan đến môn học. - Mới có uy tín đối với học sinh.
Biểu hiện:
- Có sự hiểu biết sâu, rộng về bộ môn khoa học mà mình phụ trách.
- Thường xuyên theo dõi những xu hướng, những phát minh khoa học thuộc môn mình phụ trách. Biết và có hứng thú đối với việc nghiên cứu khoa học.
- Có năng lực tự học, tự bồi dưỡng để bổ túc và hoàn thiện tri thức của mình. Năng lực chế biến tài liệu
Là sự gia công về mặt sư phạm của thầy đối với tài liệu học tập nhằm làm cho tài liệu thích hợp tối đa với trình độ và đặc điểm nhân cách học sinh. Năng lực này được thể hiện:
- Biết đánh giá đúng tài liệu học tập, xác lập được mối quan hệ giữa kiến thức trong chương trình qui định và trình độ nhận thức của học sinh.
- Biết xây dựng lại tài liệu để hình thành một cấu trúc bài giảng vừa đảm bảo tính logíc của sự phát triển khoa học, vừa phù hợp với logíc sư phạm, và thích hợp với trình độ nhận thức của học sinh.
* Muốn làm được điều này, giáo viên cần:
- Vốn kiến thức phong phú.
- Khả năng phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa kiến thức. - Có óc sáng tạo khi chế biến tài liệu học tập.
- Biết trình bày tài liệu theo suy nghĩ, lập luận của mình, cung cấp cho học sinh những kiến thức chính xác.
- Chọn ra phương pháp phù hợp, hiệu nghiệm để làm cho bài giảng có sức lôi cuốn, giàu cảm xúc tích cực.
- Đánh giá được tài liệu, biết phân tích tài liệu, nắm được cái trung tâm, cái cơ bản trong tài liệu, dự kiến cách trình bày, lý giải, lập luận, chứng minh.
- Hoạch định những hành động cần thiết của học sinh trong giờ học.
Nắm vững kĩ thuật dạy học: là nắm vững cách tổ chức và điều khiển hoạt động nhận thức của học sinh, biết sử dụng các phương tiện kĩ thuật hiện đại phục vụ cho hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh một cách có hiệu quả.
Biểu hiện:
- Biết tổ chức và điều khiển học sinh tiến hành hoạt động học để tự tìm ra tri thức mới cho bản thân (tạo cho học sinh có vị trí “người phát minh” trong quá trình dạy học).
- Gây hứng thú, kích thích học sinh tự tìm tòi, suy nghĩ một cách tích cực và độc lập. - Biết khích lệ, động viên học sinh, tạo tâm thế học tập thoải mái.
- Sử dụng có hiệu quả các phương tiện kĩ thuật hiện đại trong quá trình dạy học … Năng lực này được hình thành trên cơ sở của quá trình học tập nghiêm túc và rèn luyện tay nghề một cách công phu.
Năng lực ngôn ngữ: là khả năng biểu đạt rõ ràng, mạch lạc ý nghĩ và tình cảm của mình bằng lời nói cũng như nét mặt và điệu bộ.
Biểu hiện:
- Lời nói rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu.
- Ngữ điệu vừa phải, phù hợp với từng tình huống cụ thể của tiết học. - Vốn từ phong phú, có chọn lọc …
2.2. Nhóm năng lực giáo dục gồm những năng lực sau:
Năng lực cụ thể hoá mục tiêu hình thành nhân cách học sinh là khả năng người thầy giáo biết căn cứ vào mục tiêu chung mà hình dung trước mô hình nhân cách học sinh do mình phụ trách – Biểu tượng được phác họa, được cụ thể hoá một bước từ mục tiêu giáo dục, căn cứ vào đó mà quá trình giáo dục được triển khai theo hướng tiếp cận dần tới mục tiêu nhân cách học sinh.
Biểu hiện:
- Khả năng dự đoán được sự hình thành và phát triển những thuộc tính tâm lí ở từng học sinh, biết được nguyên nhân sinh ra cũng như mức độ hình thành và phát triển những thuộc tính đó.
- Năng lực này được thể hiện ngày càng rõ hơn qua sự phát triển những đặc điểm tâm lí, những biểu hiện nhân cách của học sinh dưới tác động giáo dục của người thầy.
Năng lực này được hình thành do sự kết hợp của nhiều yếu tố: óc tưởng tượng sư phạm, niềm tin vào học sinh, nhận thức về quy luật giáo dục và quy luật phát triển của con người…
Năng lực giao tiếp sư phạm là khả năng nhận thức nhanh những hành vi bên ngoài, những biểu hiện tâm lí bên trong của học sinh và của bản thân, đồng thời biết sử dụng thích
hợp các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, biết tổ chức và điều khiển quá trình giao tiếp nhằm đạt mục tiêu giáo dục.
Năng lực giao tiếp của giáo viên vững tay nghề thường được biểu hiện ra dưới dạng những kỹ năng: kỹ năng định hướng, kỹ năng định vị, kĩ năng điều khiển quá trình giao tiếp.
Năng lực cảm hoá học sinh là khả năng làm cho học sinh nghe, tin và làm theo mình bằng tình cảm, bằng niềm tin.
Năng lực giao tiếp sư phạm và “cảm hoá” học sinh phụ thuộc vào tổ hợp các phẩm chất nhân cách của nhà giáo: tinh thần trách nhiệm đối với công việc, niềm tin vào con người, tin vào giáo dục, tình yêu thương con người với lòng vị tha và tôn trọng nhân cách học sinh, các phẩm chất ý chí.
Năng lực này của người thầy giáo được hình thành bằng con đường tu dưỡng, rèn luyện các phẩm chất nhân cách của chính mình. Giáo viên là người thầy mẫu mực nhưng đồng thời cũng là học trò trong quá trình hoàn thiện nhân cách và học suốt đời, trong các mối quan hệ với cộng đồng và những người khác.
Năng lực ứng xử sư phạm là khả năng ứng xử thích hợp (vừa có tính khoa học, vừa có tính giáo dục, vừa có tính thực tiễn) trong từng tình huống sư phạm nhất định.
Biểu hiện:
- Sự nhạy bén về mức độ sử dụng các tác động sư phạm : khuyến khích, trách phạt, ra lệnh…(căn cứ vào tình huống cụ thể với tính cách và khí chất của học sinh cụ thể mà tác động phù hợp).
- Phát hiện kịp thời và giải quyết thoả đáng những vấn đề sảy ra bất ngờ, không nóng vội, không thô bạo.
- Chủ động và mau lẹ trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp đặt ra trong dạy học và giáo dục.
- Công bằng và bao quát được học sinh mà mình phụ trách, đảm bảo tính đồng loạt và tính cá thể trong dạy học và giáo dục.
Năng lực huy động các lực lượng giáo dục cùng tham gia giáo dục học sinh.
Giáo dục không phải là nhiệm vụ riêng của nhà trường, của người thầy giáo, mà là nhiệm vụ của cả các bậc cha mẹ, các tổ chức đoàn thể, cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của mỗi người. Nhưng đối với học sinh trong nhà trường thì nhà giáo có vai trò quyết định trong việc giáo dục, dạy học để hình thành nhân cách học sinh. Để các lực lượng đó hợp tác với nhà trường trong việc giáo dục học sinh, người thầy giáo cần tuyên truyền phổ biến để họ hiểu về mục tiêu giáo dục, về nội dung và các phương pháp giáo dục học sinh, đồng thời vận động họ cùng tham gia vào công tác giáo dục.
2.3. Nhóm năng lực tổ chức các hoạt động sư phạm
Đây là một trong những năng lực đặc trưng của người thầy giáo.
- Biết tổ chức, cổ vũ cả lớp và từng học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập và giáo dục khác nhau trong giờ lên lớp cũng như ngoài giờ lên lớp, nội khoá cũng như ngoại khoá.
- Biết kết gắn học sinh trong lớp mình phụ trách thành một tập thể thống nhất, lành mạnh, có kỉ luật, có văn hoá đảm bảo cho mọi hoạt động của lớp diễn ra thuận lợi, tập thể trở thành nhân tố giáo dục và tự giáo dục.
- Biết vận động các bậc cha mẹ, nhân dân, các tổ chức đoàn thể xã hội tham gia giáo dục thế hệ trẻ theo mục tiêu giáo dục, phương pháp giáo dục phù hợp.
Thực hiện công việc trên, người thầy giáo phải có những kĩ năng sau: + Vạch kế hoạch tiến hành các hoạt động dạy học và giáo dục
+ Sử dụng đúng đắn, thích hợp các hình thức, phương pháp dạy học và giáo dục để đạt được chất lượng và hiệu quả giáo dục, dạy học.
+ Định được liều lượng, giới hạn của từng biện pháp sử dụng trong GD & DH.