Đảng bộ Lưu Chí Hiếu của tù chính trị câu lưu

Một phần của tài liệu ĐẤU TRANH của các CHIẾN sĩ yêu nước và CÁCH MẠNG tại NHÀ tù côn đảo THỜI kỳ 1955 1975 (Trang 96)

3. 4 Chống kế hoạch "Ngũ niên tự túc"

3.9. Đảng bộ Lưu Chí Hiếu của tù chính trị câu lưu

Đối với tập thể tù chính trị câu lưu Trại I, không khuất phục được về chính trị, địch thực hiện thủ đoạn giam giữ trong khuôn khổ kỉ luật nhà tù, lúc nới lỏng, lúc xiết chặt, tùy theo tình hình. Khi thực thi chương trình "chiêu hồi sản xuất", Quản đốc Cao Minh Tiếp xoa dịu tình hình, chế độ lao tù đỡ phần khắc nghiệt, tù chính trị câu lưu được ra sân chơi, được quản trị Nhà bếp, Y tế, được trồng rau cải thiện, mỗi tháng được đôi lần ăn cá tươi. Hàng ngày, chúng cho mở cửa các phòng luân phiên ra sân tắm nắng, trồng rau, làm bếp.

Buổi chiều ngày 17-9-1971, anh Nguyễn Ngọc Điệp, đại diện Nhà bếp (Phòng 8) được mời ra Văn phòng Trưởng trại, thông báo cắt tiêu chuẩn gạo từ 700gr xuống 600gr/người/ngày.

Khi anh Điệp về báo lại, anh em các phòng đang được mở cửa (05 phòng) và Nhà bếp tập trung tất cả tại sân trại phản đối, đến tối mới vào phòng giam. Sáng hôm sau, Trưởng trại cho trật tự đóng cửa toàn trại (trừ

Bệnh xá), tước quyền quản trị Nhà bếp, đưa bọn trật tự thay thế. Đến bữa, bọn trật tự khiêng cơm, cháo, thức ăn để bên ngoài cửa sắt. Anh em cương quyết không chịu đưa tay ra ngoài xúc cơm, tố cáo địch bỏ đói tù nhân. Địch vẫn không thay đổi thái độ, Ban lãnh đạo tù chính trị câu lưu Trại I quyết định phát động đấu tranh tuyệt thực, nêu thêm yêu sách nhằm:

- Đòi nới rộng từng phần về đời sống, hạn chế sự siết bóp của địch, phối hợp với phong trào đấu tranh chung trên đảo và gắn với phong trào đấu tranh chính trị bên ngoài, lấy đấu tranh để củng cố và xây dựng nội bộ.

- Khẩu hiệu, yêu sách: Đòi trả tự do cho tù chính trị không án (câu lưu) và mãn án, đưa về đất liền trị bệnh cho người già yếu, trong lúc chờ trả tự do phải cải thiện đời sống.

- Hình thức đấu tranh: Trực diện yêu sách, dư luận phản ứng, thông báo hô la, vân động tranh thủ... Nếu địch ngoan cố không giải quyết sẽ tiếp tục tuyệt thực".

Sau một tuần trực diện nêu yêu sách, địch vẫn không giải quyết, Ban lãnh đạo tù chính trị câu lưu quyết định sử dụng hình thức hô la thông báo toàn trại và tiếp tục tuyệt thực. Cuộc tuyệt thực kéo dài đúng 14 ngày, 13 người dao động, bỏ cuộc nhưng tập thể quyết định đấu tranh đến cùng. Có 5 tù chính trị ở Phòng 7 dùng dao lam mổ bụng moi ruột để biểu thị ý chí quyết tử tranh đấu.

Ngày 1-10-1971, Quản đốc Cao Minh Tiếp tuyên bố trả lại sinh hoạt bình thường, trả quyền quản trị Nhà bếp, Bệnh xá, cung cấp rau xanh cho các bữa ăn và cấp thuốc điều trị cho những người bị bệnh. Vấn đề trả tự do và đưa về đất liền, hắn hứa sẽ đề đạt cấp trên nghiên cứu giải quyết. Cuộc đấu tranh kết thúc thắng lợi vào lúc 17 giờ ngày 1-10-1971. Thắng lợi của đợt tranh đấu này đã góp phần quan trọng củng cố nội bộ, nâng cao uy thế của tù chính trị câu lưu.

Thực hiện chiến lược phân vùng giam giữ, ngày 20-12-1971, Cao Minh Tiếp ra lệnh chuyển số tù chính trị câu lưu Trại I về Trại VI Khu A (khoảng 600 người), sau đó chúng chuyển về Khu B của Trại VI. Ngày 3- 2-1972, Đảng bộ mang tên Lưu Chí Hiếu được thành lập tại Trại VI Khu B, Trần Văn Cao là Bí thư, Trịnh Văn Tư là Phó Bí thư, Mai Xuân Cống là ủy viên thường vụ. Đợt đầu, Đảng bộ kết tập 11 người, sau đó xây dựng 10 chi bộ trong 10 phòng của Trại VI Khu B, mỗi chi bộ từ 5 đến 10 đảng viên tổng số 62 đảng viên được kết tập vào cuối năm 1972.

Đảng bộ xác định rõ nhiệm vụ là lãnh đạo toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hoạt động và tranh đấu của lực lượng tù chính trị câu lưu. Mang tên Lưu Chí Hiếu, người chiến sĩ kiên cường trong cuộc đấu tranh chống li khai và hi sinh anh dũng tại Chuồng Cọp (24-12-1961), vẹn toàn khí tiết, Đảng bộ đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ lãnh đạo cuộc đấu tranh chính trị, bảo vệ khí tiết của lực lượng tù câu lưu.

Đảng bộ ra tập san Xây Dựng, mỗi tháng một số . Anh Lê Tú tức Nguyễn Đằng được cử làm chủ bút. Báo được chép tay trên giấy học trò khổ nhỏ (khoảng 13x19cm), nội dung gồm các thể loại: xã luận, tin tức, bình luận, truyện kí, thơ ca, tiểu phẩm... mang tính chất thông tin, giáo dục chính trị, sinh hoạt tư tưởng và tổng kết kinh nghiệm đấu tranh. Đảng bộ tổ chức Đoàn Thanh niên lao động mang tên Nguyễn Văn Trỗi, do Sầm Thanh Liêm, một đảng viên trẻ tuổi làm Bí thư. Mỗi phòng giam có một chi đoàn làm nòng cốt trong các sinh hoạt và đấu tranh. Phong trào Trại VI Khu B lên rất mạnh.

Nghị quyết của Đảng ủy được toàn thể tù nhân chấp hành nghiêm túc. Mỗi chủ trương trước khi thành nghị quyết đều được trưng cầu ý kiến của tập thể tù nhân từng phòng. Buổi sáng phát chủ trương, buổi chiều đã tập hợp được ý kiến các phòng về Văn phòng Đảng ủy (Phòng 3). Ngày thành lập Đảng và các ngày lễ kỉ niệm của cách mạng, của dân tộc đều được tổ chức trọng thể, bảo đảm tính giáo dục cao, bất chấp sự khủng bố

của kẻ thù. Đảng ủy chủ trương vừa giáo dục chính trị, lí luận, nhân cách, vừa rèn luyện lực lượng trong tranh đấu.

Bọn quản ngục Côn Đảo thực hiện phương châm “muốn giữ tù yên, không để cho tù được yên”. Khi tù chính trị đấu tranh, chúng nới chút ít về quyền lợi, tiếp tục đấu tranh mạnh hơn thì chúng đàn áp quyết liệt, cắt hết quyền lợi mà chúng đã nhượng bộ, buộc tù nhân phải khuất phục. Trường hợp tù nhân quyết tử đấu tranh đến cùng thì chúng lại nhượng bộ, giải quyết một số yêu sách. Trong khi thừa nhận vị trí chính trị của tù chính trị câu lưu (Trại VI Khu B), bọn quản ngục Côn Đảo cũng tìm mọi cách siết bóp đời sống, ngăn chặn đấu tranh .

Ngày 6-2-1972, anh Lê Văn Út chết vì bệnh nặng, thiếu thuốc, tù nhân Trại VI Khu B đấu tranh phản đối, địch không giải quyết các yêu cầu về đời sống. Tiếp đó, ngày 11-3-1972, anh Nguyễn Tấn Mẫn chết, tù chính trị câu lưu Trại VI Khu B phản đối quyết liệt hơn, đấu tranh bằng hình thức hô la, địch bỏ cơm ngoài song sắt. Tù nhân bỏ ăn, tuyệt thực luôn.

Ngày 30-5-1972, anh Phùng Xe chết, tù chính trị câu lưu đấu tranh, địch nhượng bộ, cho quản lý Nhà bếp, Y tế trại. Ngày 10-6-1972, anh Nguyễn Đắc Cương chết, ta tiếp tục đấu tranh, địch chấp nhận cho tổ chức lễ tang, được cửa đại diện tù nhân đưa đi chôn cất.

Về phía nhà tù, bộ máy quản trị tù nhân có sự sắp xếp lại. Tháng 5- 1972, thực hiện xong chiến lược phân vùng giam giữ, ngăn chặn đấu tranh, Cao Minh Tiếp được thăng chức Đại tá, làm Giám đốc Nha Cải huấn, Trung tá hải quân Đào Văn Phô ra Côn Đảo kế vị. Đào Văn Phô trở lại chính sách "bàn tay sắt", siết bóp mọi chế độ của tù nhân. Tù chính trị câu lưu vẫn kiên cường tranh đấu. Trong vòng 1 năm, từ 18-9-1971 đến 12-9- 1972, tù chính trị câu lưu đã có 10 cuộc đấu tranh

12-9-1972, nhân cái chết thê thảm của đồng chí Đoàn Hảo 56 tuổi, quê Quảng Nam tại Bệnh xá Trại VI B do chế độ giam cầm đày ải khắc

nghiệt, không thuốc men chữa trị, Đảng bộ Lưu Chí Hiếu đã chỉ đạo giữ xác đồng chí Đoàn Hảo tại Bệnh xá để tố cáo tội ác và buộc địch phải giải quyết các yêu cầu về đời sống của tù chính trị, cụ thể là: Cơm ăn đủ no, thức ăn đủ bữa, cấp rau và cá tươi; Cấp đủ thuốc men trị bệnh; Bãi bỏ việc cất giữ tiền của gia đình gửi cho tù nhân; Trả lại sinh hoạt bình thường; Được mua hàng, vật dụng trực tiếp, không qua trật tự; Yêu cầu gặp Quản đốc (để giải quyết).

Địch đưa một Trung đội cảnh sát dã chiến và hàng trăm an ninh trật tự bao vây Bệnh xá, chúng yêu cầu đưa xác tù nhân đi chôn, sau đó sẽ gặp đại diện tù nhân bàn bạc. Anh em y tá và bệnh nhân chốt cửa Bệnh xá, cột dây thêm kẽm gai, chêm khoá, bám giữ chặt cửa, phát loa tố cáo địch, nêu các yêu sách. Trung tá Quản đốc Đào Văn Phô ra lệnh cho bọn an ninh trật tự ác ôn dùng chĩa, thanh sắt, dao, đâm những người tù trong Bệnh xá, phá cửa, dùng búa chặt đứt xít và đâm chém dã man nhiều tù nhân rồi cướp thi hài đồng chí Đoàn Hảo chạy ra ngoài. 35 tù chính trị đang điều trị tại Bệnh xá đã bị thương tích, trong đó có 2 người bị đâm nhiều nhát bằng dao găm.

Địch đóng cửa toàn trại, bỏ cơm bên ngoài cửa sắt. Phẫn nộ trước những hành động cực kì tàn bạo của kẻ thù, 860 tù chính trị ở 9 phòng Trại VI B kiên quyết không ăn và nêu thêm khẩu hiệu tố cáo địch bỏ đói tù nhân. Cuộc tuyệt thực kéo dài đến ngày thứ 12 thì địch phân tán 2/3 tù chính trị câu lưu về Trại II, nhưng anh em vẫn giữ vững vị trí chiến đấu và kiên định yêu sách. Đến ngày 29-9-1972, địch chấp nhận yêu cầu, giải quyết tất cả các yêu sách của anh em tại Trại VI Khu B. Buổi chiều 30-9-1972, chúng giải quyết yêu sách đối với số anh em phân tán về Trại II. Lực lượng tham gia đấu tranh gồm 9 phòng, trừ Bệnh xá (Phòng 6), 61 người bỏ cuộc, còn 763 người đã đi đến cùng, giành toàn thắng sau 19 ngày tuyệt thực.

Sau nhiều năm đấu tranh kiên cường, một mất một còn để bảo vệ khí tiết, địch mặc nhiên thừa nhận vị trí chính trị của tù câu lưu, để tù nhân được tự do sinh hoạt trong trại. Những ngày kỷ niệm cách mạng, tù chính

trị câu lưu Trại VI Khu B đều công khai kỷ niệm, trang trí bàn thờ Tổ Quốc và sẵn sàng tự vệ đánh trả nếu địch cho trật tự vào phá lễ. Nếp sống và sinh hoạt chính trị ở Trại VI Khu B giống như một vùng giải phóng giữa ngục tù Côn Đảo. Đó chính là kết quả kế thừa truyền thống đấu tranh kiên cường của Trại I - Trại cộng sản trước đây, được tăng thêm sức mạnh chiến đấu bởi sự đoàn kết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Lưu Chí Hiếu.

Tháng 12-1972, anh Phạm Văn Ba, sau một thời gian được đưa về Sài Gòn trị bệnh bị đày trở lại Côn Đảo. Gan góc và mưu trí, anh mang được 02 chiếc rađiô trót lọt vào Trại VI Khu B. Đảng bộ Lưu Chí Hiếu đã bố trí người cất dấu, bảo vệ và hàng đêm nghe tin tức, tình hình qua Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng, chép bản tin đọc chậm làm tài liệu sinh hoạt và giáo dục chính trị, lý luận cho tù chính trị.

Việc thành lập Đảng bộ Lưu Chí Hiếu đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của tù chính trị câu lưu. Đảng bộ Lưu Chí Hiếu thực sự trở thành bộ tham mưu chiến đấu lãnh đạo toàn bộ các hoạt động và tranh đấu tại Trại VI Khu B. Nhiều đảng viên của Đảng bộ sau này đã được cử vào Đảng ủy lâm thời, góp phần quan trọng trong thời điểm nổi dậy giải phóng hoàn toàn Côn Đảo.

Sự ra đời của Đảng bộ Lưu Chí Hiếu có vai trò đóng góp xuất sắc của hai đồng chí Trần Văn Cao và Trịnh Văn Tư. Trần Văn Cao tức Nguyễn Ngọc Cao, sinh năm 1917 tại Bình Thuận, Huyện ủy viên, bị bắt ngày 3-2-1958. Trần Văn Cao từng tham gia Liên chi ủy Nhà lao Gia Định, tham gia dự thảo Chỉ thị bảo vệ khí tiết, bị đày ra Côn Đảo tháng 7-1959, trực diện chống li khai, cùng 59 chiến sĩ kiên cường về Chuồng Cọp sau "Chiến dịch chuyển hướng" tháng 4-1960 rồi bị đánh rớt khi chỉ còn 21 người (9-1960). Nhận thức ra sai lầm, Trần Văn Cao đã nghiêm khắc kiểm điểm trước tập thể cốt cán, cùng nhau xây dựng phương án Kiến tạo lập trường khí tiết (10-1960) và luôn đứng hàng đầu trong cuộc đấu tranh vươn

lên, được tập thể tù chính trị câu lưu tín nhiệm cử vào Ban lãnh đạo ở các phòng.

Kiên trì tổ chức, kiên trì tranh đấu, bền bỉ vươn lên, song Trần Văn Cao và những người đồng chí hướng vẫn chưa xây dựng được một tổ chức Đảng thật sự. Trong một thời gian dài, những người có vai trò lãnh đạo của tù chính trị câu lưu đã bất đồng về quan điểm. Một số người đối lập quan điểm với nhóm Trần Văn Cao chủ trương trong tù không cần sinh hoạt, không cần tổ chức với lí do là ở trong tù, không có sự chỉ đạo của Trung ương, không ai lấy danh nghĩa gì mà tổ chức. Vào tù, mỗi người tự quản lí mình, tự bảo vệ sinh mạng chính trị của mình, khi nào bức xúc cần đấu tranh thì bàn bạc thống nhất phương châm hành động. Đứng đầu quan điểm này là Hoàng Dư Khương, nguyên Phó Bí thư Xứ ủy. Tán đồng với Hoàng Dư Khương còn có Trần Xuân Lê (Xứ ủy viên) và vài trăm người khác.

Tháng 7-1970, Trịnh Văn Tư bị đày ra Côn Đảo. Trịnh Văn Tư (Tư Cẩn) tên thật là Trịnh Văn Lâu, sinh năm 1927 tại Trà Ôn (Vĩnh Long) nguyên cán bộ binh vận Trung ương Cục, Khu ủy viên Khu 9, đặc trách chỉ đạo Vùng trọng điểm 2 (Vĩnh Long), bị bắt tháng 4-1970, thời hạn an trí 2 năm. Trịnh Văn Tư nhập cuộc, góp phần với những người có trách nhiệm ở Trại I củng cố đội ngũ, tổ chức học chính trị, lí luận, học các nghị quyết của Đảng một cách bài bản. Trịnh Văn Tư được tù chính trị câu lưu tín nhiệm bởi phẩm chất vững vàng về chính trị, bản lĩnh trong tranh đấu, giản dị, chân thành với đồng chí, bạn tù.

Trịnh Văn Tư đứng hẳn về quan điểm kiên trì tổ chức, kiên trì đấu tranh mà thuyết phục anh em. Cuối năm 1970, Hoàng Dư Khương bị bại liệt nặng, địch chuyển ra Sở Muối, Trịnh Văn Tư và Trần Văn Cao tiếp tục đấu tranh về mặt lí luận, quan điểm, thuyết phục được Trần Xuân Lê thay đổi lập trường, nghiêng về phía kiên trì tổ chức, kiên trì đấu tranh. Trên 200 tù chính trị câu lưu trước đây theo quan điểm không tổ chức, không

sinh hoạt trong tù cũng dần dần ngả theo. Số anh em này có phẩm chất chính trị tốt, chỉ hạn chế về mặt nhận thức và phần nào sùng bái cá nhân (đối với đồng chí Hoàng Dư Khương).

Từ năm 1971, tù chính trị câu lưu Trại I đã nhất trí về tư tưởng, quan điểm, tiến tới xây dựng tổ chức lãnh đạo tập trung và thống nhất, cả công khai và bí mật, dẫn đến bước phát triển mới của phong trào và sự ra đời của Đảng bộ Lưu Chí Hiếu. Các đảng viên được kết tập trong tù đều chuẩn chất, sau về đều được Đảng bộ các địa phương công nhận.

Một phần của tài liệu ĐẤU TRANH của các CHIẾN sĩ yêu nước và CÁCH MẠNG tại NHÀ tù côn đảo THỜI kỳ 1955 1975 (Trang 96)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w