II. ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ CỦA HỌC SINH THCS
2. Đặc điểm tâm lý của học sinh THCS
2.1. Đặc điểm giao tiếp của học sinh THCS
Ở tuổi học sinh THCS có những thay đổi cơ bản trong giao tiếp của các em với người lớn và bạn bè cùng tuổi.
2.1.1. Giao tiếp của học sinh THCS với người lớ.
Tuổi học sinh THCS xuất hiện cảm giác rất độc đáo – “cảm giác mình đã là người lớn”. Đây là nét đặc trưng trong nhân cách của các em, vì nó biểu hiện lập trường sống mới của thiếu niên đối với mọi người và thế giới xung quanh.
Cảm giác mình đã là người lớn được thể hiện rất phong phú về nội dung và hình thức:
- Các em quan tâm đến hình thức, tác phong, cử chỉ rồi đến những phẩm chất tâm lí và khả năng của mình.
- Các em đòi hỏi và mong muốn người lớn quan hệ đối xử với mình bình đẳng như đối với người lớn, không can thiệp quá tỉ mỉ vào một số mặt trong đời sống riêng của các em.
- Các em bắt đầu chống đối lại những yêu cầu mà trước đây nó vẫn thực hiện một cách tự nguyện.
Nguyên nhân khiến học sinh THCS có cảm giác về sự trưởng thành của bản thân: - Các em thấy được sự phát triển mạnh mẽ về cơ thể và sức lực của mình.
- Các em thấy tầm hiểu biết, kĩ năng, kĩ xảo của mình được mở rộng. - Các em tham gia nhiều hơn trước vào cuộc sống xã hội.
- Các em đã có tính tự lập.
Những điều học sinh THCS cảm thấy là đúng, nhưng các em có xu thế cường điệu hoá ý nghĩa của những thay đổi của bản thân, khiến các em có nhu cầu tham gia vào đời sống của người lớn một cách thực sự. Trong khi đó, kinh nghiệm của các em còn hạn chế, khả năng của các em chưa tương xứng với với nhu cầu đó. Đây là một mâu thuẫn trong sự phát triển của tuổi thiếu niên.
Trong giao tiếp với học sinh THCS, người lớn cần chú ý:
- Phải mong muốn và biết tôn trọng tính độc lập và quyền bình đẳng của thiếu niên. - Quan hệ giữa thiếu niên và người lớn có thể không có mâu thuẫn nếu quan hệ đó được xây dựng trên cơ sở tôn trọng, giúp đỡ và tin tưởng lẫn nhau.
- Khi tiếp xúc với các em, người lớn cần gương mẫu, khéo léo, tế nhị. Người lớn cần tôn trọng tính tự lập của các em nhưng cũng cần thấy rằng thiếu niên vẫn rất cần sự hướng dẫn thường xuyên của người lớn.
2.1.2. Giao tiếp của học sinh THCS với bạn bè
Nhu cầu giao tiếp phát triển mạnh là một đặc điểm quan trọng ở tuổi thiếu niên. Giáo dục lẫn nhau là một nét đặc thù trong quan hệ của thiếu niên với bạn.
Học sinh THCS coi quan hệ với bạn là quan hệ riêng của cá nhân và mình có quyền độc lập trong quan hệ này. Nếu quan hệ của thiếu niên với người lớn “không thuận hoà” thì các em càng hướng tới giao tiếp với bạn hơn, khi đó giao tiếp với bạn càng ảnh hưởng tới các em mạnh mẽ hơn.
Cơ sở để kết bạn của học sinh THCS là những phẩm chất về tình bạn: sự tôn trọng, quan hệ bình đẳng, lòng trung thành, tính trung thực, cởi mở, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng đôi khi các em hiểu không đúng về những biểu hiện của các phẩm chất này, do vậy đôi khi các em đánh giá không đúng hành vi, thái độ của bạn… Vì vậy không phải lúc nào việc chọn bạn của các em cũng có kết quả.
Phạm vi giao tiếp của các em lúc đầu thường rộng, nhưng chưa bền vững. Dần dần phạm vi giao tiếp của các em hẹp lại, nhưng quan hệ giữa các em gắn bó với nhau hơn. Trong giao tiếp các em chịu ảnh hưởng của nhau.
- Nhờ giao tiếp với bạn, các em tiếp thu được các chuẩn mực xã hội, nhận thức được người khác và bản thân.
- Trong quá trình giao tiếp với bạn, các kỹ năng so sánh, phân tích, khái quát hoá hành vi, thái độ của bạn và của bản thân được phát triển…
Người lớn cần thấy được nhu cầu giao tiếp với bạn và nhu cầu được bạn thừa nhận, tôn trọng của thiếu niên, cần tạo điều kiện cho nhu cầu này của thiếu niên được thoả mãn. Nhưng cũng cần hướng dẫn và kiểm tra giao tiếp với bạn của thiếu niên một cách tế nhị (bạn của các em là ai? Các em chơi với nhau như thế nào? Ảnh hưởng lẫn nhau ra sao?).
Quan hệ giao tiếp giữa nam và nữ đã thể hiện màu sắc của giới tính.
- Tự ý thức phát triển khiến thiếu niên nhanh chóng nhận thức được giới tính của mình. Đồng thời sự phát dục đã kích thích các em quan tâm đến người khác giới, làm xuất hiện những cảm giác, cảm xúc mới lạ của giới tính.
- Các em có thái độ khác nhau đối với bạn cùng tuổi khác giới. Ở học sinh các lớp 6 và lớp 7, tình bạn giữa nam và nữ ít nảy sinh, nhưng ở học sinh lớp 8, lớp 9 thì nảy sinh thường xuyên hơn.
Trong tình bạn khác giới các em vừa hồn nhiên, vừa có vẻ “thận trọng”, “kín đáo” có ý thức rõ rệt về giới tính của mình. Chính lúc này thiếu niên cần có một người bạn chân tình để có thể tin cậy và trông chờ sự thông cảm.
Nhìn chung những xúc cảm của các em là trong sáng, nó là một động lực thúc đẩy các em làm điều tốt, tự hoàn thiện mình. Nhưng không phải tất cả thiếu niên đều có những rung cảm như vậy. Một số em sớm bị cuốn hút vào con đường “yêu đương”, lý trí không đủ vững để giúp các em làm chủ những rung cảm mãnh liệt của sự yêu đương quá sớm làm ảnh hưởng không tốt đến việc học tập của các em. Người làm công tác giáo dục cần tế nhị, khéo léo khi giải quyết vấn đề này. Không nên can thiệp thô bạo, áp đặt đối với các em. Những biện pháp đó chỉ kích thích thêm tình cảm của các em, vì các em muốn tự khẳng định mình và đòi quyền được hành động như người lớn cả trong lĩnh vực này. Nói chung nên tổ chức hoạt động tập thể phong phú, hấp dẫn để giúp các em hiểu biết nhau, quan tâm đến nhau một cách vô tư, trong sáng.
2. 2. Đặc điểm nhận thức của học sinh THCS
Sự phát triển trí tuệ của học sinh THCS thể hiện rất rõ sự chuyển tiếp từ tính chất không chủ định sang tính chất có chủ định. Ở học sinh THCS, tính chất không chủ định không giảm đi, tính chất có chủ định đang phát triển mạnh nhưng vẫn chưa chiếm ưu thế. Tính chất chuyển tiếp được thể hiện ở tất cả các quá trình nhận thức:
2.2.1. Tri giác: Các em đã có khả năng phân tích và tổng hợp phức tạp hơn khi tri giác. Khối lượng tri giác tăng lên, tri giác trở nên có kế hoạch, có trình tự, và hoàn thiện hơn.
2.2.2. Trí nhớ: Năng lực ghi nhớ có chủ định được tăng lên rõ rệt, cách thức ghi nhớ được cải tiến, hiệu suất ghi nhớ cũng được nâng cao.
Học sinh THCS đã biết tiến hành các thao tác so sánh, hệ thống hoá, phân loại nhằm ghi nhớ tài liệu. Tốc độ ghi nhớ và khối lượng tài liệu được ghi nhớ tăng lên. Ghi nhớ ý nghĩa dần thay thế cho ghi nhớ máy móc. Hiệu quả của ghi nhớ trở nên tốt hơn. Tuy nhiên các em vẫn tuỳ tiện trong việc ghi nhớ, khi gặp khó khăn các em lại từ bỏ ghi nhớ ý nghĩa. Đồng thời các em lại đánh giá không đúng về việc ghi nhớ máy móc, coi đó là học vẹt, coi thường việc ghi nhớ chính xác… Do đó, không phải lúc nào các em cũng nhớ đúng những tài liệu cần nhớ chính xác. Vì thế giáo viên cần chú ý:
- Dạy cho học sinh phương pháp ghi nhớ lôgic.
- Giải thích cho các em rõ sự cần thiết phải ghi nhớ chính xác những định nghĩa, những quy luật.
- Rèn luyện cho các em có kỹ năng trình bày chính xác nội dung bài học theo cách diễn đạt của mình.
- Chỉ cho các em biết cách kiểm tra sự ghi nhớ.
- Hướng dẫn các em kết hợp ghi nhớ máy móc và ghi nhớ ý nghĩa một cách hợp lí. - Chỉ cho các em biết thiết lập các mối liên tưởng phức tạp, gắn tài liệu mới với tài liệu cũ, đưa tài liệu cũ vào hệ thống tri thức.
2.2.3. Chú ý: Chú ý của học sinh THCS có một số mâu thuẫn nhất định. Một mặt chú ý có chủ định của các em phát triển rõ nét, mặt khác những ấn tượng và rung động mạnh mẽ, phong phú của thiếu niên khiến cho sự chú ý của các em không bền vững.
Chú ý của học sinh THCS có tính lựa chọn rõ rệt, sự lựa chọn này phụ thuộc vào tính chất của đối tượng và hứng thú của các em với đối tượng đó. Các em có khả năng tập trung làm việc nghiêm chỉnh nếu các em thấy vấn đề cần thiết và hứng thú.
Khối lượng chú ý và khả năng di chuyển chú ý của các em tăng rõ rệt.
Trong dạy học, cần tổ chức giờ học đòi hỏi học sinh phải tham gia hoạt động nhận thức tích cực, thay đổi hình thức hoạt động cho phù hợp với nội dung, tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn đối với các em.
2.2.4. Tư duy: Hoạt động tư duy của học sinh THCS có những biến đổi căn bản.
- Đặc điểm cơ bản trong hoạt động tư duy của học sinh THCS là tư duy trừu tượng phát triển mạnh. Tuy nhiên, thành phần của tư duy hình tượng - cụ thể vẫn tiếp tục được phát triển, nó vẫn giữ vai trò quan trọng trong cấu trúc tư duy. Do đó các em vẫn rất cần đến sự hỗ trợ của những biểu tượng trực quan về đối tượng để tìm hiểu những dấu hiệu bản chất, trừu tượng của đối tượng đó.
- Các em hiểu được các dấu hiệu bản chất của đối tượng nhưng không phải bao giờ cũng phân biệt được những dấu hiệu đó trong mọi trường hợp. Khi nắm khái niệm có khi các em thu hẹp hoặc mở rộng khái niệm không đúng mức.
- Tính phê phán của tư duy ở học sinh THCS cũng được phát triển, các em biết lập luận giải quyết vấn đề một cách có căn cứ. Các em không dễ tin như trước đây, nhất là cuối
tuổi này, các em đã biết vận dụng lí luận vào thực tiễn, biết lấy những điều quan sát được, những kinh nghiệm riêng để minh hoạ cho kiến thức.
Trong dạy học, giáo viên cần chú ý:
- Phát triển tư duy trừu tượng cho các em để làm cơ sở cho việc lĩnh hội những khái niệm khoa học.
- Chỉ dẫn cho các em những biện pháp để rèn luyện kỹ năng suy nghĩ có phê phán và độc lập, biết sử dụng những thông tin, tri thức… để giải quyết những vấn đề mới trong những tình huống mới.
2.3. Đặc điểm nhân cách của học sinh THCS
2.3.1. Sự hình thành ý thức và tự ý thức của học sinh THCS
- Ở học sinh THCS đã bắt đầu biểu hiện nhu cầu tự đánh giá, nhu cầu so sánh mình với người khác. Các em bắt đầu xem xét mình, vạch cho mình một nhân cách trong tương lai, muốn biết mặt mạnh, mặt yếu trong nhân cách của mình. Sự bắt đầu hình thành và phát triển tự ý thức của học sinh THCS đã tác động sâu sắc đến toàn bộ đời sống tâm lí của các em.
- Mức độ tự ý thức của các em có sự khác nhau:
+ Về nội dung: Ban đầu các em chỉ nhận thức hành vi của mình, sau đó là nhận thức những phẩm chất đạo đức, tính cách và năng lực của mình, cuối cùng là nhận thức những phẩm chất phức tạp thể hiện nhiều mặt của nhân cách (tình cảm trách nhiệm, lòng tự trọng, danh dự, tính nguyên tắc, tính mục đích…).
+ Về cách thức: lúc đầu các em dựa vào sự đánh giá của những người gần gũi và có uy tín với mình. Dần dần có khuynh hướng độc lập phân tích và đánh giá bản thân. Nhưng khả năng tự đánh giá còn hạn chế, chưa đủ khách quan… Vì vậy sự đánh giá đúng nhân cách của các em trong độ tuổi này rất quan trọng. Trong giáo dục, giáo viên cần có sự đánh giá đúng đắn nhân cách của các em, tránh để các em rơi vào tình trạng sảy ra hai rung cảm trái ngược nhau: tự cao và kém cỏi, hoặc tự tin và thiếu tự tin.
- Sự phát triển tự ý thức có ý nghĩa rất quan trọng đối với lứa tuổi học sinh THCS, nó thúc đẩy các em bước vào một giai đoạn mới. Kể từ độ tuổi này trở đi, khả năng tự giáo dục của các em được phát triển, các em không chỉ là khách thể của quá trình giáo dục mà còn là chủ thể của quá trình này. Tuy nhiên ở nhiều em, tự giáo dục còn chưa có hệ thống, chưa có kế hoạch, các em còn lúng túng trong việc lựa chọn biện pháp tự giáo dục. Vì vậy nhà giáo dục cần tổ chức cuộc sống và hoạt động tập thể phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn các em vào hoạt động chung của tập thể, tổ chức tốt mối quan hệ giữa người lớn và các em.
- Ý thức của học sinh THCS được hình thành trong những điều kiện cụ thể và bằng những con đường :
+ Ý thức được hình thành trong hoạt động và bằng hoạt động của các em. + Bằng con đường lĩ
+ Bằng con đường tự giáo dục, tự ý thức
2.3.2. Sự hình thành tình cảm ở lứa tuổi học sinh THCS.
- Đặc điểm nổi bật ở lứa tuổi này là tính dễ xúc động, vui buồn chuyển hoá dễ dàng, tình cảm còn mang tính bồng bột, sôi nổi, hăng say, dễ bị kích động do ảnh hưởng của sự phát dục, sự thay đổi một số cơ quan nội tạng, do hoạt động thần kinh không cân bằng (hưng phấn mạnh hơn ức chế) khiến các em không tự kiềm chế nổi.
- Các em dễ có phản ứng mãnh liệt trước sự đánh giá, nhất là sự đánh giá thiếu công bằng của người lớn.
- Tâm trạng của các em thay đổi nhanh chóng, thất thường, đôi lúc có sự mâu thuẫn trong tình cảm (như đối với em nhỏ này thì yêu thương quý mến nhưng đối với em khác lại trêu chọc, dọa nạt; hoặc đối với người tật nguyền nhiều khi các em tận tình giúp đỡ, nhưng có lúc lại trêu chọc, lấy đó làm trò đùa với nhau).
- Xuất hiện tình bạn khác giới, những rung cảm đầu đời của tình yêu. Lúc đầu những biểu hiện quan tâm đến bạn khác giới còn tản mạn, về sau những biểu hiện này được thay đổi, mất đi tính trực tiếp, xuất hiện sự ngượng ngùng, e thẹn, nhút nhát và được biểu hiện khác nhau, tuỳ vào tính cách của từng em.
- Điều đáng chú ý là tình cảm của học sinh THCS đã bắt đầu được hình thành trên cơ sở lí trí, có lí trí chi phối; tình cảm đạo đức, tình cảm bạn bè phát triển mạnh.
Tóm lại, ở lứa tuổi học sinh THCS tình cảm đã được hình thành và phát triển phong phú hơn lứa tuổi học sinh tiểu học. Tình cảm mang tính bồng bột, sôi nổi đã dần dần giảm đi, nhường chỗ cho tình cảm có ý thức. Đây là lứa tuổi đang phát triển mạnh mẽ tình cảm đạo đức, tình cảm bạn bè, tình đồng chí và tập thể. Để các em có sự phát triển lành mạnh về đời sống tình cảm, nhà trường cần chú ý tổ chức tốt hoạt động học, hoạt động giao tiếp, đặc biệt là các hoạt động tập thể và trong các nhóm bạn bè.
Kết luận chung
- Trong những giai đoạn phát triển của con người, lứa tuổi học sinh THCS có một ý